VI. Phụ lục về những lầm lẫn đáng tiếc trong dư luận
Về vụ án văn chương đầu tiên ở nước ta: “việc trích và in thơ văn Hàn Mặc Tử”
15:37', 20/5/ 2005 (GMT+7)

Năm 1940, Hàn Mặc Tử từ trần. Cuối năm 1941, quyển Hàn Mặc Tử - thân thế và thi văn của Trần Thanh Mại ra đời(1).

Đây là quyển sách đáp ứng kịp thời thị hiếu công chúng nên vừa xuất hiện, nó được mua  “đắt như tôm tươi”, đúng với dự đoán của Trần Thanh Mại trong thư gởi Võ Doãn Mại - người đứng lo xuất bản tập sách này.

Trong giới văn chương, quyển sách được đón nhận với nhiều thái độ khác nhau. Kẻ chê,người khen. Về các bạn thân của Hàn (kể cả Trần Tái Phùng, cháu gọi Trần Thanh Mại bằng chú) và gia đình nhà thơ rất bất bình vì tác giả đã xuyên tạc và phóng đại nhiều điểm sai sự thật, và còn trích dẫn nhiều văn thơ chưa xuất bản của Hàn Mặc Tử mà không được sự đồng ý của người giữ bản quyền hoặc gia đình nhà thơ.

Quách Tấn bàn với Chế Lan Viên nhờ pháp luật can thiệp.

Thời đó ở miền Trung Việt Nam đã ban hành Dụ số 9 của Bảo Đại về quyền sở hữu các tác phẩm văn chương mỹ thuật. Điều 8 của Dụ này ghi:

“Mọi sự xuất bản hay sản xuất cho công chúng, một tác phẩm văn chương hay mỹ thuật, văn thi phẩm, họa phẩm, họa bản, họa đồ hay đồ bản, ảnh, phim ảnh, nhạc phẩm hay đĩa hát, thực hiện với gian ý, bất chấp quyền lợi của tác giả hoặc của những người thừa kế hay thụ nhượng, là một sự giả mạo, và sự giả mạo là một tội về tiểu hình “.

Để chắc chắn, Quách Tấn hỏi thăm những người hiểu biết luật pháp đương thời.

Người thứ nhất là một luật sư người Pháp ở Nha Trang. Khi Quách Tấn hỏi trường hợp Trần Thanh Mại trích quá nhiều thơ văn chưa xuất bản của Hàn Mặc Tử mà không xin phép người giữ bản quyền, có phạm điều 8 Dụ số 9 Bảo Đại chăng, thì được trả lời rằng : Trần Thanh Mại là nhà phê bình, có quyền trích thơ văn, vả chăng ông ta không có gian ý, không làm thiệt hại tác giả. Điều 8 Dụ bảo Đại chỉ áp dụng cho người đạo văn hay ấn hành lén lút tác phẩm của người khác.

Hỏi :

- Nếu ông đứng xử vụ Trần Thanh Mại thì ông xử thế nào ?

Đáp :

- Tôi sẽ cho ông Mại miễn tố. Những văn thơ của Hàn Mặc Tử mà ông Mại trích, nhiều thật; song đối với sự nghiệp văn chương thi sĩ để lại có thấm gì? Như vậy, theo tôi, ông Mại có làm thiệt gì cho thi sĩ đâu. Trái lại ông ta còn có công quảng cáo cho Hàn Mặc Tử là khác.

Đó là ý kiến của quan toà Pháp – ông Agostini.

Còn đây là ý kiến của quan tuần vũ Hoàng Yến ở Khánh Hòa:

- Trích thơ văn chưa hành thế của người ta nhiều thế ấy mà không chịu thương lượng trước, không thể bảo là không gian ý. Còn bảo rằng Hàn Mặc Tử được họ Trần quảng cáo cho thì không phải. Bởi nếu quả vì mỹ ý mà quảng cáo giùm  thì sao lúc thi sĩ sống lại không “giùm” cho, mặc dù có lời sở cậy (2). Nếu tôi xử vụ này thì nhất định tôi buộc ông Mại trả nhuận bút về số thơ trích dẫn.

Nghe hai ý kiến khác nhau, Quách Tấn về thảo luận với Chế Lan Viên lần nữa và quyết định đưa đơn ra Toà án Phủ Doãn Thừa Thiên ở Huế, là nơi Trần Thanh Mại ở và phát hành sách Hàn Mặc Tử. Một mặt gửi đơn đi, một mặt tin cho gia đình và các bạn thân của Hàn Mặc Tử để khi cần thì làm chứng.

Đến cuối năm, toà mới tuyên xử. Vì công việc, Quách Tấn không ra Huế. Bên nguyên chỉ có ông Nguyễn Bá Hiếu đại diện gia đình Hàn Mặc Tử và một vài người bạn thân của Hàn. Bên bị có đủ Trần Thanh Mại và các nhân chứng. Hai bên đều không thuê trạng sư.

Ngồi ghế chánh án xử vụ này là Phủ doãn Trương Xuân Mai. Còn ghế phụ thẩm là của nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, phủ thừa.

Mở đầu phiên toà, ông chánh án tiên bố nhường quyền quyết án cho ông phụ thẩm vốn là một nhà văn có tiếng đương thời vì đây là một vụ án văn chương, mà cả bên nguyên lẫn bên bị đều là hai nhà văn tên tuổi.

Ông Nguyễn Tiến Lãng với đầy đủ các số báo Tràng An, và quyển Hàn Mặc Tử - thân thế và thi văn chủ trì phiên toà. Trước tiên, ông khẳng định rằng thi sĩ Quách Tấn, với tư cách là người giữ bản quyền tác phẩm Hàn Mặc Tử có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, hoàn toàn có lý khi đưa đơn kiện Trần Thanh Mại. Và, việc làm của thi sĩ, theo ông, không xuất phát từ lợi riêng mà chỉ muốn bảo vệ sự toàn vẹn giá trị tác phẩm của nhà thơ quá cố và bảo vệ quyền lợi của gia đình nhà thơ. 

