Căn gác số 162 đường d’Espagne, nơi Hàn Mặc Tử cư ngụ thời kỳ vào Nam làm báo, nằm gần Khám Lớn Sài Gòn. Nhìn ra ngoài cửa sổ, hình ảnh trước tiên hiện ra là cành me xanh thẫm, luôn luôn đu đưa trước gió.
Hàn Mặc Tử ít khi đi chơi tối. Thi sĩ thường ngồi im trên gác nghe tiếng trống đổi canh và tiếng tắc kè gõ vào đêm thâu u tịch. Vì căn gác trống trải, lại dột khắp nơi nên mỗi khi trời mưa nước từ trên rỏ xuống, nước từ ngoài bay vào, ướt cả sách vở lẫn chỗ nằm. Bù lại những ngày mưa khốn khổ là những đêm sáng trăng. Hàn Mặc Tử thường thức rất khuya để ngắm trăng. Vào những giờ này, Sài Gòn đã dấu đi cái náo nhiệt dưới những tòa nhà san sát. Ở một độ cao nhất định so với mặt đường, nhìn ngang ra các cành lá me ướt đẫm ánh trăng, cảnh vật vô cùng sống động và thi vị. Sau những đêm trăng như thế, Hàn Mặc Tử đã viết nên bài thơ trăng nổi tiếng của mình - bài Bẽn lẽn.
Từ trước đến nay, bao nhiêu lần người ta bình luận hay trích, tuyển thơ Hàn Mặc Tử là bấy nhiêu lần bài thơ trăng độc đáo đó được nhắc đến, được in ra. Hình như không có trường hợp nó bị bỏ quên. Nó là một trong các bài thơ tiêu biểu của tập Gái quê. Người ta đọc và bắt gặp ở đó một ánh trăng lả lơi, rạo rực và khêu gợi... Có thể. Nhưng chưa hề có một lời nào bảo rằng đấy không phải là trăng nhà quê. Bởi vì vầng trăng ấy “mọc” trong cảnh quê, trong đôi mắt một gái quê. Hồn thơ Hàn Mặc Tử đã biến nó ra như vậy, không để chút dấu vết gượng ép nào. Ai mà ngờ nó bắt đầu từ ánh trăng đô thị?
Cũng như vậy, có ai ngờ giữa Sài Gòn náo nhiệt, Hàn Mặc Tử vẫn viết được những vần thơ tự nhiên duyên dáng, tràn đầy thứ nhạc điệu êm đềm chỉ có ở đồng quê:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê.
(…)
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
(Tình quê)
Quả là Hàn Mặc Tử đã lọc tâm hồn qua ngàn âm thanh ồn ào phố thị để chắt ra dòng chảy trong vắt dâng cho Đời. Người xa quê soi mình xuống đó, lòng nao nao như một vầng mây trắng muốn bay về khoảng trời xanh trên lũy tre.
ĐÔI CÁNH PHƯỢNG HOÀNG
Phượng hoàng, loại chim quý và hiếm, thường được nhắc đến trong các truyền thuyết và ca dao với ý nghĩa biểu tượng cho điềm lành, cho sự phi thường, cho vẻ đẹp vừa cao vời vừa rực rỡ. Hình ảnh chim phượng hoàng chiếm một vị trí đáng kể trong quan niệm thẩm mỹ của các dân tộc phương Đông, trong đó có dân tộc ta.
“Phượng hoàng chắp cánh lưng mây…”
Nửa vần ca dao xưa đã phác ra một tầm bay phóng khoáng và tự do. Một tầm bay không có gì cản trở, thật là phỉ chí. Hàn Mặc Tử, tấm thân bệnh tật không thể xuất hiện thường xuyên để tránh cặp mắt của các nhân viên sở vệ sinh công cộng. Không còn những chuyến đi xa, nhà thơ chỉ nhớ lại quá khứ đẹp đẽ mà nuối tiếc:
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Qua hình ảnh chim phượng hoàng, nhà thơ đã thực hiện sự phi thân bằng trí tưởng tượng. Nhiều khi rất ngây thơ, Hàn Mặc Tử lao về phía ảo ảnh để khẳng định ý thức tự do thoát ly mọi ràng buộc thực tế. Hư cấu cho mình một tiền kiếp nên thơ, chưa đủ, Hàn còn ao ước khi chết sẽ lại hóa thân thành chim phượng. Nhà thơ đã nhắc đi nhắc lại điều ấy với chú bé Hành, những mong tìm được sự đồng tình ở một tâm hồn còn trong trắng và luôn luôn tràn đầy niềm tin.
