Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy
14:26', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Tôi quê ở ngoài Bắc. Năm 1971, tôi nhập ngũ, về Sư đoàn 3 và bổ sung vào chiến đấu ở Bình Định.

Năm 1972, chúng tôi ém quân ở Kim Sơn, huyện Hoài Ân, để chuẩn bị cho chiến dịch chống địch càn quét lấn chiếm. Tiểu đoàn tổ chức cho cán bộ hậu cần đại đội đi mua heo của dân về làm lương khô. Tôi cùng hai đồng chí được phân công xuống núi.

Phân đội nữ súng cối 60 ly bộ đội huyện Hoài Ân.

Đêm cuối tháng trăng mờ mờ, trời u ám, tôi phải chạy gằn mới bám sát đồng chí đi trước để khỏi lạc đường. Đó đây, những cây tre bị pháo đốn gãy ngổn ngang mặt đường khiến có lúc chúng tôi phải đi vòng qua lối khác rồi định hướng đi tiếp. Mùi thuốc pháo, mùi cỏ cháy khét lẹt. Lũ chó trong làng đánh hơi có động thi nhau sủa. Và thế là pháo địch từ trên các điểm cao đã căn sẵn tọa độ lại nã xuống tới tấp. Tiếng hú rít lên ghê rợn, tiếp sau đó là tiếng nổ chát chúa. Bụi khói tung mù mịt, đá sỏi bay rào rào tối tăm mặt mũi không biết đường nào mà đi. Tôi quáng quàng vừa chạy vừa ngã trong lùm tre thì bất ngờ, một quầng lửa lóe lên sau đó là tiếng nổ khiến tôi ngất đi không còn biết gì nữa.

Lúc tỉnh dậy, tôi thấy đau nhức ở chân phải, da chân dính chặt vào quần máu đã khô  cứng. Tôi định giơ chân lên nhưng đôi chân cứng đờ không chịu tuân lệnh. Vậy là mình đã bị thương rồi. Cổ miệng tôi khô khát, nóng bỏng. Tôi không khỏi lo lắng trước tình trạng này của mình. Là lính mới vào, địa hình chưa quen, rất dễ lạc vào nơi địch đóng quân lắm. Mà thực ra, tôi cũng không biết mình đang ở đâu và phải đi về hướng nào? Mà tôi có muốn đi thì đôi chân cũng không thể đi được.

Bỗng có tiếng lá khô xào xạc, rồi bóng một cô gái cúi xuống hỏi tôi:

- Anh có sao không?

- Bị sức ép, lạc đơn vị - tôi lắp bắp.

- Để em dìu anh về - cô nói

Cô đỡ tôi đứng dậy, cầm tay tôi choàng ngang qua cổ rồi cố dìu tôi đi. Tôi bước đi xiêu vẹo, chốc chốc lại nhăn mặt vì đau đớn. Khó khăn lắm, cô mới dìu được tôi vào nhà và đỡ xuống một căn hầm phía dưới. Dưới ánh lửa của chiếc zippo tôi bật lên, tôi thấy căn hầm rộng khoảng hai chiếc giường nằm nhưng một nửa đã chất đầy chum, ảng mà sau này tôi mới biết chúng được dùng để đựng lương thực, bánh dừa, đường, gạo…

Cô gái đốt ngọn đèn dầu nhỏ và băng bó lại vết thương cho tôi. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn kỹ cô gái. Cô khoảng 16, 17 tuổi, mặc bộ quần áo bà ba màu đen, thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh. Cô hỏi tôi:

- Anh có đói không?

Tôi gật đầu. Cô mở nắp ảng, lấy ra củ sắn luộc bẻ đôi, đưa cho tôi cùng với miếng cùi dừa khô nhỏ. Tôi ngấu nghiến nhai nhưng vẫn kịp nhận ra: sắn luộc và cùi dừa ngon thật, vừa ngọt ngọt vừa béo ngậy. Rất may, trong ba lô của tôi còn một ít lương khô 301, tôi đưa cho cô một nửa. Cô ăn mà cứ khen ngon mãi. Được nghỉ ngơi, ăn uống, tôi dần lại sức. Tôi ngỏ cho cô biết nỗi lo khi chưa hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao. Cô an ủi tôi và hứa sẽ tìm cách báo cho đơn vị biết.

Tình cảm thân thiết dần, chúng tôi hỏi han và kể về bản thân cho nhau nghe. Cô cho biết tên cô là Hương, quê ở Ân Tường, ba má cùng bà con sơ tán đi nơi khác hết chỉ còn một số du kích ở lại nắm tình hình địch. Tôi cũng nói cho Hương, tôi tên là Toản quê Ninh Bình, trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm nhưng nhập ngũ vào đây chiến đấu.

Cô bảo tôi: Các anh miền Bắc vào, anh nào cũng học giỏi, chả bù cho bọn em học hết lớp 3, lớp 4 rồi nghỉ .

Tôi an ủi Hương:

- Do điều kiện chiến tranh mà! Mai mốt đánh giặc tan, giải phóng quê hương, em tha hồ mà đi học.

