Bản hùng ca Xuân Sơn
15:53', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Trở lại đồi Xuân Sơn vào một ngày xuân Nhâm Thìn, dưới những hạt mưa rơi không còn nặng hạt lớt phớt bay, tôi chỉ tìm được những bao tải đựng cát còn vương lại đã mục nát, vài đoạn dây thép gai rỉ sét. Năm tháng qua đi, dấu vết chiến trường xưa hầu như không còn đậm nét. Gặp những cựu chiến binh, cán bộ nguyên là lãnh đạo xã thời kháng chiến ai cũng bảo - cụ Lê Yên (bí danh Lê Trung, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã lúc bấy giờ) là người nắm đầy đủ nhất về “bản hùng ca Xuân Sơn”.

Cụ Lê Yên (người đứng đầu tiên bên trái) đang kể lại diễn biến trận chiến Xuân Sơn.

Cụ Yên nay tuy đã gần 90 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh với giọng nói rõ ràng và còn rất minh mẫn để làm một thầy thuốc Đông y ở xã Ân Hữu. Bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân xong, cụ cùng tôi trở lại Khu di tích Xuân Sơn (thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu). Phải đến tận nơi mới dễ hình dung mảnh đất chiến tích xưa. Cụ Yên rủ thêm hai người bạn già cùng tôi cuốc bộ gần 2 km lên Khu di tích Xuân Sơn.

Những ngày rực lửa

Cụ Yên cười móm mém nói: “Chiến trường xưa nằm tuốt trên đồi xa đằng kia kìa. Nay tôi đã già rồi, chân không thể bước lên nổi. Tôi vẫn thường được các trường học mời đến bia di tích này kể chuyện lịch sử cho đám trẻ nghe”.

Đồi Xuân Sơn, vốn có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Chỉ tay về phía dòng sông Hội Văn, cụ Yên kể:

Cụ Lê Yên đang đọc cho bạn nghe lại những ngày hào hùng tham gia trận chiến Xuân Sơn trong cuốn hồi ký của mình.

…Khoảng chiều 14.12.1966, sông Kim Sơn và sông Nước Lương nước dâng cao làm ngập các bãi sông Nhơn Tịnh, Nhơn Sơn, Ân Nghĩa. Các trận địa pháo tiểu đoàn tăng cường lính Mỹ ngập sâu. Địch dùng máy bay trực thăng một chong chóng và hai chong chóng của cứ điểm lính Mỹ ở Gò Loi đến bốc lính cùng 12 khẩu pháo lên đổ xuống chiếm đồi Xuân Sơn. Lúc bấy giờ, tôi đang giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Ân Hữu. Điều tra nhanh, biết trận địa pháo của địch chưa kịp xây công sự kiên cố, bọn Mỹ lại đang thất kinh vì thời tiết khắc nghiệt ở Xuân Sơn, tôi báo cáo nhanh lên Huyện ủy. Thông tin này, ngay lập tức được chuyển đến Ban chỉ huy Sư đoàn 3. Ngay ngày hôm sau (15.12), trinh sát của Sư đoàn 3 đã về điều nghiên và bố trí lực lượng Trung đoàn 12 và 22 về đóng quân tại xã Ân Hữu.

Đúng 1 giờ sáng 26.12, Trung đoàn 12 và 22 bất ngờ nổ súng đánh căn cứ Xuân Sơn. Lực lượng bộ đội và du kích xã đánh rất nhanh và rát, quyết không cho địch hoàn hồn, ứng phó. Cuối cùng, quân ta đã diệt gọn 1 tiểu đoàn pháo binh Mỹ, phá hủy 12 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, diệt gọn tổng cộng 600 lính Mỹ. Nhờ đánh úp nên ta tổn thất rất ít.

Nhiều kỷ vật của du kích xã, bộ đội Trung đoàn 12 và 22 trong tủ tư liệu lịch sử của xã.

Ấm áp tình quân dân

Trận thắng Xuân Sơn phần lớn công trạng thuộc về Trung đoàn 12 và 22 của Sư đoàn 3. Song Sư đoàn 3 lại đánh giá rất cao đóng góp của người dân và lực lượng du kích địa phương. Sự giúp đỡ, động viên tinh thần đã giúp bộ đội thắng lớn - nhiều lãnh đạo của Sư đoàn 3 nhận xét như thế.

