BỐN CÙNG
Do còn nhiều thiếu sót trong quan hệ từ cả hai phía, không biết từ bao giờ người Bah Nar không tin người Kinh vì nghe những lời lẽ xuyên tạc: hay nói láo, hay ăn cắp, hay làm biếng và hay trai gái. Từ đó, họ liên hệ đối với chúng tôi: “Cán bộ cách mạng ở lại cũng là người Kinh (!?)”. Họ chưa tin chúng tôi thì cũng khó tin cách mạng.
Để sống và lãnh đạo tốt phong trào, chúng tôi thấy cần phải thay đổi quan niệm lầm lẫn đó, phải làm cho bà con “thấy rõ cái bụng người Kinh bằng nhau với cái bụng người dân tộc” bằng cách hòa mình cùng ăn, cùng ở, cùng làm với quần chúng.
Trước, chủ trương của Huyện ủy chỉ có “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở và cùng làm, nhưng sau phải thêm “một cùng” nữa là”cùng một tiếng nói”. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì có nói cùng một thứ tiếng mới hoà tình cảm, hiểu sâu mọi vấn đề và mới trực tiếp tuyên truyền, vận động được bà con nhất là đối với chị em phụ nữ và trẻ nhỏ.
Để giữ bí mật và dễ gần đồng bào, chúng tôi đổi tên riêng thành tên dân tộc. Cái tên đó ban đầu nghe ngồ ngộ nhưng sau quen dần và trở nên thân thiết. Anh Thọ thay là Bá Bang, anh Liêm là Bá Lưng, anh Vận là Đinh Krong, anh Lại là Bá Nhúk, anh Ấm là Bá Mơn, anh Châu là Bá Wang, anh Đức là Bá Khay còn anh Thành chưa có vợ là anh A Nao... Tôi là Bá KRing.
Hàng ngày, chúng tôi phải mặc khố, áo lỡ, khăn đen quàng đầu, gùi đeo lưng, tay cầm đao… và đi đầu trần, chân đất. Việc không đi dép là một cực hình chứ không hay hay như cái tên dân tộc hoặc dễ quen như mặc khố nhưng điều đó lại giúp chúng tôi tránh được những cặp mắt cú vọ của quân thù. Hễ phát hiện ra dấu dép cao su là chúng truy nã khắp nơi và tra khảo dân làng. Dù gai đâm, đá cứa, đôi bàn chân nứt nẻ, sưng rộp lên, túa máu, chúng tôi đều cắn răng; và rồi chúng tôi cũng trèo đèo, vượt suối nhanh như con nai, như đồng bào. Tôi đã đi chân đất suốt năm năm liền và thấu hiểu câu tục ngữ “ chân cứng đá mềm” ở quê nhà.
Hồi còn đi học ở trường Côlegde Quy Nhơn, tôi thường bị mẹ rầy vì cái tội suốt ngày đi chân không và đầu dầu. Có lẽ được “luyện rèn” từ nhỏ nên bây giờ hoá hay. Suốt ngày này qua tháng nọ, phong phanh một tấm áo cộc, một chiếc khố, không mũ, không dép, dầm mưa dãi nắng thất thường nhưng tôi không hề cảm cúm, vẫn đi cốt cây, dọn rẫy, trỉa bắp, suốt lúa...Với những nỗ lực của mình, chúng tôi được người dân ngày càng tin tưởng, yêu mến và được họ công nhận “người của làng”.
Trong các công việc của làng, cốt cây là công việc khó nhọc nhất.
