(Thơ Hàn Mặc Tử)
“Vì nếu ta đây là trích tiên/ Lãng Tử ơi – mi là tiên khách khất”/... “Gió trăng có sẵn làm sao ăn?” (Câu đầu do ý một người đương thời gọi Lý Bạch là tiên trên trời rơi xuống, câu tiếp là Hàn Mặc Tử thêm vào hai từ hành khất). Có người yêu quý (tôi) bảo: Hàn Mặc Tử cứ tưởng là huyền thoại, xem ảnh, xem chữ mà ngỡ ngàng phải tin có một người thực như thế. Hàn Mặc Tử bảo: “Có tôi đây, hồn phách tôi đây. Tôi nhập vào trong xác thịt này”. Ông còn viết: “Ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và tâm hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào rút hết tình tiết của tôi”. Lại “Mộng tàn rồi, nghĩa là mộng biến đi, những điều tôi vừa thấy đều là huyền hoặc cả! Có lẽ nào?... Nhưng phút giây trong sáng đây không phải là phút giây mê sảng nữa. Có ai nhận thấy hai dòng nước mắt rưng rưng của tôi?... Tôi đương sống ngày hôm nay. Mà ngày qua là một giấc chiêm bao, có ai bảo giấc chiêm bao ấy là vu vơ, có ai bảo tôi có xác mà không có hồn”. Không nên đổ cho Hàn Mặc Tử là mộng mị, là siêu thực, là vì bệnh hoạn mà kỳ lạ, là triết lý hay cảm xúc. Ở thơ ông không có sự phân biệt ấy, không chỉ có sự chẻ nhỏ giải phổ ánh sáng nhìn thấy được từ đỏ đến tím của Thơ Mới cùng thời. Thơ ông “vắt vẻo” thở hít, sờ thấy cái ấm lạnh của cả vùng cực đỏ và cực tím ở tâm hồn người, đời sống tình tiết người và thiên nhiên. Hàn Mặc Tử cũ hơn Thơ Mới và mới hơn những người làm ra phong trào ấy. Ông gần các nhà thơ cổ điển hơn và gần hôm nay hơn. Nếu được kể mười nhà thơ tiếng Việt (chữ Nôm) được biết tới, tôi dám kể Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... và cuối cùng là Hàn Mặc Tử. Chính nhà thơ rất gần ta và chết rất trẻ này là nhà thơ cổ điển mới nhất. Một “cô láng giềng bên chết thật rồi”, một “áng mây buồn ở trong khe”, một vườn cây, giếng nước đầy trăng, một người “chị ấy năm nay còn gánh thóc”, một “tiếng hờn trong lũy tre”, một cô gái “ống quần vo xắn lên đầu gối” với đôi bụng chân “trắng rợn mình”, một chuyến đò ngang có người mới quen nhớ tiếc “Xa tít quê nhà chỉ một tay”, một quả dưa ban trưa “Chán chường bóng mát nằm phơi bụng” (như người), một cánh “Buồm trắng phất phơ như cuống lá”, một cái lều tranh, một cái chõng tre, trên đó có một người “kéo mền ủ kín toàn thân lại”. Hàn Mặc Tử gần Tú Xương ở sự kể đời thường, việc thật mà tẩm vào đó cái huyền bí “đêm gì” của Nguyễn Gia Thiều. Mặt khác ông gần Nguyễn Khuyến, Tản Đà ở cái vu vơ trong vắt: “Hôm nay trời lửng trời” và “chỉ có ao xuân trắng trẻo thay..." Có cái tự hỏi: nhớ ai mà đứng mãi đây? Có cái tiếc công bác mẹ như diều đứt dây. Thơ ông cổ điển một cách tân kỳ, trong một toàn thân sặc mùi, sặc sắc. Nó đặc sắc ở chỗ ngũ quan và tứ chi của người thơ không tách bạch ra được khỏi hồn và phách, ý và từ thơ. Có thể ông là một thể tinh hồn chứ không phải là bình đựng linh hồn. Hàn Mặc Tử vận động toàn thân với xúc cảm ngũ quan (đặc biệt các giác quan “hẹp” như xúc giác, khứu giác và vị giác) và không phân biệt người hữu tình với vật vô tri. Chủ đề, đối tượng, hình tượng, lời nói và ẩn dụ tan hòa đến không phân biệt được người với thơ nữa. Do vậy các khái niệm siêu hình, hiện thực, siêu thực... đều không bao nổi, không chồng khít với thơ ông. Và ông cũng không phải là sự kết hợp, tổ hợp các yếu tố đó một cách tài tình, (Các nhà phê bình thức giả sắp sửa quy vào cho gọn như thế) để mà khác ra, ngoài ra các trường phái, các thời khoảng lịch sử. Tính phi thời gian là bản chất thơ của ông, giống như Anđecxen, Sagan lạ với mọi trường phái, phong trào, chủ nghĩa cùng thời và địa lý, song nhìn kỹ, đọc kỹ vẫn thấy sâu sắc rằng chỉ có ngẫu nhiên biện chứng ấy mới sinh ra văn ấy, tranh ấy, thơ ấy.
