Ðặng Thành Chơn- người con ưu tú của quê hương
15:35', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Chân dung ông Đặng Thành Chơn (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Ảnh tư liệu

Nghiêm khắc nhưng gần gũi và sâu sắc, mạnh mẽ với lý tưởng cách mạng nhưng cũng “bay bổng” với tâm hồn nghệ sĩ… tất cả tạo nên chân dung sinh động của một người con ưu tú đất Hoài Ân đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng đầy tự hào của Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Ðịnh.

Vào thế kỷ 19, có một dòng họ Đặng đến định cư tại xóm Bàu Lá, thôn Gia Chiểu, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Tại đây, dòng họ này đã tiếp nối truyền thống cách mạng, chống ngoại xâm mà tiêu biểu là gia đình ông Đặng Dĩ và bà Trần Thị Lẽ. 6 trong số 7 người con của ông bà đã có công cùng nhân dân Hoài Ân lật đổ chế độ thực dân, phong kiến để lập nên chính quyền cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Người con thứ ba của vợ chồng ông Đặng Dĩ là bà Đặng Thị Thú tham gia khởi nghĩa năm 1945, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 1954, bà Thú là cơ sở cách mạng, bị địch bắt và tra tấn dã man rồi bị giết hại năm 1957. Em kề bà Đặng Thị Thú là ông Đặng Thành Tân cũng tham gia cách mạng trước 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Tân là huyện ủy viên huyện Hoài Ân. Sau 1954, ông hoạt động cách mạng ở quê hương bị địch bắt tra tấn dã man rồi bị thủ tiêu năm 1956…

Được bồi đắp từ truyền thống ấy, người con út của ông Đặng Dĩ là Đặng Thành Chơn đã nỗ lực cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng và dựng xây quê hương, đất nước.

Ông Đặng Thành Chơn (người đầu tiên bên trái) trong một cuộc gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.  Ảnh tư liệu

Người lãnh đạo bản lĩnh và sáng tạo

Đặng Thành Chơn (thường gọi là Tám Lý) được giao đảm nhiệm nhiều công việc ở nhiều địa bàn khác nhau song việc nào ông cũng hoàn thành tốt nhờ có trình độ kiến thức sâu rộng. Ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết: “Tôi hoạt động bám sát chiến trường, còn anh Tám Lý ở khu căn cứ nên ít có điều kiện gặp nhau. Tuy nhiên, chúng tôi nể phục anh bởi trình độ tổng kết thực tiễn để nâng lên thành lý luận. Từ đó, có sự chỉ đạo kịp thời và hiệu quả cho các hoạt động đấu tranh cách mạng…”. 

Trước Cách mạng Tháng Tám, Đặng Thành Chơn là thầy giáo trường làng và tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc của huyện Hoài Ân. Sau tháng 8.1945, ông là Ủy viên Ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc tỉnh. Từ tháng 1.1947, ông chính thức làm Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, sau đó trúng cử Tỉnh ủy viên, phụ trách xây dựng cơ sở ở huyện Tuy Phước. Từ 1950-1953, làm Bí thư đoàn Thanh niên Cứu quốc khu V. Từ 1954-1956, ông là Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Từ 1957-1961, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh. Từ 1962-1965, ông được điều động vào Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Dương Minh Châu, làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam, đại diện cho thanh niên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ 1966-1967, ông được điều động về Bình Định và được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban đấu tranh chính trị khu V. Từ 1968-1973, Đặng Thành Chơn là khu ủy viên khu V và Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

