Đến tháng 8 năm 1956, qua mấy tháng trời trăn trở, tôi tự thấy những suy nghĩ, tư duy về mặt lãnh đạo của mình đã hình thành một cách rõ ràng. Ánh sáng đường đấu tranh với phương thức mới đang mở ra trước mắt tôi...Tôi chủ động họp Huyện ủy tại suối Kà Sơm-Kon Klot.
Lúc ấy Huyện ủy chỉ có anh Thọ, anh Liêm, anh Vận, anh Lại và tôi cùng anh Thành văn phòng. Chúng tôi đều xấp xỉ ba mươi, sống bình đẳng và thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Tại cuộc họp tôi đã thẳng thắn trao đổi cùng các anh những suy nghĩ nung nấu trong lòng mấy tháng nay, yêu cầu được góp ý, bàn bạc và thống nhất.
Anh Thành nghe tôi trình bày xong, đồng tình ngay:
- Địch mở chiến dịch tố cộng quyết liệt, tàn sát dã man, anh em mình chịu mọi cực hình, chết thảm thương, đau lòng quá. Tôi thấy mình như ngồi trên đống lửa.
Anh Thọ nói:
- Đã qua gần nửa năm có Hiệp định, tình hình ngày càng phức tạp trong khi địch vừa đánh phá Đảng, vừa ráo riết xây dựng bộ máy nguỵ quyền, nguỵ quân để tiếp tục đàn áp phong trào cách mạng; còn ta vẫn hoạt động bí mật qua cơ sở. Không thể cứ đấu tranh chính trị mà thắng được!. Tôi nhất trí với anh Ba phải chuyển phương thức.
Anh Liêm, anh Lại, anh Vận cũng đồng ý với những suy nghĩ của tôi và nói rõ: Địch đã xúc tiến chiến dịch tố cộng giai đọan hai nhằm tiêu diệt triệt để những người cộng sản và tư tưởng cộng sản. Ngô Đình Diệm đã ngang nhiên tuyên bố “Không có hiệp thương hai miền để tiến tới tổng tuyển cử…”, như vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta còn phải lâu dài và đầy gian khó. Vậy nên ta phải sống trong dân để chỉ đạo trực tiếp phong trào; ta phải học tiếng dân tộc…
Cuộc họp bàn bạc sôi nổi. Mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ được bàn đến đều như cùng nhau mở từøng lớp cửa để ánh sáng lùa vào. Cuối cùng anh em đều nhất trí với những suy nghĩ, nhận định của tôi và đi đến thống nhất quyết định: chắc chắn phải chiến đấu lâu dài, phải chuyển phương thức đấu tranh!.
Chúng tôi quyết định phải xây dựng căn cứ vững chắc, làm xương sống cho hoạt động của Huyện ủy, đồng thời đề ra mấy nhiệm vụ trước mắt:
- Một là tiếp tục bám quần chúng để tuyên truyền, làm cho quần chúng thấy rõ bản chất của kẻ thù, vạch âm mưu thủ đoạn của địch, vận động giác ngộ bà con và lãnh đạo đấu tranh với địch, đồng thời nỗ lực xây dựng cơ sở nòng cốt cách mạng, đặc biệt chú trọng phát triển nòng cốt trong lực lượng thanh niên.
- Hai là tranh thủ Kră plây
- Ba là thực hiện bốn cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào và biết nói cùng một thứ tiếng với đồng bào; thực hiện quần chúng hoá, phải thạo tiếng, thạo chữ dân tộc. Yêu cầu một năm sau cán bộ người Kinh phải biết nói tiếng dân tộc và phải tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.
