Bút ký của Mai Lâm - Tường Minh
Là sông lớn ở Hoài Ân, dòng Kim Sơn chất chứa mạch nguồn truyền thống bao đời của mảnh đất trung du. Phù sa của dòng sông đã bồi đắp cho cuộc sống của người dân đôi bờ thêm tươi tốt.
|
Hoàng hôn trên dòng Kim Sơn. Ảnh: HÀ HOÀI ÂN |
1.
Sông Kim Sơn bắt nguồn từ vùng rừng núi phía Tây Nam huyện, đầu nguồn do 2 con suối chính cùng 5 con suối nhỏ hợp thành. Hai con suối chính là Nước Lương từ vùng An Lão chảy vào, Nước Roong từ phía Nam chảy ra. Sông chảy qua địa bàn huyện Hoài Ân dài 62 km, uốn quanh co như một dải lụa biếc ôm lấy các cánh đồng màu mỡ ở phía Nam. Sông chảy đến Phú Văn, hòa mình cùng dòng An Lão tạo thành sông Lại.
Sách “Nước non Bình Định” của Quách Tấn miêu tả sông Kim Sơn “chuyển mình khi vào Nam, khi ra Bắc, khi xuống Đông, quanh co đoanh lộn, như một con thanh xà chạy trong hòn giả sơn”, “nguồn An Lão và nguồn Kim Sơn họp nhau ở cuối thôn Phú Văn, thành hình chữ V rất cân đối, cân đối từng khúc quanh, đường quẹo, như hai nhánh cây kiểng được tay người uốn nắn công phu. Hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch của sông Côn trông đã đẹp, mà hai nhánh An Lão và Kim Sơn trông lại còn đẹp hơn, duyên dáng hơn. Vì nhánh sông của sông Côn là hình chữ V viết theo lối Cổ Điển, ngay thẳng mạnh mẽ. Còn hai nhánh Kim Sơn An Lão là chữ V viết theo lối Tài Tử, phụng múa rồng bay. Chính những đường quanh co, khúc đoanh lộn làm cho phong cảnh thêm vẻ lưu luyến hữu tình”.
|
Những vườn chuối tốt tươi bên bờ Kim Sơn. Ảnh: N.V.T |
2.
Nhiều người cho rằng, cái tên “Kim Sơn” gắn với đặc điểm của vùng rừng núi thượng nguồn: những bãi vàng có trữ lượng lớn. Chảy dọc theo mảnh đất trung du, con sông ghi dấu cuộc sống của biết bao thế hệ người dân. Con sông lưu giữ huyền thoại về Chàng Lía xuôi dòng xuống Bồng Sơn lấy vàng bạc của địa chủ gian ác, ngược về chia cho dân nghèo. Con sông in bóng núi Tổng Dinh, nơi nghĩa quân Cần Vương chống Pháp do nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ lãnh đạo đặt căn cứ. Những năm tháng đạn bom, những cánh rừng thượng nguồn Kim Sơn là hậu cứ an toàn cho lực lượng kháng chiến, còn dòng sông in dấu những chiếc thuyền nan của những cán bộ nằm vùng đi về làm cách mạng, góp phần làm nên những trang vẻ vang trong lịch sử đánh giặc giữ nước của quân và dân Hoài Ân.
Con sông ấy một thời nao nức những chuyến ghe máy từ cửa biển chở mắm lên bán tận đầu nguồn. Rồi những ngày nắng ấm đầu tháng Giêng, những bãi cát ven sông phơi trắng xóa mì lát. Ký ức những người cao tuổi từng sống hai bên bờ sông vẫn vẹn nguyên hình ảnh những bánh xe nước cần mẫn quay suốt ngày đêm, mang nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi. Và ngày nay, dòng sông vẫn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Hoài Ân, những người yêu văn thơ cũng lập ra một câu lạc bộ sáng tác văn học mang tên Sông Kim!
