Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng cao huyện Hoài Ân đã trở thành sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của cộng đồng người Bana và H’rê. Bên cạnh nỗ lực tôn vinh và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của núi rừng, điều đáng ghi nhận là những lễ hội gần đây đã tạo được sức hút và tác động tích cực đến lớp người dân tộc thiểu số trẻ tuổi.
|
Hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại LH năm 2010. Ảnh: Võ Chí Hà
|
Hướng về cội nguồn
Gần 18 năm trước, ý tưởng về một LH văn hóa - thể thao dành riêng cho 3 xã vùng cao hình thành từ những chuyến đi thực tế về cơ sở của các cán bộ văn hóa thuộc Trung tâm VH-TT&TT huyện. Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Cùng với những trăn trở của các già làng, trưởng bản, chúng tôi dự cảm được khả năng nét đẹp văn hóa truyền thống rừng núi sẽ nhạt phai do thái độ thờ ơ của những người dân tộc thiểu số trẻ tuổi và sự “tấn công ồ ạt” của lối sống hiện đại. Ngoài ra, làm LH cũng nhằm “tiếp lửa” cho phong trào cấp thôn, xã; qua đó gầy dựng, nuôi dưỡng hạt nhân tham gia LH Văn hóa - Thể thao miền núi cấp tỉnh”.
8 kỳ LH vừa qua đã trung thành với tôn chỉ, mục đích là “hướng về cội nguồn” trong nỗ lực bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống. Mỗi kỳ LH thường gồm 2 phần: thi văn hóa và thi thể thao. Phần thi văn hóa có những nội dung: dựng trại (chủ yếu là mô hình nhà rông), văn nghệ quần chúng, ẩm thực, dệt vải, đan gùi, nướng cơm lam, giã cốm, thanh niên duyên dáng, các loại hình trò chơi dân gian. Phần thi thể thao có 8 nội dung: bóng đá mini, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy - 2 nội dung, bắn nỏ - 2 nội dung và phóng lao.
Ông Đinh Y Nam thời còn là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh từng vài lần được mời đến dự những LH này, đến giờ vẫn còn giữ thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ông nhận xét: “Thế mạnh trong các kỳ LH văn hóa - thể thao 3 xã vùng cao Hoài Ân là khai thác tốt và sâu những nét văn hóa dân gian như những bài dân ca cổ, điệu múa xưa và thể hiện đậm đặc, đúng chất truyền thống. Những nội dung thi cả về văn hóa và thể thao được tổ chức bài bản, mang tính chuyên nghiệp cao. Đáng quý nhất là Ban tổ chức đã tạo được những không gian văn hóa thuần túy, để cả diễn viên và người dự hội được đắm mình trong những tầng vỉa cảm xúc…”.
“Tất cả những gì phô diễn tại LH đều rất sát, rất gần với nét văn hóa truyền thống của dân tộc Bana và H’rê”- ông Nam kết luận. Chẳng hạn, trại của người Bana mô phỏng mái nhà rông hình chóp nhọn, còn trại của H’rê mô phỏng mái bằng của nhà dài. Trang phục của người Bana- nam giới thường đóng khố, nữ giới mặc váy, ở trần hoặc có yếm. Áo nam và áo nữ đều là loại chui đầu, không có ve cổ. Váy dành cho phụ nữ chỉ là một mảnh vải màu đen hoặc màu chàm, có dệt trang trí hoa văn, khi mặc chỉ quấn và giắt nối cho chặt. Nam giới khi không mặc áo có thể thay thế bằng tấm xiêm choàng chéo từ nách bên này sang vai bên kia. Trang phục của người H’rê thường có 2 màu đỏ và đen, hoa văn rất đa dạng và phong phú, biểu hiện sự gần gũi với con người như mây trời, sông suối, núi rừng, nương rẫy... Tất cả những đặc điểm thể hiện bản sắc của từng tộc người ấy đều được tôn vinh và thể hiện rõ nét tại LH.
|
Môn thi đẩy gậy luôn thu hút nhiều người đến ủng hộ tại các kỳ LH. Ảnh: Võ Chí Hà |
Hội tụ cảm xúc
Không khí tưng bừng của mỗi kỳ LH luôn bắt đầu từ rất sớm. Từ lúc những trai tráng trong làng rủ nhau vào rừng chặt tre làm cây nêu; các thiếu nữ Bana, H’rê dành nhiều thời gian ở nhà hơn để đan cho mình và người thân những bộ đồ thổ cẩm mới dành mặc trong LH; hàng đêm những ngôi nhà rông Bana, nhà dài H’rê đầy ắp tiếng cười nói của các diễn viên tập hát múa… Không khí LH còn kéo dài hàng tuần sau khi kết thúc, bởi hương rượu cần vẫn quanh quất trong từng làn gió thoảng, và điệu trầm bổng cồng chiêng cứ âm âm, làm nao nao lòng người dự hội.
