Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội
11:22', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Xác định cơ sở hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển, trong những năm qua, huyện Hoài Ân đã tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… Nhờ đó, từ chỗ hầu như không có gì sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng ở Hoài Ân hiện nay đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh lộ 631 từ Phù Mỹ  đi Hoài Ân.  Ảnh: VĂN LƯU

 

Từ không đến có

Những ngày đầu mới giải phóng, có thể nói cơ sở hạ tầng ở Hoài Ân hầu như không có gì. Đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những vết tích chiến tranh để lại. Với quyết tâm xây dựng lại quê hương từ điêu tàn, đổ nát, từng bước, từng bước một, Hoài Ân huy động và tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội.

Trước năm 1995, lưới điện quốc gia chưa về được Hoài Ân, toàn huyện chỉ có 4 máy phát điện diezen, với tổng công suất trên dưới 500 KVA, chủ yếu phục vụ cho các cơ quan và người dân ở khu vực trung tâm huyện. Đến cuối năm 1995, Hoài Ân mới có trạm biến áp đầu tiên tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia. Từ đây, Hoài Ân tăng tốc đầu tư xây dựng mạng lưới điện; nhiều trạm biến áp, nhiều đường dây trung thế và hạ thế được xây dựng ở khắp các vùng quê. Hệ thống lưới điện của huyện ngày một tỏa rộng, vươn dài khắp các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Các xã trung du, miền núi khó khăn như Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Đăk Mang, Bok Tới… từ năm 1998 cũng đã hòa được lưới điện quốc gia, nâng số xã ở Hoài Ân được hưởng điện lưới quốc gia lên 100% xã, với 82/82 thôn có điện, 90% số hộ dân được sử dụng điện.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2001 đến nay, từ ngân sách huyện và tranh thủ các nguồn vốn khác, huyện Hoài Ân đã tích cực đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, nhằm tăng tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện và nâng cao chất lượng nguồn điện trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm huyện đã đầu tư trên
6 tỉ đồng nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện. Bên cạnh đó, dự án nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn được triển khai trên địa bàn cũng đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới điện ở địa phương.

Đến nay, toàn huyện đã có 123 trạm biến áp, tổng công suất 19.292 KVA; chiều dài của đường dây trung thế là 113,3 km, đường dây hạ thế là 182,8 km. Hình ảnh những trụ điện cao thế, trung thế, hạ thế, mang trên mình những sợi dây cáp chạy dọc theo những con đường bê tông xuyên qua những xóm làng, vườn tược, đưa nguồn điện năng về phục vụ sinh hoạt, sản xuất đã trở nên thân quen với người dân nơi đây. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% thôn, làng trên địa bàn huyện, với 99% số hộ dân được sử dụng điện. Chất lượng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng luôn đảm bảo và ổn định.

Cải tạo lưới điện ở Ân Sơn. Ảnh: V.L

 

Về hạ tầng giao thông, những ngày đầu mới giải phóng, những con đường ở Hoài Ân vốn đã nhỏ hẹp lại mang trên mình nhiều vết tích chiến tranh. Trước thực tế này, việc phát triển hệ thống giao thông trở thành chủ trương lớn của huyện. Nhưng từ chủ trương đến thực hiện là vấn đề không đơn giản. Đến năm 1978, toàn huyện chỉ mới đầu tư, cấp phối được 10 km đường Cầu Dợi - Kim Sơn.

Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, dưới đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế của nước ta nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bao cấp để phát triển mạnh mẽ; đời sống người dân từng bước được cải thiện. Trong công tác xây dựng hạ tầng, phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã trở thành phổ biến, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Chỉ trong vòng 4 năm (1991-1995), nhân dân Hoài Ân đã đóng góp 13,3 tỉ đồng (chiếm 83,8% kinh phí) cùng hàng triệu ngày công để nâng cấp 407 km đường và xây dựng thêm 160 km đường mới. Từ năm 2001 đến nay, từ các nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh…, huyện Hoài Ân đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông, với hàng loạt dự án lớn, gồm xây dựng mới nhiều cây cầu, nhiều tuyến đường huyết mạch của huyện, như cầu Phong Thạnh, cầu Ân Hảo Tây, cầu Bằng Lăng, cầu Suối Tem, cầu Bến Bố; các tuyến đường Ân Phong - Ân Tường Đông; tuyến đường Gò Dũng - T1,T2; đường Suối Le - Tân Xuân…

Đặc biệt, từ năm 2000, khi chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) được triển khai, bằng những bước đi thích hợp, Hoài Ân đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển GTNT. Từ năm 2000 đến nay, huyện đã huy động sức dân bê tông hóa được 231 km đường GTNT. Nhờ đó, đến nay hệ thống GTNT trên địa bàn huyện được mở rộng với những con đường phẳng phiu, thông thoáng. Huyện trung du Hoài Ân đã vượt những huyện đồng bằng để dẫn đầu phong trào làm GTNT, được nhận Bằng khen của Bộ GT-VT (1997) và Thủ tướng Chính phủ (2005).

