Tác phẩm Ở lại với dòng sông (tập 1) là hồi ký của đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, được Nhà xuất bản Văn học Hà Nội xuất bản năm 2005, do nhà báo, nhà thơ Xuân Mai thể hiện. Tác phẩm Ở lại với dòng sông là một bản anh hùng ca về tinh thần đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của nhân dân tỉnh Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Toàn bộ tác phẩm có ba chương. Nhân kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng tỉnh nhà (31-3-1975 - 31-3-2007), Báo Bình Định điện tử trích giới thiệu một số phần trong tác phẩm gồm:
- Lên với đầu nguồn
- Núi rừng rung chuyển
- Khu Đông dậy sóng
- Những ngày đầu đánh Mỹ
- Những bức điện khẩn và ngày chiến thắng
LÊN VỚI ĐẦU NGUỒN
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954û của Việt Nam, đế quốc Pháp đã thất bại hoàn tòan trên chiến trường Đông Dương; đồng thời cũng kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam ta chống thực dân Pháp. Hiệp Định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, đất nước ta tạm chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng; miền Nam còn trong vùng tạm chiếm của thực dân Pháp.
Tháng 5 năm 1954, giải phóng Kon Tum. Sau khi được chứng kiến những ngày vui mừng chiến thắng của nhân dân, tiếng ca hát cùng tiếng cồng chiêng âm vang rộn rã thôn xóm, núi rừng Kon Tum, tôi về lại Bình Định trong đoàn quân của Khu tiếp quản Quy Nhơn. Một trong những công việc của chúng tôi bấy giờ là vận động nhân dân đổi tín phiếu lấy tiền Đông Dương. Mọi việc đang tiến hành thì tôi phải nghỉ mất hai mươi ngày vì những cơn sốt rét ác tính tái phát. Sốt rét hành hạ chực đánh gục tôi, nhưng được anh em quan tâm chăm sóc nên tôi gượng dậy được, tuy nhiên trông tôi lúc đó chẳng khác gì một con cá khô.
Lúc này là trong thời bạn ba trăm ngày chuyển quân theo quy định của Hiệp định. Thời gian chuyển giao hai bên tính từ ngày 20 tháng 7-1954 là ngày ký Hiệp định đến tháng 7-1955, quân Pháp sẽ rút khỏi miền Bắc, chuyển vào Nam; và trong vòng hai năm quân đội Pháp phải rút khỏi miền Nam, lúc đó đến ngày 20 -7-1956, nhân dân hai miền Nam Bắc sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Nhưng ngay khi chữ ký Hiệp định chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã dùng con bài Ngô Đình Diệm để gạt Pháp ra và độc chiếm miền Nam, âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng…
Đứng trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, trước những khó khăn to lớn, bộn bề lại ập ngay trước mắt, với tầm chiến lược nhìn xa trông rộng, Đảng ta đã có những chủ trương mới được triển khai cấp bách đến từng tỉnh: một mặt tổ chức cho một bộ phận cán bộ đảng viên được chuyển đi tập kết ra Bắc, cùng đồng bào xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời bố trí sắp xếp lực lượng cán bộ, đảng viên ở lại hoạt động bí mật, xây dựng hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống xã gọn nhẹ cùng đồng bào miền Nam đấu tranh tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân chủ nhân dân.
Thực hiện chủ trương chung, Tỉnh ủy Bình Định cũng bố trí một số đồng chí chuyển vùng hoạt động và sắp xếp cho các đồng chí nơi khác chuyển đến, đảm bảo được bí mật. Mỗi huyện, thị được bố trí từ tám người đến mười lăm người. Những cán bộ đảng viên được bố trí công tác là những đồng chí trung kiên, tự nguyện ở lại hoạt động.
Khi được cán bộ khu mời lên hỏi ý kiến, tôi cũng nghĩ ngay là tôi sẽ ở lại hoạt động. Và tôi đã trình bày những suy nghĩ của mình.
Nếu trên quyết định tôi ra Bắc thì ra đó nhất định phải cố gắng học xong đại học; tôi sẽ học, luyện thêm cho vốn tiếng Pháp của mình được thành thạo, rồi cũng sẽ đi làm việc như nhiều anh chị em khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình còn trẻ, tôi sẵn sàng ở lại tiếp tục sự nghiệp cứu nước cũng là vinh dự. Nếu ở lại, tôi làm gì cũng được, có thể đi dạy tiểu học hoặc lao động chân tay, tôi không có nghề gì cụ thể.
