Võ đường Trần Quý Ba:
Giữ võ cổ truyền sống mãi trên đất trung du
7:37', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Thường giành được thành tích cao ở giải võ cổ truyền tỉnh trong những năm qua, đồng thời, cung cấp nhiều VÐV cho các đội tuyển tỉnh, võ đường Trần Quý Ba (thị trấn Tăng Bạt Hổ) được xem là nơi gìn giữ truyền thống thượng võ ở đất Hoài Ân.

Các võ sinh của võ đường Trần Quý Ba tập các bài đối luyện.

Những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thời kỳ cực thịnh của phong trào võ cổ truyền Hoài Ân. Những giải đấu liên tục được tổ chức và sự xuất hiện nhiều võ đường của các võ sư nổi tiếng như: Phi Long Tĩnh, Kim Minh Công, Thanh Sơn, Xuân Bảy… Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là lý do kinh tế, số lượng võ đường giảm dần, các võ sư cũng không còn gắn bó với nghiệp võ. Trong bối cảnh đó, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một võ đường ở thị trấn Tăng Bạt Hổ đi vào hoạt động, tạo nên sức sống mới cho phong trào võ thuật ở miền trung du. Đó là võ đường của võ sư Trần Quý Ba - con trai của cố võ sư Trần Học.

Sinh thời, cụ Trần Học, cha của võ sư Trần Quý Ba, là một thầy thuốc Bắc, nhưng niềm đam mê võ thuật đã thôi thúc ông tìm đến một số võ sư có tiếng thời đó để thọ giáo. Những người biết đến Trần Học đều nể phục ông ở đòn trảo công có thể xếp vào hàng tuyệt kỹ. Tương truyền, ông có thể dùng những đầu ngón tay khắc sâu tên mình lên tường gạch, hay chọc thủng quả dừa một cách dễ dàng. Thông thạo nhiều bài võ bí truyền, nhưng ông Trần Học lại không nhận đệ tử và cũng không truyền thụ võ công lại cho ai ngoài hai người con trai, trong đó có Trần Quý Ba.

Sau khi lĩnh hội được những kiến thức võ học quý giá từ người cha, Trần Quý Ba còn thường xuyên học hỏi từ các võ sư trong vùng và từ các đồng nghiệp để bổ sung những đòn thế mới, những bài võ hay. Chính vì vậy, ông có thể sử dụng thành thạo thập bát ban võ nghệ. Học chữ Nho từ nhỏ, cộng với chút chữ nghĩa từ sách vở và thời gian phụ giúp cha kê đơn bốc thuốc, Trần Quý Ba luôn tìm tòi, chiêm nghiệm những lời thiệu trong từng đòn thế để động tác chuẩn mực, dũng mãnh. Chính vì vậy, những động tác, thế võ do ông truyền dạy cho các học trò luôn tạo được độ uyển chuyển, dứt khoát…

Nhờ đó, các võ sinh của võ đường luôn thi đấu nổi bật ở các giải võ cấp tỉnh tổ chức hàng năm. Trong đó, ba cô con gái của ông gồm: Trần Thị Cẩm Uyên, Trần Thị Cẩm Nhung, Trần Thị Cẩm Trinh đều đã đoạt huy chương vàng tại các Giải Võ cổ truyền toàn tỉnh. Riêng Trần Thị Cẩm Nhung từng đem về cho võ cổ truyền Bình Định 4 huy chương Đồng ở các Giải Trẻ và Vô địch toàn quốc. Năm 2007, võ đường Trần Quý Ba đoạt cúp vô địch nội dung hội diễn Giải vô địch Võ cổ truyền toàn tỉnh. Và CLB Trần Quý Ba là một trong những CLB đầu tiên của bộ môn võ cổ truyền được Trường Năng khiếu TDTT tỉnh chọn làm vệ tinh. Trong suốt hơn 20 năm qua, CLB Trần Quý Ba đã đào tạo nên nhiều lứa học trò xuất sắc, góp mặt vào các đội tuyển của tỉnh.

Bên cạnh việc chỉ dạy về võ thuật, võ sư Trần Quý Ba còn luôn hướng các học trò của mình đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, để họ trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã rất tin tưởng khi gửi gắm con em mình tập luyện tại võ đường Trần Quý Ba.

Không chỉ được học võ, các võ sinh của võ đường Trần Quý Ba còn được học về đạo làm người từ ông (bìa phải).

Bác sĩ Nguyễn Văn Đệ, công tác tại Trung tâm Y tế huyện, có con gái là Nguyễn Quỳnh Như từng đoạt 4 huy chương Vàng ở các giải trẻ võ cổ truyền toàn tỉnh, cho biết: “Với mong muốn cho con mình tập luyện một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, tôi đã hướng con gái đến với võ cổ truyền ở võ đường Trần Quý Ba vì hai lý do chính: ở đây cháu có thể học võ từ một trong những võ sư hàng đầu của huyện và được rèn luyện những đức tính tốt để làm người. Những thành tích mà cháu đạt được là niềm tự hào của gia đình chúng tôi”.

Nguồn thu học phí từ các võ sinh hầu như chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì vậy, võ sư Trần Quý Ba vẫn gắn bó với công việc làm thuốc học được từ cha. Từ đó, ông có thêm điều kiện trang trải cho gia đình, hỗ trợ các học trò khi đi thi đấu… Với những võ sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, võ sư Trần Quý Ba không thu học phí, chỉ mong học trò sau này có thể dùng chút ít kiến thức võ học để giúp ích cho đời. Riêng bản thân ông luôn tự thấy mình phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ vốn quý võ cổ truyền ở địa phương. Vì vậy, ông dồn tâm huyết vào người cháu kêu bằng chú ruột là Trần Văn Trị, với mong muốn có người duy trì được những tinh hoa võ thuật của dòng họ. Và người cháu trai này đã không phụ lòng mong mỏi của ông, khi ngày càng vững vàng về chuyên môn và mở thêm một CLB võ cổ truyền, góp phần vào việc gìn giữ môn võ cổ truyền của dân tộc trên đất trung du.

  • LÊ CƯỜNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗ lực phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (14/04/2012)
Đăk Mang… không sinh con thứ ba  (14/04/2012)
Trù phú Ân Tường Ðông  (14/04/2012)
Mở lối thoát nghèo  (14/04/2012)
Góp sức cùng quê hương  (14/04/2012)
Hoài Ân qua ảnh  (14/04/2012)
Sống mãi trong lòng dân  (14/04/2012)
Những “báu vật ” của làng  (14/04/2012)
Văn chỉ Hoài Ân - ghi dấu mạch nguồn hiếu học  (14/04/2012)
Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống  (14/04/2012)
Tháng 4 này, về trung du…  (14/04/2012)
Thơ  (14/04/2012)
Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay  (14/04/2012)
Mênh mang ngày hội  (14/04/2012)
Theo dấu phù sa  (14/04/2012)