Gò Loi - ngày ấy, bây giờ
15:12', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Ngày 9.4.1972 - chiến thắng Gò Loi đã xóa sổ một căn cứ quân sự kiên cố, được Mỹ - ngụy xem là “Cánh cửa thép” phía Nam Hoài Ân, mở đường cho hàng loạt cuộc tấn công tiêu diệt địch và góp phần to lớn vào thắng lợi  Chiến dịch Xuân - Hè lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân năm 1972. 40 năm sau, cả một vùng cứ điểm Gò Loi (xã Ân Tường Tây) rộng lớn đã phủ một màu xanh của sự sống mãnh liệt.

 

Di tích Chiến thắng Gò Loi - nơi ghi dấu trận đánh oai hùng mở màn cho việc giải phóng Hoài Ân trong Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972. Ảnh: Việt Quốc

 

1.

Trong Chiến dịch Xuân- Hè 1972, cùng với Tây Nguyên và Quảng Nam, Bắc Bình Định là một trong ba chiến trường trọng điểm của toàn khu V, trong đó, Hoài Ân là địa bàn then chốt. Trong kế hoạch 6 trận đánh chính ở Hoài Ân, Gò Loi là trận mở màn.

Gò Loi là một cứ điểm quan trọng và kiên cố trong hệ thống cứ điểm của địch ở Bắc Bình Định, do Mỹ xây dựng năm 1966, án ngữ giữa ngã ba Tân Thạnh (Ân Tường) đến Kim Sơn (Ân Nghĩa) lên Vĩnh Thạnh vào Bình Khê và từ Tân Thạnh qua đèo Mằng Lăng vào Tây Bắc Phù Mỹ xuống quốc lộ 1.

Lợi dụng địa hình đồi đất cao, địch xây dựng Gò Loi để khống chế một vùng chiến lược rộng lớn, nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, giáp ranh giữa căn cứ của ta và những vùng tạm chiếm. Từ chân đồi lên đến đỉnh Gò Loi là một hệ thống ba tầng lô cốt hình vành khăn, tầng này cách tầng kia bởi một vách dốc dựng đứng cao 3m, được bảo vệ bằng hàng rào thép gai bùng nhùng và những bãi mìn dày đặc. Tại đây, địch bố trí một trận địa pháo binh và xây dựng một sân bay dã chiến dài 600 m, rộng 60 m. Hệ thống công sự nối liền giữa các lô cốt và hầm ngầm tích trữ vũ khí lương thực được xây dựng hết sức kiên cố. Ngoài ra, địch còn xây dựng hàng loạt các chốt bảo vệ vòng ngoài ở đồi Dây Ren, đồi Đá, gò Dê, gò Thị, cầu Bến Vách, bàu Sen…

Vì thế, nhiều lần lực lượng vũ trang của ta muốn tiêu diệt Gò Loi, nhưng không được. Sau khi Mỹ rút đi, một liên đội bảo an biệt kích đóng giữ cứ điểm Gò Loi, do tên đại úy Ngô Huỳnh khét tiếng gian ác chỉ huy. Và đại úy Huỳnh từng tuyên bố: “Chừng nào nước sông Kim Sơn chảy ngược, cộng sản mới lấy được Gò Loi”.

Đơn vị được nhận trọng trách đánh cứ điểm Gò Loi, làm điểm đột phá cho Chiến dịch Xuân - Hè 1972 là Sư đoàn 3 Sao Vàng. Lịch sử Đảng bộ Hoài Ân (1930-1975) ghi: “Đúng 1 giờ sáng ngày 9.4.1972, sau 20 phút chiến đấu mưu trí, linh hoạt, dũng mãnh, các chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 40 của Sư đoàn 3 đã hoàn toàn làm chủ Gò Loi, tiêu diệt gọn 1 ban chỉ huy liên đội và 2 đại đội bảo an với 200 tên, phá hủy toàn bộ công sự, kho tàng, thu nhiều súng đạn và quân trang, quân dụng”.

