IV. Những trang bình luận
Ngô Văn Phú
10:8', 11/5/ 2005 (GMT+7)

Hàn Mặc Tử, một hồn thơ dị biệt

Biết nói gì về Hàn Mặc Tử, khi biết bao người đã mến mộ ông, ca ngợi ông, tìm và lấy ra những gì mà người trước chưa đề cập đến hết. Đương thời không ai yêu Hàn Mặc Tử hơn Chế Lan Viên, Hoài Thanh yêu cả phong trào Thơ Mới, yêu Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, lại cũng là người cảm nhận ở Hàn Mặc Tử một vị trí khác hẳn mọi người. Ông là người xác nhận ở Hàn Mặc Tử có một tâm hồn, một tài năng dị biệt mà cả “khen hay chê đều là bất nhẫn” (Thi nhân Việt Nam) Quách Tấn, Yến Lan đều yêu thương, mến mộ Hàn Mặc Tử mặc dù yêu mỗi người theo một cách. Xưa kia những người làm thơ yêu nhau như thể tình nhân, và bởi thế họ mới hiểu nhau đến ngọn ngành và bảo vệ nhau mãi mãi.

Gần đây, thơ Hàn Mặc Tử lại xôn xao khơi gợi trong lòng lớp các nhà thơ trẻ. Họ cảm nhận ở Hàn Mặc Tử có một điều gì gần gũi với họ, muốn vươn tới một điều gì ở sự đổi mới nội tại của thi ca.

Nghiên cứu lại cuộc đời Hàn Mặc Tử, chắc cũng có nhiều điều thú vị. Về tuổi tác, Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, so với Huy Cận, Xuân Diệu ông đều hơn tuổi. Và khi phong trào Thơ Mới, sau Phạm Huy Thông, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, nổi tiếng một loạt, rồi mới đến Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Chế Lan Viên kém Hàn Mặc Tử đến 8 tuổi. 16 tuổi tức là năm 1936, Chế Lan Viên xuất hiện với Điêu Tàn, và lập tức nổi tiếng như một tài hoa độc đáo và đặc biệt. Còn Hàn Mặc Tử khi xuất hiện đầu với tập Gái quê, là sự hình thành giữa cái hồn thơ Á Đông với phong trào tình cảm mãnh liệt của Thơ Mới. Xuân Diệu thích Rimbaud và Verlaine, Chế Lan Viên mê Edgar Poe, còn Hàn Mặc Tử thì không tuyên bố mình thích một nhà thơ phương Tây nào. Hình như ông đọc các thi nhân nổi tiếng ở thời ấy để tìm cho mình một lối thơ mà ông thích. Ông có thể chơi với tác giả Mùa cổ điển, tức Quách Tấn, và rất thích những bài thơ Đường luật có tứ rất mới, rất trau chuốt của Quách Tấn ấy, nhưng đột nhiên chuyển hẳn sang một bước mới. Thơ của ông bước vào trận xoáy lốc, hòa trộn giữa đời người, đời thơ; giữa sự cảm nhận tận đáy lòng về khổ đau và hạnh phúc; giữa cứu cánh, cầu mong những thứ siêu hình và những khát vọng riêng tư, của chính cuộc đời sống hết mình trong bệnh tật, trong đắm đuối thi ca, và trong những cảm nhận linh thiêng chỉ ông mới có giữa cõi huyền vi và cuộc đời trần thế...

Ở Hàn Mặc Tử, lúc chưa mắc bệnh hiểm nghèo, thơ đã là cứu cánh. Hàn Mặc Tử sống ở đời tức là sống cho Thơ. Thơ với ông là tất cả. Thơ nhằm gửi gắm những cái đẹp nhất, say nhất, phút thăng hoa nhất, cảm nhận sảng khoái nhất, những yêu thương si mê cuồng nhiệt nhất, những  giao lưu huyền thoại nhất giữa vũ trụ và tâm linh, giữa đơn độc và bao la, giữa khao khát và phía bên kia là hạnh phúc no đầy không vươn tới được.

