BƯỚC CHUYỂN QUYẾT ĐỊNH
Tháng 10 năm 1955, tôi được Tỉnh ủy cử làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh thay anh Trọng chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Bình Khê.
Tình hình lúc này vô cùng căng thẳng. Có thể nói đây là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng. Từ tháng 2 năm 1955 bọn Mỹ Diệm đã công khai phát động chiến dịch”tố cộng”, chúng đặt “diệt cộng” là quốc sách. Mục tiêu quyết định nhất của “tố cộng” là tập trung đánh vào Đảng cộng sản. Việc chính của chúng là nhằm triệt tiêu cả thể xác và tinh thần, tư tưởng của người cộng sản. Khẩu hiệu hành động của chúng là: Khui trục cán bộ nằm vùng, phát hiện và đánh phá cơ sở cách mạng, truy tróc cán bộ ở lại; tiêu diệt cộng sản đến tận gốc; thà giết lầm hơn bỏ sót...
Với mục tiêu đó, Mỹ Diệm đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu ở nhiều nơi. Và không phải chỉ đến lúc này mà đã gần một năm qua, từ giữa năm 1954, khi Hiệp định Giơ ne vơ vừa kí kết còn chưa ráo mực, bọn Mỹ Diệm đã xé toạc Hiệp định. Khi tiếp quản vùng tự do Nam Trung bộ, chúng đã có kế hoạch trả thù cách mạng và nhân dân rất dã man.
Những ngày hoà bình đầu tiên cũng chính là những ngày nhân dân ta phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy. Ở thành phố, thị xã, địch đàn áp trắng trợn những cuộc mít tinh, biểu tình hoan nghênh hiệp định đình chiến, mừng hoà bình của nhân dân. Ở nông thôn tiếp quản tới đâu, chúng thiết quân luật, bắt giết người, gieo rắc đau thương tang tóc đến đó. Kể sao xiết những vụ tàn sát liên tiếp của địch ngay sau ngày ký Hiệp định.
Ngày 1 tháng 8 năm 1954, chúng bắn vào đoàn biểu tình mấy ngàn người của Đà Nẵng, giết chết hai người, làm bị thương tám người; ngày 4-8 ở Phan Thiết chúng bắn chết và làm bị thương bảy chục người dân Hàm Thuận kéo vào thị xã mừng hoà bình; ngày 4 tháng 9, ở Quảng Nam chúng bắn chết ba mươi tư người dân, làm bị thương nhiều người khác chỉ vì bà con Hà Lam đấu tranh không cho chúng phá hoại cây cối; bà con kéo đến Chợ Được đấu tranh bị chúng thả bom xăng, đưa xe tăng đến tàn sát đẫm máu; ngày 7 tháng 9, bọn chúng đã càn quét, đàn áp nhân dân vùng Ngân Sơn, Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, xả súng bắn chết sáu mươi tư người, làm bị thương bảy mươi sáu người rồi đổ xăng thiêu hủy; ngày 1tháng 10, chúng gây vụ thảm sát ở Cây Cốc, huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam bắn chết và bị thương trên ba trăm đồng bào; ở Hướng Điền, Quảng Trị chúng giết chết một lúc chín mươi tư người.…
Ở tỉnh Bình Định, sau khi tiếp quản, chúng thủ tiêu gần sáu mươi người tại nhà thờ Thác Đá, Hoài Nhơn; chúng giết một lúc trên hai mươi người ở Ân Hoà, Hoài Ân, chặt làm nhiều khúc bỏ vào bao tải thả trôi trên sông Lại Giang; tại Gò Vàng, thôn Hội Khánh, Phù Mỹ chúng chôn sống một lúc một trăm ba mươi chín người…
Giờ đây, với chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” đặt lên hàng “quốc sách”, địch lại liên miên mở những đợt tố cộng, tập trung đánh vào các vùng đồng bằng, đánh phá từng vùng, chia làm nhiều bước. Chúng cũng chia cán bộ, đảng viên, người kháng chiến cũ thành ba loại A,B,C để có đối sách phân hoá, xử trị. Loại A là loại quan trọng gồm cán bộ chỉ đạo các cấp từ xã trở lên thì bắt, tra tấn, khai thác, kết án nặng hoặc thủ tiêu. Loại B là chi ủy viên, tổ trưởng đảng, chiến sĩ thi đua, cá nhân xuất sắc thì bắt, tra tấn, khai thác, phân hoá đưa lên hạng trên hoặc xuống hạng dưới. Loại C là đảng viên thường, quần chúng tích cực thì tra tấn, khai thác, giam giữ và đưa đi hành dịch.