- Nhưng bao giờ hả anh?

- Ngày ấy nhất định sẽ đến.

Chúng tôi lặng im một lúc lâu và mơ đến ngày thống nhất đất nước. Ngày ấy chắc là vui lắm. Bỗng sực nhớ ra, Hương bảo tôi:

- Các anh thuộc nhiều bài hát cách mạng lắm. Anh dạy em vài bài nhé. Tôi vui vẻ: “Ừ!”  rồi lấy bút ra ghi bài hát vào quyển vở của Hương. Hương ngồi sát vào tôi, tay cầm đèn soi cho tôi viết. Tôi cảm nhận làn da mềm mại ấm ấp của Hương áp sát bên mình, làn tóc lòa xòa bay bay bên má tôi và mùi thơm của mái tóc khiến tôi xao xuyến. Mới lớn lên, chưa biết thế nào là tình yêu, những rung động đầu đời về giới tính; bởi vậy, ngồi bên Hương tôi có một cảm giác thật khó tả. Tấm thân trẻ trung đầy sức sống kia sao mà mời gọi hấp dẫn thế mà cũng gần gũi thế. Chỉ cần nâng bàn tay lên tôi có thể ôm trọn tấm thân ấy vào lòng, nhưng nghĩ đến kỷ luật quân đội, tôi không cho phép mình đi xa hơn. Tôi dạy Hương hát bài: “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký. Tôi hát trước, Hương hát sau và khi đã thuộc lời, cả hai cùng hát, hát một cách say sưa đến quên hết nỗi lo lắng về chiến tranh đang hiện hữu.

Ôi! Thật kỳ lạ! Kỳ lạ đến khó tin. Trong bom đạn ác liệt của chiến tranh, vậy mà số phận nào run rủi, tôi lại lạc vào đây bên một cô du kích dễ thương cùng hát với nhau bài ca về một niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng!

Đến lúc mệt quá, tôi dựa lưng vào vách hầm ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, tôi vẫn thấy Hương đang ngủ bên vai tôi, tay kia choàng qua ôm lấy tôi, cử chỉ thật gần gũi, tin cậy! Tôi ngồi yên để Hương ngủ thêm. Hơi thở em đều đều và thú thật, tôi chỉ muốn những giây phút hiếm hoi này kéo dài thật lâu,
lâu nữa...

Sau này, nhớ đến lúc ấy, tôi vẫn tự hỏi, phải chăng lúc đó chúng tôi đã yêu nhau, tuy chưa dám nói ra điều đó? Đó có phải là mối tình đầu của tôi không?  Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết một điều rằng, giây phút đó là những kỷ niệm ngọt ngào mà tôi không bao giờ quên được.

Những ngày vui trôi qua thật ngắn ngủi. Hai hôm sau, Hương liên lạc được với đơn vị và đến đón tôi đi. Lúc chia tay, Hương nắm chặt tay tôi không muốn rời, hai mắt đỏ hoe.

- Sau này giải phóng rồi, anh nhớ về thăm em nhé!

- Nhất định rồi. Anh hứa.

Nhưng hỡi ôi, tôi đã không thực hiện được lời hứa. Năm 1975, giải phóng miền Nam, tôi theo đơn vị đi tiếp quản nơi khác. Năm 1976, tôi xin đơn vị nghỉ một ngày về tìm lại Hương. Cảnh vật thay đổi nhiều quá khiến tôi không nhận ra đâu nữa. Mấy đứa trẻ tò mò nhìn anh bộ đội rồi sợ hãi chạy vào nhà. Tôi hỏi thăm hết nhà nọ đến nhà kia, mô tả cả khuôn mặt Hương, cả căn hầm đầy chum vại nhưng không ai biết cả. Có người nói ở đây không có ai tên Hương, có người nói có Hương nhưng sau giải phóng đã theo gia đình trở về thành phố. Mà cũng phải thôi, một anh lính chân ướt chân ráo vào Nam gặp nhau ban đêm trong căn hầm lạ lẫm, không có một địa chỉ cụ thể, một tấm hình thì tôi làm sao tìm được Hương?

Tôi mệt mỏi bước đi, lòng nặng trĩu một cảm giác buồn bã và có lỗi. Phải, tôi đã không làm được như lời mình hứa. Hương ơi! Giờ này em ở đâu?  Anh về đây tìm lại em, khao khát gặp em, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ, cùng hát “Bài ca hy vọng” nhưng anh không thể tìm thấy em. Hãy tha thứ cho anh, Hương nhé!

Giờ đây, ngồi viết lại những hồi tưởng này, lòng tôi vẫn còn thổn thức. Cầu mong Hương có cuộc sống hạnh phúc bình an- người con gái Hoài Ân lớn lên trong chiến tranh, thủy chung
một lòng vì cách mạng như em nhất định phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.

  • ĐINH DŨNG TOẢN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)
Mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng  (15/04/2012)
Mạch ngầm chảy mãi...  (15/04/2012)