Khói bom chiến tranh lùi xa, người Hoài Ân rộn ràng vào cuộc dựng xây quê hương. Hòa mình vào khí thế mới, dòng Kim Sơn mang nguồn nước ngọt, góp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng, vườn cây ngăn ngắt xanh đôi bờ. Những đồng lúa, bãi bắp, vườn chuối… ngút ngát mang lại cuộc sống mới cho người nông dân gắn bó với dòng sông. Nhất là chuối, loại cây trồng trên các mảnh vườn nằm cạnh dòng sông, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Hoài Ân.
|
Làng đan tre Đức Long. Ảnh: HỒ VIỆT QUỐC |
Tính đến thời điểm cuối năm 2010, huyện Hoài Ân có đến 812 ha chuối, trong đó có 732 ha thường xuyên cho sản phẩm với tổng sản lượng 5.651 tấn, dẫn đầu diện tích và sản lượng chuối toàn tỉnh. Tại xã Ân Thạnh, hầu như gia đình nào cũng trồng chuối, nhiều nhất là ở Thế Thạnh 1, Thế Thạnh 2, Phú Văn và Hội An. Ước tính đến thời điểm này, cả xã có gần 80 ha đất bồi phù sa ven sông và những vùng ruộng chân cao được người dân chuyển đổi và ưu tiên trồng loại cây này.
Một lần đi ngang qua thôn Phú Văn và Hội An, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy những vườn chuối xanh tốt nằm san sát nhau. Vành đai chuối xanh khổng lồ dập dờn như những ngọn sóng lớn, bao quanh từ dưới chân đồi núi Chéo đến gò Da (Hội An, xã Ân Thạnh), rồi trải dài bạt ngàn cả một vùng hóc núi Kiểm Sương (Năng An, xã Ân Tín) đến tận cuối thôn Thanh Lương (xã Ân Tín). Theo lời ông Nguyễn Văn An, Trưởng thôn Hội An, toàn thôn hiện có 476 hộ thì đã có 420 hộ trồng chuối. Có đến hàng chục hộ đầu tư thâm canh trồng chuối với diện tích từ 1 ha trở lên như các hộ: Trương Quang Minh, Lê Văn Phước, Nguyễn Thị An, Nguyễn Thị Hiền… Với những hộ này, thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm từ chuối là bình thường. Nhiều lão nông ở Hoài Ân cho rằng, sở dĩ cây chuối phát triển xanh tốt trên đất trung du Hoài Ân là nhờ những mảnh đất vườn nơi đây được bồi đắp thường xuyên từ phù sa của dòng Kim Sơn...
Từ bàn tay và khối óc, người Hoài Ân đã làm cho quê nhà ngày càng thay da đổi thịt. Ven bờ Kim Sơn là những xóm làng trù phú, những ngôi nhà khang trang, những con đường nhựa, bê tông thẳng tắp. Và, trên dòng sông dần hiện ra những cây cầu vững chắc, như cầu Ngã Hai, Mộc Kiến, Phú Xuân, Bến Bố…
|
Trên sông Kim Sơn xuất hiện ngày càng nhiều những cây cầu kiên cố.
- Trong ảnh: Cầu Phong Thạnh nối thôn Du Tự (thị trấn Tăng Bạt Hổ) và thôn An Thường 2 (xã Ân Thạnh), đưa vào sử dụng năm 2010. Ảnh: N.V.T
|
3.
