Ði cùng năm tháng
14:58', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Xuân - Hè 1972, Sư đoàn Sao Vàng có nhiệm vụ cùng với quân và dân tỉnh Bình Ðịnh mở chiến dịch tấn công tổng hợp tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, gồm cả cộng hòa, bảo an, dân vệ; phá vỡ hệ thống phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng quận Hoài Ân, hỗ trợ đắc lực cho phong trào nổi dậy ở địa phương, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp toàn chiến trường... làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ” (1).

Bộ đội Sư đoàn 3 luyện tập chuẩn bị chiến dịch Xuân - Hè 1972 (ảnh  tư liệu).

Lực lượng chủ yếu của Sư đoàn lúc này là Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Vũ Quang Trắc chỉ huy đảm nhiệm đánh địch từ hướng Tây- Nam. Và đây là lực lượng chính đón lõng tiêu diệt Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 ngụy khi đến giải vây. Trung đoàn 21 (thiếu Tiểu đoàn 5 phối hợp thuộc Tiểu đoàn đặc công 406 và Sư đoàn 2) tấn công địch từ hướng Bắc - Tây Bắc và Đông Bắc quận lỵ Hoài Ân dựa vào địa hình đồi núi, sông suối phức tạp đánh ép mạnh buộc Trung đoàn 40 phải vào giải vây theo ý đồ của ta.

Đêm 8 rạng 9.4.1972, các đơn vị bí mật vào chiếm lĩnh vị trí. Đúng 1 giờ sáng, sau 20 phút chiến đấu, toàn bộ quân địch ở đây gồm 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo, 1 trung đội cối 106,7 mm, cùng toàn bộ ban chỉ huy liên đội bảo an số 482 đã bị tiêu diệt.

Trong khi đó, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 21 được tăng cường Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 tấn công địch từ Đồi Đá, Gò Dê, cầu Bến Vách, Đồng Bịch, Gò Thị, Hà Tây, Phú Khương, khu gia binh... dồn địch vào ngã ba Tân Thạnh để tiêu diệt.

Sáng 11.4, địch dàn quân phản kích. Không khí chuẩn bị chiến đấu nóng dần lên. Địch dựa vào các phương tiện chiến tranh hiện đại triển khai đội hình nhanh chóng. Đến ngày 13.4, do lực lượng quá chênh lệch, ta vừa đánh vừa nghi binh, bỏ ngõ phía Đông Bắc Gò Loi. Bằng hỏa lực mạnh dưới mặt đất và máy bay trên trời, địch đánh bật các chốt của ta ở Khoa Trường, tiến vào khu gia binh, Gò Dê, Gò Chùa, Hòn Bồ. Trung đoàn 2 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 21 được hỏa lực Sư đoàn hỗ trợ tiến đánh liên tục, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Đến 6 giờ ngày 15.4, ta nổ súng tấn công Khoa Trường từ ba hướng: Đông Bắc, Tây Bắc (E21) và Nam (E2); chiếm đoàn 40 ngụy tại Hòn Bồ, Đồi Ốc, Gò Dê, loại 300 tên, bắt sống 28 tên, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Chiều 15.4, Trung đoàn 2 vây ép mạnh quận lỵ Hoài Ân. Trung đoàn 21 tiến công ráo riết từ hướng Tây Bắc. Các đơn vị khác của Sư đoàn cùng tích cực đánh địch ở các vị trí ngoại vi, địch trong quận lỵ hoang mang cực độ.

2 giờ 30 phút ngày 17.4, Tiểu đoàn ĐC 40 đánh địch ở Du Tự.

3 giờ 30 phút ngày 18.4, Trung đoàn 21 đánh chiếm Núi Bụt.

19 giờ cùng ngày, Trung đoàn 2 đánh và làm chủ khu vực Truông Sỏi, Núi Một, Đồi 75. Trung đoàn 21 và D40 đã tiêu diệt và làm chủ khu vực cầu Giáo Ba, Núi Bụt, Du Tự, Thanh Tú thu nhiều vũ khí trong đó có 2 khẩu pháo 105 ly và hàng ngàn viên đạn.