Đối với địch, một mặt ta tổ chức hợp pháp đấu tranh chống việc địch mua chuộc đồng bào, đồng thời giằng co đấu tranh cố kéo dài âm mưu lập chính quyền và lực lượng vũ trang của chúng; nếu nơi nào không thể giằng co kéo dài thì khi chúng lập chính quyền phải đưa người cơ sở của ta vào; về hình thức là của địch, nhưng nội dung là của ta…
Chúng tôi quyết định chuyển toàn bộ nội dung đấu tranh và chuyển căn cứ từ Tà Lok lên vùng Kon Trót, khu Một; chuyển anh Thọ, Thường vụ Huyện ủy xuống lãnh đạo vùng Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hoà đông dân nhưng xa Huyện ủy cần sự chỉ đạo kịp thời; rút ba anh bộ đội địa phương người dân tộc là anh Đinh Gằm, Đinh Krăng và anh Đinh Yuân tăng cường cho khu Một; rút anh Đinh Lin, anh Đinh Yang tăng cường cho Kim Sơn; đồng thời đặt vấn đề, phương châm hoạt động tranh thủ nắm Kră và xây dựng nòng cốt trong quần chúng thanh niên cơ bản; tổ chức lại Ban cán sự làng dưới sự chỉ đạo của cán bộ huyện.
Cuộc họp kết thúc. Chúng tôi im lặng nắm chặt tay nhau thể hiện sự quyết tâm của mình. Lúc này, tiếng nước suối róc rách trườn qua những gộp đá trong đêm tĩnh mịch nghe sao êm đềm mà lòng chúng tôi lại như có tiếng ầm ào của thác đổ…
Đêm ấy, tôi thao thức mãi trên cánh võng. Con đường phía trước đầy thử thách cam go và ác liệt vô cùng. Giữa bao công việc ngổn ngang bỗng hiện lên những hình ảnh thân thương từ phía quê nhà. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo giữa mảng dài của Đồng Làng nổi tiếng lúa ngon, nếp dẻo; con đò Định Quang nối đôi bờ sông Kôn đầy khách, phiên chợ Cây Dừa với gánh hàng vải oằn vai áo mẹ; và người vợ hiền sắp đến kỳ sinh nở với hai đứa con thơ đang bước xuống tàu ra Bắc, cảnh bịn rịn trên cảng Qui Nhơn…
Bao đồng chí và bạn bè, bao cặp vợ chồng tiễn đưa nhau, ai cũng giơ cao hai ngón tay đinh ninh hứa hẹn hai năm sẽ gặp lại; ai cũng tin vào Hiệp định Giơ ne vơ. Nam Bắc chỉ tạm cách chia, đất nước sẽ tổng tuyển cử thống nhất... Nhưng Mỹ Diệm đã vùi dập niềm tin chính đáng, niềm khát khao tự do, hoà bình và hạnh phúc của nhân dân ta. Cũng như bao đôi lứa khác, vợ chồng chúng tôi còn phải xa nhau không hẹn được ngày gặp lại. Tôi mong sao ba con nhỏ sẽ lớn khôn nên người bên cạnh người vợ đảm đang, chung thủy...
Tôi lại bâng khuâng nỗi mẹ già vò võ, một người mẹ khảng khái và rất mực thương con. Vì nhiệm vụ bí mật của Đảng, con đành chịu lỗi đã giấu không cho mẹ biết con ở lại nơi này...
Nhưng bóng mẹ và bóng vợ với mấy đứa con thơ chỉ thoáng hiện rồi thoắt biến, bởi trước mắt tôi, chiếm hết tâm trí tôi là người dân Bah Nar Vĩnh Thạnh và sự nghiệp cách mạng đang đè nặng trên đôi vai còn non trẻ của mình.
Cái tên thôn Vĩnh Thạnh bên bờ sông Kôn, nơi tôi cắt rốn chôn nhau mà thời phong kiến đã đặt tên tổng và trong kháng chiến chống Pháp ai đó đã đặt tên huyện khiến tôi cảm tình ngay từ đầu và đã gắn bó với những ngọn núi mây phủ, những làng Bah Nar cheo leo, những con đường với đèo cao dốc dựng mà tôi từng ngược xuôi. Và đây cũng là Tây Sơn thượng đạo vẫn còn dấu vết vườn cam, khẩu súng và đạn thần công; vẫn còn những bãi luyện quân của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng với những tên làng nổi tiếng đánh Tây như Kon Hai, Kon Trót, Sò Đo, Kon Yơng...