Tất cả đảng viên, quần chúng tích cực bị chúng bắt đưa vào các lớp “học tập tố cộng” mà chúng gọi là nơi “tẩy não”; chúng nói xấu Đảng cộng sản, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của cách mạng, bắt mọi người phải khai báo, đầu hàng, xé cờ Đảng, xé ảnh Bác Hồ, ly khai Đảng…. Chúng dùng đủ mọi cực hình tra khảo, giết hại cán bộ man rợ như từ thời kỳ Trung cổ: lấy tre kẹp cổ, lấy cuốc đập đầu, quấn rơm vào người rồi đổ dầu đốt, lấy người thay trâu làm vật tế thần…
Chúng ly gián đảng viên với quần chúng, tổ chức những “đấu trường”; dùng thủ đoạn tiến công tư tưởng, làm mệt mỏi tinh thần, gây chia rẽ trong gia đình, thôn xóm, bắt con tố cáo cha mẹ, anh em tố cáo nhau; bắt vợ ly dị chồng tập kết…
Ở quê tôi, bọn phản cách mạng cũng ngóc đầu dậy. Cậu tôi, ông Bùi Văn, trước đây là Bí thư Huyện ủy, vừa đi tập kết, vườn dừa hàng mấy chục cây quanh nhà đang kỳ ra hoa kết trái đã bị chúng đào trốc lên với sự hằn thù “ cộng sản phải đào tận gốc, bốc tận rễ”. Ở các huyện Bình Khê, Hoài Ân bọn địch ráo riết tổ chức những cuộc hành quân lùng sục, tảo thanh. Anh Trọng về nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Bình Khê khi ở đó mười ba đồng chí ở lại của huyện Bình Khê đều đã bị bắt trong đó có anh Lương Gia, anh Trần Thanh Minh, anh Nguyễn Hữu Tâm... là những đồng chí anh em rất thân thiết với tôi. Các anh bị chúng tra tấn dã man; có người bị bắn giết, có người bị đày ra các “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo. …
Hàng nghìn cán bộ, đảng viên, hàng vạn quần chúng cách mạng bị chúng giết hại, cầm tù… Từ liên gia đến thôn xã, ngày đêm vang động tiếng rên xiết quằn quại của những người bị địch tra tấn và thủ tiêu…
Máu của đồng chí, đồng bào Bình Định trong các vụ thảm sát của chúng ở nhà thờ Thác Đá, Gò Vàng, Đại Ân… cùng máu của đồng bào khắp miền trung như Chợ Được, Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Chí Thạnh… đã đổ và mãi mãi còn là nỗi đau thương nhức nhối của cả nước.
Khăn tang điểm trắng chợ chiều
Bao nhiêu đồi núi bấy nhiêu căm hờn.
Câu ca dao này đãù được truyền trong nhân dân như một vũ khí đấu tranh. Đau thương mất mát, súng đạn, lưỡi lê, nhà tù của kẻ thù chỉ làm cho ngọn lửa căm thù của nhân nhân dân ngày càng bốc cao.
Khắp nơi ở miền Nam đã dấy lên mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống tố cộng, khí thế quần chúng nâng cao có lúc đã làm cho nguỵ quyền ở cơ sở nhiều nơi hoang mang, “tố cộng” tạm ngưng một thời gian. Cùng với phong trào đấu tranh của đồng bào ở đồng bằng, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân miền núi tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống; đấu tranh chống địch chia rẽ Kinh - thượng; đẩy lùi những âm mưu hiểm dộc của kẻ thù lừa phỉnh tố giác cán bộ; cài cấy gián điệp; xây dựng nòng cốt tự vệ, bảo vệ dân làng…
Ở Bình Định, sau thời hạn tập kết hai trăm ngày, nhân dân ở Hoài Nhơn, Hoài Ân tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, bà con đánh trống gõ mõ, rước đuốc cổ động lấy chữ ký đòi hiệp thương, đòi chấm dứt “tố cộng”, cử nhiều đoàn đại biểu có cả đồng bào các tôn giáo lên quận, tỉnh đưa kiến nghị. Lúc đó có anh Gồm, người dân tộc, Tiểu đội trưởng bộ đội địa phương ở lại cũng tham gia đấu tranh, bị chúng bắt đánh đập, tra tấn dã man nhưng anh kiên cường, không hề khai báo; bọn chúng lại điên cuồng bắt và truy bức các già làng ở cơ sở khai báo về cộng sản, nhưng cũng không ai hé răng nửa lời.
Trên vùng Hà Ri, Vĩnh Thạnh, địch cũng lùng sục tìm bắt cán bộ, đốt nhà, cướp thóc lúa… Đồng bào Bah Nar không cam chịu đã kiên cường chống trả. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của đồng bào làng Hà Ri và làng Đe Briêng (Vĩnh Bình).
