Chuyện kể về nữ chính trị viên đưa đường năm ấy
8:28', 17/4/ 2012 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Dạc

Theo giới thiệu của một vị cán bộ cách mạng ở địa phương, tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Dạc ở thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ vào một ngày cuối đông. Bà là nữ chính trị viên xã đội Ân Đức từng nhiều lần dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh chiếm Truông Sỏi và các cứ điểm để vào giải phóng quận lỵ Hoài Ân trong chiến dịch Xuân- Hè 1972. Lúc ấy và ngay cả bây giờ, bà con vẫn gọi bà với cái tên thân mật: cô sáu Dạc. Khi biết mục đích chuyến thăm của tôi, cô sáu Dạc cười khiêm tốn: “Chẳng có công trạng gì lớn đâu cháu. Chẳng qua hồi đó địch nó ác quá mình phải tìm cách giết nó nên cô đi nhảy núi”.

Cô sáu Dạc kể rằng, mình theo cách mạng bắt đầu từ mê bài chòi. Hồi nhỏ, đi thả bò trong núi, lân la nghe các anh chị du kích sinh hoạt hát bài chòi hay quá thành mê, rồi nhận truyền đơn, mặc đồ giả làm người nhà chùa đi rải khắp nơi, đội gạo muối giả đi chợ chiều Ân Tín để tiếp tế cho cách mạng. Nhiều lần địch bắt hăm dọa, nhưng cô vẫn kiên quyết không khai. Năm 16 tuổi, cô sáu Dạc thoát ly theo cách mạng, tham gia vào đội du kích xã Ân Đức, làm các nhiệm vụ như: tuyên truyền, vận động thanh niên vào du kích; bí mật vào khu dồn dân do địch kiểm soát để gây dựng cơ sở. Sau đó, cô được cử đi học và về làm Xã đội phó Ân Đức, vừa làm Chính trị viên Xã đội, tổ chức đấu tranh chính trị vừa trực tiếp tham gia chiến đấu.

Để chuẩn bị cho những trận đánh giải phóng Hoài Ân, cô sáu Dạc đã dẫn đường cho nhiều bộ đội đặc công ban đêm vượt sông Kim Sơn, từ Gia Trị ra quận lỵ, sát nách địch, để nắm bắt tình hình, chuẩn bị cho chiến trường. Nhiều khi bị địch phát hiện bao vây, nhưng nhờ thạo địa hình và bình tĩnh, gan dạ, nên cô sáu Dạc đã đưa bộ đội thoát khỏi vòng vây an toàn. Chính sự thông thạo địa hình của người dẫn đường khiến bọn địch nhiều lần phải chịu thất bại. Chúng vô cùng tức tối, bắc loa rao gọi khắp nơi: “Ai bắt được con Dạc sẽ được nhận thưởng 50.000 đồng”. Số tiền này lúc ấy có giá trị bằng mấy cây vàng, nhưng tiền của chúng không làm mờ mắt được người dân. Cô sáu Dạc vẫn được bảo vệ, che giấu ngay sau nách địch.

Trong những lần dẫn đường cho bộ đội, cô sáu Dạc nhớ nhất là trận ở Truông Sỏi vào ngày 18.4.1972, trận này có vai trò vô cùng quan trọng để tiến đến giải phóng quận lỵ Hoài Ân vào ngày 19.4.1972.

Hồi đó, theo Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 thông qua lược đồ chiến dịch và phương án tác chiến, hạ quyết tâm giải phóng quận lỵ và toàn bộ huyện Hoài Ân. Dự kiến tại Hoài Ân sẽ có 6 trận đánh chính, trong đó có Gò Loi là trận mở màn, Hòn Bồ gần cứ điểm Gò Loi là trận then chốt, quận lỵ là trận quyết chiến dứt điểm. Sau khi làm chủ Gò Loi lúc một giờ sáng 9.4.1972, bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng địa phương đánh chiếm các chốt Đồi Đá, Gò Dê, Cầu Bến Vách, dồn địch vào Tân Thạnh để tiêu diệt. Ngày 15.4.1972, chiến đoàn đặc nhiệm 40 của địch tại Hòn Bồ bị đánh thiệt hại nặng, các xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Phong, Ân Đức lần lượt được giải phóng sau đó. Địch ở quận lỵ Hoài Ân không còn khả năng phản kích. Thời cơ giải phóng quận lỵ và toàn bộ Hoài Ân đã đến. Ngày 18.4.1972, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ở nhiều vị trí then chốt xung quanh quận lỵ, như Đồi 75, Đồi Chanh, Nổng Chùa, Truông Sỏi, Núi Một, An Hậu... Trong khi đó, bộ phận chủ lực của ta thọc xuống phía đông Hoài Ân, giáp Hoài Nhơn, chốt chặt Truông Phát, Gò Vàng và cầu Giáo Ba, cắt đường liên huyện không cho địch từ Hoài Nhơn lên ứng cứu, cũng không cho địch bị bao vây ở Hoài Ân tháo chạy.

Lúc bấy giờ tại chốt điểm Truông Sỏi do chiến đoàn 40 lập ổ đề kháng, có xe M113 và pháo yểm trợ cố thủ để bảo vệ quận lỵ. Dốc Truông Sỏi có địa hình phức tạp, địch đang điên cuồng chốt giữ, cần người địa phương thông thạo địa hình dẫn đường mới tránh khỏi thương vong. Trong lúc bộ đội chủ lực đang tìm người dẫn đường, cô sáu Dạc xung phong nhận nhiệm vụ dẫn bộ đội đánh chiếm Truông Sỏi, sau đó là các vị trí còn lại ở thôn Gia Chiểu sát nách quận lỵ, kêu gọi một trung đội dân vệ nổi dậy làm binh biến, ly khai hàng ngũ địch. 3 giờ sáng 19.4.1972, địch trong quận lỵ phá hủy kho tàng, công sự, tập trung xe pháo, quân lính mở đường máu tháo chạy nhưng thế trận bao vây khép kín của ta đã bày sẵn, chúng thất bại hoàn toàn. 11 giờ trưa 19.4.1972, cờ giải phóng ngạo nghễ tung bay trên quận lỵ. Cô sáu Dạc - người nữ chính trị viên xã đội nhiều lần bí mật dẫn đường cho bộ đội - hiên ngang phất cao cờ theo đoàn quân chủ lực vào quận lỵ.

Sau ngày Hoài Ân được giải phóng, cô sáu Dạc được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Ân Đức tiếp tục tham gia xây dựng và giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất.

Thoắt đã 40 năm kể từ ngày Hoài Ân được giải phóng, người nữ chính trị viên đưa đường dũng cảm năm ấy giờ đã bước sang tuổi xế chiều, song mỗi khi được ai hỏi về chuyện hồi đi làm cách mạng, bà vẫn say sưa, háo hức như thời xuân trẻ.

  • VÕ HẠNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gò Loi - ngày ấy, bây giờ  (15/04/2012)
Ði cùng năm tháng  (15/04/2012)
Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc  (15/04/2012)
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)
Động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)