“Ở lại” tuy chỉ có hai tiếng nghe đơn giản vậy thôi, nhưng tôi biết chắc chắn là phải chịu đựng mọi điều hiểm nguy, có thể bị địch bắt, tra tấn tù đày, có thể bị giết… Vì tôi đã biết, ngay sau khi ký kết hiệp định, nhiều nơi bọn địch đã tàn sát đẫm máu đồng bào ta. Đối với đảng viên, cán bộ kháng chiến chúng đã công khai đe doạ trên đài phát thanh “giết hết cán bộ Việt Minh, treo giải thưởng cho ai bắt được cán bộ…” và chúng đã thực hiện một cách tàn bạo. Như ở tỉnh Phú Yên, trong hai tháng 9 và10 năm 1954, địch đã giết bảy trăm hai mươi mốt cán bộ, đảng viên và người kháng chiến cũ; hay tại Chiên Đàn tỉnh Quảng Nam, cuối tháng 9- 1954, chúng đã lùng bắt, bắn chết, làm bị thương một trăm người kháng chiến cũ… Có thể tôi cũng bị bắt, có thể tôi cũng bị địch giết hại như những đồng chí của mình. Nhưng tôi nghĩ, chết vì dân, vì nước là cái chết vinh quang, tôi sẵn sàng chấp nhận.
Đề đạt của tôi được tổ chức chấp thuận. Tuy nhiên, qua trao đổi tổ chức cũng cân nhắc kỹ. Nếu bố trí tôi ở lại Bình Định dạy tiểu học hoạt động thì lộ ngay vì rất nhiều người biết tôi, bạn học của tôi ở Quy Nhơn rất nhiều, Ngô Du lúc chưa theo Pháp cũng là bạn học. Vì vậy, không thể bố trí tôi dạy tiểu học được, chắc tôi phải chuyển vùng. Đồng chí cán bộ tổ chức trao đổi cởi mở :
- Bố trí anh ở miền núi, anh thấy thế nào ?
- Thế thì tốt!
- Anh về Vĩnh Thạnh, được không?
- Càng tốt, vì tôi quá quen thuộc với núi rừng ở đây.
Tôi biết, tháng 4-1947, tỉnh Bình Định lập bốn huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Kim Sơn và An Lão. Khoảng cuối năm 1952, theo chủ trương của khu, huyện Vĩnh Thạnh nhập vào tỉnh Gia Kon (Gia Lai -Kon Tum); đến tháng 4-1954, Vĩnh Thạnh mới trở lại là một huyện của tỉnh Bình Định. Thời gian trước tôi đã nhiều lần công tác ở vùng này, vì vậy, tôi thấy mình hoạt động ở đây sẽ có nhiều thuận lợi.
Tôi cũng đã biết, hoạt động ở vùng cao Vĩnh Thạnh khó khăn như thế nào. Đó là nơi rừng núi thâm u với biết bao thú rừng hung dữ và cạm bẫy đèo cao, vực sâu như chực sẵn nuốt chửng con người; đó là rừng thiêng nước độc, ít người bình thường dám bước chân đến, những cơn sốt rét sẽ hành hạ cơ thể hết năm này qua tháng nọ; có người vàng da, bủng beo, sắc mặt thâm xịt như chì; thậm chí có người bụng cứ ngày càng chương phình lên, không thuốc nào chữa khỏi, đó là do sốt rét lưu niên, bệnh nặng chuyển sang giai đoạn cuối có tên là xơ gan cổ trướng, thuộc tứ chứng nan y…
Ngoài rừng thiêng nước độc, con người cũng thật khó hiểu, họ có một đời sống riêng, một lối sống riêng, một cách làm ăn khác lạ mà người thường không biết họ, không dám tới gần…
Thế nhưng, từ đầu thế kỷ 17, nhiều giáo đoàn khác nhau thuộc các quốc gia phương Tây ở bên kia bán cầu xa lắc xa lơ, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã đến nước ta truyền giáo; họ đã tới tìm hiểu và cùng sống tại các vùng dân tộc ít người của ta… Và những người dân bản xứ bị coi là mọi rợ, lạc hậu ấy đã từng đứng lên đấu tranh chống lại giặc Pháp trước nguy cơ giống nòi, cộng đồng bị đe doạ.
