Ký ức về một trận đánh lịch sử
8:40', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Cách đây vừa tròn 40 năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Khu ủy khu V và Tỉnh ủy Bình Ðịnh, Huyện ủy Hoài Ân do ông Võ Văn Dũng làm Bí thư, đã đề ra nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược: Tập trung toàn bộ nội lực và ý chí của Ðảng bộ, quân và dân địa phương, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, đẩy mạnh ba mũi giáp công đánh sập bộ máy ngụy quyền từ quận đến xã, thôn, giải phóng huyện Hoài Ân. Nay ông Dũng đã bước sang tuổi 80, nhưng khi nhắc lại những tháng ngày hào hùng năm ấy, ông trở nên sôi nổi, ánh mắt như trẻ trung hơn...

Đánh chiếm chi khu quận lỵ Hoài Ân vào lúc 11 giờ ngày 19.4.1972 (ảnh tư liệu).

 

1.

Thắng lợi có ý nghĩa, cục diện chính trị có phần lợi cho ta, bất lợi cho địch. Bộ Chính trị chỉ thị cho Khu ủy khu V và lãnh đạo chiến trường toàn khu phối hợp với toàn miền mở cuộc tấn công chiến lược: Khu ủy V lấy Tây Nguyên, Quảng Nam, Bình Định làm ba trọng điểm. Riêng Bình Định, Tỉnh ủy quyết định lấy huyện Hoài Ân là địa bàn then chốt giải phóng sớm nhất. Bí thư Huyện ủy Võ Văn Dũng thay mặt Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận nhận nhiệm vụ của Ban chỉ đạo triển khai cụ thể cho địa bàn Hoài Ân như sau:

Quân chủ lực của Sư đoàn 3 cùng lực lượng du kích xã đảm nhiệm đánh chiếm cứ điểm Gò Loi và 6 chốt cứ điểm xung quanh Gò Loi (ngã ba Tân Thạnh - Ân Tường đến Kim Sơn - Ân Nghĩa).

Khi Sư đoàn 3 đánh Gò Loi thì bộ đội của huyện và du kích các xã phối hợp với bộ đội huyện An Lão đảm nhiệm đánh chiếm 4 chốt ở Mỹ Thành, cầu Bến Muồng, đồi Núi Chéo, đồi Gò Mít tấn công và nổi dậy bức rút, bức hàng, giải phóng hai xã còn địch là Ân Tín và Ân Thạnh.

Lúc ấy, Huyện ủy nhận định, tại Hoài Ân các lực lượng của địch có khoảng 2.000 tên địa phương quân và nghĩa quân, 7 cố vấn Mỹ và 1.000 tên là bọn ngụy quyền và cảnh sát. Đại úy Ngô Huỳnh khét tiếng gian ác của địch khi ấy đã huênh hoang - “Chừng nào nước sông Kim Sơn chảy ngược, cộng sản mới lấy được Gò Loi”.

Trong khi đó, phía ta đã chuẩn bị lực lượng khá chu đáo. Tại phía Nam của huyện, đúng 1 giờ sáng ngày 9.4.1972, các cánh quân của ta được lệnh nổ súng. Bộ đội dồn dập tấn công trên mọi hướng. Chỉ 20 phút sau, các chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 40 của Sư đoàn 3 đã làm chủ hoàn toàn khu vực Gò Loi, tiêu diệt gọn Ban Chỉ huy Liên đội, 2 đại đội bảo an với 200 tên, phá hủy toàn bộ công sự, kho tàng, thu nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng của địch.

Ngay trong đêm 9. 4.1972, các trung đoàn chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang các xã đánh chiếm các đồi: Gò Dê, cầu Bến Vách, đồi đá, khu gia binh xung quanh cứ điểm Gò Loi giải phóng trên 5.000 dân các xã phía Nam của huyện, toàn dân đã nổi dậy phá tan các ấp chiến lược bung về làng cũ.

Không dừng lại ở những thành tích ấy, trong hai ngày 10 và 11.4, 4 đại đội bảo an và hàng chục trực thăng tới giải tỏa, cứu lính do chỉ huy quận lỵ Hoài Ân huy động tới cũng bị bộ đội, du kích xã đánh tơi tả.

Ở phía Bắc huyện, bộ đội địa phương và du kích các xã đã phối hợp với Tiểu đoàn An Lão bao vây các chốt, kết hợp với quần chúng nổi dậy tấn công, ngày 9.4 bức rút các chốt cầu Bến Muồng, Mỹ Thành, Cấm ông Biên, đồi Núi Chéo giải phóng xã Ân Tín và một phần của xã Ân Thạnh.

Đến ngày 13.4, bộ đội ta bao vây bức rút đồi Chanh có 1 trung đội bảo an của địch ra hàng. Cuối cùng, bộ đội và du kích xã đã giải phóng hoàn toàn hai xã Ân Tín và Ân Thạnh. Những tên giặc còn sống sót bỏ chạy về phía thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Trên 10.000 dân các xã bị dồn đã về lại làng cũ.

2.

