Hơn 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH) đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng khang trang, đời sống nhân dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần có những chuyển biến tích cực.
|
Liên hoan các đơn vị, trường học văn hóa huyện Hoài Ân năm 2008. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ |
Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện Hoài Ân luôn coi việc xây dựng gia đình văn hóa là trung tâm của phong trào. Trong nhiều năm liền, số hộ tham gia đăng ký và đạt chuẩn gia đình văn hóa luôn đạt tỉ lệ cao. Năm 2000, có 13.225/18.920 hộ đạt gia đình văn hóa (tỉ lệ 69,89%) thì đến năm 2009 đã có 18.838/21.752 hộ đạt gia đình văn hóa (tỉ lệ 86,6%). Kết quả xây dựng gia đình văn hóa đã có tác dụng phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần các cộng đồng, tầng lớp nhân dân.
Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, chất lượng cuộc vận động từng bước được nâng cao. Nhiều năm liền, số khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến đạt tỉ lệ 100%, tạo tiền đề quan trọng xây dựng làng văn hóa. Trong tổng số 82 khu dân cư, đã có 35 khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa, 24 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Những kết quả trên góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện bộ mặt nông thôn…
Số lượng đạt chuẩn làng văn hóa ở huyện Hoài Ân tăng hằng năm. Nhiều làng văn hóa giữ vững danh hiệu nhiều năm như làng An Thường 2, xã Ân Thạnh (11 năm); làng Tân Thành, xã Ân Tường Đông (10 năm); làng Gia Chiểu 2, thị trấn Tăng Bạt Hổ (10 năm)… Kết quả xây dựng làng văn hóa tạo nên mô hình cuộc sống mới văn minh, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn ở cộng đồng dân cư.
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, công sở UBND xã, thị trấn, đơn vị lực lượng vũ trang… đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa luôn đạt tỉ lệ từ 70% trở lên. Đến năm 2010, toàn huyện đã có 63/87 đơn vị đạt chuẩn văn hóa, tỉ lệ 72,41%. Số trường học đăng ký xây dựng trường học văn hóa luôn đạt tỉ lệ 100%. Số trường học đạt danh hiệu văn hóa năm 2010 là 37/47 trường học, đạt tỉ lệ 78,72%. Điều đó cho thấy nhận thức đúng về xây dựng trường học văn hóa là yêu cầu cần thiết để phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo.
Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã sớm tham mưu, đề xuất với Thường trực Huyện ủy, UBND huyện có chủ trương, nghị quyết về xây dựng xã, thị trấn văn hóa trên địa bàn huyện. Trong quá trình thực hiện, thường trực Ban chỉ đạo phong trào huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm đạt mục đích, yêu cầu và chỉ tiêu xây dựng xã, thị trấn văn hóa đã đề ra. Đến nay, có 2/15 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn xã văn hóa: xã Ân Tường Tây được UBND tỉnh công nhận (2008-2010) nhưng đến 2011 không giữ vững danh hiệu đến nay. Ban chỉ đạo phong trào huyện thẩm định lưu hồ sơ xã Ân Thạnh đạt xã văn hóa 3 năm liền (2008-2010); xã Ân Mỹ đạt xã văn hóa xuất sắc năm thứ nhất. Tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng xã Ân Thạnh và xã Ân Mỹ thực sự là những điểm sáng về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp thực hiện của Ban chỉ đạo phong trào xã, Ban vận động khu dân cư, làng văn hóa và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
|
Cổng làng văn hóa An Thường 2 được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ |
Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội có nội dung văn hóa được lồng ghép triển khai trong phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống được thực hiện thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Bằng các nguồn vốn vay của Nhà nước thông qua các hội đoàn thể tín chấp như vốn xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… đa số hội viên và hộ gia đình đã đầu tư phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả thiết thực. Đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, góp phần xóa hộ đói, giảm hộ nghèo hiện xuống dưới 12,7%.
Kết quả thực hiện nếp sống văn hóa ở huyện Hoài Ân những năm qua đã có nhiều chuyển biến mới. Thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, tang lễ, tết và các sinh hoạt văn hóa - xã hội khác; giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo lý và truyền thống tốt đẹp của địa phương. Việc sinh hoạt, hội họp của nhân dân ở cơ sở nhìn chung có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức học tập các nghị quyết, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… được thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã có gần 80 quy ước khu dân cư, làng văn hóa được UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được thực hiện thông qua các đợt liên hoan, hội thi, lễ hội… đã góp phần bảo tồn các giá trị di sản của các làng văn hóa từ đồng bằng, miền núi đến vùng cao.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, mỗi hộ gia đình, khu dân cư, làng văn hóa, cơ quan công sở đều ý thức được trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ về phòng chống tội phạm tiếp tục phát triển ngày càng sâu rộng. 15/15 xã, thị trấn của huyện củng cố tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải đã hòa giải hàng trăm vụ mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ trong nội bộ thôn, xóm và hộ gia đình. Đặc biệt các khu dân cư đã thực hiện tốt nội dung “3 không” (không gây án, không tội phạm, không uống rượu gây rối trật tự công cộng), góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn.
Ngoài địa điểm trung tâm của huyện, một số khu dân cư, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học đã quy hoạch xây dựng địa điểm sinh hoạt văn hóa- thể thao, xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cổng làng, trụ sở thôn, trường mẫu giáo… với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó việc huy động sức dân xây dựng các công trình giao thông nông thôn được ghi nhận là điểm nổi bật ở Hoài Ân. Chỉ tính từ 2003 đến năm 2008, nhân dân đóng góp xây dựng mới 12,5 km đường bê tông, cải tạo và nâng cấp 325 km đường liên thôn, liên xóm. Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao được các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm tổ chức, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của các tầng lớp nhân dân.
|
Hội mừng khánh thành Nhà văn hóa làng T5, xã Bok Tới. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ |
Cán bộ, công chức và nhân dân ở khu dân cư, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đều nhận thức quán triệt và thể hiện được ý thức trách nhiệm, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, Tương thân tương ái, Nhân đạo từ thiện đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên được cán bộ và nhân dân trong huyện quan tâm bằng những việc làm cụ thể…
Ông Võ Văn Tín, Phó Ban thường trực ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Hoài Ân, nhận xét: “Thành công của phong trào ở địa phương đã đem đến một số bài học kinh nghiệm quý giá. Trước hết và quan trọng hơn cả là phải làm cho cả hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Xây dựng đời sống văn hóa tốt là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, việc xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh có vai trò quyết định cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thành công về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…”.
Những chỉ tiêu giai đoạn 2011-2015: 95% trở lên số hộ đăng ký đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa. 65% trở lên khu dân cư đăng ký đạt chuẩn danh hiệu khu dân cư tiên tiến. 65% số làng đạt chuẩn danh hiệu làng văn hóa. 90% số đơn vị đạt chuẩn danh hiệu đơn vị văn hóa. 75% số trường học đạt chuẩn danh hiệu trường học văn hóa. 60% số xã, thị trấn đạt chuẩn danh hiệu xã, thị trấn văn hóa. |
|