Thơ Hàn Mặc Tử tự nội tâm mà vọt ra, từ cái thế giới riêng trong nhận thức của ông mà ông viết, do đó tự ông có một phong cách, không giống bất cứ một nhà thơ nào. Ông mới mẻ, ông xúc động đến tột độ đến mức người ta không theo kịp những sự vận động nội lực mà chỉ một tâm hồn ông mới giải thích nổi. Một người tài hoa, phóng khoáng, mê nghệ thuật như Hoài Thanh, phải thốt lên rằng: “Ngót một tháng trời, tôi đã đọc thơ Hàn Mặc Tử. Tôi đã theo Hàn Mặc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội, và tôi đã mệt lả...”. Ông lại viết “Trời đất (trong thơ) thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc chắn cũng không bao giờ hiểu được!”. Thấy chưa đủ, Hoài Thanh nhấn mạnh thêm “Lại có khi ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mặc Tử rất dễ sợ!”.

Thơ của Hàn Mặc Tử là sự giằng xé của một con người khát yêu, khát sống, có khả năng giao lưu, trò chuyện với mây, gió, sao trăng, với Chúa và Thánh nữ đồng trinh bằng những tình cảm chói sáng nhất, ngây ngất nhất, dâng hiến trọn vẹn, lại là kẻ bất hạnh nhất, bệnh tật nhất, cô quạch nhất. Cái điên cái cuồng trong thơ Hàn Mặc Tử, chính là tiếng đập phá đầy sức mạnh và cũng là bất lực của sự ngăn cách ấy, của cảnh trí trên ấy. Yêu thương, điên loạn trong yêu thương, nên trong cái loạn, cái điên vẫn có cái thực. Ai nhận ra cái thực ấy thì thấy được lối viết nhất quán nội lực của Hàn Mặc Tử, nhận ra một tài năng dị biệt của thơ ông. Còn ai không nhận ra, thì chính là người bị ràng buộc trước những cảm quan thông lệ, của những kẻ người trần mắt thịt. Chủ tướng của phong trào Thơ Mới Xuân Diệu, người đã được coi như niềm tự hào của thi ca thời đó, trước Hàn Mặc Tử, ,mà lạ thay lại chưa hiểu được ông... Tuy nhiên Xuân Diệu không dẫn đích danh, mà chỉ xa xôi bóng gió: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống!”.

Thế mới biết hiểu thơ nhau thật khó. Xuân Diệu còn thế, huống chi ai bây giờ chưa hiểu được thơ Hàn Mặc Tử, không nên lấy thế làm buồn.

Là một người làm thơ Nhà quê, chủ trương chân thật giản dị, nhưng càng đọc thơ Hàn Mặc Tử, tôi càng thèm khát những lúc cái khuấy lộn của suy tư, tình cảm được diễn đạt thấu đạt nhất bằng thơ, và những ngôn từ lúc ấy chính là máu, là thịt, là hồn, là xác của người thơ.

Sống hết mình cho thơ, thơ viết hết mình. Đó là Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử là một chủ tướng trong cuộc đổi mới thi ca, nhưng chính ông chỉ cần mình có nhu cầu riêng cho Thơ ca. Kiểu của mình ông không khoa trương, không cần biết đến các chuyện khen chê. Ông chỉ viết theo tâm hồn mình, trí não mình, cảm hứng của mình đòi hỏi... Ông trẻ và mới cho đến tận bây giờ.

1990

 

Vương Trí Nhàn

VẺ ĐẸP KỲ DỊ

HAY LÀ: HÀN MẶC TỬ TRONG NHỮNG LIÊN HỆ

VỚI NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI

Trong bài thơ “Thương ngô trúc chi ca” số XIII, Nguyễn Du từng tả cây liễu “Tối điên cuồng xứ tối phong lưu” (dịch nôm: Lúc càng điên càng đẹp, càng khiến người ta say mê).