Về phía Trần Thanh Mại, Nguyễn Tiến Lãng với quyển truyện ký của tác giả trên tay, đã chỉ rõ lời thanh minh của Trần Thanh Mại: “Sách của tôi… gần một vạn câu mà những bài trích dẫn… vào lối không đầy ba trăm câu” là không đúng sự thật. Trần Thanh Mại đã trích tất cả trên 1.000 hàng, trong khi toàn bộ cuốn sách của ông vào khoảng trên dưới 5.200 hàng. Số dòng trích chiếm 1/5 số dòng viết trong một quyển sách là quá nhiều đối với tác phẩm chưa xuất bản, mà lại không được sự cho phép của người giữ bản quyền. Trích như thế là tuỳ tiện và có tội. Nhưng Nguyễn Tiến Lãng lại nói rằng Trần Thanh Mại đã có công giới thiệu Hàn Mặc Tử một cách nồng nhiệt và lôi cuốn, nhờ đó mà rộng rãi độc giả biết đến tên tuổi và thi tài của nhà thơ. Lấy công bù tội là vừa. Ông hoà giải hai bên và yêu cầu Trần Thanh Mại nên chia một số tiền lời bán sách cho gia đình Hàn Mặc Tử, cũng như gửi cho Quách Tấn toàn bộ tài liệu về Hàn. Phiên toà chấm dứt.

Hoà trong những người tới dự, Hoàng Diệp, tác giả tập Xác thuHàn Mặc Tử - thi sĩ tiền chiến, tả lại:

“Lần đầu tiên ở nước ta có một vụ án mang tính cách văn nghệ.

Phiên toà được triệu tập. Người ta chưa bao giờ thấy một điều khoản nào của Hộ hay Hình luật Việt Nam từ trước đến nay nói về tính cách những vụ kiện thuộc về loại này. Do đó, đến ngày vụ kiện được đem ra xử, thiên hạ hiếu kỳ đến xem rất đông, các hành lang toà án không đủ chỗ đứng, nhiều nhất là giới văn nghệ sĩ và học giả cố đô.

Như thế dù vụ án kết thúc thế nào vẫn gây được tiếng vang rất lớn trong công chúng về văn chương Hàn Mặc Tử”.

 

Thi sĩ Quách Tấn nói về vấn đề hài cốt Hàn Mặc Tử

Bấy lâu nay, bao nhiêu nghi vấn đặt ra quanh vấn đề hài cốt Hàn Mặc Tử, không chỉ mấy bài viết có thể dẫn ra được. Song, thi sĩ Quách Tấn không hề lên tiếng.

Năm 1988, sau khi đọc bài báo Nguyễn Văn Xê trên tạp chí Sông Hương số 26, có người hỏi, người chỉ mỉm cười.

Vừa qua, anh Lưu Ngọc Minh, phóng viên báo Bình Định đặt lại vấn đề trên do một nguồn thông tin khác cung cấp là các ông Trần Kế, Bửu Căn (do Huỳnh Ngọc Hải kể lại)…

Tất cả mọi nghi vấn, tôi nghĩ rằng đều xuất phát từ lòng ngưỡng mộ Hàn Mặc Tử và khát khao tìm biết sự thật. Do đó, khi xin phép thi sĩ Quách Tấn được sử dụng các tư liệu về Hàn Mặc Tử để viết quyển sách này, tôi không thể không khẩn khoản xin người một lời giải thích chính thức cho các nghi vấn ấy.

Nghe tôi trình bày, người chỉ mỉm cười. Đôi mắt đã biền biệt ánh sáng của người không hé ra điều gì. Tôi lặng lẽ đợi chờ trước một cõi tâm tư im lặng. Nhưng mà sao nụ cười dừng lại trên môi người lâu thế? Hình như thi sĩ đang nghĩ ngợi. Mấy phút trôi qua, người nói, nụ cười đã khuất sau môi:

- Chuyện này đã bao nhiêu kẻ hỏi. Hỏi miệng có, viết bài trên báo có. Cậu biết, chỉ cười không đáp. Không đáp, không phải vì bí. Mà vì thấy không cần biện bạch.

Nay con hỏi, lấy tình nhà cậu trả lời đây:

1.Về Hàn Mặc Tử: Từ khi Hàn Mặc Tử mắc bệnh cho đến khi Hàn Mặc Tử mất, từ khi Hàn Mặc Tử mất cho đến khi cải táng ra Ghềnh Ráng, tôi và gia đình Tử lo tròn bổn phận. Còn những dư luận xung quanh Hàn Mặc Tử khi còn sống và sau khi chết tôi không quan tâm. Mọi chuyện về chôn cất và cải táng Hàn Mặc Tử, tôi viết kỹ trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử rồi. Nay nếu cần thì nên trích lại đây lần nữa.

(Trích hồi ký của Quách Tấn về việc chôn cất và cải táng Hàn Mặc Tử :

“Tôi được tin Tử mất có hơi muộn nên không ra đưa đám kịp. Mãi đến ngày lễ Phục sinh (Pâques) năm 1941, tôi mới ra Quy Hoà viếng mộ Tử.

Khi chôn, gia đình Tử đã có ý chôn dưới gốc một cây phi lao để sau này dễ nhận. Nhưng sợ cây phi lao có ngày gãy mục, tôi rinh thêm một viên đá lớn chôn dưới chân mồ. Vì đời thường bể dâu, cẩn thận một chút nào hay chút nấy.

… Năm 1955, tôi có vào thăm mộ Tử một lần.

