Xuất khẩu lao động:
Mở lối thoát nghèo
14:52', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Hoài Ân là địa phương dẫn đầu về số lượng xuất khẩu lao động (XKLÐ) của tỉnh sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Phong trào XKLÐ đã lan rộng xuống từng thôn, xóm.

1.

Đời sống người dân thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây có nhiều đổi thay nhờ người thân đi XKLĐ gửi tiền về.

Hoài Ân phát triển mạnh phong trào XKLĐ từ năm 2005 đến nay. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hoài Ân, hiện mỗi năm, có khoảng 100 lao động trong huyện đã xuất cảnh sang các nước làm việc đều có thu nhập khá ổn định. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ số tiền người đi XKLĐ gửi về. Với số tiền đó, họ mua trâu, bò, đầu tư phát triển kinh tế, hoặc gửi tiết kiệm để tích lũy vốn liếng làm ăn...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để công tác XKLĐ trở thành phong trào như hiện nay, Hoài Ân đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách của Nhà nước về XKLĐ đến người dân được tiến hành bài bản, thường xuyên.

Để người dân hiểu rõ các vấn đề về XKLĐ, các doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu đã tích cực phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện trực tiếp xuống các xã triển khai tuyên truyền chế độ, chính sách về XKLĐ cho cán bộ chủ chốt cấp xã, để xã phối hợp vận động gia đình và người lao động đăng ký tham gia XKLĐ. Đồng thời, thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; tạo điều kiện để người lao động hiểu được quyền lợi khi tham gia. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn... đã góp phần nâng cao trình độ cán bộ xã, thôn và nhận thức của người dân trên địa bàn về công tác XKLĐ.

Người dân ở Hoài Ân luôn quan tâm đến các buổi tư vấn việc làm, XKLĐ do doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn huyện.

2.

Các xã có nhiều người đi XKLĐ ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia là Ân Tường Tây, Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Hảo… Trong đó, Ân Tường Tây là địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất huyện, mỗi năm từ 10-20 người. Ông Phạm Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2006 đến nay, xã có 147 người đi XKLĐ, trong đó trên 100 người đã hoàn thành hợp đồng trở về địa phương. Trước đây, muốn đi XKLĐ, người lao động phải thế chấp số tiền lớn. Các hộ gia đình muốn cho con đi phải mượn 4-5 sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của người thân để thế chấp vay vốn ngân hàng mới được đi. Giờ đây, chính sách XKLĐ ngày càng thoáng hơn nên người dân đăng ký đi XKLĐ ngày càng nhiều. Không làm gì xóa đói giảm nghèo nhanh và làm giàu nhanh như đi XKLĐ”.

Ở Ân Tường Tây, thôn Phú Hữu 2 được người dân ví là làng XKLĐ, bởi ở đây, hầu như gia đình nào cũng có người đi XKLĐ, có gia đình 2-3 người đi XKLĐ. Ông Huỳnh Xuân Sơn, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Ân Tường Tây, dẫn chúng tôi đến thôn Phú Hữu 2 để tận mắt thấy sự đổi thay của thôn nhờ vào đi XKLĐ. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khá đẹp, nhiều vật dụng, tiện nghi trong nhà được mua sắm từ tiền đi XKLĐ gửi về.

Ông Nguyễn Thành Nhung, ở xóm 2, thôn Phú Hữu, có 2 con trai đi XKLĐ tại Nhật Bản. Lúc đầu, người anh Nguyễn Ngọc Hiệp đăng ký đi trước, do không đủ tiền, ông Nhung phải đi mượn 5 sổ đỏ trong dòng họ để vay vốn ngân hàng cho Hiệp đi. Sau một thời gian làm việc, tích lũy vốn, Hiệp gửi tiền về nhà và bảo lãnh em trai là Nguyễn Ngọc Huân sang Nhật Bản làm việc. Tiếp đó, Hiệp giới thiệu thêm 2 người em con của chú ruột là Nguyễn Thanh Lưu, Nguyễn Thanh Luân sang Nhật Bản làm việc, thu nhập tương đối cao, năm thứ nhất được trả lương 6.000 USD, năm thứ hai tăng lên 12.000 USD. Ông Nhung cho biết: “Từ một hộ nghèo của xã, nhờ các con đi XKLĐ mà gia đình đã thoát nghèo, các con có được một số vốn kha khá để mua đất xây nhà và đầu tư phát triển kinh tế gia đình”.

Theo ông Huỳnh Xuân Sơn, tại thôn Phú Hữu 2, có trên 10 gia đình có từ 2-3 con đi XKLĐ, riêng tại xóm 5 có gần 30 người đi XKLĐ.

Sau xã Ân Tường Tây, những năm gần đây, xã Ân Tín cũng có phong trào đi XKLĐ khá mạnh. Nhiều gia đình có người thân đi XKLĐ gửi tiền về đã xây lại nhà cửa khang trang, mua sắm thêm vật dụng trong nhà; có người có vốn đầu tư làm ăn, buôn bán trên mọi lĩnh vực, kéo theo dây chuyền “nhà nhà đi XKLĐ, người người đi XKLĐ”. Đến nay cả xã Ân Tín có khoảng 50 người đi XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

Theo ông Huỳnh Quang Chánh, Chủ tịch UBND xã Ân Tín, nếu người dân ở tại địa phương làm quanh năm chỉ đủ ăn, trong khi đó, đi XKLĐ chỉ trong 3 năm về nhà có người dư ra vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Do hiệu quả kinh tế từ đi XKLĐ mang lại cao nên ngày càng có nhiều người trên địa bàn xã đăng ký đi XKLĐ.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết: “XKLĐ thực sự là yếu tố không chỉ giúp người dân trong huyện có cơ hội thoát nghèo bền vững mà còn có thể làm giàu chính đáng”. 

  • Bài, ảnh:  NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp sức cùng quê hương  (14/04/2012)
Hoài Ân qua ảnh  (14/04/2012)
Sống mãi trong lòng dân  (14/04/2012)
Những “báu vật ” của làng  (14/04/2012)
Văn chỉ Hoài Ân - ghi dấu mạch nguồn hiếu học  (14/04/2012)
Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống  (14/04/2012)
Tháng 4 này, về trung du…  (14/04/2012)
Thơ  (14/04/2012)
Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay  (14/04/2012)
Mênh mang ngày hội  (14/04/2012)
Theo dấu phù sa  (14/04/2012)
Quê hương trong mắt trẻ  (14/04/2012)
Dòng suối Nghĩa Nhơn  (14/04/2012)
Ký ức về một trận đánh lịch sử  (14/04/2012)
Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vững bước đi lên  (13/04/2012)