Chỗ xứng đáng để đặt câu thơ mang tinh thần hiện đại ấy có lẽ là một phòng tranh nào đó của các họa sĩ lớn thế kỷ XX.

Nhưng cũng sẽ là rất thích hợp nếu người ta dùng nó, cái quan niệm mỹ học phóng túng đó, để soi sáng cho một hiện tượng kỳ lạ của thi ca Việt Nam: Những tập thơ “Gái quê”, “Đau thương”, “Xuân như ý”.. của Hàn Mặc Tử (1912-1940). 

 

Không kể thơ cổ điển mà ngay thơ Việt Nam hiện đại cũng có cái giọng thiên về chừng mực. Với phong trào thơ mới, tâm hồn dân tộc đã làm một cuộc bộc bạch khá cởi mở, ở đó, càng lúc người ta bắt gặp cái say đắm nồng nàn của Xuân Diệu, những giây phút ngà ngà ngớ ngẩn ở Lưu Trọng Lư, những phen chếnh choáng lảo đảo cố ý của Vũ Hoàng Chương. Nhưng bằng ấy sự say sưa đều dừng lại khá xa trước ranh giới của sự điên dại. Chỉ riêng có một mình Hàn Mặc Tử - do những may mắn ngẫu nhiên mà cũng là bất hạnh trời đày (như mọi người đều biết) xui khiến - đã phiêu lưu vào khu vực ấy - khu vực của những kích động tình cảm lên tới cùng cực, khu vực của những mê man quyến rũ gần như mất trí. Và trước mắt chúng ta là một giọng thơ độc đáo không chia xẻ âm hưởng với ai hết.

Trung thành với một tập quán đã thành truyền thống, ở Xuân Diệu, Huy Cận cũng như ở nhiều người khác, thi sĩ bao giờ cũng hiện ra như một người tinh tế, dịu dàng, chỉ sợ mỗi cử động mạnh của mình làm kinh động cả đất trời. “Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ - Im lìm không dám nói năng chi” (Trăng - X.D) hoặc “Chân bên chân hồn bên hồn yên lặng” (Đi giữa đường thơm - H.C). Đến Hàn Mặc Tử thì nói cách tiếp nhận đời sống khác hẳn, người làm thơ không có thì giờ nghĩ về mình nên cách bộc lộ có sỗ sàng, sống sượng, thậm chí bệnh hoạn cũng không quản ngại. Người quen tìm thấy ở thơ một sự ru rín vuốt ve, một lời vỗ về thông cảm hẳn không thể chịu được khi thấy ở đây thơ rặt một giọng “ái tình bắt đầu căng” “ô hay người ngọc biến ra hơi” với lại “khi hương thơm kề lỗ miệng - khi tình mới chạm vào nhau”. Trong thơ Hàn Mặc Tử, gió heo may cũng rên xiết, thu héo nấc thành những tiếng khô và những cây cối mảnh khảnh cũng run lên cầm cập. Đi ngược với quan niệm về sự tế nhị, trong thơ Hàn Mặc Tử, những từ ngữ có liên quan đến động tác của cái miệng luôn được sử dụng, nhà thơ rất hay nói đến máu huyết.

- Mây bay vào cuống họng

- Hơi đắng dịu ... liếm cặp môi trần

- Tôi cắn lời thơ để máu trào

Sau khi bảo mình “thương giơ tay níu ngàn mây  - đi lại lang thang trên ngọn cây”, sau khi thú nhận “tôi toan hớp cả váng trời - tôi toan đớp cả miếng cười trong khe”, nhà thơ tự hiểu:

- Đêm nay ta lại phát cuồng

- Tôi điên tôi nói như người dại

Thật ra, một người điên không bao giờ biết mình điên, không bao giờ nói to lên rằng theo sự đánh giá thông thường, thì mình bị coi là đã hóa dại rồi. Chẳng qua, Hàn Mặc Tử buộc phải “gào lên, rú lên” như vậy mới nói hết ý mình. Trên đại thể, nhà thơ Việt Nam mất từ năm 1940 này có thể ký tên sau những phát biểu kỳ lạ sau đây của một người đương thời với chúng ta và chỉ mới mất đầu năm 1989 - họa sĩ Tây Ban Nha vĩ đại Salvador Dali.

