Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc
14:43', 15/4/ 2012 (GMT+7)

11 giờ trưa 19.4.1972, cờ giải phóng tung bay trên quận lỵ  Hoài Ân, đánh dấu một sự kiện quan trọng - huyện Hoài Ân với 28.825 dân hoàn toàn giải phóng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Bình Ðịnh tạo được bàn đạp và  căn cứ địa vững chắc ngay giữa đồng bằng. Nhưng tiếp ngay sau đó là một cuộc chiến 1.000 ngày khốc liệt để giữ đất, giữ dân của quân và dân Hoài Ân chống lại sự phản kích điên cuồng của địch…

Ông Võ Văn Dũng: “Chỉ có quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đất mới làm nên cuộc chiến thắng ngàn ngày giữ đất”.

Bám đất, giữ đất ở vùng giải phóng

40 năm đã trôi qua, ông Võ Văn Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoài Ân giai đoạn 1970-1975, giờ đã bước vào tuổi bát thập, không còn mẫn tuệ như thời trẻ. Ấy thế mà khi nhắc lại cuộc chiến 1.000 ngày giữ đất, ông vẫn nhắc đi nhắc lại: “Làm cách mạng đã khó nhưng giữ được thành quả cách mạng lại càng khó hơn”.

Bởi ngay sau khi Hoài Ân được giải phóng, tiếp sau đó, quân và dân Hoài Ân sát cánh cùng bộ đội chủ lực bước vào một cuộc chiến cam go khốc liệt hơn nhiều: Cuộc chiến giành đất, giữ đất. Một bên là quân địch điên cuồng phản kích, muốn lấn chiếm lại vùng đất ta đã giải phóng bằng mọi giá; một bên là quân và dân ta kiên quyết bám đất, một tấc không đi, một ly không rời. Cuối tháng 6.1972, có ngày, địch bắn cả ngàn quả pháo vào vùng giải phóng.

Ông Nguyễn Văn Minh, khi ấy là Chính trị viên Huyện đội Hoài Ân, và ông Hoàng Ngọc Á, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 1, nhớ lại: “Nếu như trước đây, lối đánh của chúng tôi là di động, thì giờ đây, chúng tôi lại trở thành mục tiêu đánh phá của quân địch bởi phải bám đất, giành đất. Cứ mỗi đợt phản kích, quân địch điều 2-3 trung đoàn và hàng chục xe tăng, xe bọc thép. Có những lúc, chúng tôi phải chịu đội bom 20-24 đợt một ngày, nhưng mỗi người lính luôn giữ vững quyết tâm phải giữ chốt cho đến cùng dẫu bị địch đánh phá nát tan như thế nào. Trong hai năm 1973-1974, Đại đội 1 đã đánh 21 trận phản kích bảo vệ trọn vẹn chốt A6 phía đông bắc xã Ân Phong; Đại đội 2 bộ đội huyện suốt 6 tháng trời quần bám quyết liệt tại khu chiến Phú Văn cùng với Sư đoàn 3 Sao Vàng đánh bại các đợt nống lấn của địch tại khu vực đó. Trong suốt 7 tháng trời tính từ ngày đầu địch mở cuộc phản kích đánh chiếm quận lỵ Hoài Ân (từ ngày 27.7.1972) đến tháng 1.1973, quân ta đã đánh bại 9 đợt tấn công phản kích với quy mô lớn của địch”. 

Ông Nguyễn Văn Minh (phải), nguyên Chính trị viên Huyện đội Hoài Ân và ông Hoàng Ngọc Á (trái), nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 1.

Giữ dân, dựa vào dân 

Theo Lịch sử Đảng bộ Hoài Ân 1930-1975, sau ngày giải phóng 19.4.1972, số dân tại chỗ và các khu dồn của địch ở Bồng Sơn (Hoài Nhơn) trở về gần 30.000 người nhưng đến đầu tháng 11.1972 toàn huyện chỉ còn hơn 17.000 người. Chỉ từ tháng 7 đến tháng 9.1972, ta đã mất gần 9.500 người. Địch dùng trực thăng đổ quân bắt người áp tải lên máy bay chở đến các khu dồn. Nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn đều bị bắn phá tan hoang. Có ngày hơn 80 người chết, nhiều nhất là trẻ con. Người dân sợ hãi bỏ đi…

Ông Hoàng Ngọc Á: “Đối với tôi, tình cảm thắm thiết của nhân dân đối với bộ đội được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh các bà, các chị, các mẹ đêm đêm cặm cụi bưng từng mẻ nước ổi, nước muối đến cho bộ đội ở các giao thông hào trên chốt Phú Văn, Ân Thạnh ngâm chân để khỏi bị sưng tấy, nhiễm trùng vì nước ăn chân…”.