Ngũ quan ông tinh nhạy và thông thoáng đặc biệt với “Ánh trăng sờ sẫm gối. Gió thu cọ mài chăn”. Gió xuân “sột soạt trên tà áo biếc”, “Áo xiêm nhuộm trắng hồng hào chưa khô” “Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến” với những cảm giác “sường sượng, tê tê”... cái cụ thể ngũ quan ấy áp dụng cả với cái vô hình, vô lượng, vô thanh, vô vị “Tôi gò mây lại. Tôi vo trìu mến như vo lụa, Lòng thiếp buồn như một tấm nhung, ôm ngang lấy gió, nắm trong tay một nạm hào quang”... và ngũ quan chuyển hóa lẫn nhau, cái nhìn thấy có sức nặng: “Có chở trăng về kịp tối nay?” Làn da trinh, trắng, mỏng, tinh, khôi nguyên của nhà thơ hấp thụ và “bài tiết” tất cả những gì ta quen (vì da ta dầy, tục, thô...) gọi là “trừu tượng”. Có phái ẩm thực nhấm nháp làm cao trong văn chương, song cơ quan tiêu hóa và hô hấp của nhà thơ Hàn Mặc Tử, cũng như mắt và tai ông không chỉ được dùng để thưởng thức, cảm nhận hay phân tích thế giới bên ngoài mà chúng được huy động hết cỡ để hóa thân cơ thể nhà thơ, làm nội ngoại đồng hóa, giao hoan với nhau: “Trí tôi hớp bao nhiêu khí vị, và trong miệng ngậm câu ca huyền bí, cả miệng ta trăng là trăng. Uống mây, hớp ráng trời, hớp cả tiếng cười trong khe” v.v... và v.v... Ông bảo mây: “Mau bay vào cuống họng ta đây!”. “Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm, chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở. / Dần dần hoa cỏ biến ra thơ” v.v... và v.v... để cuối cùng luôn là “Mùi yêu đương vấn vít cả tâm hồn”, “Sặc sụa cả mùi trăng” và “Nước mây thì hổn hển” như luôn có quả tim và lá phổi người. Thường thơ hay trừu tượng hóa, thi vị, khái quát, điển hình hóa cái cụ thể, còn thơ tuyệt vời thì có nhiều chiều ngược lại: cụ thể, sờ nắn, hít thở... vật chất hóa người hóa cái bị văn minh và ngụy tạo đẩy thành trừu tượng, làm cho cái xa lạ, dửng dưng... trở lại nồng nàn, chung chạ không cưỡng lại được. Mùa thu “ấp úng chẳng ra lời”, vì “Tình thu bi thiết lắm thu ơi”. Cây cối thì “Ngây tình không muốn động” và thú nhận “Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”. Tình con gái thì với ngày xuân càng “chín ửng”. Hoa gió thì “thì thào”, mây nước thì “nôn nao”, gió thì có khi “sau lướt mướt trong màu sáng”, không gian thì có khi “đặc quánh toàn trăng cả” và lòng em thì “thơm tho như ánh trăng”. Trăng (cái biểu tượng khô cứng trữ tình) có hơi thở, có mùi, có vị, có sức nặng, có cả “tứ chi” để “ngã ngửa, nằm sóng soài, sấp mặt, uốn mình, vướng vào cành cây, chết đuối: ở sông và chết rồi có cả xác: “thây trôi về xa tận cõi vô biên”, trăng biết ghen, giận, có dung mạo “Người trăng ăn vận toàn trăng cả, Gò má riêng thôi lại đỏ hườm”... Kể sự kỳ lạ về thơ trăng Hàn Mặc Tử đáng là hậu duệ ưu tú của Lý Bạch dù ông say tỉnh và vật lộn với thân xác mình nhiều hơn Lý Bạch say rượu thảnh thơi với hồn linh.
