(Hồi ức của ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định)
LƯỢC CẢNH MỞ RA CHIẾN DỊCH XUÂN - HÈ 1972
Năm 1971, trên chiến trường Bình Định tuy lực lượng cách mạng còn một số nhược điểm, khuyết điểm, nhưng là năm quân và dân Bình Định đã đánh bại một bước chương trình “bình định” trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Tờ Thông tin diễn đàn quốc tế Mỹ ngày 19.9.1971 phải thú nhận: Tỉnh Bình Định là một chiến lũy của Cộng sản. Đứng về góc độ “bình định” tình hình, tỉnh này được xếp vào hàng thứ 44 trong số 44 tỉnh ở miền Nam Việt Nam”.
|
Triển khai kế hoạch tác chiến của chiến dịch Xuân - Hè 1972 (ảnh tư liệu).
|
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong Xuân-Hè 1971, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến có lợi cho ta. Đặc biệt, cuối năm 1971, bộ binh Mỹ đã căn bản rút hết trên chiến trường địa phương. Với khí thế thừa thắng xông lên và tinh thần, tư tưởng tiến công cách mạng “nói thẳng làm tới”, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã khẩn trương xúc tiến các mặt công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân-Hè 1972.
Song song với chuẩn bị về chính trị tư tưởng, các mặt khác cũng được khẩn trương đẩy mạnh. Về mặt quân sự, cùng với sự trở lại của Sư đoàn 3 Sao Vàng, là đẩy mạnh việc bổ sung lực lượng cho đội quân chủ lực. Công tác chuẩn bị vật chất, nhất là lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược được khẩn trương tiến hành. “Chiến dịch gạo” được phát động sôi nổi, đảm bảo đủ gạo cho quân đội hoạt động trong thời gian dài…
Trước thời cơ mới, tình hình địch có những biến đổi có lợi cho ta. Chúng tôi càng nức lòng khi nghiên cứu Nghị quyết Bộ Chính trị “giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua…” và Hội nghị Trung ương lần thứ 20, khẳng định “ta đang thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống”.
Trung ương Đảng đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền. Đối với tỉnh, chiến dịch Xuân – Hè 1972 là thời cơ lớn để ta giải phóng, giành lại dân, phá tan âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ngụy.
Cuối tháng 12.1971, một cuộc họp liên tịch được khẩn trương tiến hành giữa đại diện Thường vụ Khu ủy 5, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng, Ban chỉ huy Tỉnh đội. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ của quân dân Bình Định trong chiến dịch tổng tiến công tổng hợp Xuân-Hè năm 1972, là: Cùng với Sư đoàn 3 đánh vỡ một bộ phận quan trọng hệ thống phòng thủ cơ bản của địch ở bắc tỉnh, giải phóng một số huyện ở bắc tỉnh và giành quyền làm chủ một số mảng phía nam tỉnh, phối hợp với chiến trường toàn Khu mở ra vùng giải phóng từ nam Quảng Ngãi và bắc Bình Định, nối liền với vùng căn cứ Gia Lai-Kon Tum…
Sau hội nghị, lòng tôi càng rộn lên bao nỗi niềm khôn tả. Các nhiệm vụ quan trọng trong cuộc họp với đại diện Thường vụ Khu ủy Khu 5 cứ âm vang trong đầu tôi “Đẩy mạnh ba quả đấm, kết hợp tiến công và nổi dậy, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động quân chủ lực ngụy… đánh bại cơ bản chương trình “bình định” của địch, giành quyền làm chủ, giải phóng đại bộ phận nông thôn, đồng bằng… đẩy mạnh phong trào đô thị…”.
|
Tấn công đánh chiếm Gò Loi tối ngày 8 sáng ngày 9.4.1972 (ảnh tư liệu).
|
Đây chính là thời cơ lớn, quan trọng mà chúng tôi đã khát khao chờ đợi từ lâu, khi phải vượt qua quãng thời gian quá dài với biết bao đau thương, hy sinh mất mát của chiến sĩ và đồng bào, đồng chí mong sao Bình Định giải phóng được một vùng rộng lớn mà ta đã bị mất vào tay địch.
