Kinh tế trang trại ở Hoài Ân:
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh
10:41', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Việc khai thác tiềm năng đất đai để đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế trang trại (KTTT), tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường, tăng nguồn thu nhập cho gia đình… đã và đang được rất nhiều hộ ở huyện Hoài Ân thực hiện thành công. Với 137 trang trại (trong đó có 11 trang trại hội đủ hai tiêu chí theo quy định của Bộ NN-PTNT, bình quân mỗi năm, mỗi trang trại có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên), Hoài Ân là một trong những địa phương có phong trào phát triển KTTT mạnh của tỉnh…

Lãnh đạo huyện Vân Canh tham quan mô hình nuôi heo tập trung tại một trang trại ở Hoài Ân. Ảnh: VĂN LƯU

Hiệu quả tích cực

Gắn bó với ngành Nông nghiệp nhiều năm và cũng là người tâm huyết với KTTT, ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, rất phấn khởi khi chúng tôi đề cập đến KTTT ở địa phương. Theo ông Tề, các chủ trang trại ở Hoài Ân đều là những người cần cù, chịu khó, sáng tạo và rất nhạy bén với cơ chế thị trường. Khi địa phương chủ trương giao đất và khuyến khích cải tạo đất đồi rừng, phát triển kinh tế theo mô hình VAC, VACR kết hợp, có rất nhiều nông dân đăng ký thực hiện. Mỗi thời điểm khác nhau, các chủ trang trại đều có sự nhìn nhận và định hướng đầu tư khác nhau. Thời điểm đầu, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ít, phần lớn các chủ trang trại đều chọn một vài loại cây trồng, vật nuôi chính, có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định để đầu tư, đồng thời đưa các loại cây, con có thời gian sinh trưởng ngắn vào sản xuất. Họ đã áp dụng phương thức “lấy ngắn nuôi dài” nhằm hạn chế khó khăn về mặt tài chính và có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo ý muốn. Khi đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu thị trường có nhiều thay đổi, các chủ trang trại đã thay phương án đầu tư, họ chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Nhờ đó, phong trào nông dân phát triển KTTT mạnh hơn, hiệu quả hơn. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân cải tạo vườn đồi, đầu tư xây dựng KTTT, nhiều hộ trong số đó đã thành công.

Theo chỉ dẫn của cán bộ ngành Nông nghiệp huyện, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Anh Dũng - người được mệnh danh “vua heo”, ở xã Ân Tường Đông. Trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi hiện đại, ông Dũng đã kể cho chúng tôi nghe công việc làm ăn của mình. “Năm 2002, tôi đã thuê 2 ha đất ở xã Ân Tường Đông để xây dựng trang trại nuôi heo hướng nạc. Sau đó, tôi vừa chăn nuôi vừa kiêm luôn nghề thu mua heo chở ra Đà Nẵng, vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ để kiếm lời. Nhận thấy phong trào chăn nuôi heo ở địa phương phát triển mạnh, nhu cầu về thức ăn gia súc tăng cao, tôi không thu mua heo nữa mà mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi và tập trung đầu tư chăn nuôi heo theo quy trình khép kín. Năm 2011, gia đình tôi có doanh thu trên 30 tỉ đồng từ tiền bán heo và thức ăn gia súc”. Nói rồi, ông Dũng tự tay điều khiển chiếc ô tô con bóng lộn cùng chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi heo cách nhà khoảng 2 km. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nông dân sử dụng ô tô riêng chở đi thăm trang trại.

Cách trang trại ông Dũng không xa là trang trại của ông Phạm Văn Bích, ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông đang dọn vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị cho đàn heo (300 heo thịt và 35 con heo nái) ăn. “Việc đầu tư, chăm sóc vật nuôi đã được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề phòng dịch bệnh. Bởi vậy, nhiều năm qua đàn heo của gia đình tôi luôn được đảm bảo an toàn, hiệu quả chăn nuôi đạt cao. Năm 2011, gia đình tôi thu trên 2 tỉ đồng tiền bán heo”- ông Bích cho biết.