Trải qua biết bao đời, sông Kim Sơn gắn bó mật thiết với người dân. Những làng nghề truyền thống cũng hình thành từ những sản vật của dòng sông. Một trong số đó là làng đan tre Đức Long, xã Ân Đức…
Thôn Đức Long nằm ở tả ngạn của dòng Kim Sơn, cách trung tâm huyện Hoài Ân 2 km về phía Bắc, là một vùng quê thanh bình quanh năm rợp mát bóng dừa… Đến Đức Long, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi toàn tre là tre. Những đoạn tre già xanh đậm, sau khi phân đoạn, được sắp ngay ngắn dưới hiên nhà, nan tre được xếp phơi theo hình rẻ quạt đầy khắp trong sân vườn. Và những âm thanh nhịp gõ lách cách, đều đều của các chị, các mẹ đang miệt mài làm cho những nan tre khít chặt lại với nhau trong lúc đan mê.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trương Bôi (ở xóm 2, thôn Đức Long). Năm nay, ông Bôi 66 tuổi, nhưng đã có thâm niên 50 năm trong nghề đan tre. Sinh ra trong một gia đình đan tre truyền thống, 12 tuổi ông đã biết đan thành thạo các vật dụng gia đình, các công cụ sản xuất như: đơm, giỏ, đụt, rổ, sàng, thúng, mủng… Theo ông Bôi, trước năm 1975, tre mọc chằng chịt, ngút ngát dọc hai bên bờ sông Kim Sơn; trải dài từ Vĩnh Hòa, Phú Thuận, Đức Long đến Gia Trị. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào mà thiên nhiên ban tặng, để các thế hệ người dân nơi đây hình thành và phát triển nghề đan tre.
Để có một chiếc nong thành phẩm bền chắc, phải chọn được những cây tre già vừa phải, có màu xanh vừa ngả sang vàng. Theo kinh nghiệm của những người thâm niên trong nghề, để nong tránh mối mọt, thời điểm đốn tre tốt nhất là vào mùa Thu và mùa Đông. Để làm nên một sản phẩm, quan trọng nhất là công đoạn chẻ nan, chủ yếu do những người có tay nghề cao đảm nhận. Người “non tay” sẽ làm cho độ dày của từng nan tre không bằng nhau, khi đan rất khó, “tuổi thọ” sản phẩm cũng không dài. Các công đoạn còn lại, từ đan mê, rà, danh đến lận và nứt vành đều đơn giản, các thợ phụ có thể làm được từ 8-12 cái mỗi ngày.
Do nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển từ đan nong sang nghề đan rọ heo. Đan rọ tuy đơn giản hơn so với đan nong, nhưng các thao tác của đan rọ như chặt, chẻ, uốn, bẻ, bện, đóng ghim… lại đòi hỏi người đan phải có sức khỏe tốt. Người có tay nghề bình thường, mỗi ngày có thể đan được 2 chiếc rọ, sau khi trừ chi phí nguyên liệu cho thu nhập hơn 50.000 đồng. Những người có tay nghề “cứng” mỗi ngày có thể đan được từ 3-4 chiếc rọ, thu nhập hơn 150 ngàn đồng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, giá cả lại ổn định, nên bà con yên tâm bám trụ với nghề...
|
Bờ xe nước bên dòng Kim Sơn (nay chỉ còn trong ký ức). |
4.
Xưa nay, sông Kim Sơn vẫn là mạch nguồn chính cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của nông dân Hoài Ân, với hơn 5.000 ha ruộng của 7 xã. Hiện nay, có trên 30 trạm bơm điện lấy nước từ sông Kim Sơn phục vụ sản xuất. Dòng sông còn giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn nước ngầm cho cả khu vực. Thế nhưng, trong những năm gần đây, lòng sông đã bị xâm hại nghiêm trọng...
Dọc theo bờ sông Kim Sơn từ xã Ân Nghĩa đến Ân Thạnh, hai bên bờ sông có đoạn dài cả cây số người dân đã khai thác, chặt phá những cây cổ thụ và những hàng tre, không còn thân cây, gốc rễ để che chắn, bảo bọc cho bờ sông khỏi sạt lở. Vì vậy, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, lòng sông nước dâng đầy, chảy xiết làm xói lở hai bên bờ, xâm lấn vào đất liền, đe dọa đến nhà cửa, đường sá dọc theo bờ sông. Mùa khô, có đoạn lòng sông cạn đến trơ đáy…
Sông Kim Sơn có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, xã hội của Hoài Ân. Vì vậy, bảo vệ dòng sông quê hương là trách nhiệm của mỗi người dân, để cho sông mãi mãi là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng cuộc sống của người dân đất trung du...
|