Tôi từng chứng kiến cảnh 9, 10 giờ đêm, trong thời tiết lạnh giá, các bok, các mí vẫn nhiệt tình hô hào hướng dẫn các diễn viên hát múa bên ngoài nhà rông Bana, nhà dài H’rê. Không hề có sự mệt mỏi trên những gương mặt đầy “vết chân chim” ấy; ngược lại, thường trực là nét rạng rỡ, vui tươi. Các “biên đạo múa bất đắc dĩ” chăm chút sửa từng động tác tay trong điệu xoang, từng nhịp chân kết hợp sao cho nhịp nhàng với tiếng cồng chiêng. Một vài nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc, không tìm được “truyền nhân”, đã mạnh dạn lên sân khấu thể hiện. Giá Chanh nức tiếng cả huyện về ngón đàn Pơlơnkhơn, chia sẻ: “Giá lên sâu khấu biểu diễn giống như làm mẫu cho lũ trẻ vậy. Biết tụi nó không ham nên cái bụng giá buồn. Dịp này là cơ hội tốt để đánh Pơlơnkhơn cho tụi nó nghe một cách bài bản và đàng hoàng. Biết đâu có đứa hâm mộ, biết yêu quý giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Giá luôn sẵn lòng chỉ bảo chúng”.
Để không đi vào lối mòn và tạo sức hấp dẫn, mới lạ trong mỗi kỳ LH, Ban Tổ chức thường xuyên đưa vào những nội dung mới. Chẳng hạn, LH năm 2010 có hai nội dung mới là điêu khắc tượng gỗ và bóng đá mini. Ông Trần Thế Nhân cho biết: “Nghệ thuật điêu khắc gỗ gắn bó lâu đời với đời sống người dân vùng cao như điêu khắc tượng gỗ ở nhà mồ, điêu khắc hoa văn, họa tiết ở nhà rông, nhà sàn, cây nêu. Thực tế, loại hình này đang dần mai một, chúng tôi đưa vào cuộc thi nhằm khuyến khích, khôi phục”.
Để có được những nội dung mới đưa vào các kỳ LH là nhờ các cán bộ Trung tâm luôn khăn gói xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Từ đó, họ có nhiều cơ hội phát hiện những nét văn hóa độc đáo ngay trong đời thường mà nếu chỉ thoáng qua sẽ không nhận ra được. Điển hình là chuyện nhờ phát hiện những bức tượng gỗ đặt trong góc nhà ở một số hộ gia đình tại xã Ân Sơn, Đăk Mang mà các cán bộ văn hóa huyện đã đưa ra nội dung thi điêu khắc tượng gỗ. Một số trò chơi dân gian như: trèo cây hái quả, giả người nghèo, tích trò hóa trang theo cốt truyện dân gian… đã được phục hồi theo cách này.
Xác định, nếu không có sự kế thừa và phát huy thì dù có nỗ lực bảo tồn đến đâu, nét đẹp núi rừng cũng sẽ mai một và mất dần đi. Trọng trách tham gia LH từ vai người già phải được chuyển dần qua những người trẻ tuổi. Vậy là vài LH gần đây, các phần thi dệt vải và đan gùi được chia làm 2 nội dung: dưới 30 tuổi và từ 30-40 tuổi. Các bok, các mí là những tay dệt, tay đan khéo nhất vùng như Mí Sơn (Bok Tới), Mí Đường, Mí Vân (Đăk Mang) giờ đảm nhận vai trò cố vấn để những đôi tay chắc, khỏe gánh vác trọng trách kế thừa và phát huy vẻ đẹp của dân tộc mình.
Suốt những kỳ LH, dường như không có một khoảng cách nào giữa người Bana, H’rê hay Kinh. Ghé vào trại xã Bok Tới có thể thấy rất nhiều người H’rê Ân Sơn đang ngồi đối ẩm. Vào trại H’rê của Ân Sơn lại thấy những người Bana Đăk Mang đang đàn hát vui vẻ...
LH Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng cao toàn huyện bao năm qua đã giúp thắt chặt tình đoàn kết, tạo sự giao hòa văn hóa, nuôi dưỡng cảm xúc về nét đẹp truyền thống quý báu như vậy, chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ.
|