Hai ngày sau, địch điên cuồng cho bộ binh và trực thăng vũ trang phản kích hòng giành lại cứ điểm quan trọng này, nhưng đều bị đánh bại. Căn cứ Gò Loi bị tiêu diệt, toàn bộ xã Ân Tường rộng lớn được giải phóng như một đòn điểm huyệt khiến toàn bộ quân địch ở chiến trường Bắc Bình Định hoang mang lo sợ.

Một góc của vùng cứ điểm Gò Loi ngày nay.

2.

Ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, đã ngót năm mươi năm gắn bó với vùng cứ điểm Gò Loi. Nhắc đến trận chiến Gò Loi, ông bồi hồi nhớ lại: “Cứ điểm Gò Loi nằm trên vùng rộng lớn của 4 thôn: Tân Thạnh, Tân Thịnh, Hà Tây và Phú Khương. Bom đạn của địch cày xới lên rất dữ trong mỗi tấc đất. Sau năm 1972, người dân về làng cũ, khai hoang phục vụ sản xuất”.

Gò Loi xưa là chiến trường ác liệt- nay đã “thay da, đổi thịt” từng ngày. Hai năm sau chiến thắng Gò Loi, công trình hồ chứa nước Phú Khương - công trình thủy lợi đầu tiên của huyện Hoài Ân - được người dân vùng căn cứ cách mạng ở đây xây dựng bằng ý chí, sức người và những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng… Trên những mảnh đất đầy bom đạn, nhiều người đã ngã xuống trong công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương vùng cứ điểm Gò Loi. Hết đồng bằng, rồi đến gò đồi, người dân Ân Tường Tây đã chung tay khai hoang lấy đất trồng mì, trồng cây lâm nghiệp. Mì, rồi keo nguyên liệu giấy… những màu xanh đã dần phủ bóng trên những vùng đất khô của bom đạn. Hơn thế, những mô hình ấy còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng trăm hộ gia đình.

Từ vùng đất “chết” hoang sơ với đầy rẫy bom mìn của địch để lại, nay vùng cứ điểm Gò Loi rộng lớn đã vươn mình với tư thế vững chãi, khẳng định một sức sống mới. Được sự quan tâm chăm lo và đầu tư của Nhà nước, người dân ở vùng chiến trường xưa có điều kiện phát triển sản xuất trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, các loại cây trồng dài ngày cho năng suất cao, hiệu quả bền vững...

Bây giờ, về các thôn Tân Thạnh, Tân Thịnh, Hà Tây và Phú Khương- nằm ở trung tâm xã Ân Tường Tây- xanh màu xanh của cây trái, những khu dân cư mới hình thành nhộn nhịp dịch vụ mua bán và những ngôi nhà xây kiên cố, cao tầng.

Ông Thu cho biết: “Thu nhập chính của người dân Ân Tường Tây là cây lúa và phát triển trang trại, vườn rừng. Ân Tường Tây cũng đóng góp một lượng lớn xe tải cho đội xe của huyện. Đến cuối năm 2011, tổng sản phẩm xã hội 81,1 tỉ đồng, tăng 16,5 tỉ đồng so với năm 2010. Bình quân thu nhập đầu người đạt 9,1 triệu
đồng/năm, tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2009”.

Ông Thu bảo dù không đứng nhất, nhì huyện nhưng Ân Tường Tây có nhiều tiềm năng về tự nhiên, cộng với ý chí con người để phát triển kinh tế. Trong đó, không thể không nói đến sự đóng góp của người dân ở vùng cứ điểm năm xưa. Nhờ phát triển sản xuất có kết quả, số hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh qua từng năm. Vài năm gần đây, số hộ làm ăn khấm khá của xã xuất hiện ngày càng nhiều; sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế được người dân quan tâm; cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được chú trọng tu sửa và nâng cấp…

3.

Vùng đất một thời bom đạn ngày xưa giờ là một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng. “Năm 2012, Ân Tường Tây xây dựng xã nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, nhưng dịch vụ và xuất khẩu lao động chính là một thế mạnh” - ông Thu nhấn
mạnh.

  • Thanh Bình
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ði cùng năm tháng  (15/04/2012)
Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc  (15/04/2012)
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Tự hào đất học  (15/04/2012)