Trù phú Ân Tường Ðông
21:56', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Xã Ân Tường Ðông hiện ra trước mắt tôi miên man một màu xanh thẳm của vườn, rừng. Những luống tiêu vươn dài, những hàng cây keo dọc triền núi cùng những vạt ruộng vàng óng ánh tạo nên một sắc thái rất riêng, ấm áp, giàu có của vùng trung du.

Tuyến đường 631 được nâng cấp đi ngang qua xã Ân Tường Đông nối với các trung tâm của huyện và thị trấn Phù Mỹ, giúp người dân đi lại, buôn bán thuận lợi.

Nếu không được ông Trương Văn Khẩn, Bí thư xã Ân Tường Đông giới thiệu, tôi không thể tin rằng đây vốn là vùng chiến sự ác liệt trong những năm chống Mỹ. 40 năm trước, cây cối cháy trụi, đất chết cằn khô. Giờ đây, Ân Tường Đông đã trù phú nhờ sức lao động bền bỉ của con người nơi đây. 

Xã thay “áo mới”

Cứ tưởng rằng từng ấy thời gian trôi qua khiến chuyện cũ nhạt nhòa trong trí nhớ của lớp người thời ấy. Nhưng không, người dân ở đây vẫn nhớ như in những năm tháng chiến tranh. Họ chưa thể quên những con đường đất gồ ghề, mặt đường đầy ổ gà; hai bên đường là những ngôi nhà tạm chỉ đủ che nắng mưa… Nhưng với sức người bền bỉ, đất Ân Tường Đông đã chuyển mình, từ vùng đất chết thành vùng quê xanh thắm, trù phú.

Chừng mươi năm gần đây, hệ thống đường giao thông ở xã đã được bê tông thông suốt, trường học khang trang, nhà ngói, tường xây xuất hiện ngày càng nhiều… Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, chia sẻ: “Đảng bộ xã Ân Tường Đông xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông trên địa bàn xã, phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng địa phương... là những việc cần thực hiện đầu tiên. Mọi việc dần trở thành hiện thực nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã”.

Từ nguồn vốn ngân sách của huyện và nhân dân đóng góp, hàng trăm công trình đã được đầu tư triển khai với tổng kinh phí gần 17 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn xã, hệ thống hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể kể đến những công trình trọng điểm làm thay đổi bộ mặt của xã trong thời gian qua như xây dựng gần 15 km đường bê tông xi măng, 3 cây cầu bê tông kiên cố, chợ trung tâm xã, nhà bia ghi tên liệt sĩ, 46 phòng học, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trụ sở UBND xã, bưu điện ở các thôn được xây dựng mới hoàn toàn...

 

Trang trại chăn nuôi heo của anh Phạm Văn Bính.

 

Cùng với các công trình hạ tầng cơ sở, đời sống của người dân trong xã cũng ngày càng thay đổi, phát triển. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 1999 chỉ có 2,4 triệu đồng thì nay đã vượt qua mốc 9 triệu đồng/người/năm.

Ông Ngô Trung Thư, Phó Chủ tịch UBND xã, khoe: “Hệ thống hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư đồng bộ, khang trang, tạo thuận lợi cho người dân trong giao thương, hưởng thụ văn hóa - xã hội. Đời sống của người dân cũng ngày càng phát triển, nhiều hộ gia đình có đời sống khấm khá, sắm sửa được nhiều vật dụng, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Hiện nay trong xã, có gần 30 ngôi nhà mới xây trị giá vài trăm triệu đồng, có nhà trị giá cả tỉ đồng…”.

Những tỉ phú 

Để chứng minh điều mình vừa nói, ông Thư đã đưa tôi đi “mục sở thị” vài trang trại, gia đình ăn nên làm ra ở xã. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là của anh Đỗ Thành Long, 47 tuổi, ở thôn Thạch Long 1. Dạo một vòng quanh ngôi nhà mới xây trị giá hơn 1 tỉ đồng, chúng tôi không gặp ai, hỏi thăm hàng xóm mới biết vợ chồng anh Long đang ở trang trại trồng tiêu, keo. Đi bộ một quãng nữa, chúng tôi gặp anh Long tay vác cuốc, quần ống thấp ống cao... Anh Long bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xã. Cách đây hơn chục năm, cuộc sống khó khăn lắm, bao trai trẻ trong xã cứ muốn đi làm ăn xa. Nhưng tôi nghĩ, không lẽ đất quê không nuôi nổi mình. Từ năm 2000, bằng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tôi trồng tiêu, nuôi heo rồi trồng keo. Trang trại của tôi hiện có 5 ha keo, 600 gốc tiêu và hàng trăm con heo”.