Còn vùng Tơ Lok Hà Nhe cũng là đất bất khuất từng là hậu phương trong kháng chiến chống Pháp và nay đang là căn cứ của Tỉnh ủy và Huyện ủy Vĩnh Thạnh, Bình Khê. Tuy nhiên nếu lực lượng của ta tập trung ở đây sẽ có nhiều bất lợi. Chúng tôi chuyển căn cứ Huyện ủy lên Sò Đo là vùng hiểm trở, nơi giặc Pháp khó bén mảng tới và cả chúng ta, thời Việt Minh cũng chưa nắm hết được đồng bào. Đồng bào vùng này chống Pháp quyết liệt nên chúng gọi là “giặc Mọi”. Bá Glớ, người đứng đầu Kon Klot, cũng từng có mối quan hệ thân quen với tôi từ thời chống Pháp. Từ trước tới nay, bok vẫn luôn là người có uy thế đối với cả vùng thượng nguồn sông Kôn.Vì vậy muốn làm chủ vùng này phải nắm được Bá Glớ, phải đưa bok về với ta. Ngay bọn địch cũng đã có chủ trương mua chuộc Bá Glớ để nắm dân chống lại cách mạng.
Nói đến việc lôi kéo Bá Glớ, ai cũng ngại, tôi cũng có đắn đo. Tôi biết bok không chịu ai, có lần Nguyễn Trung Thọ đến nói chuyện với bok, bok cãi lại, không nghe, và còn bốc cả nắm tro dụt vào mặt Thọ. Anh Trọng đến nói, Bá Glớ cũng để ngoài tai… Riêng tôi, bók có phần nể vì bok biết tôi là con của một gia đình có truyền thống tham gia kháng chiến; tôi đã từng giúp đỡ bok và cùng bók tâm sự trong việc chống Pháp vũ trang làng Kon Blo năm 1952, nay chắc gặp tôi, bok không thể đoạn tình.
Một trong những nhiệm vụ trước mắt mà Huyện ủy vừa đề ra đó là tranh thủ Kră, và một trong những Kră phải tranh thủ trước tiên đó là Bá Glớ. Có tranh thủ được Bá Glớ thì Huyện ủy mới có thể xây dựng căn cứ địa vững chắc trên vùng khu Một là Kon Klot. Vì vậy, tôi quyết định hôm sau tôi phải trực tiếp đi gặp Bá Glớ.
Vào một buổi chiều tháng 9-1956, tôi và anh Yuân, một cán bộ Bah Nar cần mẫn, một thầy giáo dạy học chăm chỉ và nói năng suôn sẻ, đến nhà Bá Glớ. Khi đi, như lần trước, tôi cũng đã chuẩn bị mang thuốc, mang vải áo tặng gia đình vợ con Bá Glớ.
Từ xa đã thấy bóng tôi nhưng bok vẫn giả lơ, lui cui làm lụng. Tôi làm như không biết thái độ lạnh lùng đó, tươi cười hỏi:
- Chào anh, lâu nay anh có mạnh giỏi không? Tôi đến thăm anh và muốn nói chuyện với anh.
- Úi! Thăm gì tôi. Người ta đi hết, sao anh còn ở đây?-Bá Glớ nói vậy nhưng vẫn đưa tôi vào nhà và sau đó bok nói chuyện niềm nở ngay.
Trong ngôi nhà sàn ấm lửa nấu cơm chiều, tôi nghĩ : làng này có sáu chục bếp, đó là một làng lớn. Thế tại sao đồng bào lại sợ cái ông già này, hễ ông ta hô lên một tiếng là mọi người răm rắp tuân theo? Liệu lần này tôi phải làm sao để xoay lại tình hình? Chẳng những giữ ông khỏi ngả về phía địch mà còn phải đưa ông về với ta. Chẳng còn cách nào khác, tôi bám câu hỏi của bok, đặt thẳng vấn đề:
- Anh biết rõ nên tôi không nói dông dài. Mặc dù Chính phủ đi, bộ đội đi nhưng tôi ở lại làm cách mạng với nhiều người nữa. Chính vì biết kẻ thù âm mưu chia cắt đất nước, bán miền Nam mình cho đế quốc Mỹ nên chúng tôi ở lại với dân làng, với các anh, cùng nhau chống Mỹ Diệm, bảo vệ núi rừng, quê hương, làm việc trước đây ông bà còn bỏ dở. Tôi tin anh nên đến bàn về vận mệnh của buôn làng và của dân tộc Bah Nar anh em.