Người phương Tây, không cùng nòi giống với người dân tộc ít người của ta mà họ có thể cùng ăn, cùng ở, thì tại sao tôi- cùng một nòi giống với bà con dân tộc ta lại không làm được điều đó? Tôi là người cộng sản không thể kém người truyền giáo phương Tây. Và điều thôi thúc mạnh mẽ hơn để tôi có được quyết tâm ở lại trong vùng đồng bào dân tộc, đó là vì Đảng, vì cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc của chúng ta. Chính những điều đó đã thắp sáng ngọn lửa trong tim tôi, thúc dục tôi tiếp tục dấn thân vào cuộc trường chinh vĩ đại này của dân tộc.
Vậy là việc “ở lại” của tôi đã được quyết định chóng vánh.
Trong thời gian này, các đơn vị bộ đội cùng nhiều đồng chí cán bộ và gia đình cán bộ lãnh đạo từ cấp xã trở lên theo chủ trương của đảng được tập kết ra Bắc bằng đường biển trên các chuyến tàu của Liên Xô, Ba Lan, Na Uy ở cảng Quy Nhơn.
Bến cảng Quy Nhơn vừa được tươi tắn lại sau những ngày đình chiến không bao lâu lại chứng kiến một cảnh đưa tiễn chia ly thật là cảm động. Vợ chồng, cha con, anh em, đồng đội ôm nhau lưu luyến; ai cũng giơ hai ngón tay, hẹn nhau hai năm gặp lại; đợi ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ đoàn tụ, sum vầy…
Hôm tôi đưa vợ và con xuống Quy Nhơn, lên tàu tập kết ra Bắc trong niềm lưu luyến, bùi ngùi. Cả nhà đi đò dọc sông Kôn. Vợ chồng nhìn nhau nén niềm thương nỗi nhớ trong lòng, chỉ nói những chuyện liên quan đến mấy đứa nhỏ. Tôi ẵm cháu Tâm mới ba, bốn tuổi, suốt đường đò cháu chẳng biết say sóng là gì, đôi tay bé xíu luôn chỉ chỏ cây cỏ hai bên bờ, miệng nói bi bô đến mệt, rồi lăn ra ngủ. Tôi nhớ cháu Khanh mười tuổi, đã bắt đầu vào cái tuổi nhổ giò, ai cũng bảo cháu có cái dáng cao cao giống cha, nhưng đặc biệt lại có chiếc răng khểnh giống mẹ, thật dễ thương. Khanh đã đi trước theo đoàn học sinh. Ra Bắc cháu sẽ biết giúp mẹ làm một số việc. Tôi thấy vợ tôi buồn, nhưng có phần yên tâm khi nghe tôi nói, giải quyết xong các công việc còn lại, tôi sẽ ra sau. Mẹ Khanh nhìn con trai hồn nhiên trong giấc ngủ, thì thầm nói với tôi:
- Mình ạ, có lẽ lần này sinh con gái hay sao ấy. Tôi thấy trong mình nó khang khác, không nghén nhiều như lần mang thai hai thằng anh…
Tôi nắm chặt bàn tay vợ, vuốt nhẹ lên vai em và nhắc em giữ gìn sức khoẻ. Lòng tôi thương mẹ Khanh vô cùng nhưng không thể nói được nhiều. Em là người vợ hiền, dâu thảo, đảm đang nuôi con cho tôi yên lòng triền miên với các đợt công tác, hết rừng núi này đến chiến trườøng nọ. Bây giờ đang mang thai, lại một mình con mang con dắt ra đi. Đã thế mà tôi vẫn còn phải dấu vợ nhiệm vụ bí mật của mình, cứ để em đi với niềm hy vọng.