Phong trào phát triển KTTT cũng đã được rất nhiều hộ dân ở xã Ân Phong, Ân Tín, Ân Hữu, Ân Đức hưởng ứng. Các chủ trang trại đã đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, sản xuất ra các loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Một số chủ trang trại rất chịu khó tìm tòi, lựa chọn và mua các loại cây trồng ở nhiều vùng miền khác nhau đưa về trồng. Bởi vậy, không khó tìm ra các loại trái cây ở Nam bộ, như: nhãn, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc… trên đất Hoài Ân. Đáng chú ý là các chủ trang trại ở đây không chỉ biết cách làm cho cây sai trĩu quả mà còn cho quả ra trái vụ để có thu nhập cao hơn, tạo nên cái riêng của KTTT ở Hoài Ân.

Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có 137 trang trại VAC, VACR kết hợp, bình quân mỗi trang trại có thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên. Trong số 137 trang trại hiện có, có 11 trang trại hội đủ hai tiêu chí theo quy định mới của Bộ NN-PTNT, bình quân mỗi năm, mỗi trang trại có thu nhập từ 1 tỉ đồng trở lên. Thực tế cho thấy, việc phát triển KTTT ở huyện Hoài Ân đã huy động được nguồn vốn trong dân để đầu tư vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; khai thác có hiệu quả diện tích đất trống, đất hoang hóa, góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan thiên nhiên; tăng thêm nông sản hàng hóa, tăng nguồn thu và giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương. Phong trào nông dân phát triển kinh tế, trong đó có KTTT, cũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

Nhiều nông hộ đã cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế trang trại VAC mang lại hiệu quả cao.

- Trong ảnh: Một trang trại VAC ở xã Ân Tín.

Để phát triển bền vững

Theo đánh giá chung, tuy tăng nhanh về số lượng, nhưng phần lớn trang trại ở huyện Hoài Ân  phát triển và tổ chức theo lối tự phát, chất lượng chưa đồng đều. Trang trại hình thành ở quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân, sản xuất hàng hóa còn ít, phân tán và chưa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cơ sở vật chất- kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật tuy có khá hơn so với kinh tế hộ nông dân, hộ làm kinh tế VAC, nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế; chưa có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch sản xuất từng vùng. Hoạt động của các trang trại cũng chưa có tính hệ thống, mạnh ai nấy làm; chưa được hướng dẫn hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác, kể cả với các HTX nông nghiệp trên địa bàn để mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh bền vững.

Ở một số địa phương, cấp ủy và chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu sản xuất tập trung; chưa định hướng phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thủ tục hành chính như lập dự án, vay vốn, giao quyền sử dụng đất... chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích và thúc đẩy KTTT phát triển ở mức cao hơn. Nhiều chủ trang trại còn lúng túng trong việc định hướng đầu tư. Họ còn khó khăn về vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Để KTTT phát triển ổn định, bền vững, UBND huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức điều tra cơ bản tất cả các trang trại để tiến hành quy hoạch diện tích đất, mặt nước… ở các địa phương nhằm phát triển KTTT trên cơ sở quy hoạch tổng thể của địa phương và quy hoạch phát triển các ngành sản xuất theo hướng chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến. Về đất đai, huyện chủ trương đối với đất lâm nghiệp, trừ diện tích đất có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất quy hoạch trồng rừng, diện tích còn lại nếu có điều kiện thì giao cho dân phát triển KTTT. Đối với đất thuộc quỹ đất công ích của địa phương có thể dành cho phát triển KTTT, UBND huyện sẽ xem xét, quyết định cụ thể ở từng xã, thị trấn. Một vấn đề quan trọng được UBND huyện giao nhiệm vụ cho các cấp, sở ngành, đơn vị liên quan, là tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật phát triển sản xuất. UBND huyện cũng đã giao Phòng NN-PTNT hướng dẫn định hướng quy hoạch sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm của KTTT, gắn với quy hoạch vùng chuyên canh và thị trường tiêu thụ để giúp các trang trại định hướng tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả cao nhất.

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)
Mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng  (15/04/2012)
Mạch ngầm chảy mãi...  (15/04/2012)
Giữ võ cổ truyền sống mãi trên đất trung du  (15/04/2012)
Nỗ lực phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (15/04/2012)
Đăk Mang… không sinh con thứ ba  (14/04/2012)
Trù phú Ân Tường Ðông  (14/04/2012)
Mở lối thoát nghèo  (14/04/2012)