Hồi đó, vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi phong trào đồng khởi “mở ra”, ta đã giải phóng và làm chủ một vùng rộng lớn liên mảng với ba phần tư dân số, khoảng gần 500 ngàn dân, đến nỗi có tướng Mỹ phải thốt lên, xác nhận: “Tại Bình Định, Việt cộng treo cờ khắp nơi, trừ một vài quận lỵ và thị xã Quy Nhơn”.
Nhưng từ sau tháng 7.1965, khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, chúng hà hơi tiếp sức, hỗ trợ rất lớn cho quân ngụy mở hàng trăm cuộc càn quét, giết hại hàng ngàn người, đốt cháy hàng chục ngàn nóc nhà, tiêu hủy hàng ngàn tấn lương thực của nhân dân…và chúng đã lấn chiếm nhanh nhiều vùng giải phóng của ta. Trong đó, Hoài Ân là nơi thiệt hại nặng nề nhất trong toàn tỉnh. Cách mạng đã mất trên 250 ngàn dân ở cả nam và bắc tỉnh… mà 5, 6 năm sau ta chưa có thời cơ giành lại được…
Từ Nghị quyết của Hội nghị liên tịch, và để đảm bảo cho chiến dịch thành công, hội nghị cũng đã quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Bình Định. Gồm một số đồng chí Thường vụ Khu ủy 5, đại diện của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3, do đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Thường vụ Khu ủy 5 làm Bí thư. Đồng thời lập Ban chỉ huy tiền phương hai khu vực trọng điểm, cùng Hội đồng cung cấp tiền phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Đặng Thành Chơn, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Ban chỉ huy tiền phương phía bắc; hai đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín và Lê Thành Văn phụ trách Ban chỉ huy tiền phương khu vực trọng điểm phía nam. Sau đó đã triển khai thành lập ngay hai đoàn cán bộ chủ chốt, khẩn trương tiến hành các nhiệm vụ và kiểm tra các công tác chuẩn bị, đi sâu phát động tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng các địa phương 2 vùng trọng điểm.
Theo phương hướng chung toàn chiến trường quân khu, chiến trường Bình Định trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 chia thành hai trọng điểm. Trọng điểm phía bắc tỉnh gồm 7 xã bắc Phù Mỹ, hai huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn mà chủ yếu là Hoài Ân. Trọng điểm phía nam tỉnh gồm các xã phía nam Phù Mỹ và các huyện Phù Cát, An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước, chủ yếu là Đập Đá và đông Tuy Phước. Và chiến dịch “nói thẳng làm tới” của Xuân –Hè 1972 này, được xác định khâu đầu tiên là bắc Bình Định, theo lược đồ sẽ mở ra sáu trận đánh chính, mà Gò Loi của Hoài Ân là trận mở màn.
Có thể nói công tác chuẩn bị của ta rất tỉ mỉ, chu đáo và bí mật, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội trong chiến dịch Xuân-Hè 1972.
|
Chi khu quận lỵ Hoài Ân hoàn toàn giải phóng (ảnh tư liệu).
|
HOÀI ÂN GIẢI PHÓNG, TRỞ THÀNH CĂN CỨ VÀ BÀN ĐẠP TIẾN CÔNG CỦA CÁCH MẠNG Ở BÌNH ĐỊNH VÀ KHU 5
Để án ngữ phía nam quận lỵ Hoài Ân và con đường huyết mạch Phù Mỹ đi Kim Sơn, chống lại phong trào cách mạng, từ năm 1966, quân Mỹ đã cho xây dựng trên quả đồi Gò Loi một cứ điểm quân sự kiên cố vào bậc nhất của bắc Bình Định. Cứ điểm này có 3 tầng lô cốt và 14 lớp rào thép gai bao quanh, gài dày đặc các loại mìn. Tiếp ngoài các lớp rào hàng trăm thước là các bãi mìn và chướng ngại. Cứ điểm này còn có cả sân bay trực thăng và hệ thống hầm ngầm để được cả xe cơ giới và lương thực dự trữ đủ ăn hàng tháng trời. Đối với địch, Gò Loi là bất khả xâm phạm. Tên chỉ huy liên đội bảo an ở đây đã từng tuyên bố xanh rờn: “Chừng nào nước sông Kim Sơn chảy ngược, Cộng sản mới lấy được Gò Loi”.