3 giờ sáng 19.4, địch trong quận lỵ có biểu hiện rút chạy. Ta lập tức siết chặt vòng vây nổ súng tiến công.

Mờ sáng 19.4, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 khóa chặt địch ở khu vực cầu Giáo Ba, núi Lại Khánh. Trung đoàn 2 đánh thốc từ phía Nam lên, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 21 đánh dũng mãnh từ hướng Đông Bắc vào quận lỵ.

Từ hướng cổng chính, tên quận trưởng chỉ huy một đại đội bộ binh cùng 7 xe tăng đánh thốc ra liều lĩnh mở đường máu tháo chạy. Chiếc đi đầu đã bị chiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 21 bắn bay khẩu 12 ly 7 trên xe; chúng hoảng sợ quay trở lại. Ta tiếp tục tấn công càng lúc càng dồn dập. Địch bỏ quận lỵ tháo chạy thục mạng. Gần 1.000 tên địch cùng 1 xe bọc thép tràn ra cánh đồng bị Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 21 và Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 xuất kích truy quét dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng Nguyễn Thí và chính ủy Nguyễn Đình Phương.

Lúc này anh nuôi, y tá, vận tải, cần vụ đều cầm súng xông ra đánh địch. Cầu Giáo Ba bị đánh sập từ hôm trước cản địch ùn tắc lại. Lập tức, các loại hỏa lực của ta tới tấp dội xuống đầu khiến đám hỗn quân như bèo gặp xoáy, dạt hết chỗ này sang chỗ khác, nhảy đại xuống cánh đồng. Bộ đội ta xáp tới, vừa đánh vừa gọi hàng. Cuối cùng, nhiều tên sống sót đã phải chịu bị bắt làm tù binh.

Chốt Gò Loi bị quân và dân Hoài Ân đánh sập tháng 4.1972 (ảnh tư liệu).

Trên một hướng khác, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 21 bao vây cứ điểm Đồi Chanh Ân Thạnh, do tên đại úy Ngô Huỳnh thoát nạn từ Gò Loi chạy về chỉ huy đang cố cầm cự hòng tìm cách chạy thoát về Bồng Sơn. Hai chiếc trực thăng bay tới bốc đi chưa kịp tiếp đất đã bị đạn cối của Đại đội 4 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 21 bắn trúng, cháy bùng lên như hai bó đuốc. Vậy là hy vọng tháo chạy của hắn cũng tắt ngấm. Như một ác thú bị trọng thương, hắn kéo xác tên lính bắn đại liên sang một bên, vồ lấy súng nghiến răng siết cò. Song một quầng lửa da cam của chiến sĩ Bùi Văn Tâm đã kết liễu cuộc đời của hắn.

11 giờ ngày 19.4, ta làm chủ hoàn toàn huyện Hoài Ân và chi khu quận lỵ Hoài Ân “Lần đầu tiên sau 7 năm (từ 1965 đến 1972) ta lại lập được căn cứ đứng chân ở đồng bằng, tạo thế mạnh để phát triển thế tiến công vào phía Nam... tạo ra thế bao vây và uy hiếp Quy Nhơn, làm cho địch ngày càng đảo lộn và hoang mang rệu rã” (2).

Cũng trong thời gian này, Trung đoàn 141 (sau này được vinh dự mang tên Đoàn Hoài Ân) nằm trong đội hình Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 tác chiến trên mặt trận Đắc Tô - Tân Cảnh.

Bước sang giai đoạn II của chiến dịch, Trung đoàn 2 và một số đơn vị trực thuộc Sư đoàn tác chiến ở khu vực Bình Dương, Đèo Nhông, Mồ Côi... giải phóng hoàn toàn phía Bắc huyện Phù Mỹ.