Có lần, tôi với anh A Nao làm rẫy giúp anh em anh Nghen là cơ sở nòng cốt. Người anh chưa vợ, đứa em không chồngï, anh em chịu khó nuôi nhau. Chúng tôi ăn sáng bằng vài trái bắp khô nướng. Đang sức trai ba mươi mà đến mười giờ mồ hôi vã ra như tắm, mắt nổ đom đóm, đầu óc quay cuồng. Vậy mà ngày nào cũng bốn bữa bắp khô nướng. Gắng đến ngày thứ ba tôi đuối hẳn, đôi tay rã rời không chịu sự chỉ huy của lý trí, bỗng lưỡi rìu trượt thân cây phang vào đầu gối, máu túa ra lênh láng…
Mọi phong tục tập quán, ăn, ở, sinh hoạt của bà con, chúng tôi đều làm theo với tấm lòng chân thành, không gợn một chút khinh khi. Ăn bốc là mất vệ sinh, nhưng không vì vậy mà mình không làm theo họ. Đây chưa phải là lúc sửa đổi nếp sống ấy mà phải tôn trọng họ để họ tin vào mình tức là tin cách mạng.
Một lần đi công tác qua Đak Mang, đến nhà anh Đinh Thoang tìm người anh của Đinh Thoang đưa đường nhưng người anh đi rẫy. Lúc đó anh Đinh Thoang nhận đi thay. Chúng tôi chuẩn bị lên đường thì vừa lúc người anh về, nói là bắt được con nai ngoài rừng. Anh Ấm rất mừng nói tôi nán lại và anh hăm hở cùng hai anh em Đinh Thoang đi khiêng nai. Khi nghe có nai, anh đã bày làm món này món nọ; anh nói chỉ cần ăn thịt thăn luộc là cũng thoả mãn rồi, và thêm một món xào nữa là quá tuyệt...Đang đói, nghe anh “nấu ăn” bụng tôi càng cồn cào.
Một lúc sau tôi thấy anh Ấm về trước, chân tay run, vai so lại, miệng không ngớt la “lạnh quá, lạnh quá!” rồi đắp chăn nằm. Chặp sau anh em Đinh Thoang khiêng nai về. Quả là có nai thật nhưng là nai mắc mang cung đã mấy ngày, lại đằm trong mưa, thịt tím xanh, trương phình lên, bốc mùi, dòi bọ lúc nhúc. Vậy nên anh Aám ớn lạnh là phải. Thấy tôi đi tìm ớt, “tiêu chuẩn” mỗi người bốn cái, anh Aám sợ xanh mắt kêu “Chết! Chết!” rồi trùm mền rên tiếp.
Ông cụ anh Đinh Thoang nấu thịt nai xong, chia cho mỗi người một vùa. Thức ăn đen đen, bốc mùi thum thủm, thật ghê! Chúng tôi đã lấy ớt ngậm trước để bớt lợm giọng, anh em cũng cố nhắm mắt nhắm mũi hớp cho được một miếng rồi cáo ốm, kêu bị sốt rét, bỏ đũa không ăn nữa. Còn tôi lấy hết tinh thần cũng chỉ húp được vài ba húp, rồi ráng ăn một chén cơm với nửa vùa nước và cho nhanh…
Sau lần ăn thịt nai ấy, tôi thấy mình đã vượt qua được một thử thách khủng khiếp. Tôi còn ăn được cả thịt con brul, đấy là một loại thú rất lạ, thân hình, lông, mõm như heo rừng, tai như tai chồn, còn chân lại giống chó. Ngay bà con dân tộc cũng chê không ăn thịt brul, bởi ăn nó rồi, khi mồ hôi chảy đến đâu mùi tanh bốc lên đến đó; họ nói đến ba tháng sau vẫn còn tanh.
Một lần đi công tác ở Kon Blò vào dịp làng có cúng, mấy anh em được mời tới nhà rông.Trong mùi khói cay cay và ánh lửa bập bùng, chúng tôi được khép vào người làng ngồi vòng quanh chờ hưởng lộc cúng. Con nai to nhưng thịt luộc được xắt nhỏ từng tý để chia. Ai cũng được nhận một chút thịt, một chút gan, một chút lòng, tất cả phải chia đều, chia đủ mỗi người một phần, riêng phụ nữ có thai được chia hai phần. Hơn hai tiếng mới xong. Chúng tôi vừa đói vừa sốt ruột với công việc mà không dám nói, không dám ra đi vì phải theo phép làng.