- Tôi chỉ khác những người điên ở chỗ tôi không điên.

- Mọi hành động sáng tạo đều là hành vi của chứng hoang tưởng tự đại. Người nghệ sĩ chẳng khác gì thượng đế. Với động tác của bàn tay họ, họ sáng tạo ra các thiên thể và bản thân họ cũng trở thành một thiên thể. Hành động sáng tạo bao giờ cũng là một hành động mạo hiểm.

So với những thi sĩ đương thời, có một đóng góp của Hàn Mặc Tử mà không ai phủ nhận được là đóng góp vào việc mở rộng biên giới của thơ. Dù có xôn xao chộn rộn trong những tưởng tượng phong phú đến đâu thì những Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... vẫn còn nặng nợ nhiều với cuộc sống trần tục. Không ai dám mê man đi trên con đường tới cái hư vô như Hàn Mặc Tử, đúng hơn là không ai buộc phải làm vậy. Về phần mình, vốn nặng cảm giác tôn giáo lại được sự điên dại hỗ trợ, Hàn Mặc Tử sống với thế giới siêu hình một cách tự nhiên đến mức ông bảo “hư thực làm sao phân biệt nổi”. Tiếng thơ trong Đau thương, Xuân như ý đôi khi phải gọi là “lời năn nỉ của hư vô” mà chỉ Hàn Mặc Tử mới nghe được. Nhưng đây mới là một phía, phía thứ hai của biên giới cảm xúc cũng được Hàn Mặc Tử mở rộng: nhà thơ hóa lạ ngay chính mình: Chân tay thân thể da thịt con người, những thứ tưởng ai cũng thấy, những thứ không ai để ý vì chẳng có vẻ gì nên thơ, trong con mắt Hàn Mặc Tử bỗng trở nên thiêng liêng bí mật. Chúng luôn luôn mời mọc kích động, chúng làm nhà thơ nôn nao cả lên, bỡ ngỡ như gặp được cái gì cả đời mới thấy. Đọc đi đọc lại những “Trăng đang nằm trên sóng cỏ - Gió đưa trăng đến bờ ao - Trăng lại đẫm mình xuống nước - Trăng nước đều lặng nhìn nhau - Đôi ta bắt chước thì sao?”, những “ống quần xo xắn lên đầu gối - Da thịt, trời ơi ! Trắng rợn mình”, những “ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm - Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”, người ta có thể bảo là sống sượng quá. Nhưng thành thực với mình một chút, phải nhận những câu thơ gợi nhục cảm dó chỉ phóng to lên những rung động mà ta vốn có, chẳng qua ta gạt ngay đi, thành ra ngỡ như chúng không tồn tại. Chính Hàn Mặc Tử cũng từng bị giam hãm trong vòng cương tỏa của thói quen, ông cũng là người bị mặc cảm đè nặng và nhiều câu thơ buột ra như một sự dứt bỏ, tự giải phóng, nếu không làm sao cái cảm giác bẽn lẽn ngượng ngập, thèm khát sự trong trắng lại thường xuyên đi về trong thơ ông đến vậy.

- Mới lớn lên em đã thẹn thò,

- Em sợ lang quân em biết được

Nghi ngờ đến cái tiết trinh em

- Quên cả hổ ngươi cả thẹn thùng

Khi cho mỗi người đọc cảm thấy rằng sự e lệ ở mình cũng như ở mọi người chẳng qua là một sự e lệ rất tà tâm, quả thật Hàn Mặc Tử đã tiếp cận với nhiều cách hiểu tinh vi về con người hiện đại.