Tôi có ít tiền từ bán chiếc xe đạp Pacipic mua được sau hồi đi chiến trường Kon Tum về, đưa tất cả cho vợ và dặn:
- Ba mẹ con ra trước, tôi ra sau. Mình xưa nay không quen làm nông, ở nhà chỉ biết ươm tơ dệt lụa, ra Bắc có thể xin vào làm ở nhà máy dệt Nam Định cho phù hợp…cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho mẹ tròn con vuông; nếu sinh con gái, đặt tên là Hồng…
Vợ tôi im lặng, tay giữ chặt thằng con nhỏ, cố nén sự nghẹn ngào; trong khi trên khuôn mặt trắng xanh của em tuôn trào hai dòng nước mắt, mà miệng lại gượng cười, như để làm yên lòng tôi…
Nhớ hồi cha mẹ nói cưới vợ cho tôi, tôi dứt khoát không chịu vì thấy mình còn trẻ. Nhưng cái lệ ở nông thôn, con gái mới mười lăm, mười bảy, con trai mười tám, đôi mươi là đã cho là lớn, phải lo cưới vợ gả chồng. Trong họ, trong nhà, người thì làm mai cho tôi cô này ở An Nhơn, người thì làm mai cho cô nọ ở Phù Cát… tôi đều không chịu. Tôi lấy đủ thứ lý do để từ chối vì thấy mình còn trẻ, trong ý thức thực sự chưa muốn lấy vợ, chứ không dám chê gì họ. Cuối cùng mẹ tôi nói :
- Đám nào con cũng không chịu, bây giờ mẹ không hỏi ý kiến con nữa. Mẹ đã định rồi, mẹ sẽ đi hỏi con Thiên cho con. Con không chịu cũng không được. Nó ở thôn trên, không xa xôi như các cô gái kia, lại nết na, siêng năng…
Mẹ tôi là một người rất kiên quyết, một là một, hai là hai, chứ “không rừ rứ rư gì hết”. Và bà còn nói: “Mẹ chỉ có hai đứa mày, chị con đã lấy chồng, nhà họ Hứa ấy cha mẹ hiền lành, gia phong nền nếp. Thấy cô em của anh rể con cũng được gái, xinh xắn nên mẹ “định” luôn cho con. Mía ngon chặt cả cụm càng tốt, chứ sao đâu!”. Bà nói vậy và tôi phải nghe theo.Tôi cưới vợ năm hai mươi tuổi, lúc đó là năm 1944.
Vậy mà từ ngày có vợ rồi, tôi thực tâm yêu vợ và vợ chồng sống chung thủy với nhau, tôi không hề tơ tưởng đến một cô gái nào khác.
Đầu tháng 5 năm 1955, Tỉnh ủy tổ chức mở lớp huấn luyện cấp tốc cho số cán bộ được bố trí ở lại. Chúng tôi được tập trung về Tân Hóa - Cát Hanh, huyện Phù Cát. Lúc đó tôi mới biết những đồng chí được bố trí ở lại Vĩnh Thạnh cùng tôi. Chúng tôi được bồi dưỡng về phương pháp hoạt động trong vùng địch; được trang bị những kinh nghiệm về hoạt động bí mật, phương thức bám dân, bám đất hoạt động và phát động tư tưởng quần chúng, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống địch. Tinh thần chung là chuyển phong trào từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, kiên quyết chống địch khủng bố, bảo vệ lực lượng nòng cốt của ta…
Chúng tôi học trong bốn ngày đêm. Ban ngày ai được phân ở nhà nào thì ở nhà nấy, hội họp và thảo luận cùng với anh em một nhóm trong huyện được bố trí nhà ở liền kề; tối mới đi họp chung. Mỗi người có một chiếc đèn dầu vừa đủ ánh sáng dùng để đọc tài liệu. Trong quá trình học tập, ai cần hỏi vấn đề gì đều ghi ra giấy gửi lên, đến tối có giảng viên truyền đạt các bài học và sẽ được giải đáp chung; học viên chỉ được nghe, không được hỏi, không được nói gì tại buổi học chung để đảm bảo bí mật. Lớp học im phăng phắc. Không khí như đặc quánh lại. Đầu óc tôi căng như dây đàn. Không bút giấy, mọi người đều phải tập trung cao độ để lãnh hội cho đầy đủ nội dung các bài giảng, vì đây là những vấn đề hoàn toàn mới đối với chúng tôi, nhưng chỉ được nghe và nhớ. Loáng thoáng qua ánh đèn tôi biết được anh Trần Quang Khanh, anh Đặng Thành Chơn, anh Hoàng Đinh.
