Từ những ngày đầu thành lập huyện Hoài Ân cho đến nay, chất lượng giáo dục ở ba xã miền núi là Bok Tới, Ðăk Mang và Ân Sơn luôn được coi trọng và không ngừng nâng lên, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội vùng cao.
|
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hoài Ân đang thực hành vi tính. Ảnh: N.Q |
Những người “khai hoang con chữ”
Người có công đầu đem con chữ về làng, bản là ông Hồ Lới, nguyên cán bộ Phòng GD-ĐT huyện. Ông Hồ Lới quê ở xã Bok Tới, tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Bình Định, từng là Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa huyện Hoài An (bây giờ đã tách thành hai huyện Hoài Ân và An Lão). Huyện tách ra, ông được phân về Phòng GD-ĐT Hoài Ân và giao phụ trách mảng giáo dục miền núi. Các già làng ở Bok Tới, Đăk Mang và Ân Sơn đến giờ còn nhớ như in cái dáng dong dỏng cao, gương mặt sạm nắng, nụ cười thật hiền và lành của “ông giáo Hồ Lới”. Họ kể, hồi đó, đường sá đi lại khó khăn lắm, cái khổ, cái nghèo còn đeo bám nên không ai mặn mà gì với con chữ cả. Vậy là, khi lên rẫy, lúc dựng nhà rông, trồng lúa, trỉa ngô trên nương hay lúc chung vui bên ché rượu cần, ông Lới đều dành thời gian vận động bà con. Bên cạnh đó, ông đề xuất với Phòng GD-ĐT huyện xây trường, lớp, đào tạo đội ngũ quản lý và giáo viên.
Ông Giang Trung, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, khi ấy là Phó Trưởng phòng GD-ĐT phụ trách chuyên môn, nhận xét: “Ông Hồ Lới chính là chiếc cầu nối để Phòng GD-ĐT đến gần với học sinh vùng cao”.
Tiếp bước ông Hồ Lới là hai “thầy giáo kháng chiến” Đinh Xuân Ái, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bok Tới và Đinh Văn Thương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Mang. Hai người này có một số điểm chung khá thú vị: Cùng là dân địa phương, cùng được đào tạo và đi dạy từ thời kháng chiến, là hiệu trưởng duy nhất của trường từ khi thành lập đến nay đã hơn 30 năm. Hai “đầu tàu” ấy cũng như ông Hồ Lới rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục miền núi. Họ từng cùng bà con vào rừng chặt cây xây những ngôi trường bằng tranh tre nứa lá, đi đến từng nhà vận động học sinh ra lớp, tham gia tuyển dụng giáo viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ…
Những thầy cô đầu tiên của hai trường đều là người địa phương, đa số được đào tạo nghiệp vụ sư phạm từ thời kháng chiến, sau này bổ túc thêm về văn hóa rồi học thêm nghiệp vụ tại Trường Trung học Sư phạm Bình Định và Trường Trung học Sư phạm Sơn Hà (Quảng Ngãi). Với nhiều nỗ lực, ngoài nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành, hai hiệu trưởng Đinh Xuân Ái và Đinh Văn Thương còn làm việc vì tình thương với lũ nhỏ và đau đáu niềm hy vọng cái chữ sẽ giúp bà con làng, bản thoát nghèo.
Từ những lớp học lác đác vài bóng học sinh, số trẻ đến lớp đông dần mà không cần hiệu trưởng hay giáo viên đến nhà vận động. Mỗi dịp khai giảng hay bế giảng năm học đã trở thành lễ hội của cả làng. Hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục quần tây xanh áo trắng, cổ quàng khăn đỏ trở nên phổ biến và gần gũi với đồng bào vùng cao Hoài Ân.
Gắn bó từ những ngày đầu tiên cho đến nay, ngôi trường giờ đã là “ngôi nhà thứ hai” của hai hiệu trưởng này. Tâm huyết và sự cống hiến của họ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao luôn được bà con và đồng nghiệp trân quý. Hình bóng của họ gắn với ngôi trường đã trở nên thân thuộc quá đến nỗi khó có thể thay thế - đó là lý do vì sao hơn 30 năm qua, bà con một mực kiên quyết xin giữ hiệu trưởng ở lại với trường, với làng, bản của mình.
|
Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 6 nhiều năm qua đều đạt 100%.
