Với mục tiêu “học để có kiến thức, định hướng tương lai thoát nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, bao thế hệ người Hoài Ân đã chịu thương chịu khó, kiên trì học tập đến nơi đến chốn, nêu gương sáng về truyền thống hiếu học cho đời sau.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long (bìa trái) trao học bổng khuyến học cho học sinh. |
Nét đẹp truyền thống
Theo tư liệu lưu giữ, người mở đầu con đường khoa cử của đất Hoài Ân là cụ Hồ Văn Nghĩa, ở làng Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông. Cụ tham dự khoa thi Tân Tỵ năm Minh Mạng thứ hai (năm 1821) và đỗ cử nhân. Cụ Hồ Văn Nghĩa là người đã đề xướng xây dựng Văn chỉ, vinh danh những người học giỏi, đỗ đạt để con cháu đời sau noi theo.
Dưới thời nhà Nguyễn, Hoài Ân có được 3 trong số 14 giải nguyên (đỗ đầu khoa thi Hương) ở Bình Định. Tác giả của 3 giải nguyên đó gồm: cụ Trần Văn Chánh (thôn Linh Chiểu, xã Ân Phong), cụ Lê Chuân (thôn Phú Văn, xã Ân Tín) và cụ Lê Đình Thoại (thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa). Riêng cụ Trần Văn Chánh đỗ giải nguyên trường Thừa Thiên khoa Canh Tý (năm 1840) khi mới 19 tuổi; đến năm 21 tuổi đậu tiến sĩ khoa Nhâm Dần (năm 1842). Cụ là một trong sáu người đỗ tiến sĩ khoa này và là người đỗ đại khoa thứ hai của Bình Định. Em ruột của cụ Trần Văn Chánh là cụ Trần Văn Quang cũng đỗ cử nhân hạng 4/38 trong năm Nhâm Dần. Những năm sau đó, Hoài Ân luôn có người đỗ cử nhân trong các khoa thi, tập trung chủ yếu ở các xã: Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tường, Ân Nghĩa, Ân Hảo…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới làn tên, mũi đạn, người Hoài Ân vẫn tranh thủ thời gian để học tập. Nhiều lứa tuổi cùng học chung một lớp, người học trước hướng dẫn lại người học sau, học trong rừng, học trên núi… ở mọi lúc, mọi nơi. Trong thời kỳ kháng chiến, vùng đất Hoài Ân là căn cứ địa cách mạng khu V, Trường Đảng được đặt ở Ân Tường Đông, còn Trường Bổ túc Văn hóa đặt tại thôn Vạn Hội, xã Ân Tín.
Ông Giang Trung, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân, cho biết: “Nhiều thế hệ giáo viên hình thành trong thời chiến, thường gọi tắt là “giáo viên kháng chiến”, còn gọi vui là học viên các lớp “sư phạm gốc mít”, “sư phạm gốc dừa”, nghĩa là lớp học ngay dưới gốc mít hoặc gốc dừa. Dưới ngọn đèn dầu tù mù, thầy và trò phải vừa học vừa canh chừng máy bay hoặc biệt kích. Quý nhất là tinh thần hiếu học của mọi người rất cao. Lớp này vừa tốt nghiệp xong, lớp mới đã hình thành. Năm 1972, khi quê hương được giải phóng, những “giáo viên kháng chiến” ấy đã có mặt ở khắp làng quê, tích cực hưởng ứng việc xóa mù chữ, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Phần lớn số giáo viên này sau đó đã học bổ túc thêm về văn hóa và tham gia các lớp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm và theo đuổi sự nghiệp giáo dục cho đến khi nghỉ hưu”.
Quê hương ngày càng đổi mới và phát triển, người Hoài Ân càng hăng say học tập tốt hơn. Những năm gần đây, con em Hoài Ân đỗ vào các trường đại học nổi tiếng trong nước rất nhiều, không ít trong số đó được giữ lại làm giảng viên đại học. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng thường có học sinh Hoài Ân. Số gia đình có 2-3 con học đại học tăng dần lên. Hàng năm, huyện tổ chức trao hàng trăm phần thưởng cho học sinh và sinh viên có thành tích học tập tốt.
