Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống
9:37', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Ðó là Trần Anh Việt, sinh năm 1983, Bí thư Xã đoàn Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Việt là người tiên phong trong nghề trồng, ươm giống các loại cây lâm nghiệp ở địa phương. Chàng trai trẻ có lòng đam mê nghề này còn rất tích cực trong các hoạt động Ðoàn - Hội.

Trần Anh Việt (phải) đang hướng dẫn công nhân chăm sóc cây giống ươm.

“Ông chủ trẻ” của các vườn ươm

Tốt nghiệp Trường Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Bộ, Việt về TP Vinh làm việc ở Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Nghệ An. Hai năm sau, Việt trở về quê xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, mở Cơ sở Anh Việt ươm giống cây lâm nghiệp đầu tiên ở địa phương với gia tài gom góp là 100 ngàn hạt giống.

Trước đây, người dân ở địa phương phải đến Hoài Nhơn, Phù Mỹ mới mua được cây giống thì nay Cơ sở ươm giống Anh Việt đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu. Chàng trai vừa tròn 22 tuổi đã gặt hái thành công ngay từ vụ ươm giống đầu tiên. Số cây giống do Việt trồng phát triển khá tốt, tỉ lệ cây chết rất ít. Ông chủ trẻ rất tận tình phát khuyến mãi các tờ hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống do chính anh biên soạn; nhận “bảo hành” cây giống trong vòng một tháng và hướng dẫn trồng cây tận nơi.

Nhờ làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm mà Cơ sở ươm giống Anh Việt luôn “cháy” hàng ngay sau 10 ngày xuất vườn. Cứ thế, những vụ kế tiếp, Việt luôn nhận được đơn đặt hàng gấp 2-4 lần so với năm trước. Trung bình hàng năm, vườn ươm của Việt lãi ròng cả trăm triệu đồng.

Nhu cầu trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc trong người dân tăng cao, Việt tìm thuê đất, mướn người trông coi mở liên tiếp các vườn ươm mới tại thôn T2, xã Bok Tới; thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa; thôn Thạch Lương, xã Ân Tín để ươm trên 800 ngàn cây giống như keo, bạch đàn, gió, sầu đâu, xà cừ…

Chúng tôi tìm đến vườn ươm giống của Việt vào buổi trưa nắng gay gắt, khi anh đang mải mê hướng dẫn người phụ việc công đoạn đảo bầu (thay đất) cho cây giống. Khi đưa chúng tôi đi thăm vườn ươm của mình, Việt giới thiệu về máy phun nước tự động do anh chế tạo với phao nước, đồng hồ nước cũ có giá 50.000 đồng. Máy phun nước tự động của Việt không chỉ phun làn nước rải đều, giảm được nhân công mà còn nhanh và ít tốn nhiên liệu. Việt tâm sự: “Mình luôn mày mò, suy nghĩ, tìm giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, nhân công để sản phẩm đến tay khách hàng có giá rẻ”.

Hàng năm, Cơ sở Anh Việt nhận gần 100 thanh niên ở các xã: Ân Nghĩa, Bok Tới, Ân Tín, nơi có vườn ươm giống của anh, vào làm việc với thu nhập 60.000 đồng/ngày. Công việc không thường xuyên nhưng giải quyết được ngày nhàn rỗi, tạo điều kiện thu nhập để trang trải cuộc sống cho thanh niên ở vùng khó khăn.

Vụ ươm cây giống diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Thời gian còn lại trong năm, Việt tất bật với việc nuôi tằm, chăn nuôi heo, bò và chăm sóc 5 ha rừng ở địa phương, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Trần Anh Việt (giữa) là 1 trong 5 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của tỉnh tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2011.

Một “thủ lĩnh thanh niên” năng động

Việt “ươm giống” còn nổi tiếng là thủ lĩnh thanh niên năng động, bản lĩnh. Thời còn đi học, Việt luôn được tin tưởng bầu làm Bí thư chi đoàn vì tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình. Khi lập nghiệp ở quê nhà, Việt nhận thấy phong trào Đoàn - Hội ở địa phương còn thiếu “lửa”. Ngày đầu tiên nhận chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn Nghĩa Nhơn, Việt đã tổ chức thu thập ý kiến đoàn viên - thanh niên (ĐVTN) để tìm hiểu nguyên nhân yếu, kém của phong trào Đoàn - Hội ở địa phương.

Việt nói: “Thanh niên nông thôn rất thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích. ĐVTN chi đoàn chủ yếu là học sinh và người đã lập gia đình nên có ít thời gian tham gia các hoạt động Đoàn - Hội. Mình nghĩ, muốn thu hút đông đảo ĐVTN tham gia sinh hoạt phải tạo sân chơi thiết thực, phù hợp từng độ tuổi để giao lưu, gắn bó tình đoàn kết với nhau”.

Nghĩ là làm! Những ngày lễ, kỷ niệm lớn, Việt cố gắng thu xếp công việc, vận động ĐVTN quyên góp, tổ chức hoạt động văn nghệ phục vụ người dân và tạo sân chơi cho ĐVTN. Kinh phí hoạt động của chi đoàn thôn khá “hẹp”, Việt không ngần ngại dốc hầu bao của mình để hỗ trợ như mua dụng cụ và tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền cho ĐVTN trong thôn.

Việt còn gây quỹ Đoàn bằng cách kêu gọi chính quyền thôn, xã giao việc công trình, phần việc cho thanh niên. Những lần sinh hoạt chi đoàn, Việt luôn lồng ghép việc tuyên truyền, học tập với hoạt động giáo dục giới tính, phổ biến kiến thức trồng cây, chăn nuôi… để ĐVTN học hỏi kinh nghiệm. Nhờ cách nghĩ, cách làm đầy sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, gắn liền với lợi ích cá nhân, Việt đã thu hút ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội thường xuyên.

Việt đã vinh dự được nhận Giải thưởng 15.10 của Trung ương Đoàn năm 2009, đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2011, là 1 trong 80 gương thanh niên tiêu biểu của tỉnh và nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn và Huyện đoàn. Nhờ những thành tích trên, Việt được thanh niên trong xã tín nhiệm bầu làm Bí thư Xã đoàn năm 2011.

  • CÔNG HIẾU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)
Mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng  (15/04/2012)
Mạch ngầm chảy mãi...  (15/04/2012)
Giữ võ cổ truyền sống mãi trên đất trung du  (15/04/2012)
Nỗ lực phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (15/04/2012)
Đăk Mang… không sinh con thứ ba  (14/04/2012)
Trù phú Ân Tường Ðông  (14/04/2012)
Mở lối thoát nghèo  (14/04/2012)
Góp sức cùng quê hương  (14/04/2012)
Hoài Ân qua ảnh  (14/04/2012)
Sống mãi trong lòng dân  (14/04/2012)
Những “báu vật ” của làng  (14/04/2012)
Văn chỉ Hoài Ân - ghi dấu mạch nguồn hiếu học  (14/04/2012)