Trong khi đó, Trung đoàn 21 và Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 giữ vùng giải phóng Hoài Ân, hoạt động dọc đường quốc lộ 1 từ Lại Khánh đến ngã ba Cầu Dợi, sân bay Thiết Đính, làm bàn đạp tiến đánh Bồng Sơn trong giai đoạn tới và cắt đứt giao thông của địch từ đèo Phú Cũ đến cầu Bồng Sơn.

Phối hợp với mặt trận Bình Dương, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 21 liên tục tiến công Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 40 ngụy, dồn địch xuống ngã ba sông Kim Sơn. Biết không còn hy vọng giải thoát, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 40 ngụy vội vàng lội sông chạy về Trung Lương, nhưng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 đã chờ chúng ở thôn Phú Văn chặn lại. Tiến không được, lùi không xong, địch vội vã tràn xuống khúc sông nhỏ thì bị các loại đạn đại liên, cối, B40, B41 của ta ken dày trên mặt sông kết liễu.

Những ngày sau đó, trong khi Trung đoàn 12 còn đang ở mặt trận đường 19 chưa về kịp nhận nhiệm vụ, Trung đoàn 2 rút ra nhận nhiệm vụ mới; cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 21 Sư đoàn 3 là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ giữ vững vùng giải phóng Hoài Ân.

Tháng 7 năm 1972, địch tập trung 23 tiểu đoàn chủ lực, 2 liên đoàn biệt động quân, 7 chi đoàn xe tăng bọc thép, 3 tiểu đoàn bảo an mở chiến dịch Bắc Bình Vương tái chiếm Bắc Bình Định.

Lực lượng địch quá mạnh, trong khi Trung đoàn 21 nói riêng Sư đoàn 3 nói chung chưa kịp tổ chức phòng ngự để đủ khả năng ngăn chặn nên tính chất ác liệt ngày một tăng lên. Địch nhanh chóng chiếm và khai thông đường số 1 từ Bình Định đi Quảng Ngãi và các vị trí chiến lược, cướp lại thành quả cách mạng của ta.

Đầu tháng 8.1972, Sư đoàn hội quân đông đủ triển khai trận địa phòng ngự. Trung đoàn 21 được giao nhiệm vụ giữ chốt tại các điểm cao phía Bắc và Đông Bắc Hoài Ân như Núi Chợ, Núi Bụt, Núi Một, Núi Chéo, Hố Da, Gò Mít... Tại đây, các trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Tiểu đoàn 8 (tức tiểu đoàn 5 cũ) lúc này đã về lại đội hình trung đoàn, chốt đánh địch ở Năng An, Đại Định, đồi 82, cao điểm 174. Địch tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép chọc thủng phòng tuyến Tiểu đoàn 8. Lập tức, Tiểu đoàn 7 vận động chi viện. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt 8 ngày đêm, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng thời gian hết sức ác liệt. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 21 mang tên Đề Thám, được mệnh danh là “Trung đoàn thép”, tỏ rõ ý chí ngoan cường “đã đi là đến, đã đánh là thắng” làm rạng rỡ thêm truyền thống anh dũng của Đồi 62, Cẩm Khê, Châu Sơn, Gò Cát, Sơn Trung, Lạc Sơn chói lọi năm xưa.

Xung kích tấn công vào cứ điểm Gò Loi tối ngày 8, sáng ngày 9.4.1972 (ảnh tư liệu).

Sau 3 tháng chiến đấu liên tục (từ tháng 7 đến tháng 10.1972), Trung đoàn 21 đã đánh bại 5 đợt phản kích của địch. Vũ khí cạn dần, quân số thiếu hụt, đại đội lúc này chỉ còn khoảng 12 tay súng. Các lực lượng phục vụ chiến đấu như y tá, nuôi quân, vệ binh, trinh sát, vận tải, tăng gia... những ai còn có thể cầm súng đều đã được đưa lên phía trước khỏa lấp chỗ trống về quân số, quyết tâm bảo vệ Hoài Ân đến người cuối cùng.