Thống kê đến năm 2011, 99,3% trong tổng số gần 40 ngàn người từ 15 đến 35 tuổi cần xóa mù của huyện đã biết chữ. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS 99%; đỗ tốt nghiệp THPT trên 90%, trong đó 35-40% trúng tuyển vào các trường đại học… Ông Phạm Minh Nhất, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện, cho biết: “Hoài Ân có 48 trường học, trong đó 15 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 10 trường THCS, 4 trường THPT. Hiện nay, 21 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; quy mô trường lớp ổn định và phủ khắp địa bàn, tạo thuận lợi cho học sinh đi học. Cơ sở vật chất của các trường ngày càng được kiên cố hóa; tỉ lệ học sinh lên lớp ngày càng đông, tình trạng học sinh bỏ học giảm dần…”.
|
Ông Giang Trung, Chủ tịch Hội Khuyến học Hoài Ân, trao thưởng cho các học sinh giỏi của huyện. |
Sức lan tỏa của phong trào khuyến học, khuyến tài
“Trợ sức” để truyền thống hiếu học được phát huy theo năm tháng là các hoạt động khuyến học, khuyến tài diễn ra khắp nơi trong huyện. Từ những hoạt động tự phát, nhỏ lẻ, ngày 11.1.2002, Hội Khuyến học Hoài Ân được thành lập, qui tụ những người tâm huyết với khuyến học, giúp đẩy mạnh phong trào “Dạy tốt - học tốt”, viết tiếp những trang vàng lịch sử vẻ vang của vùng đất hiếu học này.
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học huyện đã phát triển mạnh về tổ chức. Đến nay, 100% xã, thị trấn, cơ quan, trường học có tổ chức hội; gần 80% khu dân cư có chi hội với khoảng 8.000 hội viên (chiếm 9,7% dân số).
Hội đã phát động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác khuyến học bằng nhiều hình thức; đáng chú ý là phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”. Đến nay, hầu hết gia đình cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT đạt chuẩn “Gia đình hiếu học”. Mỗi xã đã có ít nhất 2-3 dòng họ hiếu học, trong đó tiêu biểu là các dòng họ: Phan Đức (thôn Ân Hội, xã Ân Phong), Phạm Trung (Ân Thạnh), Hồ (Ân Mỹ) và Huỳnh (Ân Hảo)…
Điều đáng quý là ở Hoài Ân, công tác khuyến học, khuyến tài nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và cộng đồng. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống giáo dục thường xuyên ở Hoài Ân được chú trọng đầu tư, trường lớp ngày càng khang trang. Đến nay, toàn huyện có 15 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 10 trường THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp. Đặc biệt, loại hình trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm đầu tư với 13 trung tâm trên tổng số 15 xã của huyện, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của hàng ngàn người dân, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhiều lớp học được mở tại các trung tâm này, trong đó, thường xuyên nhất là ở các xã: Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Tường Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ, với nội dung bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, pháp luật. Riêng năm 2011, các xã đã phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện mở 7 lớp nghề ngắn hạn cho 216 người…
Nhờ đó, Hoài Ân đã có bước tiến nhanh trong công tác phổ cập giáo dục. Đến năm 2011, 15/15 xã, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 14/15 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 1; 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 4.531/9.019 thanh niên tuổi từ 18 đến 21 tốt nghiệp THPT, bổ túc văn hóa và trung cấp chuyên nghiệp (tỉ lệ 50,2%).
“Bộ đôi” - Hội Khuyến học và ngành GD-ĐT thường xuyên ký kết nhiều chương trình phối hợp làm việc; các hoạt động luôn có sự phối hợp chặt chẽ. Hội Khuyến học trong các trường học ngày càng phát triển mạnh mẽ với 100% trường học từ mầm non đến THPT đều có tổ chức Hội Khuyến học; 100% cán bộ, giáo viên là hội viên…
Xác định xây dựng phong trào xã hội học tập là nhiệm vụ của cả xã hội, các hội, đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động huyện.. cũng tích cực trong công tác khuyến học.