Chúng tôi thêm hiểu sâu tấm lòng và tính cộng đồng cũng như cảnh đời quá cực nhọc của đồng bào dân tộc. Người nào cũng thấy lòng xót xa nhói đau và thấu ý nghĩa làm cách mạng để giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống bình đẳng, văn minh giữa các dân tộc. Và chúng tôi tự hào là những người đang đi trên con đường dài, gian khổ và vinh quang ấy…
Muốn lãnh đạo đồng bào không những phải làm cho họ tin mà còn phải nói cho họ hiểu, trong khi đó thường chỉ ông già mới biết tiếng Kinh vì họ hay đi xuống đồng bằng mua bán đổi chác, còn lớp trẻ nhiều người không nói và cũng không nghe được tiếng Kinh.
Qua thực tế cuộc sống và trong công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Họ nói mình nghe không hết được, hoặc ngược lại mình nói họ cũng chẳng hiểu mấy.
Thời kỳ chống Pháp, tôi cũng thường đi công tác vùng dân tộc, nhưng luôn có người phiên dịch, nay phải tự lo, tự biết. Do đó, việc thực hiện nội dung thứ tư trong “bốn cùng” của Nghị quyết Huyện ủy: phải thông thạo tiếng dân tộc, là vấn đề rất bức thiết. Vì vậy, chúng tôi “mở lớp” học tiếng dân tộc ở bất cứ lúc nào có thể. Anh em dân tộc dạy cho chúng tôi tiếng dân tộc, còn chúng tôi hướng dẫn cho cán bộ người dân tộc các nội dung tuyên truyền…
Trong thời gian chưa đầy năm, chúng tôi đã cố gắng nói và viết thông thạo tiếng Bah Nar, vượt “kế hoạch” Nghị quyết đề ra. Vì cùng ở với đồng bào, nên tiếng nói thường là do phụ nữ và trẻ em làm “thầy” dạy nhanh nhất; còn học chữ lại phải có thầy giáo riêng. Nói theo kiểu tiếng “bồi” thì nhanh nhưng phát âm cho chính xác tiếng dân tộc thì không phải người Kinh nào cũng làm được.
Do đã khá thông thạo tiếng Bah Nar nên các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn chúng tôi đều sử dụng tiếng dân tộc, chẳng những đồng bào hiểu cặn kẽ mà còn rất thích thú và thêm yêu mến chúng tôi.
Từ đó, một số anh em cán bộ có năng khiếu văn nghệ cùng với dân làng dựa theo các làn điệu dân ca Bah Nar, sáng tác thành những bài hát biểu dương truyền thống đấu tranh bất khuất, nhắc nhở nhau không mắc mưu địch, một lòng đoàn kết chống Mỹ Diệm… Những bài hát này được phổ biến đến mọi người dân trong các cuộc họp, lớp học, các buổi nói chuyện. Không khí trong làng thêm sôi nổi hẳn lên. Đi đâu, làm việc gì, khi nghỉ ngơi bà con lại cùng nhau tập hát, nhất là nam nữ thanh niên, họ rất thích thú và thể hiện quyết tâm cao trong học thuộc và hát vang những bài hát ấy. Các bài hát đã đi sâu vào lòng người, vừa phát động được lòng căm thù vừa cổ vũ quần chúng đứng lên chống giặc.
Tôi cũng thường hát những bài hát này và còn được bà con khen hay. Nhiều chị em nhớ tôi chính là từ việc nhớ các bài hát ấy. Một trong những bài hát còn sống mãi đến nay là bài do anh Bá Dương soạn theo điệu joh mà bấy giờ già trẻ, gái trai đều thuộc lòng:
Hop an phe dang pơm poh
Hop an boh dang pơm hmar
Hop an hlabơar dang pơm rop
Hop an tbưk dang cakhlơn
Đebre bơn nê lui
Bài hát có nghĩa là:
Địch cho gạo như gài mang cung
Địch cho muối như dùng cái bẫy
Địch cho giày như kẹp mình
Địch cho rựa như cứa cổ dân
Đồng bào ơi! Chớ lầm của địch.
