Văn chỉ Hoài Ân - ghi dấu mạch nguồn hiếu học
13:35', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Văn chỉ Hoài Ân được xây dựng để thờ phụng Khổng Tử và các vị thánh triết, tiên nho, tiên hiền. Bên cạnh đó, công trình này còn là nơi vinh danh các nhà khoa bảng địa phương. Bởi thế, việc tiếp tục khẳng định giá trị cũng như phục dựng Văn chỉ Hoài Ân là một việc làm rất cần thiết đối với sự học của thế hệ con cháu…

Lễ động thổ phục dựng khu Văn chỉ Hoài Ân. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ

 

Đến với Văn chỉ

Một ngày giữa tháng Chạp năm Tân Mão - năm 2011, chúng tôi ngược lên xã Ân Thạnh để tìm đến Văn chỉ. Sau những cơn mưa dai dẳng, con đường qua xóm 1, thôn Hội An, xã Ân Thạnh, trở nên như một bãi lầy. Vất vả lắm, chúng tôi mới vượt qua con đường đầy bùn non trơn trợt nhưng bù lại, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy khu Văn chỉ Hoài Ân đang dần được tái hiện trên mảnh đất Ân Thạnh giàu truyền thống khoa bảng…

Theo tài liệu “Di tích lịch sử đình Văn chỉ Hoài Ân” của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, năm Tự Đức thứ 20 (tức năm 1867), các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) đã tổ chức xây dựng Văn chỉ phủ Hoài Nhơn, tọa lạc tại làng Hội An, xã Ô Liêm, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn. Vào năm 1899, khi tách huyện Hoài Ân thành tổ chức hành chính riêng, vùng đất Hội An có Văn chỉ tọa lạc thuộc huyện Hoài Ân. Lúc này, Văn chỉ được giao cho những nhà khoa bảng của Hoài Ân trông coi, từ đó đổi tên thành Văn chỉ Hoài Ân.

Sự ra đời của Văn chỉ gắn liền với tên tuổi của cụ Hồ Văn Nghĩa, người làng Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông), người có công đầu trong việc sáng lập, quy tụ các nhà khoa bảng trong vùng góp công xây dựng Văn chỉ, đồng thời cũng là Chỉ trưởng đầu tiên. Cụ là người đầu tiên đỗ Cử nhân của huyện Hoài Ân và là một trong những vị khai khoa cử nhân của tỉnh Bình Định. Cụ đỗ Cử nhân hàng 14/16, ân khoa Tân Tỵ (năm 1821), năm Minh Mạng thứ hai, tại trường thi Gia Định. Cụ làm quan tới chức Tham tri. Với uy tín là bậc đại khoa trong vùng, cụ Hồ Văn Nghĩa đã tập hợp các nho sĩ ở Hoài Ân và Hoài Nhơn thành lập hội, xây dựng Ban Quản lý điều hành hoạt động Văn chỉ.

Mỗi năm, tại Văn chỉ tổ chức hai lần lễ hội vào tháng 2 và tháng 8. Văn chỉ Hoài Ân hoạt động đến năm 1945. Người Chỉ trưởng sau cùng là cụ Huỳnh Xước (1885-1956), người làng Đức Long (nay là thôn Đức Long, xã Ân Đức). Cụ đỗ Cử nhân khoa thi năm Ất Mão (năm 1915), năm Duy Tân thứ chín, tại trường thi Bình Định.