Quả vậy, bởi trước đây ta cũng đã nhiều lần tiến công cứ điểm Gò Loi nhưng đều không thành công vì không đủ điều kiện. Tuy nhiên, với chiến dịch Xuân – Hè 1972, ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo và chắc thắng trận mở màn quan trọng với quyết tâm cao của đội quân chủ lực. Và không hề thay đổi ý chí mặc dù trước ngày “khai hỏa” địch đã tăng viện cho cứ điểm này thêm một đại đội thám báo.
Trận đánh Gò Loi bắt đầu vào đêm 9.4.1972. Với sức công phá dữ dội từ bộc phá và hỏa lực của ta, cứ điểm Gò Loi rung chuyển, bốc cháy ngùn ngụt, mở đường cho các chiến sĩ đặc công quyết liệt xông lên chiến đấu. Và chỉ khoảng 20 phút sau, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đã tung bay trên nóc lô cốt cứ điểm.
Gò Loi đã vào tay cách mạng, cánh cửa phía tây nam chiến dịch đã mở toang, báo hiệu giờ phút cáo chung cho ngụy quân, ngụy quyền ở Hoài Ân. Theo lược đồ tiến công, quân ta đã nhanh chóng thiết kế liên tiếp các trận đánh thứ hai, thứ ba, thứ tư… như trận quyết chiến đánh vào quân chi viện ở Hòn Bồ, chốt núi Lại Khánh. Với sự phối hợp nhịp nhàng của quân dân Hoài Nhơn, bằng ba mũi giáp công nổi dậy, phong tỏa chi khu quân sự Tam Quan và căn cứ Đệ Đức, đã xóa sổ chiến đoàn đặc nhiệm 40 của địch, cắt đứt đường tiến lui của chúng… làm cho cả hệ thống ngụy quân, ngụy quyền ở bắc Bình Định náo động. Tranh thủ thời cơ, các lực lượng cán bộ cơ sở các xã của Hoài Ân phối hợp kịp thời, phát động quần chúng đồng loạt nổi dậy phá khu dồn, bung về làng cũ.
Thừa thắng xốc tới, Bộ chỉ huy Mặt trận Bình Định hạ quyết tâm tiến công giải phóng quận lỵ Hoài Ân. Với trận đánh quyết định này – là trận quyết chiến quyết thắng của chiến dịch, quân ta đã triển khai hết sức khẩn trương và đồng loạt tiến công vào đêm 18 rạng ngày 19.4. Theo phương án tác chiến của mình, các lực lượng chủ lực, địa phương, cả bộ binh, pháo binh, đặc công, công binh của ta đã đồng loạt nổ súng tiến công các chốt điểm ngoại vi và ấp chiến lược xung quanh quận lỵ nhằm bóc đi lớp vỏ cuối cùng - những chốt điểm hiểm yếu cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Hoài Ân. Mặc dù có một số chốt điểm ta và địch giằng co, giành nhau từng trận địa; và địch đã cho máy bay yểm trợ ném bom dữ dội vào các vị trí bị mất; bộ binh chúng bị ta vây đánh phải mở đường máu tháo chạy... nhưng cuối cùng chúng cũng không thể thoát được trước đòn tiến công quyết liệt của đội quân chủ lực Sư đoàn 3 anh dũng, kiên cường… Gần 1.000 tên lính và 11 xe M.113 đã bị tiêu diệt; hàng trăm tên còn sống sót đã lần lượt hạ súng xin hàng…
Sau 10 ngày chiến đấu ngoan cường của ta, một tin vui nức lòng mọi chiến sĩ, quân dân Bình Định: Từ 11 giờ trưa ngày 19.4.1972, huyện Hoài Ân hoàn toàn giải phóng! Từ đây hơn 30 ngàn dân trong các khu dồn của địch ở Hoài Ân đã thoát khỏi ách kềm kẹp của địch sau hơn chục năm gian khổ, đau thương.