Cuối năm 1956, sau khi làm chủ đồng bằng, Mỹ Diệm chuyển lực lượng tập trung đánh phá miền núi. Trong các huyện miền núi Bình Định, địch chĩa mũi nhọn đàn áp Vĩnh Thạnh hòng phát hiện và đánh bật cho được cơ quan đầu não của tỉnh và một số huyện đồng bằng đóng ở đây. Chúng mở chiến dịch tố cộng đợt hai, tổ chứùc vây ráp, bắt bớ cán bộ đảng viên; đồng thời ráo riết tìm người để lập chính quyền; xây dựng mạng lưới cộng tác viên và cưỡng bức quần chúng gia nhập các tổ chức phản động.
Đầu tháng 11- 1956, tại làng Sò Đo, chúng tôi mở cuộc họp Huyện ủy mở rộng để đề ra những chủ trương lãnh đạo quần chúng chống lại âm mưu địch; vạch trần âm mưu kỳ thị dân tộc của chúng và mở đợt tuyên truyền làm cho đồng bào hiểu sâu hơn đường lối chống Mỹ, cứu nước của Đảng.
Tại cuộc họp này, chúng tôi cũng quyết định chuyển cơ quan Huyện ủy từ Sò Đo lên Kon Lót.Vùng này độ dốc lớn, đi lại khó khăn địch sẽ khó đến. Có đến đây, ta mới biết được nơi này phong cảnh hữu tình, có thác Lơ Pin rất đẹp. Nhiều lần tôi cứ ngẩn ngơ và mơ ước sau này sẽ có một nhà máy thủy điện khi nhìn dòng thác trắng xoá ào ào đổ qua vách đá cao ngót trăm thước. Phía trên dốc là rừng bằng không biết cơ man nào là gỗ và đất ba-dan như là vàng đỏ của người Bah Nar, của đất nước chúng ta.
Nhờ thực hiện “bốn cùng” và làm công tác tư tưởng tốt nên trong đợt công tác này chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Bà con đã coi cán bộ người Kinh như con em mình; chăm chút giúp chúng tôi về cái ăn, chỗ ở; che chở cán bộ khi có địch đến; và kiên quyết chống lại âm mưu lập chính quyền của chúng.
Dân làng cũng đã có nhiều sáng kiến chống địch như là “đặt lá cữ” ở đầu làng (là cấm người ngoài vào) để buộc địch không được vào; dùng cách gài bẫy, cắm chông chống thú rừng dày và hiểm hơn để chặn mặt chúng, không cho chúng vào trong làng lùng bắt cán bộ. Khi chúng bắt dân chụp ảnh làm thẻ căn cước, lập danh sách gia đình, đồng bào bảo: “Lũ làng cữ (*), sợ ông bà quở trách và ma sẽ bắt nên không được chụp hình, ghi tên...” .
Mỗi khi lính tới, bà con báo cho nhau tản ra, lấy cớ đi làm rẫy, hẹn rày, hẹn mai, ngày này tháng nọ, địch không tập hợp được làng để cử người làm “đại diện” (làm việc cho chúng). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị người tốt phòng trường hợp địch bức ép, ta sẽ cử ra làm việc.
Đến giữa năm 1957, nhiều làng vùng cao như Kon Trinh, Kon Trú, Kon Hai địch không đặt được người “đại diện” nào, vì chúng bắt người làm đại diện, bà con nói lý, chống lại: “Các ông đưa người Kinh làm, chúng tôi không biết chữ, không làm được!”.
Mấy xã vùng thấp như Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hoà, khi địch ráo riết bắt người làm “đại diện”, ta đã chuẩn bị sẵn người cơ sở của ta đưa vào; như ở làng Tà Điệk, ta đã cử một cơ sở tốt là anh Niêm làm tiểu đội trưởng dân vệ, Bá Rang làm “đại diện xã”. Vĩnh Hiệp cũng đã giao Bá Chua là cơ sở tốt “gánh” chức đại diện. Hoặc như trường hợp Bá Glớ, tuy được bọn địch gán cho chức “vùng trưởng”, được chúng cho nhiều tiền bạc, quà cáp nhưng ông ta cũng chỉ làm việc có lệ cho chúng.
