|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện |
Nhân dịp tỉnh ta chuẩn bị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2012) - huyện đồng bằng đầu tiên của tỉnh Bình Ðịnh được giải phóng hoàn toàn trong chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 và giữ vững đến ngày giải phóng toàn tỉnh ngày 31.3.1975 - chúng tôi đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, một số vấn đề về sự kiện lịch sử và Lễ kỷ niệm này.
* Thưa đồng chí, năm nay tỉnh ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân, đồng chí có thể khái quát tầm quan trọng của sự kiện lịch sử giải phóng huyện Hoài Ân ngày 19.4.1972?
- Như chúng ta đã biết, chiến thắng giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân ngày 19.4.1972 có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng không chỉ trên chiến trường Bình Định mà còn đối với các tỉnh khu V và cả miền Nam lúc đó. Có thể nói, thắng lợi của Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân giành được trong Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972 là thắng lợi của lòng tin và ý chí tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, đồng thời biết tranh thủ thời cơ chung, tận dụng thời cơ tại chỗ, phối hợp ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích với phong trào cách mạng của quần chúng với ba hình thức: đấu tranh vũ trang, đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị tại chỗ cùng với phong trào cách mạng chung toàn tỉnh, toàn khu, toàn miền, với đòn tấn công quân sự mở màn chiến dịch có ý nghĩa quyết định của bộ đội Sư đoàn Sao Vàng giáng vào căn cứ Gò Loi và các căn cứ khác của địch ở Hoài Ân, làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng giữa ta và địch từ ngày 9.4.1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19.4.1972. Đặc biệt, Chiến dịch Xuân-Hè 1972 không chỉ giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân mà còn tạo thế và lực mới để tiếp tục giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Nhơn và phần lớn huyện Phù Mỹ, mở ra một vùng giải phóng liên hoàn ở Bắc Bình Định, cắt đứt giao thông của địch trên quốc lộ 1, tạo ra sự chia cắt các vùng chiến thuật của địch trong nhiều tháng. Tính quan trọng và ý nghĩa to lớn của chiến thắng giải phóng Hoài Ân còn ở chỗ bảo vệ được thành quả giải phóng, xây dựng Hoài Ân trở thành căn cứ địa và hậu phương trực tiếp của chiến trường toàn tỉnh, đánh bại âm mưu phản kích, lấn chiếm và “bình định” của địch, giữ vững vùng giải phóng huyện Hoài Ân cho đến ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định (31.3.1975). Trong thời gian 3 năm (4.1972 – 4.1975), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, quân và dân Hoài Ân tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, chịu đựng gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo, liên tục phản công và tiến công đánh địch phản kích để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân.
|
Một góc thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân). Ảnh: VĂN LƯU
|
* Với tầm quan trọng đó, đồng chí cho biết ý nghĩa của việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân ?
- Với ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến dịch Xuân - Hè giải phóng Bắc Bình Định năm 1972 mà một cột mốc quan trọng và đỉnh cao là giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân cùng với hơn 1.000 ngày chiến đấu vô cùng oanh liệt của quân và dân ta để bảo vệ vùng giải phóng, năm nay, tỉnh ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân nhằm không chỉ ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân mà còn ôn lại truyền thống cách mạng của cả quân và dân tỉnh Bình Định; đồng thời ôn lại những bài học kinh nghiệm về sự phối hợp nhịp nhàng đạt đến tầm nghệ thuật trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự phối hợp tác chiến giữa các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương và chủ lực, giữa hoạt động vũ trang và phong trào quần chúng nhằm bồi đắp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây cũng là dịp để mọi người tự hào về truyền thống đấu tranh của quê hương; đồng thời ghi ơn, tưởng nhớ những liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, những thương binh, bệnh binh và đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh mồ hôi, xương máu và người thân của mình cho quê hương, đất nước. Và điều quan trọng hơn là việc tổ chức tốt lễ kỷ niệm này để Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng vào công cuộc xây dựng quê hương hiện nay, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, cũng như các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của huyện nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
|
Nông dân xã Ân Phong thu hoạch lúa Hè Thu năm 2011. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
|
* Vâng, xin đồng chí cho biết định hướng chỉ đạo của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Ân trong thời gian đến?
- Như chúng ta đã biết, từ một vùng đất kiên cường trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hoài Ân đã gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Sau ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là Đảng bộ huyện, cán bộ và nhân dân Hoài Ân đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đáng chú ý là trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của huyện được xây dựng ngày càng tốt hơn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ tính trong 5 năm (2005-2010) tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt 11,3%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Đời sống người dân ở trung tâm huyện lỵ cũng như các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi ngày càng được cải thiện và nâng cao; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - thể dục thể thao ngày càng phát triển, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
|
Đội múa cồng chiêng huyện Hoài Ân biểu diễn tại Lễ hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
|
Tuy vậy, so với truyền thống yêu nước, hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo và tiềm năng, thế mạnh của Hoài Ân thì những gì đã đạt được còn “khiêm tốn”. Do đó, trong thời gian tới, Hoài Ân cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đưa huyện Hoài Ân trở thành địa phương giàu có, phồn vinh.
* Xin cảm ơn đồng chí!
* Vùng giải phóng hoàn chỉnh Hoài Ân nằm giữa đồng bằng phía bắc tỉnh được khẩn trương xây dựng và củng cố, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc căn cứ địa miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, tạo ra thế, lực và khả năng mới, góp phần giành thắng lợi to lớn chưa từng có trong chiến dịch Xuân-Hè năm 1972. (trích Lịch sử Đảng bộ Hoài Ân)
* Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IX Đảng bộ tỉnh (11.1973) khẳng định: “Lần đầu tiên sau 7 năm (1965-1972), ta lại tạo được căn cứ đứng chân ở đồng bằng, tạo thêm thế mạnh để phát triển thế tiến công vào phía nam… tạo ra thế bao vây và uy hiếp thị xã, làm cho địch ngày càng đảo lộn và hoang mang rệu rã…”. (trích Lịch sử Đảng bộ Hoài Ân) |
|