Thơ
10:55', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Lời một vùng quê

Sao anh chưa về thăm quê em ?

“Người năm ấy” nhớ anh nhắc mãi

Suối Thanh Lương vẫn xuôi về sông Lại

Mà người đi cứ biền biệt xa xăm.

Hết năm này là đã bao năm

Cây bưởi ngụy trang qua thời con gái

Vùng điểm trắng đã hồng sắc ngói

Ánh điện về cả Bok Tới, Đăkmang

Vạn Hội xưa một thuở gian nan

Nơi B trưởng và bạn anh ngã xuống

Giờ con nước về từng chân ruộng

Mặt hồ xanh – xanh cả chờ mong

Bãi bố phòng Ân Tín anh nhớ không ?

Nơi có lần anh tập em bắn súng

Giờ bóng trẻ lồng trong sắc phượng

Chợ Đồng Dài những chiếc nón gió say.

Đã vơi nhiều bao đau khổ nơi đây

Nỗi khổ truyền đời, nỗi đau ngăn cách

Cuộc sống mới cũng tính từng gánh thóc

Nhưng ở làng ai cũng lớn thêm lên.

Có đêm về như chẳng là đêm

Đất cũng nẩy mầm lắng trong tiếng hát

Điệu Bài chòi như nương dâu xanh ngắt

Câu hát Tuồng tựa tiếng gọi lòng ai…

Hết đêm dài đi giữa ban mai

Càng thương nhớ mến yêu người giữ nước

Nên người vẫn đợi chờ mong ước

Sao anh chưa về thăm quê em ?

Văn Trọng Hùng

 

Hoa phượng ở Hoài Ân

Ngón tay mùa hè lóng lánh

Bấm vào những phím hư không

Nhạc ve bắt đầu lên tiếng

Pháo bay hoa phượng bập bùng.

 

Hôm nay tôi về quê mẹ

Chiến khu lối cũ đã mờ

Gặp bên dòng sông hoa phượng

Trắng bay áo trắng học trò.

 

Hoa phượng trên tay em gái

Hồng riêng một sắc mến thương

Hè rồi, em lên Ân Nghĩa

Hay qua Thế Thạnh, An Thường?

 

Để lại những chiều vắng vẻ

Hoa rơi lưu luyến sân trường

Hồn ai theo bông phượng nhỏ

Phương nào, Hoài Ân, Hoài Ân!

 

Ai về Hoài Ân chẳng nhớ

Những chiều mây trắng chiến khu

Mà không thương hoài cánh phượng

Tay hồng thiếu nữ ước mơ.

TRƯƠNG THAM

 

Viếng bạn

Hành quân dừng lại bên đường

Hương thơm ba nén viếng Trường, Trường ơi!

Nỡ nào bạn lại xa tôi

Ân Tường đêm ấy sương rơi lạnh lòng.

ĐỨC THÔNG

 

Đồi Đất Đỏ

Kính tặng nhân dân xã Ân Mỹ

Ngọn đồi ấy thuộc về Ân Mỹ

Có tên riêng, có địa chỉ, tầm cao

Như hàng ngàn ngọn núi khác gì đâu

Sao em lại gọi là Đồi Đất Đỏ

 

Ngọn đồi ấy đã qua thời máu lửa

Bom đạn thù cướp mất màu xanh

Bao người con trung hiếu đã hy sinh

Trong năm tháng giữ Hoài Ân lịch sử.

 

Ngọn đồi ấy chiều cao không còn đủ

Một bảy tư còn một bảy mươi

Ba Trung đoàn thay nhau gìn giữ

Bao nhà dân trở thành công sự.

 

Những ngày đó bụi tuôn như núi lửa

Bom, pháo đào làm đất đó linh thiêng

Ai đã từng xuôi ngược nối Bắc Nam

Ngước mắt nhìn sang cả quả đồi màu đỏ.

 

Bốn mươi năm cây mọc trùm tất cả

Nhưng lòng đồi còn đó những căn hầm

Còn đạn, còn mìn và cả những mẩu xương

Và còn mãi địa danh Đồi Đất Đỏ.