Ông Nguyễn Thu Hoài, nguyên Tổng Biên tập Báo Quyết thắng (giai đoạn 1971-1975) thuộc Tỉnh ủy Bình Định, là người được gần gũi và làm việc nhiều năm với Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thành Chơn đã kể về những kỷ niệm sâu sắc với “anh Tám Lý” trong tập truyện ký “Bình Định những năm tháng chiến tranh”. Ông Thu Hoài viết: “Chính tình yêu nước, yêu đồng bào, ý chí và nghị lực to lớn của anh Tám Lý đã truyền cho cán bộ, chiến sĩ sức mạnh, động viên họ tiến lên. Nhiệt huyết đó giúp anh nắm bắt nhanh chóng quá trình phát triển của chiến tranh, phán đoán và quyết đoán dẫn đến những quyết định đúng đắn, giúp anh sáng suốt khái quát, sơ kết, tổng kết tình hình, rút ra những kinh nghiệm, bài học kịp thời chỉ đạo phong trào năng động, uyển chuyển, táo bạo phản ánh được thực tiễn, có tính lý luận, hợp với logic của thực tại chiến tranh… Anh Tám Lý là một trong những gương mặt tiêu biểu về tài năng, đức độ của lãnh đạo tỉnh Bình Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà quân dân trong tỉnh đều yêu quý, kính trọng và tự hào”. 

Năm 1971, tại Hội nghị tổng kết phong trào đấu tranh chính trị toàn khu V do đồng chí Chu Huy Mân chủ trì, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Đặng Thành Chơn đã lên báo cáo phong trào đấu tranh chính trị của Phù Mỹ trong chiến dịch Xuân- Hè năm 1971. Theo ông, nhờ được sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, hàng vạn quần chúng tay không đã nổi dậy bứt rút hàng loạt đồn bót, giải phóng một vùng rộng lớn ở khu Đông Phù Mỹ. Từ dưới khán phòng có người ý kiến: “Ông Tám Lý nói như Mỹ - ngụy ở Bình Định toàn là đàn bà”. Phát biểu ấy gây ra tranh cãi nên đồng chí Chu Huy Mân đã phải cho tạm dừng hội nghị để chấn chỉnh. Đến buổi chiều, anh Tám Lý tiếp tục báo cáo và thuyết phục được người nghe. Hội nghị sau đó đã tổng kết: “Hãy làm theo cách của Phù Mỹ”.

Từ năm 1974-1975, Đặng Thành Chơn được giao phụ trách an ninh khu V. Đến năm 1976, là Phó Ban Dân vận Trung ương, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1987. Những năm tháng ông Đặng Thành Chơn làm Trưởng ban Ban Tôn giáo của Chính phủ (từ năm 1980-1987), ông đã góp sức cùng Ban Tôn giáo làm đầu mối giúp các tổ chức tôn giáo đi tới thống nhất về tổ chức, xây dựng hiến chương đường hướng hành đạo theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc và đấu tranh có hiệu quả trước âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp thống nhất đất nước. Thời kỳ này, một số tổ chức tôn giáo được thành lập như Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981)…

Bí thư Đặng Thành Chơn (thứ ba từ phải qua) cùng các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định nghiên cứu chỉ đạo chiến dịch Xuân - Hè 1972.  Ảnh tư liệu

“Phong cách sống” Tám Lý

Tám Lý là người rộng rãi, khoáng đạt. Khi làm việc, ông rất nghiêm và quyết đoán; lúc rỗi rãi đời thường thì hòa đồng và hài hước. Những chuyện tiếu lâm ông kể góp phần làm tan biến nỗi mệt nhọc và căng thẳng của chiến trường ác liệt. Ông Thu Hoài kể: “Bí thư Tám Lý thường nói chuyện rất say sưa với những cán bộ dưới quyền lãnh đạo của mình. Anh có thể trò chuyện với anh em cán bộ suốt những vấn đề về tổ chức Đảng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ trẻ và công tác tư tưởng của Đảng bộ. Anh cũng bàn về một đêm biểu diễn văn nghệ hay thơ ca không biết chán, thỉnh thoảng trong lúc cao hứng anh lại hát đôi câu tẩu mã và kể chuyện tiếu lâm rất có duyên. Chính vì thế, anh em rất dễ gần gũi anh. Người ta không những gửi gắm anh một lý tưởng, mà còn gởi gắm những nỗi niềm tâm sự của mình nữa. Anh cho rằng người lãnh đạo không chỉ biết nắm chắc cái chung, mà còn phải biết những chi tiết về tâm lý, sinh hoạt, sở trường sở đoản nữa mới có thể lãnh đạo sâu sát được”.