Ông Võ Văn Dũng bồi hồi: “Tại trận chiến Gò Loi, tôi còn nhớ rất rõ rằng, bộ đội ta đã phục kích chờ quân chủ lực ngụy tới ứng cứu để đánh cho bằng hết nhưng quân địch nắm được tình hình nên không đến. Chờ mãi không thấy địch đến, ngày 12.4, bộ đội ta được lệnh rút quân nghi binh rồi bí mật quay trở lại phục kích. Địch tưởng ta đã rút hết, chúng huy động 1 tiểu đoàn đặc nhiệm, 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 chiến đoàn xe bọc thép chia làm ba cánh: một cánh chính diện chiếm đồi Ốc, Gò Dê, một cánh đi vào An Hậu qua truông Cây Cốc, một cánh đi Vĩnh Hòa vượt sông qua Phú Khương, ba cánh băng đồng ruộng tiến quân vào Gò Loi. Bộ binh ta từ nhiều hướng phục sẵn chờ chúng đến sát ta nổ súng tiêu diệt gọn tiểu đoàn đặc nhiệm tại đồng ruộng Gò Loi, pháo, cối ta bắn vào đồi Ốc, hòn Bồ diệt trên 300 tên, bắt sống 28 tên, có 1 trung úy ra hàng, bắn rơi 1 máy bay. Cùng ngày, bộ đội huyện và du kích xã phối hợp bao vây bức rút đồi 75 giải phóng hai thôn Gia Trị, Đức Long (xã Ân Đức).

Như vậy chỉ trong 7 ngày, bộ đội và du kích các xã đã giải phóng các xã: Ân Tường, Ân Đức, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín. Tôi nghĩ, thế trận đã hoàn toàn thay đổi, ta giành phần thắng ở khắp nơi ngay cả địch rút cũng bị ta đánh chặn tới cùng”.

Ngày 17 và 18.4.1972, Bộ Chỉ huy Mặt trận khẳng định: Địch không còn khả năng phản kích, thậm chí việc bảo vệ chốt điểm còn lại chung quanh quận lỵ, ngay cả quận lỵ cũng hết sức mong manh. Lúc này là một thời cơ vô cùng thuận lợi để chúng ta giải phóng quận lỵ Hoài Ân. Do đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn quận Hoài Ân trong hai ngày 18 và 19.4.1972.

Từ quyết tâm, chớp lấy thời cơ của Ban Chỉ đạo Chiến dịch, ngày 15.4, du kích và đồng bào Ân Phong đã nổi dậy bức rút chốt núi Bụt, sát quận lỵ. Ngày 16 và 17.4, địch đã co cụm về tại Nổng Chùa và Truông Sỏi, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ác liệt tại các vị trí gần quận như: Nổng Chùa, Đồi Tranh, Truông Sỏi, Núi Một - Ân Hậu, Thanh Tú - Du Tự thuộc hai xã Ân Đức và Ân Phong.

Ngày 18.4, bộ đội chủ lực đề nghị địa phương cho một chiến sĩ biết đường dẫn bộ đội đánh chiếm Truông Sỏi. Đồng chí Nguyễn Thị Dạt, Chính trị viên Xã đội Ân Đức, xung phong dẫn bộ đội đánh chiếm Truông Sỏi và các vị trí còn lại, thu được 2 pháo 105 và 2 xe tăng M113.

Trong đêm 18.4, bộ đội chủ lực cho một cánh quân thọc sâu xuống Phú Văn - Ân Thạnh trấn giữ Truông Phát chặn đánh địch rút chạy, một cánh quân nữa thọc sâu ra cầu Giáo Ba, An Hòa - Ân Phong cùng chặn đánh khi địch ở quận lỵ tháo chạy thoát thân.

3 giờ sáng 19.4, địch trong quận lỵ phá hủy kho tàng, công sự, tập trung xe pháo, quân lính mở đường máu tháo chạy.

Thế trận bao vây khép kín của quân và dân ta đã bày sẵn. Đúng 9 giờ, toàn bộ quân địch dồn trên đường độc đạo từ quận đến cầu Giáo Ba, bị ta chặn đánh bất ngờ phải bỏ xe pháo, dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Quân địch chết la liệt khoảng 150 tên khắp các thôn An Chiểu, Du Tự và cánh đồng Du Tự, 2 xe bọc thép bị bắn cháy.

Đúng 11 giờ trưa ngày 19.4, cờ giải phóng tung bay trên quận lỵ Hoài Ân, đánh dấu một mốc son lịch sử: Huyện Hoài Ân với 28.825 dân đã hoàn toàn được giải phóng.

3.

Trong suốt 10 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ 1 giờ sáng 9.4 đến 11 giờ ngày 19.4.1972), cùng với bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 làm nòng cốt, quân và dân Hoài Ân dồn dập tiến công và nổi dậy, loại khỏi vòng chiến đấu 3.744 tên địch, bắt và đầu hàng 1.430 tên (có 191 ác ôn, tề điệp…), tiêu diệt 3 tiểu đoàn cộng hòa, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, diệt và làm tan rã 2 liên đội bảo an, 29 trung đội dân vệ, phá rã toàn bộ 16 trung đội phòng vệ dân sự, đập nát hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ quận đến xã thôn; thu và phá hủy 1.021 súng các loại, 4 pháo 105, 15 cối 60-160, 4 xe M113, 7 xe GMC, bắn rơi 10 máy bay lên thẳng, phá banh 7 khu dồn… giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân.

Huyện Hoài Ân hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Bình Định tạo được bàn đạp và căn cứ địa vững chắc ngay giữa đồng bằng, tiến lên giành thắng lợi to lớn chưa từng có trong Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, góp phần xứng đáng cùng quân và dân toàn tỉnh lần lượt làm thất bại các kế hoạch “Bình định nông thôn” của địch ở địa phương, góp phần đánh bại thêm một bước nghiêm trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.

  • HẢI YẾN

(Ghi theo lời kể của ông Võ Văn Dũng)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vững bước đi lên  (13/04/2012)
Giải phóng Hoài Ân cổ vũ quân dân Bình Định nổi dậy đánh bại hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy  (13/04/2012)
Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vào xây dựng quê hương  (13/04/2012)
Cùng bạn đọc  (13/04/2012)