Học xong, chúng tôi được phát mỗi người hai ngàn đồng tiền Đông Dương dành chi tiêu trong hai năm chuẩn bị cho đến ngày tổng tuyển cửø. Sau đó tôi được thông báo ra thôn Lại Khánh, xã Hoài Đức huyện Hoài Nhơn nhận súng. Những anh em khác cũng đi nhận súng nhưng mỗi người nhận ở mỗi nơi khác nhau, không ai biết ai…
Tôi lên tàu lửa đi nhận súng trong vai một anh ra Hoài Đức mua dừa, lỉnh kỉnh những chiếc bao quảy trên vai cùng chiếc đòn gánh tre cũ đã lên nước láng bóng. Khi về, tôi cứ băng theo đường đến Phù Cát mà tuôn đi. Đôi chân rảo như không chấm đất và hầu như không nghỉ, tôi chỉ mong sao chóng đến nơi. Về đến Phù Cát rồi, không dám mang bao nữa, tôi phải quăng tất cả bao bố cùng đòn gánh vào trong lùm cây.
Và để tránh gặp người, tôi không đi đường bằng mà cứ xé đường đồi, đường gò để đi. Tôi hộc tốc chạy một mạch, đến chiều thì về đến thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, Bình Khê.
Trên đường về quê, đoạn vắng vẻ tôi đi như chạy; thấp thoáng bóng người tôi “giảm tốc độ” bình tĩnh đi. Gặp người quen hỏi, tôi đều nói là về thăm nhà, chuẩn bị mốt đi ra Bắc tập kết. Tức tốc đi, vừa xế chiều là tôi cũng vừa về đến bến đò Định Quang, bờ tây sông Kôn. Tôi dừng lại, mồ hôi như được dịp tuá ra ướt đẫm mặt mày, lưng áo. Nhìn dòng nước trong xanh, lòng tôi như trút hết nỗi lo. Ánh nắng quái đỏ hồng hừng lên trên những ngọn cây và trải khắp mặt sông chảy theo những ngọn sóng lăn tăn lấp lánh sắc vàng sắc đỏ. Bên kia sông, người xuống quảy nước, người tắm giặt, tiếng nói tiếng cười rộn cả bến quê; lác đác vài chiếc sõng nhỏ của bà con chở đỗ, chở mè còn bồng bềnh trên con nước.
Mùa này sông Kôn bắt đầu cạn, chỉ những người không biết bơi mới ngồi lên sõng qua sông, còn hầu hết ai cũng lội. Lội sông cũng là một cái thú vui riêng của người dân ở bến sông quê tôi.
Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên gốc cây duối già sù sì gân guốc quen thân từ thuở nào. Lá duối thô nhám như bàn tay người nông dân. Cành lá cứng còng, chi chít nhánh vươn rộng ra, xanh biếc. Trông từ xa, sẽ thấy cây duối như một cái nấm xanh khổng lồ.
Từng cơn gió mát từ mặt sông thổi lên giúp tôi lau khô những giọt mồ hôi. Trong lòng tôi bỗng dào dạt những cảm giác da diết lạ thường từ những kỷ niệm về dòng sông sôi réo ầm ào qua bao mùa lũ cũng như vẻ dịu dàng êm ả của ánh trăng dát vàng rực rỡ mặt sông trong đêm hè thanh vắng. Âm âm bên tai tôi, như có lời thầm thì trò chuyện của những con sóng lăn tăn đuổi nhau trên mặt nước.
Rồi, như mọi lần ngồi bên bờ sông, muốn tận hưởng niềm vui của người con vùng sông nước, tôi nhẹ nhàng nằm xuống. Tấm lưng trần vừa chạm trên mặt cát ẩm ướt mịn màng, cái cảm giác mát rượi như thấm đến tận từng mạch máu; trái tim tôi bỗng cất lên lời nói với dòng sông, như một lời thề nguyền.
Dòng sông của tôi ơi, ít ngày nữa thôi tôi sẽ giã từ bến sông này, giã từ cả ước mơ sẽ học lên cao hơn, trở thành một kỹ sư, sẽ xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông để bà con dân làng mình hàng ngày khỏi phải lận đận trên mấy chiếc sõng bé nhỏ … Ngày mai, tôi sẽ lên với đầu nguồn, sẽ làm nghĩa vụ của người trai theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc… |