Sau ít ngày rút ra củng cố, cuối tháng 10.1972, Trung đoàn 21 lại một lần nữa trở lại Hoài Ân thay thế Trung đoàn 12 tiến vào làm nhiệm vụ trên đường 19.

Trước khi Hiệp định Paris ký kết, Mỹ và chính quyền Sài Gòn dồn mọi sức lực “tràn ngập lãnh thổ”, hy vọng xóa “thế da báo”. Hoài Ân là một trong những mục tiêu then chốt phải “tái chiếm bằng mọi giá”. Lúc này, mỗi đại đội phải đánh với từng tiểu đoàn, trung đoàn địch có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và máy bay yểm trợ. Tình thế chiến sự bất lợi cho ta, tương quan lực lượng chênh lệch lớn. Các chiến sĩ Trung đoàn 21 vẫn nêu cao khẩu hiệu “chốt là nhà, Hoài Ân là quê hương”, một tấc không đi một ly không rời, quyết tỏ rõ lòng biết ơn sâu sắc nhân dân Long Mỹ, Long Quang, Năng An, Đại Định, Mỹ Thành, Phú Văn, Thanh Tú, Du Tự, An Chiểu... che chở giúp đỡ yêu thương nhường cơm xẻ áo.

Tháng 3.1973, địch lại dồn lực lượng tấn công đánh bật các chốt của ta khỏi khu vực Lại Khánh, Gò Vàng, điểm cao 322, Núi Bụt, Du Tự. Thương vong càng lúc càng nhiều, sức chiến đấu tại chỗ giảm, sức cơ động yếu. Trên điều Trung đoàn 21 lập trận địa phòng ngự ở Phú Văn, Thế Thạnh...

Đến tháng 6.1973, Trung đoàn 141 đang chiến đấu ở Đức Phổ vào thay chân Trung đoàn 21. Trung đoàn 21 giải thể để bổ sung cho các trung đoàn bạn. Những người con thân yêu của Hà Bắc, Hải Hưng, Hải Phòng, Thái Bình... của trung đoàn một thời mang tên Đề Thám chia tay nhau về các đơn vị, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (3).

Trung đoàn 21 không còn, nhưng các chiến sĩ đã ngã xuống trên bia mộ còn ghi rõ phiên hiệu đơn vị; những chiến công vang dội của họ là những chứng tích lịch sử đi mãi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian. Nhân dân Hoài Ân còn nhớ Trung đoàn 2, Trung đoàn 21 Sư đoàn 3 là lực lượng nòng cốt giải phóng quê hương mình và đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Hoài Ân. Những chiến sĩ Trung đoàn 21 dù đã hy sinh, đã đi xa hay bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng và giữ vững Hoài Ân, mãi mãi là người con thân yêu, người anh em thân thiết của đồng bào, đồng chí Hoài Ân. Còn những chiến binh Trung đoàn 21 Sư đoàn Sao Vàng trên mọi miền đất nước cũng vẫn luôn hướng về Hoài Ân, dõi theo từng bước đi, từng bước lớn mạnh của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc huyện Hoài Ân.

BAN LIÊN LẠC BẠN CHIẾN ĐẤU TRUNG ĐOÀN 21 - ĐỀ THÁM HẢI PHÒNG

(1) Trích ký sự “Sư đoàn Sao Vàng” (1984)

(2) Trích báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ IX (tháng 11.1973)

(3) Tư liệu trên được lược ghi từ cuốn Lịch sử Sư đoàn 2, Lịch sử Sư đoàn 3, hồi ức của cán bộ, chiến sĩ E21 trong giai đoạn giải phóng và bảo vệ Hoài Ân (1972-1973).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc  (15/04/2012)
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)
Khi con chữ về làng  (15/04/2012)