Với 100% đồng bào dân tộc, phần lớn là người Bana, đến cuối năm 2011, Ðăk Mang còn 41,2% hộ nghèo, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với kỳ tích nhiều năm liên tục không có người sinh con thứ ba, Ðăk Mang đang xây nền cho một tương lai tươi sáng hơn.
|
Chuyện sinh ít con có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đăk Mang. |
Đến bây giờ, nhiều người vẫn ngạc nhiên khi nghe người dân cả một xã miền núi quyết tâm chỉ đẻ từ 1-2 con. Vậy mà, Đăk Mang với 304 hộ dân, 1.149 nhân khẩu đã làm nên câu chuyện kỳ lạ ấy từ năm 2008 đến nay.
1.
Đăk Mang là một thung lũng bọc trong màu xanh của rừng núi và ruộng lúa. Vào đến cổng thôn văn hóa O6, chúng tôi đã thấy Đăk Mang khác xưa nhiều lắm.
Con đường lên đến trung tâm xã mọc lên nhiều ngôi nhà ngói mới khang trang. Trụ sở UBND xã đang được xây mới. Ngay từ đầu thôn O6, tiếng trẻ bi bô đọc chữ, hát múa, chơi trò chơi của cô trò vang lên từ lớp mẫu giáo; tiếng trống trường bắt đầu một tiết học mới ở trường tiểu học. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Công Trường khoe: “Cả xã có 3 điểm trường mầm non và tiểu học. Tất cả con em trong độ tuổi đến trường đều đi học; mầm non lớn - nhỏ chừng 70 cháu, tiểu học 125 cháu”.
Ông Trường cởi mở: Tiếng là diện tích tự nhiên đến hơn 12.000 ha, nhưng 93% là rừng núi, chỉ còn 7% đất nông nghiệp và đất có khả năng canh tác. Bây giờ, nhà khó, khổ cũng ráng cho con đi học kiếm chữ. Trẻ con học hết tiểu học thì khăn gói lên huyện học cấp II, đứa khá thì xuống tỉnh học cấp III. Đường sá thuận lợi, mỗi tháng hai lần, cha mẹ đưa xe máy xuống tận trường nội trú của huyện để đưa đón các con về thăm nhà. Mấy năm nay, ngoài các suất sinh viên cử tuyển, xã còn có nhiều em tự thân thi vào các trường đại học, cao đẳng “bay nhảy” các nơi.
Ông Đinh Văn Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã, tiếp lời: “Trước đây, thế hệ chúng tôi chỉ quanh quẩn trong làng. Giờ đã có nhiều thanh niên ra ngoài, mỗi dịp hè hay Tết mới về thăm nhà. Hộ nào cũng có nhà xây, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như người ở dưới xuôi; 80-90% hộ dân có ti vi, xe máy, có nhà sắm 2-3 chiếc xe”.
Khái niệm “nhà giàu” với người dân là đàn trâu, bò thả trên nương rẫy, heo nuôi trong nhà, con cái học hành giỏi giang, thành đạt. Đăk Mang giờ nổi lên nhiều người trẻ “có của” trong nhà. 30 tuổi, anh Đinh Bá Nê, ở thôn O11, nổi tiếng cả xã bởi đàn trâu, bò khoảng 40 con, mỗi con trâu thịt có giá bình quân mười triệu đồng. Hay hộ anh Đinh Cao Thới, 33 tuổi, ở thôn O6, ngoài công tác xã hội, còn là một người chăn nuôi giỏi, con cái học hành đến nơi đến chốn...
|
Từ năm 2008 đến nay, Đăk Mang không có người sinh con thứ ba.
|
2.
Ông Đinh Văn Thuận bảo, sự thay đổi ấy của Đăk Mang bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là chuyện “hãm” đà sinh nhiều của bà con. Lãnh đạo xã xác định yếu tố đầu tiên cần làm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân chính là công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
“Công cuộc vận động dân không sinh con thứ ba được xã làm từ lâu rồi, nhưng chật vật lắm. Dân quen nếp “trời sinh voi, sinh cỏ”, “đủ nếp đủ tẻ”. Mấy năm gần đây, xã càng mạnh tay. Hằng năm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đều có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên; đồng thời phân công, phân nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên trách dân số xã và nhân viên y tế thôn bản lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để quản lý, theo dõi. Công tác dân số được lồng ghép vào chương trình hoạt động hàng năm, hàng quý của các đoàn thể và hương ước, quy ước của làng” - ông Thuận kể.