Trong thời gian này, địch có mua chuộc được vài người, nhưng số này đều bị quần chúng tẩy chay... Ở làng Jơ dri, có hai chú cháu On Đinh và On Way lấy nhau, bị dân làng phản đối, phạt vạ. Hai người vẫn không rời nhau mà còn bực bội với bà con; từ sợ dân làng đi đến bất mãn, chống lại làng, và từ đó On Đinh bị địch lợi dụng, theo làm gián điệp cho chúng.
Còn tên thứ hai là Đinh Xanh, tên chỉ điểm ở làng Nước Trinh (Vĩnh Hưng), sau này, cuối tháng 12 năm 1959 đã bị dân làng trừng trị.
Qua hai năm dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc người dân để tìm cách truy tróc cộng sản, nhưng chúng không bắt được ai; chúng lập được chính quyền ở một số nơi nhưng người làm đại diện lại là cơ sở của ta. Địch phát triển được ba gián điệp nhưng cũng không bắt được người khai báo. Bọn chúng tức tối bắt gia đình anh em Đinh Krăng đánh đập, đe doạ rồi bỏ tù nhưng họ cũng nhất quyết không khai báo gì.
Khi thực hiện mở đợt hai chiến dịch tố cộng, địch tập trung một lực lượng lớn gồm công an, mật vụ, có một đại đội lính bảo an yểm trợ do tên chi trưởng công an quận đích thân chỉ huy đến bao vây cắm chốt, lùng sục hai làng Tơ Lok, Tơ Lék thuộc xã Vĩnh Hiệp. Trong khi dân vệ, bảo an sục sạo từng nương rẫy, lội từng con suối để phát hiện dấu vết của cán bộ hoạt động bí mật thì bọn công an và cảnh sát dùng súng lùa tất cả dân làng đến nhà rông tìm mọi cách thanh lọc quần chúng...Hơn chục ngày sục sạo, tra hỏi nhưng cuối cùng, chúng phải chùn bước vì đụng phải những bà con biết dặn dò, nhắc nhở, động viên nhau: “ Phải kín miệng để bảo vệ con em ngoài núi”, “ phải kín miệng, chớ nói bậy mà hại cả lũ làng”, “ thà chết quyết không khai báo cho Mỹ Diệm”...
Suốt chiến dịch tố cộng đợt hai của địch, không một cán bộ nào bị lộ, không một cở sở nào bị khai báo. Bà con càng tin cậy đùm bọc nhau, càng gắn bó với chúng tôi hơn.
Sau này, tôi nghe anh em kể lại: cùng thời gian đó, tên quận trưởng Thái Quới đến nhà mẹ tôi hoạnh hoẹ :
- Bà có biết ông Tín bây giờ ở núi nào không?
Mẹ tôi là một người tần tảo nhưng cũng khá rành việc làm của chồng con. Bà đáp lảng đi:
- Thằng Tín đâu phải con tui mà ông hỏi!- Bà nói tới - Hồi cha nó mất, tui nhắn nó về thọ tang. Nhưng nó gửi thơ xin lỗi không về được vì nó còn phải cùng anh em đi lo cứu đói cho đồng bào ở Đồng Xuân, Tuy Hoà gì đó, mà đồng bào ấy đâu phải là quê hương, cha mẹ gì của nó mà nó lo...
Hắn nói:
- Chà, qua một chiến dịch tố cộng rồi mà chính trị của bà vẫn còn cao đấy!
Tháng sau, chúng lại bắt mẹ tôi giam ở Đồng Phó, rồi Phú Phong và tới tiểu khu Bình Định. Khi tên sĩ quan cảnh sát tra vấn, bà cười vang trong phòng khai thác. Hắn hỏi tại sao bà cười thì bà thong thả đáp:
- Nghĩ cái đời gì mà kỳ quái, đời gì mà con đánh mẹ.