Bà phước nuôi nấng Tử và anh Xê tuy đã mất hoặc đã đi nơi khác, và tuy giặc giã liên miên, mộ Tử vẫn được các bà phước cùng anh chị em đến sau chăm sóc, cho nên nấm cỏ luôn luôn xanh tươi, và viên đá tôi chôn ngày xưa vẫn nằm y chỗ cũ.

 Tuy vậy, không lẽ để Tử nằm mãi ở Quy Hoà.

Tôi bàn cùng gia đình Tử lo việc cải táng.

Và việc cải táng đã thực hiện ngày mùng 6 tháng giêng năm Kỷ Hợi, tức ngày 13 tháng 1 năm 1959, mộ dời ra Ghềnh Ráng.

(…) Rồi một tháng sau, lăng mộ Tử được xây dựng theo kiểu tân thời, trang nghiêm nhưng đơn giản. Việc tốn kém cũng hơi nhiều.

Nguyên năm 1944, Trọng Miên có chọn một số thơ của Tử và cho xuất bản thành sách nhan là “Thơ Hàn Mặc Tử”. Tôi cho nhà Tân Việt Sài Gòn tái bản quyển ấy lấy được 20.000 về quyền tác giả. Tôi giao số tiền ấy cho ông Nguyễn Bá Tín, người đại diện cho gia đình Tử để bù vào số tiền chi tiêu trong công việc cải táng và xây lăng mộ”.

Hết phần trích - Tiếp theo là lời của thi sĩ Quách Tấn)

“Kể cũng lạ! Bài ấy đã in ở các tạp chí miền Nam như Lành mạnh, số 38 (1-11-1959), Văn số 73-74 (1967), rồi Phổ thông bán nguyệt san… cũng như đã diễn thuyết tại Viện Quốc gia âm nhạc Sài Gòn năm 1959. Tại sao thời ấy ông Nguyễn Văn Xê không thắc mắc mà đợi đến sau này mới có ý kiến?”

2.Về ông Nguyễn Văn Xê: ông Xê là bạn đồng bệnh của Hàn Mặc Tử. Chính ông Xê đã viết thư từ Quy Hòa vào Nha Trang báo tin Tử mất. Khi tôi vào thăm mộ Tử lần thứ hai thì không gặp ông nữa, hỏi thăm người ta thì không ai biết đích xác là ông còn sống hay đã chết.

Thật tình cờ, sau này, khoảng những năm sáu mươi, có người ghé Nha Trang bảo tôi rằng ông Xê hiện ở Cái Sắn - Hậu Giang. Người ấy mang thư ông Xê nhờ tôi đề tựa giùm tập thơ của anh em đồng bệnh ở Cái Sắn vừa hoàn tất. Tôi đọc, thấy tập thơ rất nhiều hạn chế nên không dám nhận lời. Sau đó bặt tin, tôi nghĩ về tập thơ, ái ngại mãi, nhưng làm sao khác hơn khi bản thân nó là như thế, ai lại lấy tình quen biết để cho phép mình thiếu nghiêm túc với văn chương nghệ thuật.

Sau 1975, Bắc Nam thống nhất, lại có thư ông Xê hỏi tôi về thời điểm và tên người lập ra Bệnh viện phong Quy Hoà, tôi trả lời cho ông rất đầy đủ.

Như thế, trong chừng ấy năm, nếu ông Xê có nghi vấn về hài cốt Hàn Mặc Tử, sao không viết thư hỏi thẳng tôi mà lại viết bài trên Sông Hương?

Trong bài của ông Xê trên tạp chí Sông Hương, ông có tiết lộ rằng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã xin xuất viện và từ đó rời khỏi Quy Hoà. Vậy thì, có gì để đảm bảo cho những hiểu biết của ông về việc tôi và gia đình Tử cải táng thi hài Tử ra Ghềnh Ráng?

Về ông Xê, tưởng chỉ nói bấy nhiêu là đủ.

3.Về các giả thiết nhầm lẫn hài cốt, mượn hài cốt giả do ông Trần Kế, ông Bửu Căn và ông Huỳnh Ngọc Hải nào đó đặt ra (theo bài báo của Lưu Ngọc Minh):

Tôi không hề quen biết các ông Trần Kế, Bửu Căn và Huỳnh Ngọc Hải, và tất nhiên là chưa hề tiếp xúc với họ lần nào.

Khi chôn Hàn Mặc Tử, không có tôi chứng kiến, nhưng vào tháng 3 năm 1941, tôi ra thăm mộ Tử theo sự hướng dẫn của gia đình Tử (những người trực tiếp chôn cất và biết đích xác địa điểm mộ phần). Lần ấy, tôi xây đắp lại mộ Tử và chôn dưới chân mộ một tản đá xanh rất lớn, hai người cố sức mới khiêng nổi, để làm dấu. Khi thăm mộ lần thứ hai và khi cải táng, tảng đá xanh ấy vẫn còn nguyên. Vậy thì tôi còn phải hỏi ai để nhờ chỉ dẫn ?

Ai biết Hàn và mộ Hàn rõ hơn tôi?!

Phần tôi và gia đình Hàn Mặc Tử, chúng tôi không việc gì mất công mượn hài cốt của người khác để đào lên, chuyển dời rồi xây lăng mộ…Vừa thất đức, vừa giả dối. Giả sử hài cốt bị trôi, tảng đá bị cuốn đi mất dấu, tôi và gia đình Tử vẫn có thể xây mộ tượng trưng để kỷ niệm, hà tất phải làm đủ mọi nghi lễ như đã làm trong một ngày cách đây bốn mươi mốt năm.

 

Những điểm sai lầm về Hàn Mặc Tử  

 

Bài viết của bà Nguyễn Thị Như Lễ, chị ruột Hàn Mặc Tử, đăng trong tạp chí Lành mạnh, ra ở Huế, số ngày 1-11-1959

 

Có một người thân yêu được sách báo nhắc nhở là một vinh dự cho gia đình.