- Trong ảnh: Học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hoài Ân (Ảnh chụp năm 2008). Ảnh: Q.H |
Chữ về cho lúa đơm bông
Các xã vùng cao đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Trong ánh đèn điện bừng sáng khắp núi rừng, những con đường bê tông dẫn đến tận làng, thôn. Dạo quanh các xã không còn thấy cảnh các em nhỏ lấm lem chân tay mặt mày, chân trần đầu trục đi lang thang bởi 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đều ra lớp. Năm 2005, Trường Mẫu giáo Vùng cao thành lập với 10 điểm trường rải khắp các làng, bản, đã tạo bước chuyển rất lớn cho giáo dục mầm non miền núi và thay đổi đáng kể nhận thức của đồng bào. Tỉ lệ từng độ tuổi ra lớp ngày càng tăng. Năm 2011, 136 trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp (đạt 100%); trong đó, 55 trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo (đạt 100%). Học sinh 5 tuổi đến lớp không chỉ được hướng dẫn vui chơi, học tập để phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm - xã hội và các kỹ năng cần thiết làm tiền đề để vững vàng vào học lớp 1, mà còn được chú trọng dạy tiếng Việt.
Ông Võ Trưng cho biết, hàng năm, Phòng GD-ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học Bok Tới và Trường Tiểu học Đăk Mang dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trong hai tuần trước ngày khai giảng. Nhờ vậy, hầu hết học sinh biết đọc, viết thành thạo bảng chữ cái và 10 chữ số. Tỉ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%. Trong điều kiện không thể dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, các trường đã điều chỉnh nội dung, thời lượng các môn học khác để tăng thêm 2 tiết/tuần môn tiếng Việt cho học sinh; đồng thời, còn tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu môn tiếng Việt.
Hiểu được sự quan trọng của tiếng Việt với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên luôn xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong lớp; đồng thời, phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Đố vui để học, Sinh hoạt Sao - Đội, giao lưu kết nghĩa với các trường… Nhờ đó, học sinh tự điều chỉnh được phát âm sai của mình. Năm 2010, Phòng GD-ĐT tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5 của hai trường tiểu học với 4 nội dung: Đọc diễn cảm đoạn văn, Đọc thầm trả lời câu hỏi, Kể chuyện và Hát. Kết quả, học sinh đọc diễn cảm đoạn văn tương đối tốt, có em đọc diễn cảm phát âm đúng giọng, học sinh lớp 5 mắc lỗi về phát âm rất ít. Vững vàng với vốn tiếng Việt nên học sinh hiểu và tiếp thu bài khá tốt. Nhiều năm liền, bậc mầm non và tiểu học không có hiện tượng bỏ học. Số học sinh khá, giỏi tăng đều. Tỉ lệ học sinh vào lớp 6 luôn đạt 100%.
|
Bậc học mầm non ở vùng cao đang có những chuyển biến rất đáng khích lệ.
- Trong ảnh: Cô và trò mầm non tại một điểm trường ở xã Bok Tới. Ảnh: HẢI YẾN |
Năm 2008, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện hình thành, từ nhu cầu và mong muốn của phụ huynh, học sinh, tổ chức dạy học sinh từ lớp 6-9. Năm học 2010-2011, Trường có 206 học sinh, trong đó học sinh lớp 6 đến từ 3 xã vùng cao là 52 em. Năm học 2011-2012, Trường có 188 học sinh, số học sinh lớp 6 đến từ 3 xã này là 58 em. Hàng năm, tỉ lệ học sinh khá, giỏi của Trường trên 20%, tỉ lệ học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS đều luôn trên 95%...
Ông Giang Trung thống kê, mỗi xã vùng cao giờ đã có hơn 10 con em học đại học. Riêng nhà ông Đinh Văn Núp, ở Bok Tới, có đến 3 người con học đại học. Mới đây, con trai ông Lê Văn Tuấn ở làng T2 (xã Bok Tới) vừa đỗ Trường Đại học An ninh với tổng điểm 3 môn là 25 điểm.
Ông Đinh Văn Á, Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới, cho biết: “Người lớn yên tâm cái bụng lắm rồi, không còn lo mấy đứa nhỏ nghịch ngợm hay chơi dại nữa. Chúng đến lớp có thầy, cô giáo dạy biết giữ vệ sinh, biết hát, múa và biết con chữ. Trường lớp ngày một khang trang, rộn rã tiếng lũ trẻ đọc bài, cười đùa. Các bậc cha mẹ chỉ chú tâm làm kinh tế giỏi, kiếm tiền lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn, sau này có điều kiện về làng, giúp bà con làm cho cây lúa có nhiều bông, ngô nhiều hạt...”.
|