|
Đồng chí Nguyễn Trung Tín đọc diễn văn tại Mít-tinh chào mừng giải phóng tỉnh Bình Định (ảnh tư liệu).
|
Một tuần lễ sau ngày giải phóng Hoài Ân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi thành tích xuất sắc của Sư đoàn 3 và quân dân Bình Định.
Chiến thắng Hoài Ân đã chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang giải phóng Bình Định, trong đó nòng cốt là Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đồng thời còn chứng minh sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Đó chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân: quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; là sự phối hợp của ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận. Giải phóng Hoài Ân là chiến thắng quan trọng của Bình Định đã đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai!
Hoài Ân hoàn toàn giải phóng đã làm nức lòng quân dân Bình Định. Ngọn cờ chiến thắng bay cao càng thôi thúc, cổ vũ quân dân cả hai vùng trọng điểm Bắc Nam tỉnh xốc tới giành thắng lợi quyết định to lớn trong chiến dịch Xuân– Hè 1972.
Tiếp sau giải phóng Hoài Ân, theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ chỉ huy mặt trận Bình Định đã chỉ đạo quân ta đánh vây ép Bồng Sơn (huyện lỵ Hoài Nhơn), nhanh chóng tập trung lực lượng diệt căn cứ Bình Dương (Phù Mỹ), giải phóng bắc Phù Mỹ trước. Sau khi 7 xã bắc huyện Phù Mỹ giải phóng, khả năng giải phóng huyện Hoài Nhơn đã trở thành hiện thực.
Với thắng lợi này, Đảng bộ và quân dân Bình Định đã được Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Nhất.
Phối hợp với chiến trường phía bắc tỉnh, cũng giữa tháng 4.1972, theo chỉ đạo của Ban chỉ huy tiền phương của tỉnh, quân và dân các huyện phía nam là Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê, Vĩnh Thạnh và thị xã Quy Nhơn cũng đồng loạt nổ súng bước vào chiến dịch; buộc địch phải rút chạy khỏi huyện lỵ Vĩnh Thạnh và huyện Vĩnh Thạnh được giải phóng lần thứ hai từ đó.
Với những thắng lợi liên tiếp ở cả hai vùng trọng điểm nam và bắc tỉnh, đã làm cho chiến thắng của Chiến dịch Tổng tiến công Xuân – Hè 1972 càng thêm vang dội mà đỉnh cao là Hoài Ân hoàn toàn giải phóng!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao, hy sinh mất mát, ở Bình Định và tính cả Khu 5, cả miền Nam, Hoài Ân là huyện đầu tiên được giải phóng, thoát khỏi vòng kềm kẹp của chế độ Mỹ ngụy. Địch mất Hoài Ân, trong các năm 1972, 1973, 1974, chúng phản kích quyết liệt giành lại, nhưng ta vẫn kiên trì, anh dũng chiến đấu, giữ vững vùng giải phóng Hoài Ân. Và từ chiến dịch Tổng tiến công Xuân – Hè năm 1972 đó, huyện Hoài Ân trở thành căn cứ và bàn đạp tiến công hết sức quan trọng của chiến trường Bình Định và Khu 5 trong những năm cuối của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại..
(Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Trong thời gian năm 1972, đồng chí Nguyễn Trung Tín là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, thành viên Đảng ủy Mặt trận Bình Định, chỉ huy Ban chỉ huy tiền phương, chỉ huy Chiến dịch tổng tiến công Xuân - Hè năm 1972). |