Rừng Bà Bơi thuộc T2, xã Bok Tới, nơi Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng - Quân khu V) ra đời vào ngày 2.9.1965 (dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Từ mốc sự kiện lịch sử này, Rừng Bà Bơi đã gắn liền với những chiến công oanh liệt của Sư đoàn 3 anh hùng và quân dân Hoài Ân, Bình Ðịnh trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Với người Hoài Ân, mật danh T2 - căn cứ Bà Bơi như một chứng nhân lịch sử!
|
Chiến tranh đã lùi xa, những làng Bana yên bình nằm dưới chân khu căn cứ cách mạng xưa. Ảnh: Võ Chí Hà |
Kiên cường trong lửa đạn
Sư đoàn 3 – Sư đoàn Sao Vàng ra đời trong hoàn cảnh quân dân Bình Định và Hoài Ân đương đầu với hàng vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu ráo riết chuẩn bị các cuộc phản công lớn. Từ khi ra đời, Sư đoàn 3 với khẩu hiệu hành động “Trung thành, anh dũng, ra trận là chiến thắng, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trở thành nòng cốt của lực lượng vũ trang Quân khu V trên chiến trường Bình Định, gắn bó máu thịt với chiến trường Hoài Ân và Bình Định.
Trở thành chiến sĩ đứng trong hàng ngũ của Sư đoàn là vinh dự của con em Hoài Ân, con em Bình Định. Từng làng, từng xã, nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là hậu phương tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm, thuốc men… đánh Mỹ của Sư đoàn. Căn cứ Bà Bơi (mật danh T2) và Sư đoàn Sao Vàng là niềm tự hào, niềm tin quyết thắng của nhân dân Bình Định đồng thời là nỗi ám ảnh của Mỹ - Ngụy. Trong từng chiến công, sự trưởng thành về chiến thuật, kỹ thuật tác chiến của Sư đoàn Sao Vàng trên chiến trường khu V là đóng góp vô cùng to lớn, anh dũng của quân dân Hoài Ân.
|
Bia di tích Rừng Bà Bơi được xây dựng năm 2005. Ảnh: Võ Chí Hà |
10 năm chiến đấu trên chiến trường trọng yếu khu V, Sư đoàn Sao Vàng luôn được đùm bọc, chở che với tình thương của người dân Bình Định nói chung, người dân Hoài Ân nói riêng. Đất và người nơi đây đã trở thành máu thịt của họ. Riêng với đồng bào Bok Tới, với sự anh dũng, kiên cường trong đấu tranh giữ nước và tái thiết, xây dựng, phát triển quê nhà, nơi đây được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.
Ngày ấy, bây giờ…
Hiện nay, nơi thành lập Sư đoàn 3 vẫn còn dấu vết hầm trú ẩn, hầm pháo và nền lán trại trong thời kỳ đóng quân, mặc dù là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy với hàng trăm tấn bom đạn đã đổ xuống nơi này. Ngay khi quê hương thanh bình, đồng bào Bana nơi đây đã khai hoang phục hóa, tạo lên những cánh đồng bậc thang hai vụ, lúa rẫy trĩu hạt, đưa chứng tích một thời đạn bom khốc liệt vào ký ức. Ngày 9.1.2006, Rừng Bà Bơi được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử - cách mạng cấp tỉnh. Cạnh di tích là nghĩa trang liệt sĩ xã Bok Tới, phần lớn liệt sĩ là chiến sĩ của Sư đoàn Sao Vàng, đã chiến đấu, bảo vệ cho mảnh đất này và mãi mãi ngủ yên trong sự chở che, chăm sóc của những người con Ba na núi rừng Bok Tới.
|
Nông dân làng T2 đi làm đồng. Ảnh: Võ Chí Hà |
Trong kháng chiến, căn cứ Bà Bơi mang bí danh T2. Hiện nay, đây cũng là tên gọi cho một ngôi làng Bana nằm yên bình dưới chân núi, tập trung người Bana lập làng, định cư, xây dựng đời sống ngày càng no ấm, trở thành khu dân cư tiên tiến nhất của xã Bok Tới. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được xem là quà tặng quý giá cho vùng chiến địa một thời này. Và bà con Bana một lòng theo Đảng, theo cách mạng cả trong thời chiến lẫn thời bình ở đây đã biết cách khai thác lợi thế ấy, tạo ra mùa màng, cải thiện cuộc sống từng nếp nhà nơi đây. Ông Đinh Xuân Á, Bí thư Đảng ủy xã, không giấu nổi niềm tự hào: “Làng T2 là “bộ mặt” của xã! Làng định cư đến nay đã gần 30 năm; lúc đầu chỉ vài hộ nay đã có cả trăm hộ. Sống trên “vùng đất thiêng”, uống mạch nước cách mạng, đồng bào rất đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, chăm lo đời sống”. Đi kèm với phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân làng T2 luôn ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc truyền thống hài hòa với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thành quả là từ năm 1999, T2 được công nhận là khu dân cư có cuộc sống mới, năm 2001 được huyện công nhận đạt Làng văn hóa và năm 2003 được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh- một trong những làng vùng cao đầu tiên đạt danh hiệu này.
Có dịp lên Bok Tới, đến với di tích Rừng Bà Bơi, trong mỗi chuyến đi, chúng tôi cảm nhận được mình đang chạm vào một vùng đất cách mạng hào hùng. Bất giác như có gì thôi thúc, lặng ngước nhìn lên, Rừng Bà Bơi bao trùm một dải xanh, chở che làng mạc yên bình bên dưới, nghe bên tai như trùng điệp, rầm rập bước chân hành quân của Sư đoàn Sao Vàng năm xưa. Rõ ràng trước mắt chúng tôi, các bok, các mí mải mê chăm sóc ruộng lúa đang lên xanh nõn nà dưới chân núi, xa xa trong trẻo tiếng trẻ thơ nghịch đùa cười vang làng vắng.
Rừng Bà Bơi, một thời đạn bom, ngàn đời hòa bình!
Địa điểm thành lập Sư đoàn Sao Vàng thuộc khu rừng Bà Bơi nằm trong hệ thống khu rừng đầu nguồn thuộc núi Kim Sơn của hệ thống Trường Sơn nam (trên tỉnh lộ 630).
Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, tên gọi Bà Bơi đến nay vẫn chưa được giải thích một cách thấu đáo, bởi có nhiều giả thuyết về tên gọi này mang tính dân gian, truyền thuyết. Di tích nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoài Ân 25km về phía Tây, khu vực này trước đây thuộc làng Nghĩa Nhơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân; năm 1949 thuộc làng Nước Dòng xã Vĩnh Nghĩa, huyện Vĩnh Thạnh; đến nay thuộc làng T2 xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. |
|