PHẠM XUÂN

 

Tiếng trống tan trường

Viếng Lựu - Tặng Xuân

Ước gì Trăng cứ mãi tròn

Để ta trở lại thuở còn lưng ong

Để nghe tiếng trống tan trường

Nhìn đôi mắt ấy thầm thương yêu nhiều

Ô hay sáo lại nhớ diều

Bầu thương nhớ bí sớm chiều vấn vương

Ngày nào anh vội lên đường

Nước non nặng gánh tiền phương xa mờ

Mình em ra ngẩn vào ngơ

Tháng năm vò võ đợi chờ người đi

Tính ngày anh trở lại quê

Tin về anh mất... tái tê ruột tằm

Trường Sơn nơi ấy chàng nằm

Chốn quê lòng thiếp trắng khăn tang rồi

Buồn không chịu nổi chàng ơi

Rời quê tìm lấy niềm vui công trường

Lấy chồng rồi dạ còn vương

Thương hoài đến lúc gói xương mang về

Lựu ơi hãy lắng tai nghe

Đồng đội, đồng chí anh về tìm em

Run run tay thắp nén nhang

Tưởng như ngày ấy trống tan trường về.

PHẠM XUÂN SINH

 

Thế hệ trẻ Hoài Ân

Chúng em được sinh ra

Khi đất nước hòa bình

Mang nặng tình sông núi

Mang nặng tình mẹ cha

 

Cha mẹ cho cuộc đời

Xã hội cho cuộc sống

Thầy cô cho tri thức

Đảng cho cả niềm tin

 

Nâng đôi cánh tự do

Giữa bầu trời xanh thẳm

Chúng em gắng học hành

Siêng năng chăm rèn luyện

 

Thế hệ em hiểu rằng

Cả đất nước mạnh giàu

Riêng Hoài Ân ngày sau

Là chúng em gánh vác.

TRƯƠNG THỊ THI  (Đại học Quy Nhơn)

 

Hoài Ân - tình đất, tình người

Em có về xin ghé lại Hoài Ân

Mảnh đất ngày xưa - một thời đạn lửa,

Giặc chạy lâu rồi, chiến tranh không còn nữa,

Tình đất, tình người sâu nặng thiết tha.

Em có nghe trong tiếng hát ngân nga?

Có cánh cò dập dờn trên đồng lúa

Và dòng sông êm đềm như dải lụa

Ôm ấp quê mình từ thuở ban sơ.

Em có nghe, đâu phải trong giấc mơ?

Tiếng quê hương đang trở mình đổi mới.

Bốn mươi năm – vui ngày vui mở hội

Bao nụ cười rạng rỡ những niềm tin.

 

                      *

 

Ngược thời gian, ta sẽ về thăm lại

Mảnh đất, con người với những địa danh.

Vẫn còn đó hằn in vết chiến tranh,

Một thời hào hùng đã đi cùng năm tháng.

Về Ân Hữu, nhớ mùa khô năm ấy

Cuộc giao tranh quyết liệt suốt đêm ngày.

Đồi Nhơn Tịnh – Xuân Sơn khét nồng khói đạn

“Sư đoàn 3 Sao Vàng”: địch tan tác hồn bay.

Năm tháng qua đi, dấu vết chiến trường xưa

Giờ chỉ còn những đoạn hào sập lở,

Dòng Nước Lương lững lờ như nhắc nhở

Chiến tích oai hùng ghi dấu vẫn còn đây.

Xuân Sơn giờ xanh biếc những bãi dâu,

Thấp thoáng dáng ai cười nghiêng nón lá.

Vẳng câu hát ru trong nắng trưa yên ả,

Trắng múp nong tằm, vàng óng nong tơ.

 

                              *

 

Dòng Kim Sơn hiền hòa như bài thơ

Đưa em về một vùng quê cách mạng.

Đã qua rồi những tháng năm lửa đạn,

Mảnh đất Ân Tường bao vết sẹo thời gian.

Em có nghe trong gió thoảng mơn man?

