Dòng suối Nghĩa Nhơn
8:53', 14/4/ 2012 (GMT+7)

* Bút ký của TRƯƠNG THAM

Buổi sớm sương dày phủ cả gốc cây chỉ thấy một vệt dài những bông hoa hồng trắng như đang bơi trong sương bạc. Ðến khi mặt trời lên, sương tan dần. Những giọt sương trong những đóa hoa lóng lánh như những hạt kim cương, lăn dần trên cánh hoa rơi xuống dòng suối. Nắng cứ lên dần, hàng hoa như đã trao hết những hạt kim cương cho dòng suối trở nên nhẹ vởn, sởn sơ trong gió nhẹ. Cũng là lúc những bông hoa phù dung từ màu trắng chuyển sang màu hồng. Nhìn xuống dòng suối tràn đầy những bóng hoa. Nước chảy mà bóng hoa không trôi, cứ chập chờn như một áng mây hồng phiêu linh trong dòng nước trong vắt.

Một góc xã Ân Nghĩa (Hoài Ân). Ảnh: VĂN LƯU

Anh bạn của chúng tôi là một nhà khoa học nổi tiếng. Anh có nhiều cống hiến cho y học trong nước và thế giới. Nhưng những người bạn

thân của anh lại là giáo viên văn học, nhà văn, nhà thơ. Anh mải mê nghiên cứu nên chúng tôi rất ít gặp nhau. Có khi một hai năm mới gặp một lần. Hễ gặp nhau, câu đầu tiên anh hỏi: “Các cậu đã hoàn thành giúp mình chưa?”. Từ lâu anh mong ước được thấy dòng suối nhỏ quê hương của mình đi vào văn học. Anh nói: “Với mình, nó là sự sống, là động lực giúp mình làm việc tốt hơn”.

Năm tháng trôi dần, đã quá ba mươi mùa xuân từ ngày đất nước thống nhất. Rồi cũng có một mùa xuân tôi đến được Nghĩa Nhơn. Thôn Nghĩa Nhơn thuộc xã Ân Nghĩa là một trong những thôn cuối cùng của Hoài Ân giáp với các làng của đồng bào dân tộc. Theo lời các cụ già trong thôn kể lại: Trước Cách mạng tháng Tám, Nghĩa Nhơn là một vùng quê heo hút, lèo tèo mấy chục nóc nhà. Thời bấy giờ những người trai họ Trương hiếu học đã lặn lội tới kinh thành Huế để tìm cái chữ mà sống, cho quê hương mình bớt cực nhọc tối tăm. Họ đã trở về dạy học ở Ân Nghĩa. Được sự hướng dẫn của một số “đảng viên ba mươi”, một chi bộ đầu tiên của Ân Nghĩa được thành lập tại vườn dừa thôn Nhơn Sơn. Ông giáo Ba là Bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ ấy. Từ Nghĩa Nhơn ông giáo đã ra đi hoạt động vào Nam, ra Bắc cuối cùng trở về hy sinh trên mảnh đất mà từ ấy ông đã ra đi. Thời kháng chiến chống Pháp, Nghĩa Nhơn là hậu phương cho các đơn vị bộ đội trở về đóng quân sau những mùa chiến dịch. Hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì chính quyền Mỹ - Ngụy tràn về. Bọn chúng cải cách điền địa, thực thi chính sách tố cộng, đàn áp dã man những người tham gia kháng chiến cũ. Chị Mai, một đảng viên, kiên quyết không ly khai, tố cộng. Bọn chúng bắt trói chị rồi nắm tóc kéo lê đi trên con đường đá dăm, đến sông Ngã Hai thì bắn chị. Máu của chị đã nhuộm thắm một nẻo đường Ân Nghĩa. Những năm tháng ấy, mỗi ngả đường, con sông đều đỏ máu của những người yêu nước.