***
Trước khi ông Đoàn Phong đến chữa bệnh cho Hàn, chàng nằm mơ thấy Đức Mẹ lấy nước thánh rảy khắp mình. Vì thế khi viết được, chàng liền soạn bài Thánh nữ đồng trinh Maria để ca tụng Đức Mẹ và qua đó, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người thầy thuốc. Chàng chép bài thơ gửi cho nhà thơ Quách Tấn với một bức thư đầy hoan hỉ.
Trong bài thơ có hai chữ Phượng Trì điệp lại bốn lần trong câu gây một âm hưởng đầm ấm mà vang xa, gợi ra một quang cảnh đường bệ và cao sang lạ thường. Quách Tấn đọc đi đọc lại, rất thích thú nhưng không hiểu Hàn Mặc Tử lấy tích ở đâu, bèn viết thư hỏi. Trong thư hồi âm, Hàn viết: “Đạo vốn có một. Người đời hiểu sai lệch rồi phân rẽ ra đạo này đạo nọ. Cho nên tôi nghiệm Đức Mẹ chỉ có một, nhưng vì óc phân chia kia, nên bên đạo Phật gọi là Quan Âm Bồ Tát, bên đạo Thiên chúa gọi là Thánh nữ đồng trinh Maria, bên đạo Tiên gọi là Tây Vương Mẫu. Tên tuy khác, nhưng theo tôi, chỉ là một đấng mà thôi. Mà Tây Vương Mẫu ở Phượng Trì nên tôi dùng chữ Phượng Trì để chỉ nơi Thánh nữ ngụ”.
Tây Vương Mẫu ở cung Giao Trì chứ không phải là Phượng Trì. Trong một lần ra thăm Hàn, Quách Tấn nói điều này. Hàn mỉm cười sửa lại bản thảo. Có một cái gì đó vừa xảy ra bên trong bài thơ và bên trong tác giả? Đúng vậy.Đó là sự thay đổi về âm hưởng thơ. Hàn Mặc Tử lắc đầu:
-Không được! Chữ Giao Trì không nói lên được điều gì cả. Chữ “Phượng Trì”, tiếng ngân đã dài lại ấm.
Hàn nhắm mắt lại và im lặng một lúc, câu thơ ngân vang trong lòng. Cảnh huy hoàng nơi thiên cung vụt hiện, và đôi cánh phượng hoàng từ thế giới cổ tích ca dao vụt bay về trong ký ức. Hàn Mặc Tử mở mắt kêu lên:
-Sắc lông chim phượng hoàng vàng ánh, thật khêu gợi quá chừng!
Cái nồng nhiệt trong giọng nói cộng với ánh sáng hứng khởi ngời trên gương mặt Hàn lan truyền sang Quách Tấn. Đúng vào khoảnh khắc ấy, Hàn Mặc Tử cao giọng ngâm:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
Lúc này thì Quách Tấn “bị” chinh phục hoàn toàn. Ông kể lại giây phút đó như sau:
“Khi Hàn Mặc Tử cao giọng ngâm mấy câu thơ ấy, thì tôi có cảm giác là thơ Tử và hồn Tử xòe to đôi cánh, nhịp nhàng bay vào nơi xán lạn mênh mông…Tôi buột miệng khen:
-Thần tự!