Văn chỉ Hoài Ân không có bia đá, mà chỉ có bảng sơn son thếp vàng đề danh những người trong huyện đỗ đạt qua các kỳ khoa cử được gắn trên vách trong gian Tiền đường. Ở đó, tên tuổi của 37 vị tiến sĩ, cử nhân của hai huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn qua các kỳ khoa cử đã được ghi tạc. Sự hiện hữu của Văn chỉ trong quá khứ là minh chứng cho truyền thống hiếu học của đất Hoài Ân và tinh thần trọng học của người xưa…

Văn chỉ Hoài Ân trong quá trình hoàn thành. Ảnh: VĂN LƯU

Động lực cho tương lai

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của Văn chỉ Hoài Ân, công tác khảo sát, phục dựng công trình này đã được khẩn trương triển khai. Đến ngày 26.7.2011, UBND huyện Hoài Ân đã tổ chức lễ động thổ phục dựng khu Văn chỉ Hoài Ân tại Vườn Đình, thôn Hội An, xã Ân Thạnh.

Văn chỉ Hoài Ân phục dựng với diện tích quy hoạch khoảng 5.000 m2; trong đó, các hạng mục nhà thờ chính, nhà bia ghi danh, nhà trưng bày truyền thống khuyến học chiếm diện tích 2.000 m2. Đáng chú ý, toàn bộ kinh phí xây dựng (khoảng 2 tỉ đồng) đều được huy động từ nguồn xã hội hóa. Công trình phục dựng Văn chỉ Hoài Ân hoàn thành vào dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng Hoài Ân.

Có thể nói, việc phục dựng Văn chỉ Hoài Ân không chỉ đơn thuần là phục dựng lại một công trình có giá trị tốt đẹp về văn hóa, mà còn tạo động lực thúc đẩy thế hệ tuổi trẻ Hoài Ân nỗ lực trong học tập, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cũng như bao người dân xứ trung du, ông Giang Trung, Chủ tịch Hội Khuyến học của huyện rất vui vì Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng. Ông Giang Trung tâm sự: “Văn chỉ Hoài Ân là nơi tôn thờ nền học vấn, tôn vinh các nhà khoa bảng tiền bối, vinh danh những người đỗ đạt cao và là nơi tổ chức sinh hoạt khuyến học - khuyến tài của nhân dân trong huyện. Trước việc Văn chỉ Hoài Ân được quan tâm phục dựng, những người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người rất phấn khởi và lấy làm vinh hạnh. Nhiều bà con ở xa quê cũng cảm thấy ấm lòng khi nghe tin vui này. Những hậu duệ của các nhà khoa bảng xưa cũng rất vinh dự khi tên ông cha mình được tạc vào bia đá. Chính những tên tuổi trên bảng vàng sẽ là động lực để lớp học sinh, sinh viên hôm nay và mai sau noi theo. Tất cả cùng thể hiện một quyết tâm được góp phần tiếp nối, phát triển truyền thống hiếu học của quê hương”.    

Trước ngày động thổ công trình phục dựng khu Văn chỉ Hoài Ân mấy hôm, tôi có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh Nguyễn Đô. Trong câu chuyện, ông Đô có nhắc đến công tác đền bù hoa màu ở khu vực Vườn Đình, thôn Hội An, chuẩn bị mặt bằng cho công trình này. Qua lời kể của ông Chủ tịch UBND xã, tôi nhận ra rằng, chính những người nông dân chân lấm tay bùn cũng hết lòng vì một địa chỉ văn hóa trong quá khứ nhưng có tác động mạnh mẽ đến thế hệ tương lai của quê hương… 

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống  (14/04/2012)
Tháng 4 này, về trung du…  (14/04/2012)
Thơ  (14/04/2012)
Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay  (14/04/2012)
Mênh mang ngày hội  (14/04/2012)
Theo dấu phù sa  (14/04/2012)
Quê hương trong mắt trẻ  (14/04/2012)
Dòng suối Nghĩa Nhơn  (14/04/2012)
Ký ức về một trận đánh lịch sử  (14/04/2012)
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vững bước đi lên  (13/04/2012)
Giải phóng Hoài Ân cổ vũ quân dân Bình Định nổi dậy đánh bại hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy  (13/04/2012)
Hoài Ân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vào xây dựng quê hương  (13/04/2012)
Cùng bạn đọc  (13/04/2012)