Trưa mùa xuân, tôi cùng với anh bạn nhà văn ngồi bên dòng suối Nghĩa Nhơn. Một con đường thẳng tắp chạy giữa cánh đồng lúa xuân xanh mởn. Những xóm nhà đông đúc; những mái ngói hồng, tường vôi trắng ẩn hiện trong vườn cây xanh mướt. Không gian trưa yên tĩnh. Tiếng nhạc, tiếng hát đâu từ những xóm nhà văng vẳng lan đi trong gió. Buổi trưa mà có cả tiếng ếch nhái kêu trên đồng. Đất Nghĩa Nhơn sao mà thiêng liêng đến thế! Và tôi chợt hiểu vì sao anh bạn tôi lại gắn bó tự hào với quê hương mình đến thế, vì sao anh lại quyết tâm nghiên cứu cách chữa trị các di chứng chất độc màu da cam. Cảnh vật đã hoàn toàn khác với Nghĩa Nhơn xưa mà anh bạn tôi thương nhớ ấp ủ trong lòng. Chỉ có dòng suối Nghĩa Nhơn trong vắt vẫn lặng lẽ trôi như một dòng thời gian bất tận là còn lưu giữ cho anh một kỷ niệm của thời thơ bé mà anh thường kể cho chúng tôi nghe”...

Thôn Nghĩa Nhơn nằm trong một thung lũng dài, bốn bên là đồi núi. Dòng suối uốn lượn chia thành đôi bờ. Một bên là đồng lúa, nhà cửa ở trong cánh đồng dưới chân núi phía Tây với những vườn dừa, vườn tiêu xanh mướt. Phía bên kia con suối là bãi cát trắng với những nà dâu. Tiếp đến là những loài cây dại rồi lau sậy chạy mãi đến dãy núi thấp ở phía Đông. Mùa nước lớn, nước tràn ngập cả bãi cát phía bên kia. Những con dế mỡ leo đầy trên những cành dâu trĩu trịt. Buổi tối tôi đi thả nhá. Những buổi sáng mờ sương đi kéo nhá, tôi thường ngồi lặng lẽ trên hòn đá trải ven suối. Trong không gian mờ sương, hoang vắng dòng suối như ẩn hiện. Lâu lâu một tiếng nước róc qua kẽ đá. Những tiếng chim gì chiu chít trong bãi cây, như mổ vào mùi hương hoa dại đang thoang thoảng trong không gian. Không biết từ bao giờ, ai đã trồng suốt một đoạn bờ suối dài những cây hoa tử vi xen với phù dung. Hoa tử vi màu hồng tươi sáng. Hoa phù dung sáng trắng trưa hồng. Buổi sớm sương dày phủ cả gốc cây chỉ thấy một vệt dài những bông hoa hồng trắng như đang bơi trong sương bạc. Đến khi mặt trời lên sương tan dần. Những giọt sương trong những đóa hoa lóng lánh như những hạt kim cương, lăn dần trên cánh hoa rơi xuống dòng suối. Nắng cứ lên dần, hàng hoa như đã trao hết những hạt kim cương cho dòng suối trở nên nhẹ vởn, sởn sơ trong gió nhẹ. Cũng là lúc những bông hoa phù dung từ màu trắng chuyển sang màu hồng. Nhìn xuống dòng suối tràn đầy những bóng hoa. Nước chảy mà bóng hoa không trôi, cứ chập chờn như một áng mây hồng phiêu linh trong dòng nước trong vắt.

Nông dân xã Ân Nghĩa chăm sóc cây bắp. Ảnh: VĂN LƯU

 

