V. SỰ TÍCH NHỮNG TRANG THƠ
DANH VÀ THƠ TÔI SẼ RẠNG NGỜI NHƯ BÓNG TRĂNG
9:52', 12/5/ 2005 (GMT+7)

Mỗi người tồn tại giữa nhân gian cùng một tên gọi, một danh xưng để tạo ra sự phân biệt các cá nhân khác với tư cách cá nhân này. Trong văn thơ lại cần phải thế, cần có sự gọi đích danh và không lẫn lộn, mà đỉnh cao của nó là sự độc đáo và cá tính nghệ sĩ. Ngay cả một người viết chọn hai chữ “vô danh” thay tên cũng là một cách khác người. Vả chăng ngoài cái tên cúng cơm vàng ngọc đầy tình yêu thương của hai đấng sinh thành đặt cho, người ta còn muốn gói ghém, muốn gởi gắm, muốn bày tỏ một khát vọng, một ý chí, một hoài bão qua một danh hiệu khác. Khi danh hiệu lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác, là nó đã sống, bằng tâm huyết của người chọn nó làm danh.

Cậu học trò mê thơ Nguyễn Trọng Trí khi làm những bài thơ Đường luật đầu tiên đã nắn nót ghi dưới mỗi bài thơ ba chữ Minh Duệ Thị. Nhưng rồi thấy hiệu Minh Duệ Thị có vẻ cổ kính, đọc nghe không vang, và cũng ít ai để ý, người làm thơ bèn chọn một chữ khác. Trước một thiếu niên đang nuôi nhiều hoài vọng, mọi con đường đều dẫn về tương lai và có sức vẫy gọi vươn tới. Nguyễn Trọng Trí muốn bước vào thử thách với một nghị lực dồi dào, với tinh thần dấn thân. Hai chữ Phong Trần, với một phong vị mới, có chút gì trải đời, có chút gì sương gió, đi vào làng thơ làm dậy lên thanh khí một thời.

Hiệu Phong Trần, ghi dấu một đoạn đời thơ ca lừng lẫy (1930-1934) được nhắc đến rất nhiều ở miền Nam qua Phụ nữ tân văn (Sài Gòn) và miền Trung qua Tiếng dân (Huế). Người ta tìm kiến Phong Trần Quy Nhơn là ai mà “thơ hay bất nhơn” để làm quen, để liên kết bạn bằng. Phong Trần với mấy bài thơ dự thi lần đầu đã chiếm giải nhất cuộc thi thơ của Mộng Du thi xã.

Những bài thơ trước năm 1935 sau này tập hợp thành Lệ Thanh thi tập, phần lớn được viết thời Hàn Mặc Tử còn mang bút hiệu Phong Trần. Một lần Quách Tấn nhận xét rằng: “Trí vốn vóc dáng mảnh khảnh, tính tình lại thuần hậu, hiệu Phong Trần tuy có hay nhưng không hợp với người”. Thế là Hàn Mặc Tử lấy chữ đầu của chánh quán (Lệ Mỹ) ghép với chữ đầu sinh quán (Thanh Tân) làm hiệu.

Chỉ được ít lâu, Quách Tấn lại bảo Hàn Mặc Tử rằng, cái hiệu Lệ Thanh nghe yểu điệu thục nữ quá. Thỉnh thoảng, ông gọi đùa bạn là “Cô Lệ Thanh”. Sau những lần trêu đùa ấy, hai chữ Lệ Thanh bị xếp vào một chỗ. Bút danh Hàn Mạc Tử ra đời.

Trí lấy làm vừa ý, tin rằng sẽ không còn sự thay đổi nào nữa. Hàn Mạc có nghĩa là bức rèm lạnh. Một người đứng sau bức rèm lạnh quan sát nhân gian. Thật là độc đáo. Gặp Quách Tấn, nhà thơ cao hứng khoe với bạn. Không ngờ Quách Tấn bật cười:

- Kể cũng ngộ ! Tránh kiếp phong trần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kẻ nương rèm lạnh. Tránh lờ phải lưới. Sao mà luẩn quẩn vậy?

Lần này thì Trí nổi cáu:

- Anh này thật đa sự ! Không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh ?