***
Từ đó khi bước vào khu vườn thơ ca Hàn Mặc Tử, người làm thơ và người đi tìm thơ thường được nghe nói đến một xứ sở thần tiên có tên là Phượng Trì. Xứ sở ấy không chỉ có điện đài tráng lệ, có ngôi cao và phép màu. Xứ sở ấy còn có cả những giai nhân tuyệt sắc biết rung động với thơ, không cách biệt với trần gian là mấy. Người trần, miễn là tài hoa thì đến được. Nghe cứ như ngày xưa Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai. Nhà thơ quả đã biết thay quyền tạo hóa trong câu thơ của mình khi tả:
Chắc đâu đi lụy cho nhơn quả
Thôi cứ say mềm với nữ nhi
Đời không có ngọc trong pho sách
E chết khôi nguyên ở Phượng Trì
(Nói tiên tri)
…Ngoài những dòng ấy, Hàn Mặc Tử còn nói đến Phượng Trì và phượng hoàng ở đâu nữa? Xưa nay, ta vẫn biết không thể nói về biển bằng cách chỉ ra vô số giọt nước mặn, không thể nói về trời bằng khói cộng với mây đen mây trắng mây hồng. Cũng vậy, khi nói về một tình cảm, một quan hệ nào đấy, không phải dẫn ra số lần tương tác hay số lượng ngôn từ đổi trao mà đủ. Có khi tô nhiều thêm rắc rối, nói nhiều thêm nhạt. Huống chi thơ không phải là chỗ dài lời. Chỉ biết rằng, về loài chim phượng, Hàn Mặc Tử không những chỉ dành cho ánh mắt đầy mỹ cảm, mà còn muốn gửi gắm khát vọng tài cao vượt mệnh.
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa
Đương cầu xin ọc thơ ra đường sữa
Trên chín tầng diêu động cả trân châu
Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết
Cho đến bây giơ, đôi cánh phượng hoàng vẫn không ngừng vỗ cánh trên trang thơ Hàn Mặc Tử. Phải chăng đó cũng là tiếng đập cánh của một hồn thơ nhiều trăn trở đã từng cháy bỏng khát vọng hiến dâng.
TRÍ MIÊU DUỆ
Cũng trong bài Thánh nữ đồng trinh Maria, đoạn đầu, Hàn Mặc Tử viết:
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Nâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và tổng lãnh thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu dường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Hàn Mặc Tử dựng lên một khung cảnh thiêng liêng chuẩn bị đón sự xuất hiện của Thánh nữ. Thần nhạc trỗi lên, không gian sáng rực. Hương thơm (của muôn loài hoa quý) theo tiếng nhạc dâng bay đến Thiên đường, và những câu kinh huyền diệu báo hiệu Thánh nữ giáng lâm trước các tổng lãnh thiên thần quỳ lạy tung hô. Đâu đâu cũng vang lên lời ngợi ca các thánh…
Đoạn thơ có thể hiểu nôm na như vậy. Song khi đọc câu Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh, Quách Tấn rất ngạc nhiên, không hiểu Hàn Mặc Tử muốn nói gì?
Hàn giải thích:
-Trí miêu duệ đây là trí tuệ (!) Ý tôi muốn nói sự sáng suốt của các thánh, nhưng dùng trí tuệ thì lỡ mất nhịp điệu và âm nhạc của câu thơ, làm ảnh hưởng cả đoạn thơ.
Quách Tấn “bật ngửa”:
-Chữ miêu duệ có nghĩa là con cháu. Làm sao ghép miêu duệ vào bên chữ trí mà ra trí tuệ được?
Hàn Mặc Tử vỡ lẽ, ngây thơ cười:
-Vậy à? Thôi để tôi sửa lại.
Nhưng rồi câu thơ sửa đọc lên không êm tai bằng câu thơ ban đầu.
Thấy Hàn phân vân, Quách Tấn suy nghĩ một lát rồi bảo Hàn:
- Thôi để vậy cũng được. Ba chữ Trí miêu duệ không mang nghĩa là trí tuệ mà mang nghĩa khác: Trí tức là Nguyễn Trọng Trí, miêu duệ là con cháu. Câu thơ sẽ có nghĩa: Trí (là) con cháu của muôn vị thánh. Anh xem có ổn không?
Hàn Mặc Tử vừa thẹn thùng vừa thích thú, nở một nụ cười.
THƠM NHƯ TÌNH ÁI CỦA NI CÔ
Ở chùa Liên Tôn thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có một nữ tu nhan sắc kiều diễm thùy mị, tư chất quang minh, sở học không thua kém hàng nam nhi đương thời, xuất gia đầu Phật khi tuổi còn đôi tám. Nàng là cháu gái của vị sư cụ trụ trì (trước đó thường gọi là thầy tú Liên Tôn), được sư cụ thương chiều, thường cho phép cùng tiếp khách trí thức mà phần đông là chỗ bà con họ hàng đến viếng cảnh chùa, đàm đạo thơ văn. Nhà thơ Quách Tấn, cháu gọi nữ tu bằng cô họ xa, là một trong số các bậc trí thức đã cùng nàng tương kiến.