Khoảng tháng 8 năm 1955, bọn thương lái xấu phát hiện và dẫn đường cho địch lên cướp kho thóc của ta ở làng Jơ dri ( Hà Ri, Vĩnh Hiệp). Lập tức cán bộ hoạt động bất hợp pháp của ta đã huy động hàng trăm bà con các làng Jơ dri, Tơ lok, Tơ lek, với giáo mác trong tay kéo xuống Vĩnh Phúc ( Bình Quang) đòi địch trả lại số thóc cách mạng đã trợ cấp cho dân mà chúng vừa cướp đi. Bà con người Kinh ở Bình Quang, Vĩnh Phúc,Vĩnh Cửu, Định Thành cũng ủng hộ đồng bào dân tộc, mang cả ná, dao, rựa đi đấu tranh, buộc địch nhượng bộ, phải trả lại thóc lúa cho bà con.
Trong thời gian này, đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công) - Phó Bí thư Khu ủy V trên đường công tác đi kiểm tra tình hình các tỉnh, anh đến đúng lúc Vĩnh Thạnh vừa lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch thắng lợi. Anh đã kịp thời thay mặt Khu ủy khen ngợi; đã động viên tinh thần rất lớn đối với chúng tôi. Nhân dịp này anh cũng cho chúng tôi biết tình hình phong trào đấu tranh mạnh mẽ của đồng chí, đồng bào các tỉnh bạn, đã nói lên nguyện vọng thiết tha của toàn dân mong muốn Tổ quốc thống nhất, hoà bình đã bất chấp sự đàn áp, khủng bố dã man của kẻ thù.
Sau đó, ở làng Hóc Điều xã Vĩnh Bình, một buổi sáng, cả trung đội lính ập vào làng. Không bắt được cán bộ, chúng xoay ra tra khảo dân làng buộc bà con khai báo, tố giác lẫn nhau. Chúng bắt con gái Bók Tới vì nghi cô tiếp tế cho cộng sản. Bók Tới là Kră Plây. Nghe tin dữ, ông liền hú tét, đánh trống nhà rông gọi dân làng về, mang tên ná, giáo mác đấu tranh. Bok Tới giáp mặt với địch, khảng khái chống trả quyết liệt: “Con gái tôi làm gì sai mà các ông bắt nó ? Một là quốc gia chết, hai là tôi chết!”
Địch định bắn Bók Tới, nhưng ông đã nhanh tay dùng ná bắn chết tên chỉ huy. Bọn địch đê hèn xối đạn, ông ngã giữa sân làng. Núi rừng nhớ mãi cái chết của người Bah Nar như các anh hùng trong những trường ca cổ và núi rừng cũng ghi nhận tên địch đầu tiên phải đền tội bằng mũi tên thuốc độc, khiến cho đồng bọn phải kéo chạy khi ngọn lửa từ nhà rông và những ngôi nhà sàn đang bốc cao ngùn ngụt…
Từ đó, người dân Hóc Điều dời làng vào vùng sâu, và làng Hóc Điều được đổi tên thành Bok Tới, để ghi nhớ vị Kră Plây anh dũng.
Ở miền núi, địch tổ chức một số cuộc lùng sục nhưng chưa tổ chức chống cộng nổi như ở đồng bằng. Một số nơi, địch bắt dân tra khảo, truy tróc cán bộ, cướp thóc lúa, đốt làng … nhưng khi bà con kéo nhau đi đấu tranh, chúng cũng nhượng bộ để mị dân. Chúng còn đem gạo, muối, đồ dùng cho chác mua chuộc đồng bào; đưa bọn thương lái phản động giả đổi hàng hoá để nắm các già làng, dò la cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.
Cuối năm 1955, trước tình hình khó khăn của cách mạng qua chíến dịch” tố cộng”, đánh phá đảng của bọn Mỹ Diệm, Trung ương đã có chủ trương mới từ Chỉ thị về chống “tố cộng”, khẳng định: Nhiệm vụ trung tâm trước mắt của các đảng bộ miền Nam là chống “tố cộng”; phải giải thích cho quần chúng thấy rõ âm mưu thâm độc của chính sách tố cộng…
Chúng tôi biết, thời điểm này không thể tuyên truyền những vấn đề về Hiệp định chung chung như trước nữa. Nếu ta vẫn tuyên truyền về Hiệp định Giơnevơ như cũ thì bà con không còn tin vào cán bộ nữa. Một hôm đến gặp tôi, Bá Nhuk lắc đầu nói:
-Tôi không giải thích với đồng bào về Hiệp định được nữa. Họ không những không nghe mà còn bảo cán bộ nói láo.Tôi chịu!