Vì vậy chị em chúng tôi rất lấy làm sung sướng khi thấy làng văn làng báo viết về đời Hàn Mặc Tử, người thân quý của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không khỏi tủi lòng thấy tác giả những bài ấy nói những điều sai sự thật và có hại đến danh dự gia đình chúng tôi.

Hàn Mặc Tử mất năm 1940. Sau khi Tử mất được ít lâu thì ông Trần Thanh Mại cho xuất bản một quyển sách nói về thân thế và sự nghiệp Tử. Quyển sách ấy có nhiều chỗ sai; chúng tôi và các bạn thân của Tử đã cải chính. Vì thế từ khi ra đời đến lúc chiến tranh bùng nổ (1941-1947) những sự sai lầm của sách họ Trần không có ảnh hưởng tai hại.

Vài ba năm nay, có nhiều người viết về Hàn Mặc Tử, viết bằng tiếng Việt có, tiếng Pháp có, tiếng Anh có. Song các tác giả những bài này không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng, mà chỉ dựa vào cuốn sách của ông Trần Thanh Mại. Chúng tôi dám quả quyết như thế vì những bài mới viết đây cũng mang những điểm sai sự thật của sách họ Trần. Mà sự thật lại mỗi lúc bị xuyên tạc thêm.

Để chấm dứt trình trạng ấy được phần nào, chị em chúng tôi xin có mấy lời cải chính đôi điểm quan trọng. Vì quyển sách của ông Trần Thanh Mại là “mẹ đẻ “ những sai lầm trong các tác phẩm gần đây, nên chúng tôi nhắm vào cuốn sách họ Trần nhiều hơn.

Trần Thanh Mại nói về trường hợp sanh Hàn Mặc Tử một cách hết sức xuyên tạc. Ông nói rằng bà thân chúng tôi “đã uống rượu lậu của ông thân chúng tôi bắt được, và say sưa lướt khướt. Do đó sanh ra Tử thiếu tháng. Cho nên Tử sanh ra chỉ bằng con nhái tràng nằm lỏng lẻo trong lòng bàn tay một người lớn”. Chúng tôi không hiểu ông Mại đã lấy tài liệu này ở đâu. Nói sai sự thật quá xa.

    Chúng tôi còn nhớ, sau khi quyển sách của ông Mại ra đời. Anh Quách Tấn có đến hỏi bà thân chúng tôi về điểm này. Bà đáp:

- Bác có nói gì với ông Mại đâu! Khi ông ta vào hỏi bác, bác buồn thương quá chỉ trả lời qua loa rồi nước mắt nghẹn cả lời… Ông Mại sao ác thế!

Anh Tấn bảo phải viết bài phản đối. Bà thân chúng tôi đáp :

 - Thôi con – em con nó đã qua đời rồi, để cho nó yên. Nói qua nói lại làm gì cho thêm tủi.

Tuy bà thân chúng tôi bảo thế, nhưng anh Quách Tấn bảo riêng chúng tôi cải chính và chúng tôi đã cải chính trên báo Tràng An. Và nay xin thưa rõ: Tử sanh ra tuy có ốm yếu thật, song không đến nỗi nhỏ bé như ông Mại nói và Tử cũng không bị đẻ thiếu tháng. Sự đẻ thiếu tháng không phải là một sự xấu xa. Chúng tôi phải cải chính, chỉ để cho đúng sự thật có ích cho các nhà viết truyện ký chân chính.

Nói về cô Lê Thị Mai, ông Mại cũng tiểu thuyết hoá cả câu chuyện.

Những chuyện ông Mại viết ra có lẽ do cô Mai thêu dệt, hoặc cô Mai nói thêm một ít rồi ông Mại thêm sừng thêm chân vào. Chớ sự thật thì không có gì cho lắm.

Cô Mai là người như thế nào, chúng tôi không nói, vì không phải điểm chính. Chúng tôi chỉ xin nói đến sự kiện: Hàn Mặc Tử biết cô Mai là do anh Quách Tấn. Cô Mai có đến thăm Tử mấy bận nhưng Tử không tiếp. Sau anh Tấn và chị em chúng tôi khuyên Tử, Tử mới chịu ra ngồi nói chuyện với cô Mai mấy lần. Những lần nói chuyện, đều có chị em chúng tôi. Nói chuyện đường hoàng. Chúng tôi không hề thấy chuyện bịt mắt bịt mũi chi cả.

Nhưng tại sao Tử bảo cô Mai bịt mắt mới được chứ? Tử tuy mắc bệnh nguy nghèo, song mặt mũi không đến nỗi hèn nỗi cực, cũng không lở lói. Nơi má phía trái của Tử chỉ nám một vạc lớn mà thôi. Vậy Tử có ghê tởm gì mà tự hạ mình quá thế ?!

Còn việc cô Mai ở nhà chúng tôi hai tháng để nuôi Tử, là một điều “láo toét”. Cô Mai có một lần đến thăm Tử và xin phép bà thân chúng tôi ở chơi với chúng tôi HAI ngày. Chỉ có một lần ấy mà thôi, còn các lần khác thì chỉ ngồi nói chuyện một vài giờ rồi đi.

Hàn Mặc Tử mất được hai tháng thì cô Mai đến Quy Nhơn có ghé thăm bà thân chúng tôi. Cô ta đi với một em bé gái. Từ ấy chúng tôi không gặp lại. Lúc nào gia đình chúng tôi cũng đối đãi như một người khác, và cô đối với chúng tôi cũng không có điều gì ra ngoài khuôn phép.