Ngoài thời gian kinh kệ công phu, nữ tu chuyên tâm đọc sách. Nàng rất nhạy bén với các tên tuổi văn chương ở quê hương thời ấy như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên…Song biết để biết thế thôi, cái khoảng cách nhất định giữa màu thiền và màu thế không cho phép nàng giao du rộng rãi với các nhà thơ trẻ cùng thời.
Song có một lần, nàng chủ động đến gặp Hàn Mặc Tử.
Những bài thơ tài hoa và phóng túng, những giai thoại lưu truyền trong vòng thân mật bạn bè và tính tình, tư chất và hoàn cảnh của nhà thơ trẻ tuổi tài cao này đã làm nữ tu chú ý. Tuy vậy, nàng chưa một lần tìm cơ hội tiếp xúc.
Thế rồi một hôm nữ tu rời chùa Liên Tôn xuống Quy Nhơn, nàng tình cờ gặp nhà thơ Quách Tấn. Được biết Quách Tấn sắp vào thăm Hàn Mặc Tử, nữ tu xin cùng đi. Hàn Mặc Tử tiếp đón rất ân cần và đàm đạo với nữ tu về đạo Phật rất tương đắc.
Khi nữ tu ra về , Hàn Mặc Tử nói riêng với nhà thơ Quách Tấn:
-Anh ạ, thật là một tấm lòng trong, thơm và rộng lớn.
Từ đó, không một lần tái ngộ. Nhưng cuộc gặp gỡ và chuyện trò đặc biệt ấy đã để lại trong lòng Hàn Mặc Tử nhiều xúc động và những ấn tượng khó quên. Thi sĩ đã nhắc đến hai tiếng ni-cô với thái độ trang trọng và yêu kính xa xôi trong những vần thơ êm ả nhất của mình. Trong Huyền ảo, nhà thơ viết:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ.
Và trong bài Cao hứng:
Thơ tôi thương huyền diệu
Mọc lên đạo Từ Bi
Tôi bắt chước Hy Di
Ngủ một trăm ngày dậy
…
Cho tôi hoa đền Ngự
Cho tôi lòng ni cô
Xuân trên má nàng thơ
Ngon như tình mới cắn.
Đó là những bài thơ phản chiếu tâm hồn Hàn Mặc Tử trong những lúc nguôi dịu bi thương, khi nỗi đau đớn của thể xác, nỗi bức bối đến điên cuồng của tinh thần tạm thời lắng xuống. Đó là lúc lòng chàng tựa vào kỷ niệm, tựa vào thơ và những ước ao trong sáng để tìm nguồn an ủi vô biên.
Có lẽ khi trở về với giọt nước cành dương, người nữ tu có thêm một chút xót xa về con người hiện hữu, một tình thương đầy sự chia sẻ cụ thể đối với người thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử. Cùng tiếng kệ lời kinh, người nữ tu tựa vào số kiếp ấy, nguyện cầu cho thơ.
MỘT SỐ BÀI THƠ CHƯA IN CỦA HÀN MẶC TỬ
NẰM BỊNH
Trời thử anh hùng thử ruột gan
Nằm xem thời thế đợi linh đan
Quyết mời Biển Thước về thăm mạch
Nào ngại thầy Tăng hối chạy đàn
Tánh mạng đành giao tay tạo hóa
Tử sanh đâu rủn chí văn nhân
Một mai bình phục tha hồ nhảy
Đạp bốn vách tường mới lại gan.
GIANG HỒ NHỚ MẸ
Mình không hò hẹn bước giang hồ
Lưu lạc quê người mới khổ cho
Nước chảy thương thân bèo bọt nổi
Mây bay nhớ mẹ sớm hôm chờ
Thằng con bất hiếu đi đành đoạn
Trời đất vô tình lại đắn đo
Muôn dặm non Hàn xa thăm thẳm
E chừng chim nhạn biếng đưa thơ.
LỀU TRANH ÔNG HOÀNG
Một lều trăng gió ngó lôi thôi
Mà cũng phong lưu cũng tưởng đời
Nhà dột nay mai trời ghé mắt
Phòng không nào sợ vách nghiêng tai
Đừng cho mỹ nữ ăn quen tới
Mời hẳn tiên sinh nói chuyện chơi
Tha hồ ngâm vịnh vỗ tay cười.
VĂN TẾ CHIẾC MŨ TRẮNG (1)
Tặng Hoàng Tùng Ngâm
Than ôi!