Với lực lượng đảng viên đông đảo, lãnh đạo xã Đăk Mang quán triệt triển khai đến từng chi bộ thôn thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Các chi bộ phải đưa vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình thành nội dung sinh hoạt trong tháng và cũng là một tiêu chí để đánh giá phân loại đảng viên cuối năm. Trong khi đó, các tổ chức hội, đoàn thể cũng nhanh chóng vào cuộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhưng chuyện dân Đăk Mang ký cam kết với chính quyền không sinh con thứ ba mới là cách làm hay mà đến giờ không nơi nào học được. Trong hương ước của làng về xây dựng làng văn hóa có quy định những cá nhân nào vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình thì mọi quyền lợi đều không được giải quyết cũng như phải nộp vào một khoản tiền bằng tiền thưởng của một xã được khen về công tác dân số.
Trưởng thôn O11 Đinh Văn Lức tự hào 11 năm rồi thôn không có người sinh con thứ ba. O11 có 37 hộ, ban đầu nói chuyện “kế hoạch”, ký bản cam kết mọi người cũng phản ứng, nhưng thôn kiên trì vận động. Trong các buổi sinh hoạt làng, họp chi bộ, hội đoàn thể đều lồng ghép tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con.
Sau nhiều năm kiên trì vận động, đến nay, Đăk Mang luôn có tỉ suất sinh đạt và vượt yêu cầu huyện giao, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
|
Một góc trung tâm xã Đăk Mang.
|
3.
Liên tục từ năm 2008 đến nay, Đăk Mang là điểm sáng không có người sinh con thứ ba. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Công Trường tâm sự, cái đáng quý là từ nhận thức tích cực, người dân đã hiểu rõ hệ lụy đẻ dày, đẻ nhiều. Vui nhất là ở Đăk Mang giờ đã hình thành một lớp trẻ có suy nghĩ đẻ ít để lo cho con ăn học và làm giàu.
Lấy ví dụ từ mình, anh Trường bảo cha mẹ có 4 đứa con, méo mặt lo chuyện học hành. Thấu nỗi khổ con đông, anh Trường đi học, làm cán bộ xã, cưới vợ sinh đứa đầu, rồi bẵng chục năm sau mới có tiếp cậu con trai thứ hai. Còn chị Đinh Thị Nét, 26 tuổi, ở thôn O11, cho biết: “Nhà có 2 con trai, nhà chồng bảo có đứa con gái càng vui, nhưng tôi quyết không đẻ nữa, chờ hai con lớn thêm chút nữa, vợ chồng ra ngoài tính chuyện làm ăn”.
Chị Đinh Thị Kim, cộng tác viên dân số thôn O11, cho biết: “Bây giờ làm dân số “nhàn”, chỉ mỗi việc chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn bà con làm kế hoạch hóa gia đình, chứ không còn chăm chăm lo chuyện tuyên truyền đẻ ít, đẻ thưa nữa”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Công Trường khẳng định: “Chuyện đẻ ít có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã. Con cái ổn định rồi, từ giờ trở đi bà con chỉ còn lo phát triển kinh tế, làm giàu nữa thôi!”.
Tôi lên Đăk Mang dạy học từ năm 2000. Hơn chục năm gắn bó, giáo viên cắm làng như chúng tôi vui lắm, bởi từ chỗ phải đi năn nỉ đồng bào cho con đến trường, bây giờ nhiều gia đình đã coi chuyện học của con là trên hết. Nhiều năm qua, xã có 100% trẻ vào lớp 1 đúng độ tuổi và không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học. Chỉ một chuyện nhỏ thôi, nhưng thể hiện rõ sự chuyển biến về nhận thức của bà con, đó là phụ huynh đi họp đầu năm cho con rất đông đủ.
(Ông Trần Thanh Tùng, giáo viên Trường Tiểu học Đăk Mang) |
|