Để chứng tỏ cô Mai có “chung đụng” cùng Hàn Mặc Tử, ông Trần Thanh Mại đặt ra chuyện “bất hòa” trong gia đình thi sĩ (sách Trần Thanh Mại trang 103) rằng: “Vì Tử ngâm bài thơ nhớ Mộng Cầm:

N hỡi N trăm năm sầu thảm

Nhớ thương còn một nắm xương thôi

mà cô Mai ghen. Bà thân chúng tôi mới xé bài thơ ấy đi để xử huề và vì bà đọc thấy bài thơ quá trệ!

Thật là nước lã khuấy nên hồ!

Bà thân chúng tôi không hề biết chuyện Mộng Cầm, Tử dấu kín bà chuyện dan díu ấy, vì bà thân chúng tôi, tuy hiền nhưng rất nghiêm và rất ghét chuyện trăng gió. Bà lại không biết thơ thì bà có hiểu thế nào là trệ và không trệ?!

Ông Trần Thanh Mại tuy nói sai sự thật, nhưng còn dè dặt ít nhiều. Đến cô Nguyễn Thị Hiền, tác giả bài Những người đàn bà đã kinh qua đời sống Hàn Mặc Tử đăng trong số đặc biệt Rạng đông năm 1958, và ông Đinh Xuân Hòa trong Kịch Hàn Mặc Tử đăng ở báo Phổ thông, thì lại đi quá trớn.

Cô Nguyễn Thị Hiền viết về Tử và cô Lê Thị Mai: “Thế là hai người lấy nhau”…!!! Sao “lấy nhau” dễ dàng thế hỡi cô?

Còn ông Đinh Xuân Hòa thì đã biến bà thân chúng tôi thành một người đàn bà hết sức tầm thường và đề cao cô Mai đến bậc vĩ nhân. Đã biết đó là bi kịch, song đã dựa trên sự thực thì dù là việc thêm thắt cũng phải phản ánh được tâm hồn và tư cách của các nhân vật chứ. Ông Hòa đã làm sai tất cả, tư cách thái độ, ngôn ngữ, từ nhân vật chính cho đến nhân vật phụ. Như thế có lợi hay có hại cho Hàn Mặc Tử?

Hàn Mặc Tử là người của thời này và vừa mất được 20 năm nay, mà còn bị nói sai đến thế thì những nhà văn lớp trước không biết có bị cái nạn đó không?

Chúng tôi rất mong các nhà viết truyền ký chân chính viết lại tiểu sử Hàn Mặc Tử, chúng tôi sẵn sàng cung cấp tài liệu nếu các ngài cần và ước ao những điều chúng tôi đã cải chính trên được quý vị để ý.

Thay mặt gia đình Hàn Mặc Tử

 

Về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”

 

“Tiếng thở dài” - chia sẻ với Hàn Mặc Tử

Nhân đọc bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” - một tiếng thở dài đáng quí của Lê Đình Mai, báo “Giáo viên nhân dân” số đặc biệt chuyên đề đầu năm, tháng 1-1990.

Mai Văn Hoan

 

Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác. Còn mình, mình có cách cảm thụ riêng của mình. Cái gì mình cảm thấy hay, đúng thì mình theo, còn cái gì mình không đồng tình thì thôi. Tranh cải chỉ mất thời gian vô ích. Và tôi cũng đã định như vậy với bài viết “Đây thôn Vĩ Dạ” - một tiếng thở dài đáng quý” của nhà giáo Lê Đình Mai.  Nhưng sao tôi cứ thấy không đành! Không đành với Hàn Mặc Tử, không đành với bà Hoàng Cúc, không đành với bạn đồng nghiệp, với độc giả gần xa mến mộ Hàn Mặc Tử.

Trước hết cũng cần nói thực rằng ở Huế cũng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác vẫn tồn tại khá nhiều những cô gái “đày thân giang hồ”. Thân phận của những kẻ bất hạnh ấy đã được khá nhiều văn sĩ xưa nay quan tâm. Nhưng nếu gán cho “Đây thôn Vĩ Dạ” là tiếng thở dài về kiếp sống ấy, về những cô gái “đày thân giang hồ” thì thật oan cho Hàn Mặc Tử, oan cho Hoàng Cúc - người tình đầu tiên của ông (dù chỉ là người tình trong mộng mà thôi) và oan cho cả thôn Vĩ Dạ nữa. Tôi tin rằng nếu nhà giáo Lê Đình Mai có một chút hiểu biết về xuất xứ bài thơ, một chút hiểu biết về cuộc đời Hàn Mặc Tử và một chút hiểu biết về thôn Vĩ, chắc nhà giáo sẽ không tán bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” theo cái hướng tưởng là rất “hiện thực” rất “nhân văn” nhưng chính lại làm buồn lòng bao nhiêu bạn đọc gần xa yêu mến Hàn Mặc Tử. Chung quanh bài thơ này đã có nhiều lời bình, ở đây chỉ nói thêm về Hoàng Cúc và qua đó ngõ hầu giúp Lê Đình Mai và bạn đọc hiểu rõ hơn bài thơ này của Hàn Mặc Tử.