Ông Đặng Thành Chơn mất cách đây 21 năm. Kỳ họp thứ V, HĐND tỉnh Bình Định khóa X đã công nhận ông là danh nhân lịch sử của tỉnh, quyết định đặt tên ông cho một đường phố ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Ở quê hương Hoài Ân cũng có một con đường mang tên Đặng Thành Chơn. Những người con Hoài Ân sống ở Thủ đô Hà Nội đã lập Quỹ khuyến học Đặng Thành Chơn, duy trì thường xuyên việc trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Khi còn lãnh đạo, Bí thư Tám Lý có một “phong cách sống” theo quan niệm riêng, mặc dù điều này không phải ai cũng thấu hiểu, chia sẻ được trong thời kỳ ấy. Ông Thu Hoài nhớ lại: “Cuối năm đó, gần Tết Nguyên đán, anh Diên An, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh, báo cáo với anh Tám: “Anh Bảy Râu sẽ về ăn Tết và chỉ đạo Chiến dịch Xuân - Hè 1972, đề nghị anh chỉ thị trại lán nên làm gọn lại, không nên trang trí đẹp đẽ như vậy, đề phòng anh Bảy cho mình là hình thức, không tiết kiệm”. Anh Tám trả lời: “Chuyện gì phải làm thế. Anh Bảy cũng muốn ăn no, mặc đẹp, chỗ ở đàng hoàng, chỉ vì không có điều kiện đó thôi. Còn ta có điều kiện để anh em sống thoải mái, chiến tranh hãy còn dài. Phải sống cho đẹp và chết cũng cho đẹp. Đó là phong cách của tỉnh ta từ xưa đến nay. Phong cách là do nhân dân ở đó tạo ra. Nhưng sự hướng dẫn và lãnh đạo của các cấp ủy, của chính quyền và đoàn thể rất quan trọng. Từ đó, danh từ “phong cách sống” bắt đầu xuất hiện ở Bình Định và lan tỏa khắp miền”.

Ông Tám Lý trong ký ức người cháu ruột Đặng Thành Biên (cán bộ cơ yếu thời kháng chiến chống Mỹ) là một người liêm khiết, trung thực và rất thẳng thắn. “Những năm tháng được ở bên cạnh chú Tám, tôi học hỏi được nhiều điều từ phẩm chất đạo đức cách mạng của ông. Có lần, bí thư một huyện khi đi lên căn cứ của ta họp nhưng vẫn dẫn theo cả một tiểu đội để bảo vệ dọc đường và lo phục vụ hậu cần. Chú Tám Lý khi gặp người này đã phê bình là chiến trường đang dầu sôi lửa bỏng, rất cần chiến sĩ để chiến đấu, chứ không phải để đi lo cho lãnh đạo…”- ông Đặng Thành Biên hồi tưởng.  

Bí thư Tám Lý rất quý trọng giới báo chí và văn nghệ sĩ. Bản thân ông cũng là người am hiểu văn hóa các vùng miền, đã sáng tác nhiều bài thơ được đăng báo, sáng tác các bài hát bài chòi tuyên truyền cách mạng. Anh Hồ Việt Quốc, cán bộ phụ trách văn hóa - văn nghệ của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Ân, bày tỏ: “Với tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng cao đẹp, bác Tám Lý đã viết nên những lời ca hào hùng từ ký ức sống động của mình. Những lời ca bài chòi: “Quê ta khói lửa đã từng. Thế ta vững lực ta hùng. Chí ta như thép như đồng không lay. Lời di chúc Bác còn ghi. Tự do độc lập không gì quý hơn. Dù cho sông cạn đá mòn. Lời thề trước Bác sắt son một lòng. Quyết tâm chiến đấu đến cùng. Quê ta giải phóng cờ hồng - cờ hồng tung bay” trong tác phẩm “Bài ca quê hương” của ông chính là nguồn cảm hứng để tôi dàn dựng vở ca kịch “Kỳ diệu một lời ru” được đông đảo người xem ưa thích…”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện kể về nữ chính trị viên đưa đường năm ấy  (15/04/2012)
Gò Loi - ngày ấy, bây giờ  (15/04/2012)
Ði cùng năm tháng  (15/04/2012)
Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc  (15/04/2012)
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)
Bí thư Xã đoàn mê ươm cây giống  (15/04/2012)