|
Đồng chí Nguyễn Cần |
40 năm sau ngày giải phóng, Hoài Ân đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân, đồng chí Nguyễn Cần, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, đã trả lời phỏng vấn đặc san Hoài Ân về quá trình xây dựng và phát triển huyện nhà.
* Thưa đồng chí, sau 40 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày giải phóng, Hoài Ân hôm nay đã mang một diện mạo mới. Đồng chí có thể cho biết những thành tựu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà 40 năm qua?
- Có biết bao điều cần đề cập về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội 40 năm qua - thành quả của tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, sáng tạo, phát huy nội lực của Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân.
Ta có thể tạm phân định những thành tựu ấy thành mấy giai đoạn chính. Trong đó, những năm 1975-1985 là thời kỳ Hoài Ân tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; phát triển tiểu thủ công nghiệp; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới; từng bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, ổn định đời sống nhân dân.
5 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1990), công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đã từng bước khắc phục được hạn chế, yếu kém trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Nhiều tiềm năng về lực lượng sản xuất được khơi dậy và phát huy; đặc biệt, hệ thống thủy lợi, đồng ruộng được cải tạo; nhờ đó, diện tích tưới cho đồng ruộng từ 9.210 ha năm 1986 đã tăng lên 10.500 ha vào năm 1988, góp phần tạo chuyển biến tích cực đời sống nhân dân.
Thời kỳ 1991-1995, kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh, tương đối toàn diện và bước đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được thực hiện có hiệu quả, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Giai đoạn này, Hoài Ân là huyện trung du đạt thành tích xuất sắc về phong trào làm giao thông nông thôn trong cả nước, với hàng chục tỉ đồng đã được huy động để làm mới đường, tu sửa cầu, cống. Hoài Ân đã được nhận Cờ luân lưu của Chính phủ tặng đơn vị xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 1991-1995.
|
Thu hoạch lúa vụ Mùa ở Hoài Ân. Ảnh: Văn Lưu |
Thời kỳ 1996-2005, Hoài Ân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, hiệu quả; trong đó, coi trọng phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại và trồng cây công nghiệp, từng bước xóa bỏ tình trạng thuần nông, độc canh cây lúa và quy hoạch diện tích sản xuất các giống lúa cho năng suất cao. Giai đoạn này, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đặc biệt, trong 5 năm từ 2001-2005, tổng vốn đầu tư là 235 tỉ đồng, tăng 76% so với 5 năm trước đó. Đầu tư cho hạ tầng là nền tảng vững chắc để Hoài Ân chuyển mình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn tiếp theo.
5 năm trở lại đây là thời kỳ Hoài Ân đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trọng tâm là nông nghiệp và nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hoài Ân đã đạt 11,3%, riêng năm 2011 là 15,5%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Nếu năm 2005, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 63,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 14%, thương mại - dịch vụ chiếm 22,6%; thì đến năm 2011, con số tương ứng là 57,8-16-25,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 11 triệu đồng/năm, tăng gần 2,5 lần so với năm 2005.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, nhất là 37 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có thể thấy, Hoài Ân từ một nền kinh tế thuần nông độc canh đã chuyển dịch sang thực hiện cơ cấu kinh tế tương đối toàn diện: Nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trên cơ sở xác định đúng và ra sức khai thác các tiềm năng, lợi thế, Hoài Ân đã có những bước chuyển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nông nghiệp đã phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 7,6%. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh về chất nhờ việc lựa chọn cơ cấu sản xuất hợp lý, nhanh chóng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao như kinh tế trang trại, chăn nuôi quy mô tập trung… Cơ cấu cây trồng, mùa vụ có nhiều tiến bộ; các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được áp dụng. Trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế trang trại, gia trại và kinh tế vườn đồi, vườn rừng khá phát triển, giá trị sản lượng hàng hóa hiện đạt trên 82 tỉ đồng. Những con số đó có thể chưa nhiều so với một số địa phương khác, nhưng cho thấy những bước đi đúng hướng trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của Hoài Ân.