Ông Dũng nhớ lại: “Trước tình hình như vậy, chúng tôi đã thành lập Ban giữ dân và kéo dân, vừa vận động đồng bào ở vùng địch về làng cũ, vừa tổ chức cho dân tạm thời sơ tán lánh tránh chống quân địch đổ quân xúc tát, chuẩn bị điều kiện mỗi khi quân ta phản công trở lại thì dân lại trở về. Đại hội đại biểu Đảng bộ Hoài Ân lần thứ XII (15.4.1973) đã đề ra nhiệm vụ: Toàn dân, toàn quân quyết giữ cho được Hoài Ân. Trong đó, các biện pháp đưa ra thực hiện là lực lượng vũ trang gồm bộ đội, du kích và chủ lực quyết tâm chống càn, toàn dân bố phòng chống địch. Các xã phải xây dựng lực lượng du kích, mỗi xã có mỗi trung đội du kích thoát ly, nhân dân nuôi du kích; mỗi thôn cũng có đội du kích. Bộ đội thường xuyên rèn luyện cho du kích, dân xây dựng bố phòng, ngăn chặn địch. Mỗi xã đều phải xây dựng đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ lão, phụ nữ để hội họp, sinh hoạt, giáo dục vận động nhân dân…; người dân luôn có ý thức chống càn quét, chống  nống lấn và tát dân của địch, phải bám làng, giữ đất, chịu khó, chịu khổ sản xuất, dựng lại nhà cửa.

Bà Nguyễn Thị Bích, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, và Nguyễn Thị Dạc, nguyên là Chính trị viên xã đội kiêm Chủ tịch UBND xã Ân Đức, kể lại: “Ban ngày là của địch, ban đêm là của ta. Ban ngày địch cắm cờ, đêm ta lại nhổ cờ địch, cắm cờ giải phóng, giành giật từng chút một. Chúng tôi vận động chị em phụ nữ, nam phụ lão đi cấy ban đêm, góp gạo nuôi quân; đào công sự, hầm sập đến đâu thì lại đào đến đấy. Không khí làm việc rất hăng hái, cả đêm không ngủ. Người dân ở lại bám đất, giữ đất chẳng tiếc gì của cải. Họ đem phản, cột kèo, cửa gỗ cho bộ đội làm công sự…”. Rồi nữa, ở xã Ân Hảo, bà Nguyễn Thị Châu- người nổi tiếng chống cự với quân địch - đã tình nguyện góp hơn một lượng vàng cho chính quyền cách mạng để giải quyết những công việc cấp bách ở địa phương.

Trong cuộc chuyện trò với tôi, khi được hỏi: Vậy điều gì Hoài Ân làm nên kỳ tích giữ trọn vẹn vùng giải phóng cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng? “Chỉ có quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đất” - ông Dũng trả lời đơn giản - “Và không thể không có sự đồng lòng, dốc sức hết lòng vì cách mạng của nhân dân. Lấy dân làm gốc, tích cực động viên và tập hợp mọi lực lượng yêu nước vào hàng ngũ cách mạng luôn được đặt lên hàng đầu, song hành với nhiệm vụ chiến đấu, giữ đất, bám đất đến cùng”.

40 năm sau cuộc chiến tranh, những nơi trước kia từng hứng chịu mưa bom bão đạn như các xã: Ân Đức, Ân Tín, Ân Phong, Ân Thạnh với các chốt điểm Núi Bụt, Du Tự, Truông Sỏi… nay trải dài một màu xanh của sự sống yên bình. Chiến tranh- máu- lửa- mất mát- hy sinh trong 1.000 ngày giữ đất, giành đất cho một hiện tại đầy sức sống và phát triển ở mảnh đất trung du xanh thắm.

Trong năm 1972, Huyện ủy, UBND Hoài Ân đã động viên nhân dân đóng góp 457.163 kg thóc gạo, 2.075.295 đồng vào quỹ nuôi quân và quỹ động viên, ủng hộ bộ đội 49.430 đồng và 500 kg gạo nếp. Có 1.430 thanh niên thoát ly tham gia cách mạng. Huy động 10.182 lượt người với 88.736 ngày công để làm kho, đắp đường, chuyển thương, dân công phục vụ chiến đấu. Bước vào năm 1973, công tác xây dựng nông thôn xã chiến đấu đạt được nhiều thành tích: 300m địa đạo, 104 công chiến đấu, 368 hầm công cộng, 724 hầm kèo, 3.180 hầm chống phi pháo gia đình…

(Theo Lịch sử Đảng bộ Hoài Ân 1930-1975, xuất bản tháng 12.1999, trang 394-395)

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)
Mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng  (15/04/2012)