NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN
11:15', 4/4/ 2007 (GMT+7)

CHẠY LÀNG - KHỞI NGHĨA

Thất bại trong mưu đồ lập chính quyền hai xã đầu tiên, không thực hiện được việc sử dụng bộ máy chính quyền để truy tróc cộng sản, không cô lập được cộng sản với dân, nên cuối năm 1957, địch chủ trương “ dồn dân”  thực hiện kế độc tát cá ra khỏi nước- hòng đánh bật cán bộ cách mạng ra khỏi nhân dân. Đây là nằm trong chủ trương chung của địch đối với dân tộc miền núi miền Trung bằng “ chiến dịch thượng du vận”, thực chất là dồn dân miền núi xuống ở các vùng ven quận lỵ để chúng kềm kẹp, cắt đứt mối dây gắn bó giữa dân với cách mạng để diệt lực lượng cách mạng.

Ở Vĩnh Thạnh, kế hoạch của chúng trước tiên là dồn được hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp gồm mười làng trong đầu năm 1958.

Trước âm mưu này của địch, tháng 2 năm 1958, Huyện ủy chúng tôi tổ chức cuộc họp tại suối Kà Sơm Kon Klot để  thống nhất chủ trương chống dồn. Hội nghị xác định “chống địch dồn dân” là nhiệm vụ trọng tâm và là vấn đề sống còn của đảng bộ; là trách nhiệm nặng nề của đảng trước nhân dân!

Sau khi thảo luận kỹ, quyết định của chúng tôi là, trước mắt phải phát động quần chúng đấu tranh chính trị. Chúng tôi thông qua các cơ sở của ta trong hai bộ máy chính quyền của hai xã, kiên quyết đấu tranh không chịu dồn dân; quyết tâm “không  một ai xuống dồn, không để địch bắt một người!”

Để tuyên truyền vận động dân chống dồn, chúng tôi tập hợp lực lượng thanh niên nòng cốt, tổ chức cho họ học tập các nội dung tuyên truyền; đồng thời chúng tôi cũng thâm nhập tận từng gia đình, tổ chức quần chúng thảo luận sâu để thấy rõ âm mưu thâm độc của địch.

Trong bàn bạc, thảo luận, có Kră nói:

- Mình như con chim, con nai không chịu nhốt trong cái lồng, cái cũi của quốc gia đâu!

Có bà mí khóc:

- Xuống núi là bỏ mồ mả ông bà tội nghiệp, con trai bị bắt lính, con gái làm điếm, ông trời sẽ không cho lúa chín, củ mì không có bột, chắc chết hết!

Nhất là thanh niên, nhiều em khảng khái: “ Mình có chết cũng chết ở núi, ai thèm xuống với Mỹ Diệm, xa làng, xa cán bộ, mất Đảng nữa!”

Chúng tôi rất yên lòng vì người dân đã thể hiện quyết tâm đấu tranh chống dồn. Uy tín của Huyện ủy lúc này đã lên cao nhờ tác phong bốn cùng của mỗi cán bộ, nhờ những dự đóan tình huống sát với thực tế, nhờ mọi chủ trương kế hoạch, chúng tôi đều bàn bạc tập thể và hướng dẫn cho quần chúng cách trả lời rất đúng và sát với những câu địch có thể hỏi.

Bà con bảo nhau: “ Miệng cán bộ như Yàng. Sao nó biết cái bụng thằng địch mà nói trúng quá!”.

Đúng là cán bộ biết rõ cái bụng của thằng địch thật. Những âm mưu qủy quyệt của bọn đầu não, ta còn biết huống gì chỉ với thằng quận trưởng Thái Quới.

Tôi biết Thái Quới từ thời chống Pháp, thỉnh thoảng tôi đi công tác trên tỉnh có ghé về xã Ân Hoà huyện Hoài Ân, gặp hắn làm ở ban bình dân học vụ xã. Lúc đó hắn mới hơn hai mươi tuổi, trắng trẻo và đẹp trai, trông rất thư sinh, là con địa chủ và công giáo nòi. Năm 1957 Thái Quới làm quận trưởng Vĩnh Thạnh, nhưng chẳng biết gì về dân tộc. Khi đấu tranh, ta đưa bà con dân tộc xuống doạ là Thái Quới sợ xanh mắt. 