- Ai là con của bà?
- Thì ông cũng đáng tuổi con tui chớ mấy. Có khi còn nhỏ hơn thằng Tín là khác.
Hắn hằm hằm lập ngay hồ sơ và chuyển bà qua nhà lao tỉnh ở đường Đào Duy Từ, Quy Nhơn.
Song song với việc tranh thủ các Kră Plây, một vấn đề rất quan trọng và cơ bản hơn nữa là phải xây dựng lực lượng nòng cốt, phải nắm cho được người dân trong từng hộ từng làng. Mỗi hộ ở đây, bà con dân tộc thường gọi là “bếp” .
Để xây dựng lực lượng nòng cốt, quần chúng cơ bản trong lực lượng nam nữ thanh niên, chúng tôi phải phân công nhau đến từng bếp để vận động. Trước chỉ có anh Đinh Nghen, chị Đinh Thị Día, sau có thêm Đinh Đung, Đinh Khanh v..v. Một số phụ nữ tiến bộ được cho thoát ly lên làm việc ở văn phòng Huyện ủy như cô Đinh A Moi, Đinh Thị Nhoi… Anh Nghen là quần chúng cơ bản của ta từ làng Kon Dơn lên, là đảng viên, chúng tôi giao cho anh nhiệm vụ tiếp tục tranh thủ Bá Glớ, đừng để Bá Glớ ngả lòng.
Bọn địch không mua chuộc được Bá Glớ, không mua chuộc được người dân Kon Klót, Sò Đo, nên chúng phản công rất mạnh và hiểm độc. Trong một lần luồn rừng tập kích ban đêm, đánh sâu vào làng, chúng giết tại chỗ hai người, đốt sạch làng và bắt đi ông Đinh Ghel - một đảng viên phụ trách ban cán sự quần chúng của xã và Bá Glớ. Chúng giam Bá Glớ tại nhà tù Quy Nhơn. Bị chúng tra tấn, đánh đập rất dã man nhưng ông không hề hé răng khai báo nửa lời, một mực nói “không biết”. Ông dũng cảm trước những cực hình tra tấn của quân thù, trung thành với cách mạng đến cùng, thà chết không khai, không phản lại lời thề với Bá Kring, với cách mạng…
Lần cuối cùng địch đốt mâm đồng đỏ, đưa trước mặt Bá Glớ nói: “Ông không theo cộng sản thì ông ngồi vào đây”.
Bá Glớ không thèm nhìn lũ giặc, ông sẵn sàng ngồi vào chiếc mâm đồng, nghe kêu tiếng “xèo” lũ giặc hoảng sợ trước tinh thần bất khuất của ông.
Kră Bá Glớ hy sinh anh dũng trong nhà tù của địch. Mỗi lần nhớ đến Bá Glớ, lòng tôi nhói đau và cảm phục. Hình ảnh ông như hiện thân hào khí của những người anh hùng huyền thoại trong những bản trường ca Bah Nar hào hùng …
Đối với thanh niên chúng tôi càng ra sức xây dựng lực lượng nòng cốt, phát triển đoàn viên thanh niên Lao động, hình thành các chi đoàn thanh niên phối hợp cùng tổ chức đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch và thúc đẩy sản xuất.
Huyện ủy mở một lớp huấn luyện cán bộ trẻ cho khoảng sáu mươi người thanh niên nòng cốt của xã, bí thư chi đòan các làng. Anh chị em vừa học chữ, học chính trị vừa sản xuất. Học chữ đến đâu anh em về làng dạy lại bà con đến đó, mỗi thanh niên vừa là học trò vừa là thầy giáo, cũng vừa là cán bộ tuyên truyền của Đảng ở từng làng.
Qua lớp học này, tôi rút ra bài học quí báu: ở vùng đồng bào dân tộc, ít người, Đảng phải dựa vào lực lượng thanh niên tiến bộ và cho họ học văn hóa. Họ là lớp người lãnh sứ mệnh thay đổi một xã hội còn ở trình độ bộ lạc; là những người gan dạ, ham hiểu biết, có sáng tạo và giác ngộ nhanh chóng.