Ngào ngạt Gò Loi hương chè nhắn nhủ:                          

Dây thép gai, những bãi mìn, công sự,

Lô cốt, hầm ngầm – giặc khống chế nơi đây.                  

Ta quyết tâm tiêu diệt trận địa này

Đêm ngày tám, bất ngờ ta nổ súng(1),

Thu vũ khí và quân trang, quân dụng,

Cuộc tấn công, giành thắng lợi hoàn toàn.

Nước sông Kim Sơn không bao giờ chảy ngược(2)

Nhưng cứ điểm Gò Loi bị tiêu diệt lâu rồi.

Về Gò Loi hôm nay sao không khỏi bồi hồi,

Chiến hào năm xưa, giờ cây xanh phủ kín.

Lúa Tân Thạnh níu chân người bịn rịn,

Truông Gò Bông lưu luyến mãi không rời.

Kìa, đàn em thơ rộn rã tiếng cười,

Cô thôn nữ tròn xoe đôi mắt biếc.

 

                      *

 

Chiến thắng Hoài Ân, Xuân – Hè oanh liệt

Quân dân Hoài Ân anh dũng kiên cường.

Mỗi góc nhà, mỗi con ngõ, ngả đường

Trong phút chốc bỗng hóa thành trận địa.

Trận Núi Một – địch kinh hoàng khiếp vía

Đồng đội ta dần khép chặt vòng vây.

Đây chiến trường, xác quân giặc phơi thây,

Đám tàn quân đổ xô nhau tháo chạy.

Gia Chiểu, Thanh Tú, Cầu Giáo Ba, Du Tự, …

Khí thế sục sôi hừng hực trời mây

Cờ Mặt trận trên đỉnh cột tung bay

Trưa 19.4 – Một trưa hè lịch sử.

 

                       *

 

Mai xa rồi, xin nhớ mãi nghe em!

Nhớ đêm vùng cao điện buôn làng thắp sáng,

Bên ánh lửa, men rượu cần chếnh choáng

Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng.

Nhớ đồi cây xanh mây phủ chập chùng,

Quả đầu mùa, xin làm quà tặng khách,

Nhớ những con người hiền hòa chân thật

Biết yêu thương nhưng rất đỗi anh hùng.

                                   

Bốn mươi năm, qua bao nỗi thăng trầm,

Quê hương đã vươn hình hài lớn dậy.

Hoài Ân ơi! Ta tự hào biết mấy

Gian khó nhọc nhằn mới có được hôm nay.

Hãy cùng nhau ta góp sức chung tay

Xây dựng Hoài Ân ngày thêm đổi mới.

Mười chín tháng tư, giữa rừng cờ phấp phới

Ôi! Đáng tự hào hai tiếng: Hoài Ân.

Nguyễn Thái Học (Trường TH Tăng Doãn Văn)

(1): Vào đêm ngày 8 rạng ngày 9.4.1972, các chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng bất ngờ tấn công vào căn cứ Gò Loi.

(2): Gò Loi là một cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch ở khu vực Bắc Bình Định. Trước năm 1972, chưa khi nào bộ binh ta tiến công cứ điểm này. Đã có lần đại úy Ngô Huỳnh, liên đội trưởng lính bảo an ngụy bảo vệ Gò Loi đã tuyên bố: “Chừng nào nước sông Kim Sơn chảy ngược, Cộng sản mới lấy được Gò Loi”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay  (14/04/2012)
Mênh mang ngày hội  (14/04/2012)
Theo dấu phù sa  (14/04/2012)
Quê hương trong mắt trẻ  (14/04/2012)
Dòng suối Nghĩa Nhơn  (14/04/2012)
Ký ức về một trận đánh lịch sử  (14/04/2012)
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vững bước đi lên  (13/04/2012)
Giải phóng Hoài Ân cổ vũ quân dân Bình Định nổi dậy đánh bại hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy  (13/04/2012)
Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vào xây dựng quê hương  (13/04/2012)
Cùng bạn đọc  (13/04/2012)