Việc phát triển các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cũng là một kỳ tích đối với Hoài Ân. Sau ngày giải phóng (19.4.1972), việc xây dựng các công trình thủy lợi đã trở nên bức bách, cùng với khai hoang, phục hóa để đem lại màu xanh cho vùng đất được xem là trù phú và màu mỡ này. Trong những ngày đầu giải phóng còn muôn vàn khó khăn, công trình hồ chứa nước Phú Khương được triển khai xây dựng; đây là “đứa con đầu lòng” về hạ tầng thủy lợi của Hoài Ân. Tiếp đó, năm 1976, với sự đầu tư của Nhà nước về nguồn vốn, huyện đã huy động hàng vạn ngày công nghĩa vụ lao động để xây dựng hồ chứa nước Thạch Khê, với dung tích 6,8 triệu m3 nước… Những năm tiếp theo, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các công trình thủy lợi khác trên địa bàn huyện lần lượt ra đời. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 22 công trình hồ chứa nước và 55 trạm bơm điện, hàng trăm km kênh mương thủy lợi, chủ động tưới cho 97% diện tích canh tác...

Cầu Phong Thạnh. Ảnh: V.LƯU

Nền tảng vững chắc để đột phá

Có thể nói, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh là tiền đề vững chắc để Hoài Ân tạo bước đột phá đi lên, để gương mặt quê hương Hoài Ân ngày càng rạng rỡ hơn xưa. Hình ảnh những vườn cây ăn trái trĩu quả trải rộng khắp các miền quê; những cánh đồng lúa trĩu vàng nặng hạt; ánh điện đã về khắp các thôn, làng… đã trở nên thân thuộc với người dân vùng đất trung du này.

Điện về, đã giúp cho người dân Hoài Ân có thêm điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Khi chưa có điện, có ai dám nghĩ đến chuyện xây dựng nhà xưởng, mở cơ sở xay xát, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến nước đá, cửa hàng điện tử… Ở các xã miền núi của Hoài Ân, trước khi có điện, các dịch vụ hầu như là con số không, mọi nhu cầu đều tập trung ở trung tâm huyện và các xã dưới đồng bằng. Điện về, các cơ sở sản xuất, các loại hình dịch vụ đã thi nhau mọc lên trên khắp địa bàn huyện, đáp ứng mọi nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt hàng ngày của người địa phương.

Không những thế, khi dòng điện về, bà con vùng đất trung du này đã có điều kiện mua sắm mô tơ để bơm nước tưới cho những khu vườn cây công nghiệp, cây ăn quả rộng lớn. Bây giờ, tiềm năng đất đai dồi dào của Hoài Ân đã được khai thác. Bà con nông dân có điều kiện thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, phát triển kinh tế vườn có hiệu quả. Những năm gần đây, người Hoài Ân luôn tự hào rằng quê mình có thể ví như “mâm ngũ quả” của tỉnh, bởi nơi đây có đủ các loại trái cây từ đu đủ, xoài, sapôchê, cam sành… cho đến các loại cây trái vốn chỉ có ở miền đất Nam Bộ như chôm chôm, nhãn…

Bê tông hệ thống kênh mương nội đồng ở xã Ân Tín. Ảnh: V.LƯU

Khi có điện, các địa phương trong huyện đã đầu tư xây dựng trạm bơm điện để cùng với hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu số diện tích đất sản xuất lúa bấp bênh lâu nay không chủ động được nguồn nước. Cũng từ đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có sự chuyển biến lớn lao. Năng suất bình quân của cây lúa từ 18 tạ/ha/vụ vào năm 1976, đã tăng lên 55 tạ/ha/vụ vào năm 2011. Ngoài phục vụ tưới cho cây lúa, dòng nước mát còn phục vụ cho nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, các loại rau quả… góp phần tạo ra giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân… 

Cùng với điện, hệ thống thủy lợi, giao thông phát triển đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Hoài Ân với các vùng miền trong cả nước, đưa nền kinh tế của huyện nhà ngày một phát triển đi lên. Những con đường GTNT uốn lượn theo những xóm làng bình yên, những vườn cây trĩu quả, nối với những con đường ở các thị tứ, thị trấn, những tuyến tỉnh lộ… tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, khép kín, thuận lợi cho việc giao lưu trong huyện và từ huyện đi các nơi khác. Từ khi các tuyến ĐT 630 từ Cầu Dợi (Hoài Nhơn) đi Kim Sơn (Hoài Ân), ĐT 631 từ Mỹ Trinh (Phù Mỹ) đi Ân Tường Tây (Hoài Ân) được nâng cấp, thảm nhựa, việc giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều, đời sống của người dân Hoài Ân cũng ngày một khởi sắc. Hàng ngày, trên các tuyến đường này có hàng chục chuyến ô tô ngược xuôi chở hàng hóa lên bán và mua nông sản của người dân đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền đất nước…

Cơ sở hạ tầng phát triển có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà để Hoài Ân trở thành vùng kinh tế năng động, thích ứng với chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước. Vùng đất trung du này ngày nay đã khoác lên mình một tấm áo mới với những thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, nền kinh tế của huyện liên tục phát triển với mức tăng trưởng khá. Riêng năm 2011, dù còn không ít khó khăn nhưng kinh tế của huyện vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,5%; tổng thu ngân sách gần 28,59 tỉ đồng...

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)
Mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng  (15/04/2012)
Mạch ngầm chảy mãi...  (15/04/2012)
Giữ võ cổ truyền sống mãi trên đất trung du  (15/04/2012)
Nỗ lực phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu  (15/04/2012)
Đăk Mang… không sinh con thứ ba  (14/04/2012)