Không có gì thực hơn gần gặn hơn mà lại hư vô hơn với mỗi kiếp người là cái chết. S. Dali từng kể ông không ngừng nghĩ đến nó, ông coi nó như bạn đường trung thành nhất của ông, nó ở ngay trong nội tâm ông. Rồi họa sĩ nói tiếp: “cái chết vận hành trong tôi, không ngưng nghỉ, giống như cát chảy trong đồng hồ cát”. Ông hiểu rằng “có một sự hủy diệt tuần tự xảy ra trong đó”, bởi vậy, với ông cuộc sống “lại tỏ ra đẹp đẽ hơn bao giờ hết”. Tưởng như với những lời thú nhận đó của Dali được viết để cắt nghĩa thơ của Hàn Mặc Tử, nhất là ở những tập thơ ông đã biết rằng ngày tận thế của mình không xa nữa. Có điều lạ là cái chết hiện diện ngay trong cả những câu thơ Hàn Mặc Tử viết về vẻ đẹp. Ở vào ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, vẻ đẹp trong thơ ông là một vẻ đẹp lạnh, ma quái nhưng lại hết sức quyến rũ, giống như sự bùng nổ mạnh mẽ của những gì sắp tàn lụi mà người ta biết là không sao cưỡng nổi. Ai đó đã than “Phải vì tất cả đều đang đi đến cái chết, nên tất cả mới hiện lên rực rỡ đến thế ?!”

Theo Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941 cho biết, ngay từ 1940, Xuân Diệu đã từ chối thẳng thừng Hàn Mặc Tử và bản thân Hoài Thanh cũng cảm thấy rằng chỉ nên nói về Hàn Mặc Tử một cách dè dặt. Sự từ chối đó, sự dè dặt đó là rất thành thực. Đặt trong hoàn cảnh thơ Việt Nam trước 1945, phải nhận thơ Hàn Mặc Tử là một cái gì độc đáo vươn ra ngoài thói quen cảm nhận thông thường như tranh của những S. Dali, H. Miro, J. De Chirico...khi mới xuất hiện đã là không bình thường và ngay ở châu Âu cũng phải rất lâu mới được chấp nhận. Tuy nhiên, khoa nghiên cứu nghệ thuật hiện đại cũng đã chứng minh rằng những tìm tòi lúc đầu bị coi là phi lý, trừu tượng đó đã có mầm mống từ lâu trong tư duy của nhân loại. Ngay từ thời trung thế kỷ, có một họa sĩ Hà Lan là Jerome Bosch (khoảng 1450-1460/1516) đã vẽ nên những bức tranh rất gần với Dali, Miro. Nói như một nhà văn Liên Xô, ông V. Tenđriakov thì trong Bosch “vẻ dịu dàng ở cạnh phút hấp hối, nét trinh bạch ôm ấp sự trụy lạc, cảm giác hứng khởi xen lẫn cơn tởm lợm”, khiến người xem tranh của Bosch “vừa sảng khoái vừa ớn lạnh”. Khi đã xem tranh của những Dali, Miro và lần về tới Bosch như thế người ta không có lý do nào để nói rằng Hàn Mặc Tử đơn độc nữa.

1990

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Tôi vẫn còn đây"  (02/05/2005)
Chế Lan Viên (tiếp theo)  (27/04/2005)
Chế Lan Viên  (21/04/2005)
Yến Lan  (19/04/2005)
Quách Tấn  (19/04/2005)
Vũ Ngọc Phan  (14/04/2005)
Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân  (12/04/2005)
Nguyễn Văn Xê  (10/04/2005)
Thi Nại Thị, Quách Tấn, Yến Lan  (10/04/2005)
Hoàng Diệp  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)  (31/03/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)