Theo hồi ký Quách Tấn - bạn thân và người hiểu biết nhiều về Hàn Mặc Tử thì thời Hoàng Cúc vào khoảng mười lăm mười sáu tuổi là một cô gái không đẹp lắm nhưng có duyên. Hoàng Cúc có học lại hết sức nết na, thùy mị - chính điều này đã làm say lòng thi sĩ. Hai người ở chung một lối. Thi sĩ làm thơ về Hoàng Cúc với nỗi khao khát thầm lặng. Nhưng chỉ thầm lặng thôi. Hoàng Cúc là một cô gái con nhà gia giáo, nề nếp, bản lĩnh lại hết sức kín đáo. Giữa hai người lúc đó lại có những vực thẳm khó lòng vượt qua. Bố Hoàng Cúc là quan còn thi sĩ chỉ là anh chàng đạc điền nghèo đang có nguy cơ mất việc. Gia đình Hoàng Cúc theo đạo Phật, còn gia đình Hàn Mặc Tử theo Thiên chúa giáo. Có lẽ vì những lý do ấy mà thi sĩ chần chừ không dám bày tỏ tình cảm của mình với Hoàng Cúc. Hàn Mặc Tử chỉ nhờ thơ nói hộ lòng mình. Với Hàn Mặc Tử, Hoàng Cúc lúc ấy là một thế giới đầy bí ẩn, vì Cúc chưa hé một lời với Tử. Khi Hàn Mặc Tử lặn lội vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai trở về thì không thấy Hoàng Cúc đâu nữa. Cô đã theo cha ra Huế. Thi sĩ rất buồn. Và theo Quách Tấn, Hàn Mặc Tử coi việc Hoàng Cúc rời Quy Nhơn như là đi lấy chồng: “Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ. Em lấy chồng rồi hết ước mơ!” Thực ra, Hoàng Cúc không lấy ai cả. Tôi được những người thân của bà Hoàng Cúc kể lại rằng: Thời ấy, rất nhiều đám mối mai, dạm hỏi, Hoàng Cúc đều chối từ, chẳng hiểu nguyên do vì đâu. Một hôm, Hoàng Cúc nhận được tin: Hàn Mặc Tử bị bệnh phong – một trong “tứ chứng nan y” thời ấy. Hoàng Cúc rất thương Tử, cô gửi vào Quy Nhơn cho Tử một phiến phong cảnh với lời hỏi thăm sức khỏe. Nhận được quà tặng của Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử run lên vì xúc động. Người con Hoàng gái đầy bí ẩn ấy vừa hé ra một chút ánh sáng ở cõi lòng. Vâng! Chỉ một chút thôi, một lời hỏi thăm sức khỏe thôi. Nhưng với Hàn Mặc Tử nó quí giá biết chừng nào! Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” để đáp lại tấm lòng của Hoàng Cúc.

Sau này, Hoàng Cúc dạy nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh rồi hoạt động ở Hội Phật tử miền Nam. Bà “tu tại gia” và sống độc thân ở Vĩ Dạ cho đến khi mất. Tôi cũng có mặt trong đám tang của bà. Đó là ngày 15 tháng 2 năm 1989 (tức ngày mồng mười, tháng giêng, âm lịch). Có lẽ đó là một trong những đám tang lớn nhất ở Huế gần đây mà tôi được biết. Đoàn xe tang nối dài từ Đập Đá đến Trường Quốc Học. Quanh xe tang đính đầy câu đối ca ngợi phẩm hạnh của bà. Tôi còn nhìn thấy nhiều bài thơ của các nhà sư họa lại bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Việc bà Hoàng Cúc có yêu Hàn Mặc Tử không và vì sao bà không lấy chồng – chưa ai biết cả! Nhưng điều chắc chắn là Hàn Mặc Tử có một thời rất yêu Hoàng Cúc và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là bài thơ thi sĩ tặng Hoàng Cúc. Có thể là Hoàng Cúc không yêu Hàn Mặc Tử nhưng cô trân trọng mối tình chân thành của Tử, trân trọng tài thơ của Hàn Mặc Tử. Với Hàn Mặc Tử chừng ấy là quá đủ rồi! Có hiểu tình cảnh như vậy mới hiểu thấu nỗi niềm của thi sĩ giấu trong những câu:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Mới hiểu thấu nỗi khao khát của Hàn Mặc Tử:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Và nhất là khổ thơ cuối: vừa thực vừa hư, vừa say vừa tỉnh vừa huyền ảo (có một chút gì như ma quái rất Hàn Mặc Tử) lại vừa chua chát, đau đớn một cách chân thành:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra...

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Hoàng Cúc trước sau vẫn là một “ẩn số” đối với Hàn Mặc Tử, nỗi băn khoăn day dứt của Tử vì vậy hết sức chính đáng.

Tôi chưa được biết Gia khuất ở kinh đô Thăng Long cổ xưa, nhưng nếu Gia khuất là cái “chốn ấy” thì rõ ràng không thể so sánh với thôn Vĩ được. Thôn Vĩ trước đây cũng như bây giờ vốn nổi tiếng là nơi phong cảnh hữu tình với những vườn cau, hàng trúc, với những “hiên thơ của những ông Hoàng”... Tôi đọc mà ớn lạnh khi Lê Đình Mai quả quyết: “Ở chốn dâm ô này (tức là thôn Vĩ) những gì đẹp đẽ nhất, cao quý nhất của con người đều bị sương khói truy hoan lu mờ hết, hoen ố hết”. Và cô gái thôn Vĩ biến thành kỹ nữ, “thuyền trăng” kia cũng biến thành con thuyền chở khách làng chơi. Người viết còn tán thêm: “Hỡi du khách có đến thì mau lên chứ, đêm sẽ tàn mất thôi!” Một câu thơ đẹp như thế, thơ mộng như thế, khát khao như thế vào tay một “khách làng chơi” đã trở nên rách nát, hoen ố như cuộc đời kỹ nữ vậy!

Lỗi này do đâu? Theo tôi, đó là kết quả của lối suy diễn vô căn cứ vì thiếu những hiểu biết cần thiết về cuộc đời tác giả, về xuất xứ bài thơ. Và thiếu cả sự rung cảm thẩm mỹ. Lâu nay, ta vẫn có thói quen giới thiệu tác giả chỉ là chú trọng những hoạt động xã hội của họ. Họ thuộc giai cấp nào? Làm đến cấp bậc gì? Hội viên hay không? Mà quên mất đời tư của họ – những quãng đời tư có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tác phẩm. Tôi tin rằng nếu Hàn Mặc Tử không có cuộc tình thầm lặng, trắc trở với Hoàng Cúc chưa chắc chúng ta đã có “Đây thôn Vĩ Dạ” – giàu sức chứa đựng nội tâm đến như thế. Xưa Nguyễn Du sáng tác “long thành cầm giả ca” có kèm theo lời dẫn khá dài, chắc nhà thơ sợ hậu thế có thể hiểu sai lệch ý thơ của mình. Với những bài kiểu như “Đây thôn Vĩ Dạ” khi đưa vào chương trình để dạy và học, theo tôi cũng nên kèm theo lời dẫn để tránh những suy diễn đáng tiếc như bài viết của Lê Đình Mai.