Quách Tấn gợi:

- Đã có rèm thì thêm bóng trăng vào. Còn cảnh nào nên thơ bằng. Tử hội ý, đưa bóng trăng nghiêng trên chữ A trong chữ Mạc, thế là Mạc thành Mặc. Chỉ thêm một dấu... mà đổi nghĩa cả một nhóm từ. Chữ Hàn đi kèm với Mạc (bức rèm) thì mang nghĩa là lạnh, nhưng khi đi với Mặc (mực) thì nghĩa của Hàn là bút. Hàn Mặc Tử - anh chàng bút mực, vị khách văn chương.

Hàn Mặc Tử nghĩ ngợi hồi lâu rồi chậm rãi nói:

- Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như bóng trăng. Đó là niềm ao ước chính đáng không chỉ một lúc mà suốt đời Hàn Mặc Tử đa mang. Khi nhà thơ lâm bệnh và biết rằng mình không thể ở dài ngày với thế gian, niềm ao ước đó càng nhân lên tột bậc:

Tôi ước ao là tôi ước ao

Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao

Như bông trăng nở, bông trăng ở

Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào.

(Ước ao)

Có điều không phải đợi đến lúc về với sao sương, ngay giữa cõi con người, giữa bạn bằng thân hữu, Hàn Mặc Tử đã cầm lời tiên tri của chính mình về số phận mình, vừa đau đớn vừa vinh quang, bước lên con đường thơ ca đầy hương thơm và mật đắng.

 

“DẪN HỒN ĐI RÒNG RÃ MỘT ĐÊM NAY”

Ấy là một đêm cuối thu của Hàn Mặc Tử trên bãi biển Quy Nhơn. Gọi là đêm cuối thu của Hàn Mặc Tử, vì suốt bờ cát dài hiu quạnh, chỉ mỗi mình thi nhân đối bóng với trăng khuya. Lại còn vì sau đêm ấy, một “cuối thu” rất Hàn Mặc Tử đã ra đời:

Lụa trời ai dệt với ai căng?

Ai thả chim bay đến Quảng Hàn?

Và ai gánh máu đi trên tuyết?

Mảnh áo da cừu ngắm nở nang?

(Cuối thu)

Đó là những vần thơ mà thi sĩ vội vàng ghi lại trong nỗi ám ảnh điên cuồng, sau khi để trăng “dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay - hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc”.

Nhưng càng ngày, nỗi ám ảnh ấy nguôi dần đi, khi mà sự khuấy động đã rời xa cơ bắp nhà thơ qua một cuộc chạy trốn hãi hùng. Thay vào đó là nỗi ám ảnh khác, lặng lẽ và dai dẳng, từ từ thấm vào hồn một cảm giác rùng rợn không sao dứt bỏ được đã ghi dấu trong thơ:

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi

Trăng ngập đầy sông nỗi láng lai

Buồm trắng phất phơ như cuống lá

Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai

(Cô liêu)

Tất cả đều bắt nguồn từ đêm cuối thu ấy.

Giữa một không gian rộng lớn, vầng trăng chiếu xuống thứ ánh sáng xóa nhòa mọi giới hạn, con người ngồi im lìm kia với nỗi cô độc có lẽ là cái giới hạn duy nhất hiện thời. Đến một khoảnh khắc nhất định, cái giới hạn duy nhất ấy không còn đủ sức khuôn giữ phần hồn đang bị thiên nhiên đánh đắm:

“Đêm tạnh hết sức, tạnh đến nỗi nghe rõ cả tiếng chiêm bao ! - (Hồi ức của Hàn Mặc Tử) - Cảnh trời thật mênh mông bát ngát. Lòng tôi lại mênh mông bát ngát bằng hai... Thân tôi chìm trong không gian và hồn tôi chìm trong cõi lòng rộng vô biên.

Tôi có một cảm giác ngờm ngợp...”

Sự mời gọi của thinh không đã thắng thế.