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Quang, 72 tuổi, nguyên là Trung đội trưởng du kích xã Ân Hữu. Ông Quang kể lại, khi biết tin bộ đội chủ lực về, nhân dân trong xã đã chia nhau ra làm ba cụm ở các thôn Liên Hội, Hà Đông, Hội Nhơn để góp gạo, lương thực, tải thương. Ông Quang nhớ lại: “Ngày ấy, mỗi thôn chỉ còn có 9-10 gia đình sinh sống, chủ yếu là người già và trẻ em. Không ai bảo ai, đàn ông thì đào hầm trú ẩn, lo chế băng tải thương, đòn khiêng; phụ nữ thì vét gạo, sắn, lương thực để tổ chức nấu cơm, luộc sắn tiếp tế cho bộ đội. Du kích xã thì dẫn đường, hỗ trợ chiến đấu khi cần. Trẻ em trở thành liên lạc, đưa cơm, nước cho bộ đội. Khắp nơi, từ ngõ trên xóm dưới tất bật nhưng vẫn yên ắng, trật tự, không để địch phát hiện sự bất thường. Khí thế đánh giặc trong lòng người dân hừng hực một niềm tin chiến thắng”.

Đây là điểm quân Mỹ đóng căn cứ trên đồi Xuân Sơn vào năm 1966.

Những ngày ấy, trời mưa tầm tã, việc tiếp tế cho bộ đội khó khăn. Du kích xã phải đi canh gác, dò đường ngày đêm để bộ đội rút lui. Phần nữa, bị thua đau, lính Mỹ tăng cường thêm Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 phối hợp với Sư đoàn “kỵ binh bay” tiến hành bủa vây mọi ngả đường mà chúng nhận định có thể là lối rút quân của ta.

Cụ Yên kể tiếp: “Liên tục mấy ngày sau, du kích xã bắn rơi 5 máy bay trực thăng. Đây là thành quả lớn của quân dân địa phương. Bộ đội ta mang vác vũ khí phải khiêng cáng thương binh, vừa phải tổ chức đánh chặn địch, vừa cắt rừng lấy lối đi. Lương thực hết không còn gì để ăn, thương binh thì thiếu thuốc, đói; người dân đành ăn sắn, khoai để dành chia cho bộ đội gạo ăn cho ấm lòng, lấy sức để hành quân”.

Du kích của xã đi bố trí phòng địch càn vào rừng. Ảnh tư liệu của cụ Lê Yên

 

Trong tập sách “Sư đoàn 3 Sao Vàng - Ký sự” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1984 ghi: Có thể nói, trận Xuân Sơn, trận Long Giang - Lộc Giang toàn thắng như viết tiếp vào bản hùng ca tuyệt vời về lòng dũng cảm, đức hy sinh, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3, cụ thể là Trung đoàn 12 và 22. Mười năm chiến đấu trên chiến trường trọng yếu của Quân khu V, Sư đoàn 3 Sao Vàng luôn được đùm bọc, chở che với tình cảm thân thương của người dân Ân Hữu. Trận tập kích Xuân Sơn kết thúc Chiến dịch Đông - Xuân (1966-1967) của Sư đoàn. Trận thắng này đã giáng một đòn nặng vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân Mỹ trên chiến trường Bình Định nói chung và Hoài Ân nói riêng...

Đồi Xuân Sơn là khu đồi đất thấp, mặt bằng khá rộng, có lợi thế về quân sự; hơn nữa, khu đồi này được bao bọc bởi con sông Nước Lương. Chốt điểm này cắt đứt tuyến đường từ Hoài Ân đi Phù Cát và Vĩnh Thạnh.

Bộ Tư lệnh Quân khu V tổng kết: Trận Xuân Sơn là trận đánh điển hình của Quân khu về tập kích và diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, mở ra khả năng cho quân chủ lực thực hiện rộng rãi hình thức tập kích diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ðặng Thành Chơn- người con ưu tú của quê hương  (15/04/2012)
Chuyện kể về nữ chính trị viên đưa đường năm ấy  (15/04/2012)
Gò Loi - ngày ấy, bây giờ  (15/04/2012)
Ði cùng năm tháng  (15/04/2012)
Ngàn ngày giữ đất - hồi ức của những người trong cuộc  (15/04/2012)
Nhớ mãi cô du kích Ân Tường năm ấy  (15/04/2012)
“Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Hoài Ân đi lên”  (15/04/2012)
Ðiểm sáng phong trào Thi đua quyết thắng  (15/04/2012)
“Chìa khóa” phát triển kinh tế - xã hội  (15/04/2012)
Ðảng đồng lòng, dân chung sức  (15/04/2012)
Ðánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh  (15/04/2012)
Hướng đến một miền đất trung du giàu đẹp  (15/04/2012)
Niềm vui từ những khu tái định cư mới  (15/04/2012)
Vượt khó, làm giàu  (15/04/2012)
Giỏi việc nhà, đảm việc hội  (15/04/2012)