Ngoài ra, theo tôi, bài viết của nhà giáo Lê Đình Mai còn là kết quả của việc phân tích tác phẩm theo lối suy diễn chủ quan. Tác phẩm nào người phân tích cũng cố qui về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Đã đành đây là hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm, nhưng nó đâu phải là tất cả. Có một số tác phẩm thắp đèn soi cũng không thể tìm thấy đâu là hiện thực xã hội, đâu là tấm lòng nhân đạo cao cả của tác giả nhưng vẫn cứ hay, vẫn cứ sống mãi với thời gian. Cái hay của văn chương nhiều hình nhiều vẻ, đâu chỉ có vài ba giá trị được khuôn sẵn rồi cứ thế ép các tác phẩm cổ kim đông tây vào những giá trị ấy. “Đây thôn Vĩ Dạ” thì có liên quan gì đến người kỹ nữ, khách làng chơi, thế mà nhà giáo kia cố gán cho nó để lấy ra được giá trị hiện thực: phản ánh cuộc sống giang hồ và giá trị nhân đạo: “một tiếng thở dài đáng quí!” Tôi tin rằng nằm trên Ghềnh Ráng nếu Hàn Mặc Tử biết được chuyện này chắc thi sĩ khổ tâm lắm. Khổ tâm vì nghe những lời khen quá ư sống sượng, khổ tâm vì người ta hiểu quá lệch bài thơ của mình. Thà cứ để thi sĩ ngủ yên còn hơn là đánh thức Hàn Mặc Tử dậy để nghe những lời suy diễn quá ư dung tục làm tan vỡ giấc mộng ngàn năm của thi sĩ.

Huế, tháng Giêng năm 1990

M.V.H

 

 

MỘT VÀI SUY NGHĨ XUNG QUANH BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ”

Trương Tham

Từ năm học 1989-1990 một chùm thơ mới, thuộc dòng văn học lãng mạn 1930-1945 được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông trung học. Riêng bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử đến nay đã có 8 bài viết trên báo trung ương và địa phương. Qua những bài viết, nhiều khía cạnh hay của bài thơ được phát hiện, nhưng cũng lộ ra những nhược điểm trong cách cảm nghĩ về bài thơ. Trước hết, một số người viết tỏ ra chưa hiểu lai lịch xuất xứ của bài thơ dẫn đến suy diễn chủ quan đi xa ý nghĩa của bài thơ. Tiêu biểu cho xu hướng ấy là bài của Lê Đình Mai đăng trên báo Giáo viên nhân dân: “Đây thôn Vĩ Dạ - một tiếng thở dài đáng quý”. (số 1 ngày 1-1-1990). Trong bài viết Lê Đình Mai cho rằng bóng dáng người con gái trong bài thơ là người kỹ nữ trên sông Hương “Sông Hương là một dâm trường lớn”, “gió có lối đi của gió, mây có đường đi của mây, kín đáo riêng biệt, thành thạo như bọn khách làng chơi đi về trong những cuộc tình”. “Con thuyền nằm chờ khách trên sông trăng. Con thuyền ấy là cách sinh nhai của cuộc đời”. Không hiểu xuất xứ của bài thơ nên người bình đã uốn bài thơ theo cảm hứng chủ quan của mình. Cứ như thế tác giả kéo dài bài viết mà không có một căn cứ nào xác đáng. Người bình thơ, nếu đúng đắn, tường tận sẽ có tác dụng đưa vẻ đẹp của tác phẩm thâm nhập sâu hơn vào quần chúng, nếu không thì ngược lại. Nhất là hiện nay, hàng vạn học sinh đang chờ đợi ở chúng ta.

Thực ra, về lai lịch của bài thơ có hai ý kiến. Theo ông Quách Tấn, người bạn thơ cùng thời với Hàn Mặc Tử có ghi rõ:

- 1930 Tử thôi học hẳn ở Huế về ở hẳn với bà thân mẫu ở Quy Nhơn. 1932 Tử xin làm ở Sở Đạc điền Quy Nhơn. Trong thời gian làm việc ở đó, Tử quen với Hoàng Cúc, con gái ông Giám đốc Sở. Hai người yêu nhau nhưng nhà gái không đồng ý gả.

- Mùa thu năm 1935 Tử vào Sài Gòn làm báo. Mùa thu năm 1936 Tử về lại Quy Nhơn. Cũng là lúc gia đình Hoàng Cúc chuyển về Huế.

- 1939 trong khi Tử đang lâm bệnh nặng thì nhận được thư Hoàng Cúc, trong thư là lời hỏi thăm sức khỏe và lời mời Tử ra chơi Huế. Đáp lại tấm lòng cố nhân, Tử sáng tác Đây thôn Vĩ Dạ gởi ra tặng Hoàng Cúc. (Quách Tấn - Hồi ký và lời tựa Thơ Hàn Mặc Tử - Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình xuất bản).

Còn theo Chế Lan Viên: “Bài thơ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” nằm trong tập Nắng Xuân do Hàn Mặc Tử và Nguyễn Minh Vĩ in ở Quy Nhơn năm 1937. Bài thơ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” Tử tặng cho Hoàng Cúc”. (Bài thơ thôn Vĩ tr.18. Sông Hương xuất bản 1987). Với hai ý kiến đó đối tượng của bài thơ được xác định. Chỉ còn lại là thời gian chưa thống nhất. Cũng may Quách Tấn và anh Nguyễn Minh Vĩ đang còn sống. Chúng ta sẽ có dịp hiểu rõ năm tháng mà nhà thơ viết bài thơ.