Công tác khuyến tài được đẩy mạnh khi Hội Khuyến học cùng ngành GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp đào tạo nhân tài bắt tay cùng thực hiện. Hình thức khuyến tài linh hoạt theo điều kiện và ý tưởng của các tổ chức, cá nhân. Ngoài các hình thức khuyến tài của tỉnh, Hội Khuyến học huyện còn có hình thức tổ chức thi Học bổng, vừa khuyến khích học sinh học giỏi, vừa tạo phong trào trong xã hội quan tâm công tác khuyến tài. Giải Học bổng đã qua 18 năm với hơn 7.200 lượt người thi, trao tổng cộng 917 giải. Năm học 2011-2012, lần đầu tiên giải Học bổng mở rộng ra các lớp khối 10, 11, 12. Ngoài ra, Hội Khuyến học còn phối hợp với Quỹ Khuyến học Tâm Châu trao giải thưởng cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh đậu thủ khoa đại học; Quỹ Khuyến học Đặng Thành Chơn trao học bổng cho học sinh giỏi ở cấp THCS. Các cấp Hội Khuyến học còn cùng các trường THPT vận động các công ty tổ chức trao học bổng cho học sinh THPT như: Công ty chống thấm INTOX (TP Hồ Chí Minh), Công ty Tư vấn Địa Ốc Tân Phú Thịnh (Đà Nẵng)...
|
Bao thế hệ học sinh Hoài Ân đã nỗ lực học tập để xứng đáng với truyền thống hiếu học đầy tự hào của quê hương. |
Có mặt tại một buổi trao học bổng như vậy, tôi chứng kiến và cảm nhận được niềm vui lặng lẽ của những người làm công tác khuyến học các cấp, niềm tự hào của các học sinh khi được xướng tên và cả nụ cười, giọt nước mắt trên những gương mặt sạm nắng vì bao lo toan mưu sinh của các bậc phụ huynh. Ông Đinh Văn Lợi (xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân) vui ra mặt khi nhìn thấy con gái Đinh Thị Vưng, học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, bước lên nhận học bổng. Ông Lợi chia sẻ: “Biết tin con được cấp học bổng 400 ngàn đồng, bok mừng lắm. Lát nữa xong lễ sẽ chở con đi mua sách vở, quần áo mới”.
Những hoạt động khuyến học, khuyến tài thật ý nghĩa, cả về tinh thần lẫn vật chất. Kể sao cho hết những tấm lòng “một người vì mọi người”, “lá lành đùm lá rách” của bao “Mạnh Thường Quân” là con em Hoài Ân thành đạt, nay quay về góp phần xây dựng quê hương. Biết vậy để hiểu vì sao trong cuộc gặp mặt 574 sinh viên đại học của huyện do UBND huyện tổ chức dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - năm 2012, đã có rất nhiều sinh viên đề nghị cần tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô cuộc gặp gỡ ý nghĩa này; đồng thời, nên thành lập Ban liên lạc Hội Sinh viên Hoài Ân để trao đổi thông tin, hỗ trợ kịp thời, có khi chỉ là sinh viên cũ giúp sinh viên mới chân ướt chân ráo đến nơi xa lạ học tập. Những sự giúp đỡ ấy cần thiết biết nhường nào!
Để thấy, truyền thống hiếu học của Hoài Ân còn mãi vững bền và phát triển mạnh mẽ khi phong trào khuyến học, khuyến tài luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của ngành GD-ĐT, sự tham gia có trách nhiệm của Hội Khuyến học, sự ủng hộ to lớn của các nhà hảo tâm, cùng sự tự lực vươn lên, phát huy truyền thống hiếu học của mỗi người con Hoài Ân.
|