Son phấn lỡ làng,
Tình duyên chếch mác!
Cơn gió thổi ngọc đắm hoa chìm
Áng mây bay nước dồi sóng dạt.
Nhớ linh xưa
Khuôn mặt tròn hin
Nước da trắng toát
Vốn ở nơi thành thị phồn hoa
Chính là khách trâm anh khuê các
Treo giá ngọc lầu cao cửa lớn, đem hình hài trêu ghẹo
khách thanh niên
Ỷ thân vàng cháu cụ con quan, lấy nhan sắc đánh lừa
hàng thế phiệt
Đến tuổi cập kê
Gặp tuần minh nguyệt
Cô mới chịu:
Xuất giá tòng phu
Nhập gia tùy tục
Thờ lang quân hết dạ kính thành
Đãi bằng hữu hết lòng lễ phép
………
……..(2)
Trên Đập Đá cặp oanh ương dạo bước buổi tà dương
Giữa đường sắt cô thục nữ sa chân bờ tân giác
Hỡi ôi!
Gió dập mưa dồn,
Hoa trôi bèo dạt
Trận cuồng phong thật quá bất nhân
Là hắc thủy rõ nên quái ác.
……….
………(3)
Bây giờ
Lấy ai che chở hôm mai
Lấy ai bạn bầu sương tuyết
Hỡi ôi ! Thương thay !
_____________________
(1) Bài này chép theo tài liệu của ông Hương Sơn (tạp chí Lành mạnh số 38 ngày 1-11-1959, Tr.12)
(2), (3) Đây là những đoạn ông Hương Sơn không nhớ hết.
MỘT SỐ BÀI THƠ VỀ HÀN MẶC TỬ
Quách Tấn
MỘNG THẤY HÀN MẶC TỬ
Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha màu phú quý,
Tài hoa bút trổ nét tinh anh
Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện,
Hương tạ trời cao bát ngát tình.
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng…
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành.
(Mùa cổ điển)
Bích Khê
HÀN MẶC TỬ
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân hổn hển
Huyền hồ nhìn không ra
Lưu luyến dường thiết tha
Chồm chồm trên giường bệnh?
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân thấp thểnh
Huyền hồ nhìn không ra !
Hay là tôi hóa hai
Đã chết đi một nửa?
Hay là trời ban mai
Bị mù sương vây bủa
Làm buồng ngập hoàng hôn
Ảnh hưởng tới linh hồn
Tiều tụy
Hiện ra hình ủy mị?
Bóng nào trắng dần ra
Trên đầu đơm vòng hoa
Khắp thân in màu tuyết
Trong trẻo mà diễm tuyệt
Tơ tơ gần như nguyệt
Biếc biếc gần như thu
Đều quy trên nét mặt?
Hoàng hôn mai mờ sắc
Buồng ban mai trắng ra
Ôi ! Ôi ! Không là ma,
Đừng nhìn trong ý tứ
Quạnh quẽ nhận cho ra
Gần rồi không còn xa:
Hàn Mặc Tử !
Châu lệ thấm tình say
Gặp gỡ có hôm nay
Chiêm bao ngày liền ngày
Ngoài mình ai mà hay !
“Anh ơi, từ đâu đến?
Em buồn, em đương bệnh !
Anh ơi, sao ra hai
Huyền hồ trong phôi thai?
Hóa thân trong phương phi
Người em rày mệt quá
Mà nay gặp cố tri
Hai ta đây, rời rã
Dìu lấy nhau cùng đi !”
Lời nức ra hơi hương
Dìu dịu tỏa trong buồng !
“Anh ơi, tôi mới đến
Là hiện thân của bệnh
Quằn quại đau xót xa
Máu mủ nhìn không ra !
Giờ phương phi ! Phương phi !
Là hình thơ tinh vi
Là hình thơ qui y
Mướt trong màu tuyết vẽ
Hai ta đều quạnh quẽ
Đứt ruột nhớ thương nhau
Nấn ná sẽ lìa nhau
Chiêm bao còn thấy nhau !”
Rùng mình ta nhìn ra
Huyền hồ đà như ma !
Gần sao mà còn xa ?
Lại đâu là quê nhà ?
Hàn Mặc Tử ? Hàn Mặc Tử
Qui Hòa ! Qui Hòa !
(Còn nữa) |