Cái tót vời của Hàn Mặc Tử là: tất cả những gì cục bộ là gào kêu, động đậy, phát sáng, bốc mùi, tỏa hương, ấm mềm... (tức là sống vậy) ở mỗi chữ, câu, mô típ, ý hay tứ đều được nhấn chìm, trong tổng thể, trong một không gian êm, lặng, rộng và “bàng quan”. Cái bao bọc vũ trụ ấy nâng thơ ông tới tầng triết mỹ. Thái độ ấy chỉ có ở các nhà thơ đã và sẽ trở thành cổ điển. Đó cũng là lý do làm ông vượt lên những người cùng thời đua nhau thở hít tế nhị và động đậy hăng hái. Thơ phương Đông có tứ ẩn càng vừa sâu vừa rõ càng tốt. Hàn Mặc Tử có điều đó sau cái kỳ lạ về chữ, về nhạc về vần vốn hấp dẫn người đọc sành và làm thơ sành. Nhờ vậy thơ ông như từ đâu bất ngờ tới, không chuẩn bị, như hơi thở tự ra vào, như được “khạc” ra “thổ” ra, thở hắt ra, trào ra chứ không phải được làm ra. Nó sinh hoạt với ta bằng ngôn ngữ nhưng sống với hồn ta ở tầng tiền ngôn ngữ. “Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ/Nước trong nổi bật dung hình cô/Nụ cười dưới ấy và trên ấy/Không hẹn, đồng nhau nỡ lẳng lơ”. “Có em anh sống gượng/Hồn anh về thôn quê/Theo em trong giấc ngủ/Theo em bên bánh xe”. “Ai cho châu báu thinh sắc/Miệng lưỡi khô khan hết cả thèm”... “Hoa thơm thì uốn lặng/Hương thơm thì bay lan/Em tôi thì hổn hển/Áo xuân lấm tấm vàng”. “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/Thơm như tình ái của ni cô”. “Nhớ làm sao bải hoải chân tay”/Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng/Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều”. Còn âm nhạc thì “Tinh hơn đồng trinh/Hừng quá hừng đông/Em mình nghe không/Em chưa nên đông/Say chưa ra lòng/Đều ngâm ngấm cả”. Gió thì “Rao rao gió thổi phương xa lại” và làm cho “Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai". Mùa xuân làm cho cả cây cỏ (các bậc vua chúa thực sự của bốn mùa) cũng phải ngạc nhiên “Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết. Cây cỏ hồ nghi sự lạ đời”. Cái giếng lạnh không biết, không ai biết, còn nhà thơ thì dò tìm “Nghe nói mùa thu náu chỗ này” và vầng trăng đã chết đuối, đã tự tử ở giếng ấy. Nhờ cái không gian lớn lặng (phi thời gian, không gian và không vụ lợi) và cái tứ chìm sâu mà cả những ý, hình cổ, cũ như “Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ”. Cô gái “ngày ngày giặt lụa bến sông con”, những cảnh, những tình tiết rời rạc, thô vụng, giản dị: sao anh chẳng về thôn Vĩ để mà “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”... “Thôi em chán quá, em buồn quá / Anh của em giờ cười với ai?”. “Khi hương thơm kề lỗ miệng / Khi tình mới chạm vào nhau? / Em ơi, thì nghĩa là sao?”. “Trăng nằm trên sóng cỏ/ Cỏ đùa trăng đến ao. Trăng lại dẫm mình xuống nước... Đôi ta bắt chước thì sao?” v.v... đều mới tinh hết.
Không phải sự đau đớn, bi quan hay thờ ơ ngạo mạn mà là sự huy động toàn thân, tự tại để hòa nhập đến phát hiện ra mình và thế giới cùng lúc dẫn tới những khẳng định thơ “Lòng tôi chưa kịp nói / Giấy đã toát mồ hôi” hoặc “Ô ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại/ Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta.../ Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta” hoặc “Chỉ có trăng sao là bất diệt, cái gì khác nữa thảy đi qua” (một câu tầm cỡ sơn hà tại của Đỗ Phủ). Không phải sự ngông cuồng, rồ dại, điên loạn mà là sự nồng nàn và hoang mang chân thực của con người trước tự nhiên dẫn ông tới cái vô cùng “Vỡ toang ra từng mảnh cả không gian/Cả thời gian từ khai thiên lập địa/Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa”.
Thơ Hàn Mặc Tử cũng có những tình cảm nhỏ bé như ánh lân tinh ở biển, song sự quên mình như biển cả, và một nhân sinh quan thiết tha mà lạnh lùng làm cho thơ ông như hương trầm thấm mãi, - bí ẩn chăng? Lo sợ chăng? Tin cậy gửi gắm chăng? Cầu mong, an ủi chăng? - ... tạo nên một thế giới thơ để (như ở các thi nhân thật lớn) ta có thể sống trong đó chứ không phải chỉ để xem đọc, bình thơ, học làm thơ. Ông hô lên “Tôi vẫn còn đây” trong “xác thịt này” nhỏ bé, song mai sau, bao giờ dù thân xác ấy đã tan rã, người thơ và thơ Hàn Mặc Tử... lúc nào cũng sẽ Vẫn còn đây.
N.Q 1990
|