Anh Đỗ Thành Long (bên phải) và vườn tiêu 600 gốc của mình.

 

Đất đã không phụ lòng người. Hiện nay, anh Long không chỉ nuôi 3 con học đại học mà còn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, xây nhà, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho gia đình.

Ở Ân Tường Đông, thu nhập mỗi năm cả tỉ đồng từ kinh tế trang trại không chỉ có mình gia đình anh Long. Đến nhà anh Hoàng Anh Dũng - người đang nuôi gần 3.000 con heo thịt theo quy trình khép kín, chuồng trại hiện đại- tôi thật sự tin rằng, nhiều gia đình ở Ân Tường Đông đang giàu lên. Bên cạnh đó, còn có nhiều hộ gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như hộ anh Phạm Văn Hưng, anh Phạm Văn Bính ở thôn Lộc Giang; anh Nguyễn Xuân Thạnh, anh Nguyễn Minh Trung ở thôn Tân Thành… Gặp các anh, hỏi thăm về tình hình sản xuất, chăn nuôi của gia đình, ai cũng vui. Anh Hoàng Anh Dũng, thôn Tân Thạnh 1, tâm sự: “Giờ đây, các gia đình ở xã đều học hỏi nhau nuôi heo, trồng tiêu, keo nên ai cũng khấm khá hẳn lên!”.

Những ngôi nhà tôi ghé thăm, những người nông dân trẻ tuổi tôi đã gặp đang trở nên giàu có, bắt đầu từ việc biết mở hướng làm ăn, áp dụng tích cực tiến bộ khoa học kỹ thuật, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Ngôi nhà anh Long mới xây.

Và những mục tiêu mới

Dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nhưng xã Ân Tường Đông vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách trên con đường phát triển. Đảng bộ và nhân dân đã đồng lòng đặt ra mục tiêu phấn đấu: năm 2015 thu nhập bình quân đầu người là 15,7 triệu đồng, thu ngân sách hàng năm tăng 5%, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 7% và xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tạo tiền đề xây dựng trường tiểu học, THCS, trạm y tế chuẩn quốc gia mức 2 và trên 50% thôn đạt danh hiệu văn hóa.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Đảng bộ Ân Tường Đông đang nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của chính quyền cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vần đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo ông Trương Văn Khẩn, Đảng ủy và UBND xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình mở rộng trang trại, hoạt động dịch vụ nhằm huy động tốt mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư và phát triển sản xuất.

Chia tay mảnh đất Ân Tường Đông với màu xanh bạt ngàn, hy vọng những mục tiêu mà chính quyền và nhân dân xã đề ra sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa.

Ông Trương Văn Khẩn, Bí thư Đảng ủy xã Ân Tường Đông: “Trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đưa kinh tế của xã ngày càng phát triển. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã: tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2015 giá trị thu nhập từ chăn nuôi chiếm 55% tổng ngành Nông- Lâm nghiệp (ước tính trên 20.000 con heo). Tiếp tục khai thác lợi thế đất đai để phát triển kinh tế trang trại. UBND xã sẽ nhân rộng những mô hình trang trại có hiệu quả, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn để khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế trang trại”. 

  • HẢI YẾN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mở lối thoát nghèo  (14/04/2012)
Góp sức cùng quê hương  (14/04/2012)
Hoài Ân qua ảnh  (14/04/2012)
Sống mãi trong lòng dân  (14/04/2012)
Những “báu vật ” của làng  (14/04/2012)
Văn chỉ Hoài Ân - ghi dấu mạch nguồn hiếu học  (14/04/2012)
Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống  (14/04/2012)
Tháng 4 này, về trung du…  (14/04/2012)
Thơ  (14/04/2012)
Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay  (14/04/2012)
Mênh mang ngày hội  (14/04/2012)
Theo dấu phù sa  (14/04/2012)
Quê hương trong mắt trẻ  (14/04/2012)
Dòng suối Nghĩa Nhơn  (14/04/2012)
Ký ức về một trận đánh lịch sử  (14/04/2012)