Mà không chỉ là sự mời gọi. Đó là một sự lôi cuốn, sự lôi cuốn mãnh liệt như cơn gió lốc bứt lìa chiếc lá khỏi nhánh mùa thu và quay tít chiếc lá mỏng manh trong vòng xoáy của mình, mãnh liệt đến nỗi phần hồn trầm ngợp kia phải ngoan ngoãn tuân theo với cảm giác vừa tỉnh táo lại vừa mê muội, vừa tò mò lại vừa khiếp sợ. Đó là phút “hồn lìa khỏi xác” lạ lẫm với chính mình: “Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay”. Trí tưởng tượng phi thường đưa Hàn Mặc Tử đến với những hình ảnh huyễn hoặc:

“Chợt nhìn lên trời, thấy bóng trăng đã đứng đỉnh đầu, và nhìn bên cạnh thấy một bóng người ngồi sát. Liền đó, từ trong bóng người ngồi bên cạnh tôi, bước ra một bóng thứ hai, đi từ từ ra biển và bước lững thững trên mặt nước... Rồi hai bóng đều biến mất và mặt biển đông lại thành tuyết sáng ngời dưới bóng trăng khuya”.

Một thế giới của cõi âm biến diễn, đồng thời với nó là trạng thái tê điếng từ từ của thể xác. Cái nền lặng ngắt của ánh sáng trăng khuya khiến cho quá trình ấy trở nên sẽ sàng, chậm chạp - khả năng nghe ngóng của tâm linh dần dần đi đến chỗ khờ dại, lạnh cóng. Sự tan biến của hai chiếc bóng và sự đông lại của nước biển phải chăng chính là hiện tượng tê liệt của phần hồn được Hàn Mặc Tử điễn tả bằng hình tượng?

Ai đi lẳng lặng trên làn nước

Với lại ai ngồi khít cạnh tôi

Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng

Không nói không rằng, nín cả hơi

(Cô liêu)

Nhưng mà chưa hết. Trên mặt tuyết băng lạnh của biển khuya, Hàn Mặc Tử bỗng thấy hiện ra một người gánh máu đi về phía mình. Mảnh áo lông cừu đong đưa hé ra thân vóc nở nang đang chuyển động nhịp nhàng theo nhịp bước, huyết trên đường lã chã rớt xuống mặt tuyết sáng ngời. Hàn Mặc Tử khiếp đảm hét lên, vụt đứng dậy chạy một mạch về nhà. Lần này thì phần hồn nhà thơ bị ngọn sóng thần ảo giác dồi lên thật cao rồi quật mạnh xuống, quất ào vào các cảm quan đã tê liệt vì những cảnh tượng ban đầu, đánh thức khả năng tự vệ của con người. Nhà thơ chạy vừa đến nhà thì ngút hơi, té vật xuống thềm chết giấc.

Ta nằm trên vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

Hàn Mặc Tử, từ đó, với Cuối thu đã dẫn trên kia, với Say trăng, Hồn là ai, Cô liêu, Sáng láng và hàng loạt bài thơ khác, đã tái hiện đến mấy Liêu Trai trong cõi thơ đầy ám ảnh của mình.

 

ĐIỆP KHÚC TRĂNG

Từ khi biết mình lâm bệnh, Hàn Mặc Tử sống cách ly những người thân trong gia đình. Nơi ở của Hàn Mặc Tử là một túp lều tranh nho nhỏ ở xóm Động thuộc phía Tây thành phố Quy Nhơn. Trong đó vỏn vẹn một chiếc chõng tre làm giường nằm, một bàn viết, hai cái ghế đẩu, và vài bộ quần áo để thay đổi. Bầu bạn sớm hôm với nhà thơ là một em nhỏ tên Hành. Ngày hai buổi, Hành về nhà xách cơm nước tới cho Hàn Mặc Tử.

Gần chỗ Hàn ở có một anh chàng đánh cá, độ ngoài 30 tuổi. Hàng ngày, lúc ra biển hay từ biển về, lúc ru con hay cao hứng, anh ta cất tiếng hát. Và anh ta hát độc nhất một câu: “Tăng tăng tăng, cà tăng tăng tăng. Tăng tăng tăng, cà tăng tăng tăng”. Hàn Mặc Tử thường nhìn anh ta vừa đi vừa hát, lòng thấy vui vui. “Tăng tăng tăng, cà tăng tăng tăng”. Anh hát mãi như thế không chán. Hàn Mặc Tử nghe mãi như thế cũng không chán. Khi nói về anh với bạn bè, nhà thơ gọi bằng cái tên âu yếm: “Cây đàn độc điệu của tôi”.

