Nói đến sự phát triển kinh tế của huyện Hoài Ân thời gian qua, không thể không nhắc đến những doanh nhân. Không chỉ làm cho gia đình và bản thân, họ còn tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương…
1.
|
Ông Huỳnh Văn Nghĩa |
Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tín Nghĩa, đã vào tuổi thất thập song vẫn còn khá nhanh nhẹn. “Từ năm 1972-1975, tôi cũng đã từng là dân công, vác cây, đào hầm công sự cho Trung đoàn 41 của Sư đoàn 3 Sao Vàng, cho bộ đội du kích địa phương. Khi ấy cả gia đình tôi đã đi hết vào vùng trong, chỉ mình tôi còn bám trụ lại, giữ nhà, giữ đất, cùng góp sức với quê hương…”- ông không giấu vẻ tự hào khi nói về ngày xưa.
Cách đây 25 năm, ông Nghĩa bắt đầu chuyển sang làm nghề xây dựng. Ban đầu ông tham gia vào tổ hợp xây dựng của Hợp tác xã Ân Tín, làm các lò gạch ngói và chuyển sang nhận thầu các công trình dân dụng: cơ quan, trụ sở, trường học trong huyện. Công ty ông hiện tại có 5 đội công nhân với khoảng 100 công nhân làm việc, hưởng lương 3- 4 triệu đồng/tháng/người. Hai người con trai đầu của ông cũng đang nối nghiệp bố, đã ra mở công ty riêng. Người con út đang học ngành xây dựng. Con gái của ông chính là cầu thủ Huỳnh Thị Vân- Đội bóng đá nữ Seagames 21. Ông Nghĩa tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm phải lấy chất lượng làm đầu, mình làm đàng hoàng thì người ta mới tín nhiệm, kêu mình làm thêm nhiều công trình khác nữa. Tôi cũng luôn dặn dò anh em công nhân phải luôn chú trọng đảm bảo an toàn khi làm việc...”. Ông Nghĩa đang nhận làm công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín. Đây là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Hoài Ân.
2.
|
Ông Nguyễn Hữu Ảnh |
DNTN Tường Duy thành lập từ năm 2003. Chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Ảnh, nguyên là cán bộ kỹ thuật của Công ty Cầu đường Nghĩa Bình. Ông Ảnh cho biết: “Ban đầu tôi nhận khoán việc của Công ty, sau quyết định ra làm riêng vì muốn tự chủ hơn trong công việc. Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu doanh nghiệp thiếu vốn, phải đi vay mượn anh em, họ hàng. Trời thương nên công việc ngày càng được mở rộng hơn…”.
Hiện nay, ngoài 12 nhân viên chính thức làm việc tại trụ sở, DNTN Tường Duy thường xuyên thuê hàng trăm lao động thời vụ, cao điểm nhất là khoảng 200 người, với mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, doanh nghiệp nộp thuế từ 1-1,2 tỉ đồng. Bởi “gốc” là cán bộ cầu đường nên ông Ảnh thường nhận các công trình xây dựng về giao thông- thủy lợi. Một số công trình Doanh nghiệp mới nhận làm tại địa phương như: Cầu Bộ (xã Ân Tường Tây) thuộc tuyến ĐT 631, Khu tái định cư Gò Dũng (xã Bok Tới). Ông Ảnh cho biết, trong số 3 công trình nhận xây dựng tại địa phương, ông ưu tiên cho công trình Cổng chào huyện Hoài Ân, hoàn thành vào cuối tháng 3.2012.
3.
|
Ông Bùi Văn Vui |
Kỳ vọng vào tương lai quê hương mình, ông Bùi Văn Vui, chủ DNTN Đô Thành, tâm sự: “Tôi luôn mong quê hương ngày một phát triển hơn, mang lại bộ mặt mới cho nông thôn Hoài Ân. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho người lao động…”.