Cùng với phát triển nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cũng được Hoài Ân chú trọng phát triển và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bước đầu thu hút một số nhà đầu tư. Các loại hình thương mại - dịch vụ ngày càng đa dạng hơn, tốc độ tăng bình quân hàng năm trong 5 năm trở lại đây là 19,2%. Kết cấu hạ tầng từng bước được xây dựng phục vụ cho sản xuất, đời sống; các công trình thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm xá, hệ thống truyền thanh - truyền hình… đã phát triển đến tận cơ sở, làm cho diện mạo nông thôn Hoài Ân ngày thêm khởi sắc hơn.
|
Trao Giấy khen cho các đơn vị có thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở Hoài Ân. Ảnh: Võ Chí Hà |
* Nhìn lại những thành quả của Hoài Ân 40 năm sau ngày giải phóng, nhất là trong 5 năm trở lại đây, điều gì đồng chí thấy tâm đắc nhất?
- Điều chúng tôi tâm đắc nhất là thời gian qua, Hoài Ân đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ và hiệu quả.
Để làm được điều này, điều tiên quyết là phát huy nội lực, vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hãy lấy một con số. Trong tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2006-2010 trên 717 tỉ đồng, khu vực Nhà nước 288 tỉ đồng, còn lại nhân dân đóng góp 429 tỉ đồng. Với cách làm ấy, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng; trên 550 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Những con đường bê tông trải dài lên tận Đăk Mang, Bok Tới, tới các thôn làng vùng sâu, vùng xa là minh chứng cụ thể nhất cho tinh thần đoàn kết, ý chí phát huy nội lực của người Hoài Ân hôm nay.
|
Nghề làm nón lá của chị em phụ nữ thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín. Ảnh: Võ Chí Hà |
Cũng với cách làm này, đến cuối năm 2010, lưới điện quốc gia đã phủ kín đến 82/82 thôn trên toàn huyện, với trên 99% hộ gia đình được sử dụng điện. Điện trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Hoài Ân; điện bừng sáng trên những nẻo quê hẻo lánh, thỏa ước mơ bao đời của nhân dân trong huyện.
Cũng là tạo “nền móng” cho sự phát triển, nhưng ở góc độ khác là đầu tư cho con người, điều chúng tôi cũng rất tâm đắc là tuy Hoài Ân còn nghèo nhưng rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Ngay từ năm 1997, Hoài Ân đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học và đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS và đang triển khai phổ cập THPT. Chất lượng dạy và học có nhiều tiến bộ; công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm…
Chúng tôi tâm niệm rằng, tất cả những sự đầu tư như vậy, từ đầu tư về hạ tầng, về nguồn nhân lực, dân sinh không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển của Hoài Ân hiện tại mà còn tạo cơ sở để Hoài Ân đi lên, bứt phá. Hoài Ân hôm nay đã mang trên mình diện mạo của một miền quê trù phú, xanh tươi cùng nhịp sống rộn rã từng ngày để ngày càng khởi sắc hơn. Hoài Ân cũng đang khởi tạo cho mình những nền móng để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
|
Tiết mục của thị trấn Tăng Bạt Hổ tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hoài Ân. Ảnh: Võ Chí Hà |
* Vậy thế mạnh của Hoài Ân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới hôm nay là gì, thưa đồng chí?
- Xác định thế mạnh, định đường hướng phát triển trong tương lai luôn là điều chúng tôi trăn trở. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, Hoài Ân là huyện trung du với diện tích khá rộng, khoảng 777,8 km2, chiếm 12% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; địa hình đa dạng, đồi núi xen kẽ với đồng bằng, thung lũng. Tuy có diện tích đất tự nhiên khá lớn nhưng Hoài Ân chỉ có chưa đầy 10% là đất nông nghiệp, diện tích đất có rừng cũng chỉ có 11.195 ha, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đất đai Hoài Ân, do vậy, thích hợp để trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: lúa, ngô, mì, bưởi, đào chuối, tiêu… Cùng với trên 90% dân số sống chủ yếu ở nông thôn, vậy là, như chúng ta thấy, Hoài Ân đã hội tụ điều kiện đủ để phát triển ngành nông - lâm nghiệp.