Tôi nhắc lại thời trai trẻ của bok đã lãnh đạo đồng bào nhiều năm chống Pháp, không cho chúng xâm phạm núi rừng, không cho chúng bắt lính và phu phen tạp dịch. Người dân tộc đã nói là như đinh đóng cột và khi họ tin thì tin đến cuồng nhiệt, khó thay đổi. Có người khi bị ốm không cúng trời mà dùng ảnh Bok Hồ nhúng vào chén nước suối để uống! Tinh thần bất khuất của người Bah Nar là niềm tin của tôi, và bây giờ tôi cũng chỉ mong đồng bào với Bá Glớ đứng lên chống Mỹ Diệm như đã chống Pháp năm xưa...
Thấy Bá Glớ lặng im suy nghĩ, tôi tiếp luôn:
- Bây giờ tôi sống bên các anh, sống với anh. Anh có bảo đảm cho chúng tôi ở lại đây không? Tôi nhìn thẳng vào mắt bok - Anh có thể giao vùng này cho chúng tôi để mình cùng chống Mỹ, Diệm? Ông im một lúc rồi trả lời chậm rãi: “Được chứ”.
Tôi từ từ hỏi tiếp:
- Anh giao suối Kà Sơm cho chúng tôi được không ?
Bok đẩy thêm củi vào bếp và thở dài:
- Liệu quốc gia có để tui yên không?
- Nếu chúng đến, anh cứ trả lời: vùng này là của người Bah Nar, của ông bà, của Bá Glớ.Trước đây tôi chống Pháp và không cho Việt Minh vào, vùng này, bây giờ quốc gia cũng không không được vào; đây là suối thiêng của ông bà, không ai được đụng đến.
- Làm sao bảo vệ các anh ?
- Nó hỏi tìm cán bộ cách mạng, anh cứ nói là không biết, dứt khoát nói là không biết; không để người dân bị địch mua chuộc báo với địch. Nếu anh có gạo, mì cho lũ tui cũng được, không cho cũng không sao.
- Như vậy thì được. Nhưng nếu địch bắt tôi làm việc này, việc nọ thì sao?
- Anh chỉ không được làm những việc như bắt cộng sản, không bắt dân đi lính cho địch, còn làm việc gì khác không hại cách mạng là tuỳ anh.
- Lũ nó cho, tôi có lấy không?
- Anh lấy gì cũng được miễn là anh đừng để chúng bắt cộng sản. Anh không làm được những điều tôi nói là anh phụ lòng người Bah Nar đó.
Bá Glớ nhất trí. Tôi gút lại và ngoéo tay với Bá GLớ. Tôi, anh và anh Yuân nói đây có trời đất chứng giám, mình không được làm trái - như là anh em ăn thề rồi, sai là trời bắt.
Sau bữa tối, câu chuyện lại tiếp tục kéo dài bên ché rựợu cần và quanh bếp lửa. Cuối cùng Bá Glớ gõ ống điếu, nói như đinh đóng cột:
- Tui đồng ý giao cả vùng nước Kà Sơm này cho anh làm chủ! Và nói dân làng bảo vệ các anh!.
Tôi thấy nhẹ cả người. Khi ấy, gà đã vỗ cánh lần thứ ba.
Từ ấy, được sự giúp đỡ và cộng tác tích cực của Bá Glớ và bà con dân tộc Bah Nar, Huyện ủy Vĩnh Thạnh xây dựng căn cứ ngày càng vững chắc, đưa phong trào cách mạng lên cao và đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6 -2 -1959 thắng lợi.
Sau lần gặp Bá Glớ và chuyển được tư tưởng, tình cảm của ông sẵn sàng cùng ta chống Mỹ Diệm, chúng tôi tiếp tục tranh thủ các Kră Plây khác đều được thuận lợi; đồng thời chúng tôi khẩn trương bắt tay thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách khác của Nghị quyết. |