Ông Vui nguyên là cán bộ Nông hội, thương binh hạng 3/4. Năm 1983, ông về làm việc tại Ban Cải tạo Nông nghiệp tỉnh, sau đó xin nghỉ về tham gia tổ hợp xây dựng của huyện. Đến năm 1992, ông thành lập DNTN đầu tiên của huyện trong thời kỳ “mở cửa”, chuyên về xây dựng. Hiện nay, DN của ông có khoảng 40 lao động. Ngoài các công trình xây dựng tại địa phương, ông Vui còn mở rộng địa bàn sang các huyện khác như An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát. Cũng như các doanh nghiệp xây dựng khác, vào tháng 3.2012, ông Vui đang gấp rút thi công công trình Văn chỉ Hoài Ân tại thôn Hội An, xã Ân Thạnh kịp chào mừng 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân.
4.
|
Ông Đoàn Thế Hòa |
Năm 2011, Công ty TNHH Tân Lập nộp thuế cho Nhà nước khoảng 3,5 tỉ đồng. Lao động tại công ty khoảng 200 người, trong đó có trên 130 lao động thường xuyên. Doanh thu năm vừa qua của Công ty đạt khoảng 150 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ thương mại - dịch vụ đạt khoảng 90 tỉ đồng, phần còn lại là từ xây dựng. “Thương trường vốn nhiều bất trắc. Bởi vậy tôi quyết định đầu tư cả hai kênh thương mại và xây dựng cho chắc ăn”- ông Đoàn Thế Hòa, Phó Giám đốc Công ty, cho biết chiến lược kinh doanh của mình.
Quê gốc ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, kinh doanh mua bán từ nhỏ, nhưng cuối cùng ông Hòa lại “gặp duyên” ở Hoài Ân, cưới vợ và ở lại đây lập nghiệp. Khởi nghiệp từ buôn bán, ông chuyển sang làm đại lý thức ăn gia súc kiêm kinh doanh xăng dầu, rồi “lấn” dần sang lĩnh vực xây dựng. Hiện, ông đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Cơ khí Quang Trung, sở hữu 60% cổ phần, và đang triển khai kế hoạch xây dựng một nhà máy gạch không nung ngay tại Khu công nghiệp Phú Tài.
Nói về sự phát triển của Hoài Ân trong tương lai, ông Hòa trăn trở: “Tôi thấy cái khó nhất của huyện hiện nay là giao thông không thuận lợi vì xa quốc lộ, cảng biển, đường sá lại manh mún. Sản xuất cái gì phát huy lợi thế của Hoài Ân, đối với tôi, đến giờ vẫn là một điều khó. Thế nhưng, thiên nhiên lại ưu đãi Hoài Ân bằng khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo…”.
5.
|
Ông Hoàng Anh Dũng tại trang trại nuôi heo ở Ân Tường Đông. |
Và có lẽ, ông Hoàng Anh Dũng, chủ DNTN Dũng Ngà ở xã Ân Tường Đông đã phát huy được thế mạnh đó của quê nhà. Đó là thu mua heo, bán thức ăn gia súc kiêm chăn nuôi heo. Ông Dũng kể: “Nguyên trước đây tôi là Phó Chủ nhiệm HTX mua bán của xã chuyên trách mua bán với tỉnh ngoài, xuất bán heo, bò, trâu, mua lại sản phẩm công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Sau này, tôi ra làm riêng, ban đầu chỉ là thu mua heo. Khi phong trào chăn nuôi heo phát triển mạnh, tôi làm đại lý bán thức ăn gia súc. Khoảng năm 2001, tôi bắt đầu thuê đất ở xã Ân Tường Đông xây trang trại nuôi heo khép kín”.
Năm 2011, ông Dũng thành lập DNTN Dũng Ngà. Bình quân, một năm doanh nghiệp cung cấp 400-450 tấn cám các loại cho các hộ chăn nuôi trong huyện; mỗi ngày thu mua, xuất bán 50-100 con heo cho các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Năm 2011, tổng doanh thu của DNTN Dũng Ngà đạt khoảng 40 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động.
|