Tình hình này, mấy anh em chúng tôi phải bàn cụ thể nội dung giải thích cho đồng bào rõ, đại ý là: Đảng mong muốn thi hành Hiệp định để tiến tới Tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, nhưng Mỹ Diệm lại âm mưu phá hoại Hiệp định, chia cắt nước ta lâu dài để chúng cướp nước ta. Đồng bào phải theo Đảng làm cách mạng, giành lại hoà bình, thống nhất đất nước…
Để cho người dân thấy và hiểu rõ âm mưu thủ đọan thâm độc của địch, đồng thời chuẩn bị cho quần chúng những biện pháp đấu tranh, chúng tôi đã soạn một số nội dung câu hỏi và câu trả lời, với hình thức theo kiểu vấn đáp bằng tiếng dân tộc với ba vấn đề chính:
- Mỹ, Diệm là ai? Mỹõ, Diệm cho dân gạo muối, có phải nó thương đồng bào không?
- Chính phủ đi, Việt Minh đi, bộ đội Cụ Hồ đi tập kết, cán bộ ở lại có phải Đảng không ? Đảng làm gì mà Mỹ, Diệm ghét?
- Mỹ, Diệm chống Đảng, giết hại đồng bào, Mỹ Diệm tàn ác, đồng bào phải chống Mỹ Diệm ra sao? Đồng bào phải cùng với Đảng, cùng với cán bộ chống Mỹ Diệm như thế nào?
Chúng tôi hướng dẫn cho anh chị em cốt cán học thuộc những câu hỏi và câu trả lời của ba nội dung trên rồi chia nhau nói chuyện ở các làng, các bếp, cho thảo luận kỹ để mọi người dân thông hiểu.
Những cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ đầu tiên của bà con các vùng dân tộc trong thời kỳ này đã tác động mạnh đến tư tưởng của tôi trong việc lãnh đạo phong trào. Trong đầu tôi cứ trăn trở mãi ý nghĩ “Ta phải làm sao đây để chống lại thủ đoạn thâm độc, dã man của kẻ thù?”. Người dân tộc đấu tranh với địch bằng cách “chạy làng”. “Chạy làng” là thể hiện thái độ đấu tranh bất hợp tác của đồng bào với kẻ thù khi buôn làng nguy biến. Bà con làng Hóc Điều chống giặc chạy vào rừng sâu, ta khuyên họ trở về làng cũ, không nên chạy làng, như vậy đã đúng chưa? Nếu dân nghe theo ta về làng, địch vẫn tiếp tục những thủ đoạn đàn áp của chúng, hướng phong trào đấu tranh như thế nào?…chỉ đấu tranh chính trị hay phải có vũ trang?…
Những câu hỏi cứ day dứt mãi trong tôi khi tôi thay anh Trọng làm Bí thư Vĩnh Thạnh. Tôi tự hỏi và cảm thấy rất lúng túng trong câu trả lời về phương hướng chỉ đạo đấu tranh như thế nào? Để đúng theo chỉ đạo của trên và lại phải phù hợp với bước phát triển của phong trào đấu tranh?…
Nhìn lại tình hình một cách tổng quát qua mấy tháng sau Hiệp định, thực tiễn đấu tranh cũng cho thấy đối với kẻ thù ngoan cố và tàn bạo, nếu đấu tranh chính trị đơn thuần, dù có pháp lý của Hiệp định vẫn không thể nào ngăn chận được những hành động phát xít của chúng.
Tôi băn khoăn nghĩ đến chủ trương của Tỉnh ủy trong kỳ họp đầu tháng 5-1955 tại Phù Cát: “Giáo dục quần chúng tin vào Hiệp định Giơnevơ; kiên trì đường lối đấu tranh chính trị...” Tôi nghĩ, tình thế này, đã đến lúc chúng ta không thể cứ tuyên truyền về Hiệp định và việc thi hành Hiệp định một cách chung chung được nữa; kẻ thù đã cố tình phá hoại thì giữ Hiệp định Giơnevơ là vấn đề khó khăn; và đấu tranh chính trị để giành độc lập thống nhất Tổ quốc càng khó khăn hơn..Tôi nhận rõ và khẳng định: cuộc đấu tranh này là lâu dài, chứ không thể “hai năm” như quy định của Hiệp định.Phải làm cho dân hiểu ta, dân hiểu được âm mưu thâm độc của địch ; tạo được quần chúng gắn bó với cán bộ, với Đảng, phải chuyển nhận thức, qua đó chuyển phương thức đấu tranh!…
Quan điểm tư tưởng về vấn đề này cần phải được thống nhất trong tập thể lãnh đạo Huyện ủy!...
Trước những tổn thất to lớn của cách mạng, tôi nghĩ, để phù hợp với tình hình nhất định ở trên sẽ có những chủ trương mới, tuy nhiên hiện thời chưa có hướng dẫn gì cụ thể cho huyện, cho cơ sở. Nhưng tôi không thể chờ đợi! Tâm trí tôi nung nấu mãi ý nghĩ: cần phải chuyển phương thức đấu tranh! Phải tiến tới đấu tranh vũ trang!
(còn nữa) |