Cách đây 81 năm, tại ngôi miếu cổ dưới gốc cây sộp cổ thụ giữa cánh đồng Bà Tấn ở thôn Vạn Ðức (nay là thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín), chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân đã được thành lập.
|
Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Ảnh: VĂN LƯU
|
1.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Hoài Ân, tháng 6.1931, Huyện ủy Hoài Nhơn phân công đồng chí Đoàn Tính, Huyện ủy viên kiêm Bí thư Chi bộ Nam Hoài Nhơn về Vạn Đức (Ân Tín) để xây dựng lực lượng hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Đầu tháng 7.1931, sau một thời gian tuyên truyền giác ngộ về Chính cương, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam cho một số cán bộ cốt cán trung kiên, tại thôn Vạn Đức, đồng chí Đoàn Tính đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân. Buổi đầu, Chi bộ Vạn Đức gồm ba đồng chí: Nguyễn Châu, Phan Cân và Trần Hành, do đồng chí Nguyễn Châu làm bí thư.
Ngay khi vừa ra đời, dù với số lượng đảng viên ít, lại trong thời điểm gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nhưng Chi bộ Vạn Đức đã nhanh chóng tuyên truyền giác ngộ và tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước trong huyện, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, giữ vững phong trào đấu tranh của quần chúng, trở thành hạt nhân lãnh đạo của phong trào cách mạng ở địa phương. Đặc biệt, với vai trò lãnh đạo của mình, Chi bộ Vạn Đức đã huy động lực lượng quần chúng, các tầng lớp xã hội tham gia cuộc biểu tình vũ trang ủng hộ cuộc đấu tranh ngày 23.7.1931 của nhân dân Hoài Nhơn tại cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh, ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đòi nhà cầm quyền Pháp và tay sai chấm dứt cuộc khủng bố trắng đối với đồng bào Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi, đòi giảm sưu cao thuế nặng... góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn 2 huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn phát triển mạnh mẽ.
Tuy sau một thời gian hoạt động, Chi bộ đã bị đàn áp dã man, các đảng viên bị tù đày và hy sinh anh dũng, nhưng Chi bộ đã gieo được những “hạt giống đỏ”, khơi dậy lòng yêu nước và làm cho người Hoài Ân luôn hướng về Đảng, đi cùng Đảng và làm theo sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 24.8.1945, để cùng cả tỉnh và cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Từ đó, Hoài Ân trở thành vùng căn cứ cách mạng vững chắc của Tỉnh ủy Bình Định, của Liên Khu V và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung bộ trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp… Đồng thời, Hoài Ân cũng vinh dự là huyện đầu tiên của Bình Định được giải phóng và giữ vững vùng giải phóng từ ngày 19.4.1972 cho đến ngày Bình Định và miền Nam hoàn toàn giải phóng vào năm 1975.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Hoài Ân đã phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các chính sách xã hội ngày càng được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Đảng bộ đã thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của địa phương, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cách mạng đi trước.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Hoài Ân cắt băng khánh thành Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Ảnh: VĂN LƯU
|
2.
Cây sộp cổ thụ, “nhân chứng” của sự kiện thành lập Chi bộ Vạn Đức, sự kiện đầy tự hào của đất và người Hoài Ân diễn ra cách đây 81 năm, nay vẫn đứng đó uy nghi giữa cánh đồng Bà Tấn ở thôn Vạn Hội 2 và ngày càng sum suê, tỏa bóng mát rượi. Cạnh cây sộp là tấm bia ghi dấu di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức (được UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích vào tháng 6.2007), khẳng định: “Sự ra đời của Chi bộ Vạn Đức đã góp phần to lớn vào việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Chi bộ đối với phong trào cách mạng ở địa phương”.
Để ghi nhớ sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa lịch sử cách mạng này, để nơi ra đời Chi bộ xứng đáng là di tích lịch sử cấp tỉnh, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Ân đã quyết định huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Tại buổi Lễ mít tinh kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ Vạn Đức, ngày 27.7.2011, Huyện ủy Hoài Ân đã kêu gọi cán bộ, đảng viên và toàn dân trong huyện phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia trách nhiệm, chung sức xây dựng Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức thành địa chỉ văn hóa - lịch sử tiêu biểu. Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân đó đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đồng lòng, tích cực hưởng ứng.
Hưởng ứng Cuộc vận động, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài huyện tham gia đóng góp. Bên cạnh đó có sự ủng hộ của các huyện Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các ban, ngành của huyện và cán bộ, đảng viên, mỗi người đều đóng góp nhiều ngày lương. Người dân, doanh nghiệp tùy tấm lòng mà đóng góp. Có những đảng viên lớn tuổi đóng góp cả tháng lương hưu, hay vài triệu đồng vào việc xây dựng Khu di tích. Qua cuộc vận động đã nổi lên tấm gương của nhiều tổ chức, cá nhân nhiệt tình vận động và đóng góp với cả tấm lòng như: Ngành Giáo dục - Đào tạo huyện, Đảng bộ Thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Sơn, Ân Hảo Đông, Ân Tín, cựu chiến binh xã Ân Đức; đồng chí Lê Minh Thị (xã Ân Hảo Đông), Trần Canh (xã Ân Đức), Kiều Tràng Thành (cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)… đã tự nguyện đóng góp một tháng lương của mình. Tính đến nay, huyện đã huy động được hơn 1,4 tỉ đồng đóng góp xây dựng công trình. Đây là hành động thể hiện sự tri ân, niềm tự hào của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh.
Và kết quả của hành động đầy ý nghĩa này là, ngày 31.3 vừa qua, tại thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức trọng thể Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện. Đây cũng là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân. Toàn bộ khuôn viên Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức rộng 5.400m2, gồm nhà lưu niệm, bia di tích và đường bê tông từ đường liên thôn đi qua cánh đồng vào Khu lưu niệm.
|
Một góc xã Ân Tín hôm nay. Ảnh: VĂN LƯU
|
3.
Ra đời trong thời điểm phong trào cách mạng địa phương bị tổn thất nặng nề do sự khủng bố trắng của địch, thời gian tồn tại của Chi bộ Vạn Đức không nhiều (7.1931 - 8.1931), song đó là những tháng ngày đấu tranh bất khuất của tổ chức Đảng và nhân dân Hoài Ân.
Việc Hoài Ân, cùng với Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ trở thành những địa phương của tỉnh sớm thành lập tổ chức Đảng đã trở thành niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ đảng viên và nhân dân Hoài Ân hơn 80 năm qua. Niềm tự hào đó đã được Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân các thế hệ, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa- hiện đại hóa quê hương, biến thành bài học về tinh thần tiên phong, xung kích, bất khuất, anh dũng đấu tranh, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ, đem lại hòa bình, cơm no, áo ấm cho dân. Và công trình Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức vừa hoàn thành, được xây dựng bằng chính sự đóng góp của người dân Hoài Ân, là một trong những minh chứng cho tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân trong huyện, vượt qua mọi khó khăn, nhằm lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 40 năm giải phóng Hoài Ân. Không chỉ với riêng Hoài Ân, Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức - nơi tưởng niệm các bậc tiền bối cách mạng - sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau và trở thành một thiết chế văn hóa lịch sử.
Tin rằng, ý nghĩa lịch sử của sự ra đời Chi bộ Vạn Đức - chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân - sẽ tạo niềm tin và động lực để Đảng bộ huyện Hoài Ân ngày càng vững bước, đoàn kết, lãnh đạo xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
|