Một xu hướng sai lệch khác đó là hai bài viết của Đào Quốc Toàn trên báo Tuổi trẻ chủ nhật số 1-1990 và Xuân 1990 Bình Định. Trước hết mục đích của người viết không rõ. Viết để làm gì? Trong bài viết trên báo Xuân Bình Định 1990, ông Toàn viết “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” chính là lời của Hoàng Cúc nói về Hàn Mặc Tử có khuôn mặt chữ điền chứ không phải Hàn Mặc Tử tả khuôn mặt người yêu đẹp theo kiểu chữ điền. Thế này “chứ không phải thế kia”. Nhưng thế này, thế kia như thế nào thì không được lý giải rõ ràng. Ở chỗ cuối của bài thơ:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

Theo ông Toàn, “Hàn Mặc Tử có mang màu sắc đạo Phật” sắc sắc không không và chính Hoàng Cúc đã trực tiếp đem chất thiền đến cho Hàn Mặc Tử”. Quả thật, đây là một phát kiến mới mẻ. Nhưng cũng rất đáng tiếc ông Toàn không lý giải để cho bạn đọc được lĩnh hội. Tôi nghĩ đây là chuyện thật: Thôn Vĩ Dạ đẹp và người yêu còn đó nhưng vì hoàn cảnh lâm bệnh Tử biết rằng mình không bao giờ còn được đến với người yêu, khát khao tha thiết với tình yêu và cuộc sống nhưng tuyệt vọng. Nó chính là sự giằng xé trong tâm can nhà thơ. Là tâm trạng chính của bài thơ và khổ thơ, một tâm trạng rất thực, trong khung cảnh thực không “sắc sắc không không” gì cả. Thiền học và sắc sắc không không là những chuyện hóc búa không phải những tin vịt lối vỉa hè.

Cùng trong bài viết trên báo Tuổi trẻ (số 1-1990), ông Toàn lại đưa ra những chuyện sai và không đáng tin cậy chút nào:

“Mộ được an táng tại Đèo Son”. Sự việc này hoàn toàn sai. Theo hồi ký của Quách Tấn, người bạn cùng thời và đã cùng gia đình Hàn Mặc Tử dời mộ nhà thơ ghi rõ:

“Nhục thân của Tử không đưa ra ngoài được đành phải chôn tạm tại nghĩa địa nhà thương Quy Hòa... Việc cải táng được thực hiện ngày 13-1-1959. Nhớ lời ao ước của Tử năm xưa, tôi bàn cùng người em của Tử là ông Nguyễn Bá Tín đem Tử về Đèo Son. Nhưng lúc bấy giờ Đèo Son nằm trong “…khu vực quân sự nên chúng tôi phải tìm đất ở Ghềnh Ráng”.

Cũng trong bài viết trên báo Tuổi trẻ ông Toàn có cho biết ông đã từng gặp bà Hoàng Cúc. “Bà Hoàng Cúc không nhớ chính xác đã gửi thư và ảnh cho Hàn Mạc Tử năm nào nhưng chắc chắn sau khi rời Quy Nhơn một vài năm (tức là khoảng 1936-1937) và ngay sau đó nhận được hồi âm của Hàn Mặc Tử (tức là bài Đây thôn Vĩ Dạ) mà bà giữ đến ngày nay”. Xét về mặt tâm lý một người con gái suốt đời thủy chung với một người yêu như Hoàng Cúc tôi tin rằng bà không quên cái gì đến người  mình yêu cả .Vả lại, bà còn giữ bài thơ đến ngày nay mà lại không nhớ đến năm tháng kể cũng lạ? Tôi được biết một số cán bộ giảng dạy hay nói với sinh viên là mình quen với nhà văn này, nhà thơ kia nhưng toàn là những  người đã quá cố. Liệu loại tư liệu như vậy có đáng tin không ? Trong tình hình bài thơ có nhiều điều phải bàn, tung ra những chuyện không đầu không cuối không cần lý giải như thế chỉ gây thêm rắc rối. Ở đây người viết còn có trách nhiệm với thế hệ trẻ đang chờ chúng ta. Tôi nghĩ người cầm bút nên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước những điều mình nói.

T.T

 

 

(1). Theo Hoàng Diệp thì sách này ra vào tháng 2- 1942. Ổ đây chúng tôi căn cứ theo hai thi sĩ Quách Tấn và Chế Lan Viên.

 

(2) Theo Quách Tấn, Trọng Miên, Chế Lan Viên và Yến Lan thì năm 1936, Hàn Mặc Tử ra Huế gặp Trần Thanh Mại, có tặng Trần Thanh Mại một tập Gái quê nhờ giới thiệu. Sau khi Hàn Mặc Tử đi khỏi, Trần Thanh Mại đọc lướt qua rồi ném sách vào sọt giấy, bẻ bai “thơ với thẩn”. Trần Thanh Địch rất bất bình.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mai Đình  (18/05/2005)
Từ ánh trăng đô thị   (16/05/2005)
DANH VÀ THƠ TÔI SẼ RẠNG NGỜI NHƯ BÓNG TRĂNG   (12/05/2005)
Ngô Văn Phú   (11/05/2005)
"Tôi vẫn còn đây"  (02/05/2005)
Chế Lan Viên (tiếp theo)  (27/04/2005)
Chế Lan Viên  (21/04/2005)
Yến Lan  (19/04/2005)
Quách Tấn  (19/04/2005)
Vũ Ngọc Phan  (14/04/2005)
Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân  (12/04/2005)
Nguyễn Văn Xê  (10/04/2005)
Thi Nại Thị, Quách Tấn, Yến Lan  (10/04/2005)
Hoàng Diệp  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)  (05/04/2005)