Qua rèn luyện thử thách, một loạt anh em nòng cốt cơ sở đã trở thành những cán bộ cốt cán kiên trung của cách mạng như Đinh Thoang, Đinh Lao, Đinh Sinh, Đinh Thị Reng. Họ được đồng bào yêu mến, đùm bọc và tin tưởng gọi là Kră moh- tức “người gốc làng trẻ”- đó cũng là niềm tự hào dân tộc chân chính. Tiêu biểu là anh Đinh Thoang, tuổi đôi mươi rất nhiệt tình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng miền Nam, Đinh Thoang là Bí thư Huyện ủy, Thường vụ Tỉnh ủy và là đại biểu Quốc hội nhiều khoá.
Trong quá trình xây dựng cốt cán thanh niên có nhiều kỷ niệm khó quên. Theo tập tục, thanh niên dân tộc lúc trẻ làng quản lý rất chặt. Tất cả nam thanh niên hàng ngày phải lên nhà rông ngủ, mỗi người một tấm ván riêng. Hàng năm, chỉ khi đến tết ăn cốm mới, nam nữ mới được cùng lên nhà rông (bình thường nữ không được lên nhà rông). Lúc này họ mới có dịp trò chuyện tìm hiểu.
Ở nhà rông, thanh niên nam nữ tự do trò chuyện và cùng nhau uống rượu cần; uống suốt đêm vừa uống rượu vừa ca hát vui vẻ, cho đến khi tất cả say mèm…
Những lúc này, để hoà đồng và hiểu được người dân, chúng tôi cũng phải uống rượu. Anh em nhắc nhau “ráng uống” cho quen để nghe họ nói chuyện, vừa để hiểu thêm họ và cũng là vừa học tiếng nói của họ.
Khi đã quen rồi, các cô gái rất dạn dĩ, lúc uống rượu, họ hỏi chúng tôi:
- Lũ bay có vợ chưa?
- Lũ tao có vợ rồi, hỏi làm gì?
Nghe chúng tôi trả lời, các cô gái cười e thẹn và lảng đi.
Ngày hội, ở nhà rông tự do vui vẻ vậy, nhưng trong quan hệ nam nữ, làng hết sức khắt khe, nếu ai có những hành động tình cảm quá mức, sai với những quy định của làng, như ăn ngủ với nhau khi chưa cưới sẽ bị phạt nặngï. Dù người thanh niên ấy có là lao động giỏi đi nữa thì làng cũng không vì thế mà nương tay, vì “như vậy” là làm mất uy tín, gây tai họa cho làng, làng lên án.
Lần ấy có đôi nam nữ thanh niên bị phạt. Họ đều là những cơ sở tốt của ta. Sau khi chi đoàn thanh niên họp kiểm điểm, họ thấy được sai lầøm, nên chúng tôi tìm cách gỡ cho họ.
Ở làng, thường các cô gái “bị” các anh thanh niên có hành động gì đối với mình, các cô đều báo cáo với làng. Làng biết, lên án ngay. Đối với trường hợp hai thanh niên này, làng bắt “phải đưa nhân chứng” tức là bắt lặn nước, một người đại diện cho phía làng, một người thay mặt cho phía đôi thanh niên, cùng lặn nước, ai ngoi lên mặt nước trước là phía đó thua. Chúng tôi khéo léo chọn hai thanh niên giác ngộ, một đại diện cho làng, một đại diện cho phía bị phạt. Dặn người phía làng ngoi lên mặt nước trước để cho làng phải thua cuộc; mà phía làng thua thì đôi nam nữ được giảm nhẹ hình phạt, và chứng tỏ “việc ấy” không phải tai họa gì ghê gớm. Có khi, nếu làng bắt “đưa nhân chứng” bằng cách “bóp trứng gà” thì ta cũng khéo léo dặn “người phía làng” bóp cho trứng bể, để làng thua…
Với các quy định của làng, chúng tôi không dám chống mà chỉ “ khéo léo” để làm sao cho sự việc bớt đi phần khắt khe, nặng nề.
