Tôi biết sự cuồng nhiệt đối với bóng đá của người Hoài Ân từ khi còn là một thanh niên tham gia thi đấu cho đội bóng cấp xã. Sau này, công việc của một phóng viên thể thao giúp tôi có dịp hiểu nhiều hơn về bóng đá của địa phương này. Dẫu không tham gia nhiều các giải đấu cấp tỉnh, không rầm rộ như TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn… nhưng phong trào bóng đá của huyện Hoài Ân vẫn âm thầm lan tỏa…
|
Đội bóng đá xã Ân Tín đoạt giải Nhất giải bóng đá truyền thống huyện Hoài Ân năm 2006. Ảnh: Võ Chí Hà |
Một ngày cuối tháng 8 năm 2011, tôi tình cờ “dự thính” một cuộc họp chuyên môn trước khi các trận bán kết Giải bóng đá truyền thống của huyện Hoài Ân diễn ra. Nghe Ban tổ chức phổ biến công tác chuẩn bị về an ninh, y tế… để các trận đấu diễn ra an toàn, tôi thầm nghĩ một giải đấu cấp huyện việc gì phải chặt chẽ đến thế. Nhưng buổi chiều ra sân vận động trung tâm huyện để xem đá bóng, tôi mới hiểu sự lo lắng của Ban tổ chức là không thừa. Khán giả đến sân đông nghịt. Trên sân, các cầu thủ thi đấu lăn xả, quyết liệt vì “màu cờ sắc áo”. Ông Ngô Trần Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân, phụ trách TDTT của huyện, cho biết: “Đây là giải đấu mà huyện đã duy trì từ sau ngày đất nước giải phóng. Giải luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo lực lượng cầu thủ nghiệp dư ở các xã tham gia…”.
Khi tôi hỏi vì sao huyện có một giải đấu truyền thống như vậy mà không thể tuyển chọn được cầu thủ tốt để tham gia giải tỉnh, ông Ngô Trần Hùng cười: “Cũng có tham gia đấy chứ, nhưng thất bại nặng nề quá nên tạm ngưng không tham gia nữa. Khi nào chúng tôi nhận thấy bóng đá của huyện thật sự mạnh thì sẽ tham gia lại…”.
Trước đây, phong trào bóng đá ở Hoài Ân rất mạnh, nhất là vào những năm 80 của thế kỷ trước. Gần như mỗi thôn có một sân bóng. Ở xã Ân Hảo, người dân đã đốn hạ cả một vườn dừa ở “soi” Vạn Trung, Tân Xuân để làm sân đá bóng. Hồi ấy, tôi đã từng đi theo đội bóng của xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) quê tôi lên thi đấu giao lưu tại xã Ân Hảo. Chúng tôi đến nơi khoảng 1 giờ chiều, nhưng người dân đã ra sân đông nghịt. Sân Ân Hảo lại nằm giữa cánh đồng khiến những cổ động viên đội khách như chúng tôi thấy ngợp. Những đội bóng gặt hái được nhiều thành tích tại các giải đấu cấp huyện ở Hoài Ân phải kể đến các đội: Ân Tín, Ân Hảo, thị trấn Tăng Bạt Hổ và Trại giam của tỉnh đóng trên địa bàn Kim Sơn…
|
Đội bóng đá thị trấn Tăng bạt Hổ năm 1998. Ảnh: Võ Chí Hà |
Trải qua bao thăng trầm, bóng đá Hoài Ân không còn sôi động, ồn ào nhưng nó vẫn âm thầm lan tỏa. Hằng năm, các xã vẫn thường xuyên tổ chức các giải đấu truyền thống ở địa phương mình và chọn quân để tham gia giải huyện. Hoài Ân cũng là địa phương cung cấp nguồn cầu thủ năng khiếu cho đội bóng tỉnh nhà và các đội bóng “U” của tỉnh khá dồi dào. Những cầu thủ xuất thân từ Hoài Ân khá thành danh như: tiền đạo Đỗ Thanh Sang (Ân Thạnh), Trần Ngọc Thạch (Ân Tín)… đã và đang thi đấu cho đội SQC Bình Định. Hoặc như các cầu thủ “nhí” đã giúp đội U13 Bình Định đoạt huy chương Bạc ở mùa giải năm 2010 như: Hồ Tấn Tài và Đặng Văn Tài. Trong đó, Đặng Văn Tài là đội trưởng đội U13 Bình Định và được đánh giá là cầu thủ chơi hay nhất tại Giải bóng đá U13 toàn quốc năm 2010.
Trong những ngày đầu năm 2012, tôi có dịp đi một vòng các xã trên địa bàn huyện Hoài Ân, đâu đâu cũng có thể tìm thấy một sân bóng rộng rãi, cỏ xanh mướt và thanh thiếu niên chiều chiều lại xỏ giày ra sân. Đó không phải là điều mà địa phương nào cũng có được. Lý giải cho việc “vắng bóng” ở đấu trường cấp tỉnh trong thời gian qua, chừng như, Hoài Ân đang chọn bài “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng phong trào bóng đá Hoài Ân như những mạch chảy ngầm và một ngày không xa, Hoài Ân sẽ trở lại đấu trường cấp tỉnh. Khi đó, có thể, họ sẽ là một thử thách không nhỏ đối với các đội bóng phải đối đầu.
|