Về Hoài Ân tháng 4 này, bên cạnh không khí náo nức mừng kỷ niệm ngày giải phóng, chúng tôi còn cảm nhận được diện mạo mới của đất trung du. Những công trình mới chào mừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng Hoài Ân vừa hoàn thành, như những nét son điểm tô quê hương. Càng thấy quý cái tất bật, khẩn trương của những người thợ, công nhân trước đó đã nỗ lực ngày đêm hoàn thiện các công trình...
|
Quảng trường 19.4
|
Từ những công trình
Đứng ở khu nhà làm việc của UBND huyện Hoài Ân nhìn sang phía đối diện, đập vào mặt chúng tôi là bãi cỏ rộng, điểm thêm những hàng cây sao xanh, me, phượng. “Quảng trường 19.4 đó!”- một cán bộ Văn phòng UBND huyện Hoài Ân khoe.
Quảng trường 19.4, đặt tên theo ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972), khởi công từ tháng 3.2011, hiện đã hoàn thành. Còn nhớ, hơn một tháng trước, khi chúng tôi đến nơi này, trên quảng trường hãy còn ngổn ngang máy xúc, máy đào, mỗi ngày có khoảng 20 công nhân miệt mài làm việc. Người lo tưới nước cho thảm cỏ lá gừng; người tất bật làm hệ thống thoát nước nội bộ quảng trường và hệ thống thoát nước đường ĐT 630. Công sức, mồ hôi của bấy nhiêu con người đã được đền đáp bằng một thảm cỏ trải dài, xanh mướt.
Quảng trường 19.4 có tổng diện tích san nền mặt bằng 18.351 m2, trong đó, có 11.268 m2 trồng cỏ lá gừng, với tổng kinh phí đầu tư 7,8 tỉ đồng. Đây không chỉ là công trình chào mừng 40 năm giải phóng Hoài Ân mà còn là “điểm nhấn” cho thị trấn Tăng Bạt Hổ. Cùng khởi công đồng loạt trong năm 2011 và hoàn thành vào tháng 4 này còn có các công trình: Nghĩa trang liệt sĩ Hoài Ân, Cổng chào huyện Hoài Ân, Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, Văn chỉ Hoài Ân.
“Thời điểm cuối tháng 2, chúng tôi mới nhận thi công 3 công trình. Tuy nhiên, chúng tôi đã ưu tiên số một cho công trình Cổng chào huyện Hoài Ân, bảo đảm thi công vừa có tính thẩm mĩ, vừa chắc chắn lâu dài. Để hoàn thành công trình kịp tiến độ, trước đó, hầu như ngày nào, tôi cũng đến đôn đốc, giám sát công nhân. Có đêm công nhân phải chong điện làm việc”- ông Nguyễn Hữu Ảnh, Chủ DNTN Tường Duy, đơn vị nhận thi công công trình Cổng chào huyện Hoài Ân, nhớ lại.
Tại công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân, tường rào, cổng ngõ đã được sửa sang thật khang trang. Toàn bộ bề mặt sân bê tông cũ trên 2.088 m2 được tháo dỡ hoàn toàn để làm mới, trông đẹp hơn. Lối đi vào nghĩa trang được thiết kế hiện đại, tạo điểm nhấn với những hàng cây xanh, khá rộng rãi để đón hàng vạn người vào dâng hoa, dâng hương.
|
Cổng chào huyện Hoài Ân. Ảnh: VĂN LƯU
|
Ông Huỳnh Ngọc Tân, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Hoài Ân, cho biết, tổng mức đầu tư cho 5 công trình trên khoảng gần 18 tỉ đồng, trích từ các nguồn ngân sách tỉnh, huyện, nguồn xã hội hóa và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ. Trong đó, BIDV hỗ trợ 1,15 tỉ đồng xây dựng công trình Cổng chào huyện Hoài Ân. Trong khi đó, kinh phí xây dựng công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức (khoảng hơn 3,8 tỉ đồng) được huy động từ sự đóng góp của công chức, viên chức, cán bộ hưu trí và nhân dân trong huyện.
Ông Trần Canh, 92 tuổi đời, hơn 60 tuổi tuổi Đảng, người dân ở xã Ân Đức, đã góp 5 triệu đồng xây dựng Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, khẳng khái nói: “Công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức sẽ là một điểm di tích lịch sử để con cháu luôn nhớ đến công lao của cha ông. Tôi tự hào khi được đóng góp một phần công sức để xây dựng công trình”.
Náo nức tháng 4
40 năm đã trôi qua kể từ ngày Hoài Ân trở thành vùng đất giải phóng đầu tiên của tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ (19.4.1972), để tiến tới giải phóng toàn tỉnh (31.3.1975) và giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975). Trong ký ức của người dân Hoài Ân, 19.4.1972 là một dấu mốc hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương. Do đó, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Hoài Ân là một sự kiện trọng đại.
Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tín Nghĩa, từng tham gia dân công địa phương đào hầm, tải đạn từ năm 1972-1975, tâm sự: “Là một người từng đi qua chiến tranh, cảm nhận sự đổi thay từng ngày của quê hương hôm nay, tôi rất tự hào khi công ty của tôi được thi công công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức - công trình ghi dấu truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Hoài Ân”.
|
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân. Ảnh: VĂN LƯU |
Tâm trạng của ông Nghĩa cũng là tâm trạng chung của người dân Hoài Ân. Mà không vui sao được khi thấy quê hương mình đang thay đổi và đẹp lên từng ngày. Anh Phạm Công Diệu, 45 tuổi, ở 43 Phạm Văn Đồng, thị trấn Tăng Bạt Hổ, tâm sự: “Hàng ngày, tôi có thói quen đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Mỗi khi đi ngang qua quảng trường mới, khu vực trước Nghĩa trang liệt sĩ, tôi lại dừng bước để quan sát, ngắm nhìn và cảm nhận sự thay đổi của quê hương cùng với sự xuất hiện của các công trình mới, làm Hoài Ân ngày càng đẹp và khang trang hơn”.
Vâng! Ai về Hoài Ân hôm nay sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi của con người, cảnh vật vùng quê trung du trong những ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện nhà. Những công trình này không những tô điểm cho diện mạo của quê hương thêm tươi đẹp mà còn tôn vinh các giá trị truyền thống, văn hóa lâu đời đầy tự hào của huyện.
|