Do vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII xác định: “Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại. Phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại quy mô vừa và nhỏ”. Đây chính là thế mạnh mà Hoài Ân đã và sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.
Trên thực tế, thời gian qua, trên lĩnh vực trồng trọt, Hoài Ân đã từng bước xóa bỏ tình trạng thuần nông, độc canh cây lúa; bình quân mỗi năm, huyện chuyển đổi hơn 1.200 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn khác. Ngành chăn nuôi cũng bước đầu tạo được tiền đề để trở thành ngành sản xuất chính, với số gia súc, gia cầm liên tục tăng; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 187 tỉ đồng; tỉ trọng chăn nuôi hiện chiếm 48% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Kinh tế trang trại, gia trại và kinh tế vườn đồi, vườn rừng khá phát triển với giá trị sản lượng hàng hóa năm 2011 đạt trên 82 tỉ đồng, tăng 180% so với năm 2005. Song song đó, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý và bảo vệ rừng; đẩy nhanh tiến độ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, đất trống, đồi núi trọc cho hộ gia đình. Độ che phủ của rừng từ 47% năm 2005 đã tăng lên 50% năm 2011; giá trị sản xuất lâm nghiệp đến cuối năm 2011 đạt 22,7 tỉ đồng.
|
Học sinh Trường THPT Võ Giữ. Ảnh: Văn Lưu |
Gắn sản xuất nông - lâm nghiệp với chế biến và tiêu thụ; từng bước hình thành và tiến tới ổn định các vùng nguyên liệu theo quy hoạch là một định hướng lớn trong sự phát triển kinh tế của huyện. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm, ngành nông - lâm nghiệp Hoài Ân đang tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong huyện phát triển.
Điều chúng tôi còn trăn trở nhiều là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hoài Ân phát triển chưa tương xứng. Phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp phải là một hướng đi của Hoài Ân trong tương lai gần… Thời gian tới, Hoài Ân sẽ tạo cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn gắn với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Đồng thời, có chính sách ưu đãi và đầu tư có chiều sâu để công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm sản phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin thị trường, quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện… để Hoài Ân sớm trở thành địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Một vấn đề khác là thời gian qua, dù Hoài Ân đã rất chú trọng đầu tư mạng lưới giao thông nhằm phá vỡ thế độc đạo, tạo thuận lợi trong giao thông, trao đổi hàng hóa với các vùng khác. Tuy nhiên, các tuyến đường này vẫn còn hẹp và trên thực tế, Hoài Ân vẫn còn gặp không ít khó khăn trong giao thương. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống giao thông đã và sẽ vẫn là vấn đề cần chú trọng với Hoài Ân trong tương lai.
|
Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Võ Chí Hà |
* Đồng chí có thể chia sẻ những ấp ủ về Hoài Ân nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện nhà?
- Tôi muốn nói rất nhiều về những điều chúng tôi đang ấp ủ về Hoài Ân. Tuy nhiên, có lẽ, điều đầu tiên cần phải đề cập là Hoài Ân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng trong công cuộc kháng chiến và dựng xây quê hương 40 năm qua. Đó là nền tảng vững chắc để Hoài Ân tiếp tục vươn lên trong hành trình hội nhập với sự phát triển của Bình Định và cả nước.
|
Biểu diễn cồng chiêng mừng lễ hội ăn cốm lúa mới ở làng T1, xã Bok Tới. Ảnh: Võ Chí Hà |
Vui mừng với những thành tựu đã đạt được, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề trong chặng đường tới. Đó là cần nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2010-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Ân lần thứ XXIII đã đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12%; cơ cấu kinh tế: Nông - lâm nghiệp chiếm 52,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 18,6% và dịch vụ - thương mại chiếm 28,6%. Toàn huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm dưới 5%. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và thực hiện xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; không ngừng chăm lo bồi dưỡng nhân tố con người…
* Xin cảm ơn đồng chí!
|