Ở đây có truyền thuyết “con chó là cứu tinh” của người dân tộc vì nó có công cứu người trong một nạn đại hồng thủy; vì vậy, ai giết chó là có tội, ai ăn thịt chó là độc ác.
Loài chó được sinh sôi khắp nơi, ta lại hoạt động bí mật nên rất bất lợi.
Một hôm, thấy anh em người Kinh ở văn phòng huyện ủy đứa nào cũng cao ráo trắng trẻo, một bà cụ thân mật hỏi:
- Con trai lũ bay da trắng, đẹp như thế chắc là không ăn thịt chó?
Câu hỏi bất ngờ làm anh em lúng túng. Bá Wang nói “biết ăn”, Bá Bang bảo “ăn rồi”, anh A Nao nói “không biết ăn”. Tôi bình tĩnh trả lời là “chưa ăn”.
- Sao lại nói là chưa ăn? - Bà cụ thắc mắc.
Tôi giải thích:
- Tôi chưa ăn nghĩa là tôi có thể ăn được, ăn nó không sao cả. Con chó để giữ nhà hoặc đi săn chứ không thể là cứu tinh của ai. Nó không thể nuôi mình, mà mình nuôi chó như nuôi heo gà. Ăn thịt chó cũng như ăn thịt heo gà. Ăn thịt nó không mắc tội, không độc ác và cũng không có chuyện xấu xảy ra.
Những lúc ngồi nói chuyện chơi với anh em người dân tộc, tôi cũng tìm cách lái sang đề tài con chó để anh em bàn cãi, đánh tan đi trong họ quan niệm: trong năm có người ăn thịt chó nếu làng có tai họa cháy nhà, người đi rừng bị cọp voi xé... chẳng hạn, thì trước hết người ăn thịt chó phải chịu tội... Họ đã hiểu được nhưng chưa ai dám làm thịt và chưa ai dám ăn thịt chó. Chúng tôi tập dần cho anh em. Lúc anh Tâm, liên lạc của tỉnh xuống vùng Kinh công tác, lén làm thịt một con, nấu thật ngon, đem về nói là thịt chồn và mời vài anh em cốt cán cùng ăn. Việc này nhỏ nhưng phải giữ bí mật cho đến một năm sau mới dám nói, họ biết là “không sao” mới tin và mới dám ăn thịt chó.
Có một dạo, anh A Nao và tôi xuống kiểm tra tình hình, chuẩn bị nổi dậy của làng Tà Điệk gần quận lỵ Vĩnh Thạnh. Làng này có 128 con chó. Ta chạy bật hộp kháp mà chó sủa ran chạy vào rừng, địch sẽ dễ dàng phát hiện. Chúng tôi bàn với đồng bào, lãnh đạo làng phải giết hết chó, bà con chấp nhận nhưng không ai dám ra tay nên giao việc đó cho chúng tôi. Anh A Nao với tôi cùng tám đồng chí điện đài của Liên tỉnh đã giết lấy thịt trên một trăm con chó chỉ từ mười giờ tối đến sáu giờ sáng hôm sau.
Ban đầu giết và lấy thịt một con hết một giờ. Sau chúng tôi “cải tiến” bắc một lúc ba nồi bảy nước sôi, mười người cùng làm theo “ cách mới”; nên một con chó làm xong chỉ mất mươi lăm phút, cứ như những “chuyên gia thịt chó” thực thụ(!). Số thịt chó này đem ướp sả, muối đựng được ba bốn chục giỏ, làm lương khô ngon tuyệt. Phân nửa số để lại anh em bộ phận điện đài nướng ăn dần, tròn năm mới hết.
Ấy là đêm cuối năm 1958, có thể nói là chúng tôi đã kết thúc bước đầu cuộc vận động xoá bỏ phong tục Bah Nar coi con chó là cứu tinh và một số tập tục lạc hậu khác, mà chúng tôi đã mở ra từ cuối năm 1956. |