Ở Nghĩa Nhơn hồi ấy mỗi năm có hai mùa nhộn nhịp. Cứ vào tháng Chạp lúc khí trời bắt đầu se lạnh, mưa bụi lây phây không biết từ đâu hàng đàn cá chép lách suối vượt lên để đẻ. Người các nơi đổ về cùng với Nghĩa Nhơn bắt cá. Đến tháng tư âm lịch là mùa tiêu chín. Những chiếc sõng ngược dòng suối, nối nhau về bến cát. Họ về Nghĩa Nhơn mua tiêu, mua dừa và đem theo những mặt hàng để bán chác, trao đổi. Những dây tiêu được thả leo lên những cây táo nhơn cao, những cô gái đầu chít khăn hoa, vai đeo bồ đệc bắc thang leo hái tiêu. Bồ đệc được làm bằng mo cau, nom như một chiếc gùi nhỏ. Họ vừa hái tiêu, vừa hát hò đối đáp. Những anh con trai đứng dưới gốc chờ. Khi đã hái đầy bồ đệc, các cô dùng dây thả xuống. Hột tiêu đem phơi vào nong, còn cùi tiêu đem rải trên đường như phơi rạ. Nắng nỏ, cùi tiêu khô dần tỏa ra mùi thơm nồng nàn là một mùi rất riêng của đất Nghĩa Nhơn. Người ta về Nghĩa Nhơn mua tiêu, mua dừa, bắt cá... Với những chàng trai về Nghĩa Nhơn còn vì những người con gái chăn tằm, ươm tơ ven suối. Nghĩa Nhơn hồi ấy rất nhiều người con gái xinh đẹp: cô Mai, cô Xuân, cô Tưởng, cô Đào. Nổi bật nhất có ba người ở độ tuổi mười tám, mười chín. Chị Sáu Thuận, dáng người thon thả dỏng cao, rất ít nói. Người ta bảo chị nói bằng đôi mắt to đen của mình. Tóc chị đen mượt dài chấm gót. Chị bới một búi lớn. Búi tóc của chị bao giờ chị cũng chừa lại một chiếc đuôi gà nhỏ xíu cứ phất phơ theo bước đi của chị trông rất ngộ. Cô Tám Liễu, người thon thả, da trắng mịn như trứng gà bóc, mắt hơi hiếng, môi hồng thắm. Tóc cô hơi hoe vàng mà thật dày, đổ xuống quá gối. Cô Tám thường tết thành một đuôi sam rồi bới lên thành búi tóc. Dắt cây trâm đồng. Người ta bảo nhìn vào cô như vừa uống xong một ly rượu mạnh. Có lẽ nổi bật nhất trong mấy người là chị Nga, cũng dỏng cao thon thả như chị Sáu và cô Tám. Chị Nga mặt trái xoan, mắt bồ câu cổ cao ba ngấn, nước da chị như một cánh hoa hồng nhạt vừa mới nở. Môi hơi dầy đều đặn. Răng trắng bóng với một chiếc răng khểnh ở khóe trái. Tóc chị đen tuyền, dài quá gót đến bốn gang tay. Chị bới một búi lớn, phần tóc còn lại của chị lại tết thành đuôi sam rồi vấn quanh búi tóc, nom như một bông hoa úp xuống trên chiếc đầu thanh thanh. Nhìn vào chị như nhìn vào một ảo ảnh. Chị chơi đàn măng đô lin và hát thật hay. Nhớ hồi tuần lễ vàng, người ta dựng một sân khấu gỗ giữa vườn dừa, tập trung bà con vận động quyên góp ủng hộ. Đêm ấy chị Nga hát một bản nhạc của Văn Cao. Chị mặc áo dài trắng, cổ đeo kiềng vàng, giọng hát trong vắt, vút cao. Gió ngoài suối thổi vào làm tà áo trắng bay bay tưởng như chị từ ở đâu bay tới. Bài hát kết thúc tiếng vỗ tay vang dậy. Chị bước xuống sân khấu, cởi chiếc kiềng vàng bỏ vào thùng quyên góp. Tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào...”.

Những người con gái ấy của Nghĩa Nhơn đã lần lượt đi vào hai cuộc kháng chiến và các chị cũng lần lượt hy sinh cho xứ sở quê hương. Đó là Nghĩa Nhơn trong tâm hồn người bạn tôi mấy năm nuôi dưỡng nâng niu. Dường như mỗi con người đều có một vùng đời thương nhớ như hành trang của mình đi qua cuộc sống đầy sóng gió của thế gian. Phải chăng quê hương Nghĩa Nhơn ngày xưa ấy là hành trang để cho những con người Nghĩa Nhơn đi tới hôm nay và ngày mai tươi sáng của cuộc sống. Đến lượt tôi và anh bạn nhà văn, sau khi rời Nghĩa Nhơn chúng tôi đã đến biển Đồ Sơn. Tự nhiên lòng lại thấy bồi hồi thương nhớ một mảnh đất xa xôi khuất nẻo của quê hương Bình Định. Anh bạn nhà văn nhìn xa xôi ra biển rồi nói với tôi: “Dường như trong biển nước mênh mông này, có một phần rất nhỏ của dòng suối Nghĩa Nhơn”.      

  • T.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ký ức về một trận đánh lịch sử  (14/04/2012)
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vững bước đi lên  (13/04/2012)
Giải phóng Hoài Ân cổ vũ quân dân Bình Định nổi dậy đánh bại hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy  (13/04/2012)
Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vào xây dựng quê hương  (13/04/2012)
Cùng bạn đọc  (13/04/2012)