Căm giận
Ai cấm người thơ yêu quá độ ?
Ai ghì gió lốc giữa không gian ?
Và ai đặt chữ tình gian dở
Mà để so le nghĩa thiếp chàng ?
Em muốn phá tan cả đất trời
Cho lòng nhẹ bớt nỗi bi ai
Thương Anh càng thấy căm trời đất
Gieo bệnh nan y để hại người.
Trăng cũ
Trăng cũ giờ đây vẫn sáng trong
Người mùa xuân cũ cách muôn trùng !
Ai về thăm thẳm trời tinh tú,
Để lại trần gian bóng lạnh lùng !
Từng tập thơ xưa ! Từng tập thơ !
Từng trang huyết lệ ngấn trăng mờ.
Hồn ai siêu thoát ngoài nhân thế
Có biết rằng em vẫn đời chờ ?
Trên cõi Thiên đàng ngát ánh sao
Tình anh toả rộng bốn trời cao,
Phiêu diêu anh sống bên mình Chúa,
Dựng một đài thơ ở chốn nào ?
Em mãi phiêu linh với bụi đời,
Ngại ngùng mưa gió lúc buồn vui.
Từng đêm trăng sáng, đêm trăng sáng
Biết mấy đau thương, mấy ngậm ngùi !
Cũng muốn theo anh dứt nợ trần,
Đập tan lưu luyến, thoát phàm thân,
Bay qua muôn vạn tầng thanh khí,
Hồn quyết tìm cho thấy cố nhân.
Chút nợ ân tình giả chưa xong,
Đành mang tâm sự mãi bên lòng.
Sắt son đã chẳng cùng nhau vẹn,
Em phải đem mình gởi núi sông.
Em đã là dân của nước nhà,
Khi quân thù địch dấy can qua.
Máu hồng đương nhuộm trang hùng sử
Em nhẽ nào quên nghĩa quốc gia.
Hăng hái sông pha giữa cuộc đời,
Chút lòng tranh đấu phút nào nguôi.
Bao giờ Tổ quốc ca toàn thắng,
Là lúc tìm anh giữa cõi trời.
Em chỉ cầu xin một buổi chiều,
Dưới bàn tay Chúa, cạnh người yêu,
Ta tung thơ khắp cho trần thế…
Lạy Chúa đời con khổ đã nhiều.
Phạm Đương
Những vùng không cảm giác
Chỉ cần qua con dốc
là đến được bên Người
nhưng có khi đi hết một đời
vẫn chưa thấu những trang thơ ông viết
những trang thơ chắt ra từ máu huyết
suốt một thời đóng băng !
Trên thi thể lầy lội bệnh hoạn của ông
những vùng nào không cảm giác ?
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
câu thơ bật ra ngỡ lành vết thương
nhưng đến phút cuối cuộc đời mình
những vết thương trong ông chưa một lần kín miệng
thế hệ cháu con biết ơn cuộc đời
biết ơn những giai nhân đã hoá sao băng để đốt
cháy đời ông và làm nên giông bão
biết ơn những-vùng-không-cảm-giác đã đoạ đày
thi thể ông để đẻ thiên tài và làm nên kiệt tác
cả người ông là một vùng không cảm giác đã hoá thi ca !
Có một nhà sư mặc áo cà sa
đến bên mộ ông và sụp lạy
quên mất trên đầu là Đức mẹ Maria
nhà sư ấy tin rằng bên dưới cây thánh giá nặng nề kia
không phải là con chiên Nguyễn Trọng Trí mà là thi sĩ họ Hàn
Có một cô gái bằng tuổi cháu ông
đã từng lặn lội khắp dải đất miền Trung
lần theo dấu chân ông cách đây ngót nửa thế kỷ
để tìm những câu thơ vùi trong lớp bụi thời gian
bị người đời lãng quên hoặc cố tình quên lãng
cô gái ấy đã quỳ bên mộ ông với tất cả tấm lòng thành
trước một con người tài hoa mà bất hạnh
quỳ bên mộ ông là tìm được sự cảm thông chia sẻ
sau mẹ và chị Lễ, có lẽ đây là nàng tiên ông đã từng mơ
Có một chàng trai tóc rối bơ phờ
suốt đêm qua đọc thơ thất tình khắp phố Qui Nhơn ầm ào sóng biển
những câu thơ ngót năm mươi năm ngỡ như vừa viết đêm qua
một đêm phiền muộn
chàng hái hoa rừng rắc khắp mộ ông và nói những lời không đầu chẳng cuối
một gã si tình nông nổi
đang điên trong tỉnh táo
đừng ảo tưởng thơ ca sẽ làm dịu vợi nỗi lòng
Cả nhà sư chàng trai và cô gái kia
họ có số phận khác nhau
nhưng tất cả đều gặp nhau qua thơ ông với những-vùng-không-cảm-giác
Họ hơn tất cả những kẻ chỉ biết hò hét mà không biết nỗi đau là gì
Hơn những nhà thơ “đầy mình cảm giác” nhưng suốt đời không viết nổi một câu thơ có ích chứ đừng nói chuyện làm một bài thơ bất hủ !
lần nữa cảm ơn cuộc đời
cảm ơn vùng biển sáng màu lá non
cảm ơn gió mát mùa xuân
đã thổi tan lớp băng cho thơ ông chảy về với biển- lớn- con- người
Nàng tiên mô… hôm nay không khóc
Mà chỉ đem thơ ông đến với mỗi cuộc đời…
Quy Nhơn, tháng 4-1988
(còn nữa) |