Hàn Mặc Tử rất yêu trăng. Nhưng từ khi bị phong, cảm giác ngứa xót day dứt tăng lên theo những đêm trăng tỏ làm Hàn khổ sở. Mỗi mùa trăng trở về đánh thức trong thi sĩ cả niềm đam mê lẫn sự dày vò. Trong căn lều nhỏ của mình, nhà thơ nằm ngửa mặt trên chõng tre, ngắm từng giọt trăng qua lỗ dột mái lều. Khi không chịu nổi sự tê tái điên dại của thể xác, Hàn đi lang thang suốt đêm trên bãi biển. Ngủ với trăng, say trăng, rượt trăng, chơi trên trăng, trăng tự tử là một chuỗi các cảm giác chen chúc, xô đẩy nhau trong tâm cảnh nhà thơ - ngất ngư và nhàu nát, rơi rụng và tan vỡ, hoảng loạn và lạc loài. Trong các bài thơ trăng đầy ám ảnh ấy, người ta thấy một bóng người nhỏ bé giữa xứ trăng, bị trăng dồn ép tứ phía, phải giằng co, giãy dụa. Nhưng mà tuyệt nhiên chưa bao giờ trăng bị người ấy từ chối. Người ấy là Hàn Mặc Tử. Trăng và Hàn giống như hai người tình luôn dằn vặt nhau trong một mối ràng rịt không gỡ được - đó là lòng say mê.

Tất nhiên là có những khoảng khắc vầng trăng tươi cười với thi sĩ. Cơn nhức nhối xót xa lắng dịu đi, chỉ có ánh sáng huyền ảo bao trùm lên tĩnh vật, gợi nơi Hàn niềm ham sống. Chính trong lúc như thế, cái điệu “tăng tăng” của anh đánh cá khỏe mạnh vô tư chợt vang lên trong lòng nhà thơ những điệp khúc nhẹ nhàng xua đi sự cô quạnh. Tâm hồn Hàn Mặc Tử như bị cuốn theo điệp khúc hồn nhiên đó, tràn ngập ước mơ về một tương lai tươi sáng. Cái hy vọng lành bệnh ẩn sâu sau niềm vui chân thành như trẻ thơ thật đáng cảm động được viết ra với những dòng thơ vừa rộn rã vừa nâng niu:

 

TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC

Trăng, Trăng Trăng ! Là Trăng, Trăng , Trăng !

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...

Bao giờ đậu trạng vinh quy đã

Anh lại đây tôi thối chữ thơ

 

Không, không, không ! Tôi chẳng bán hòn trăng !

Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng

Tôi nói thiệt, là anh dại quá

Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang

 

Trăng, Trăng Trăng ! Là Trăng, Trăng , Trăng !

Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi

Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi

Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi

Trăng mới là trăng của Rạng Ngời

 

Trăng, Trăng Trăng ! Là Trăng, Trăng , Trăng !

Hàn Mặc Tử yêu quý cuộc sống biết là nhường nào ! Vì quá thiết tha với cuộc sống, nhà thơ mới trải lòng nhặt từng giọt sống xanh biếc được tung ra từ nhân thế quanh mình. Rồi bằng phép màu của trái tim thi sĩ, Hàn Mặc Tử mang giọt máu ấy vào thơ, nhân nó lên bội phần. Nhà thơ đã cố sống gấp bội theo những vần thơ ấy, chừng như để bù lại chiều dài năm tháng của đời mình đang héo hon rơi rụng vì căn bệnh phũ phàng.

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngô Văn Phú   (11/05/2005)
"Tôi vẫn còn đây"  (02/05/2005)
Chế Lan Viên (tiếp theo)  (27/04/2005)
Chế Lan Viên  (21/04/2005)
Yến Lan  (19/04/2005)
Quách Tấn  (19/04/2005)
Vũ Ngọc Phan  (14/04/2005)
Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân  (12/04/2005)
Nguyễn Văn Xê  (10/04/2005)
Thi Nại Thị, Quách Tấn, Yến Lan  (10/04/2005)
Hoàng Diệp  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)  (31/03/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)