Thái Quới còn trẻ và non nớt về chính trị. Tuy vậy hắn cũng nghĩ được cách phải mua chuộc đồng bào. Hắn đã triệu các chủ làng đến quận ba bốn lần và lần nào cũng cho ăn uống rất kỹ, còn cho tiền, đồ dùng...để dụ dân làng xuống dồn.

Cho ăn kỹ thì bà con cứ ăn, cho tiền, cho đồ dùng, bà con cứ nhận, nhưng khi Thái Quới đề cập đến việc xuống dồn là đồng bào nói dứt khoát: “Không đi!”

Thái Quới nói: “Bà con đi chớ. Đây là lệnh của Tổng thống mà, bà con phải đi chớ”.

Đã được cán bộ cách mạng hướng dẫn kỹ rồi, nên mặc cho Thái Quới dụ dỗ hoặc hăm doạ, các chủ làng vẫn một mực nói “Dứt khoát không đi; đi vào khu dồn chắc chết, không đi!…” và mỗi người đều khéo léo tìm cách từ chối hoặc dây dưa hoãn đãi. Người nói “Phải về hỏi dân làng”, kẻ bảo “Lũ tui ở đồng bằng bị nắng không có rừng núp”, người khác lại bảo “Ở bên quận không có đất làm rẫy, muốn bứt sợi mây, cái chổi cũng không có”...

Rồi các chủ làng viện lẽ hết Pháp rồi Nhật, đến Việt Minh, không có người Bah Nar nào xuống làm ruộng để trở thành người Kinh cả...

Khi tên quận trưởng dọa sẽ hành quân càn quét thì đồng bào nói thẳng: “Quốc gia có muốn bắn hết thì dân cũng chạy làng hết; quốc gia có muốn giết thì giết, lũ làng chúng tôi dứt khoát không đi”.

Quả nhiên, đúng như lời tôi dặn anh em dân tộc: “Khi đấu tranh với Quận trưởng, anh em nói cho gắt lên, cứ doạ già là nó sợ”.

Trong thời gian này, anh em ta đã sáng tác cho bà con nhiều bài hát mới nhằm vạch rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù và động viên nhau kiên quyết đấu tranh chống dồn. Tôi còn nhớ một bài hát do anh em cán sự xã đặt, Bá Bang đã bày cho tôi :

            Hôm jing năm de bre

            Năm kơnh mir bơn bu vei

            Pơlei bơn lắp jung tơ choang

            Pin pong lắp ruôih pơm sơ lah

            Đơng năm chăk kơnh Pơlei hiach htong

            Phai jung tjăng mir bơn goh lei

            Kon Pơlei gơn arith tơm

            Gơh dei bơm mir ba phi tob

            Kon Pơlei pơla hiôk hiăn hdơi...

Lời ca như những câu hỏi đáp nhịp nhàng :

Có thể đi được không?

Đi rồi rẫy mình ai chăm

Dây bìm bìm leo chằng chịt khắp làng

Nương sẽ bị voi dày tan hoang

Nếu đi cảnh làng sẽ điêu tàn

Phải chống trả mới giữ được nương rẫy

Dân làng mới mong vẹn toàn

Được làm rẫy mới đủ áo cơm

Dân làng đều sung sướng công bằng...

Như vậy là bước đầu qua hai tháng chống dồn, ta đấu tranh, địch chưa dồn dân được. Thời gian này chúng đã dồn một số nơi ở miền Trung như Bác Ái ở Ninh Thuận; tỉnh Bình Định, chúng đã dồn dân được một số nơi ở Vân Canh, An Lão. Việc dồn dân ở Vĩnh Thạnh có thể đối với chúng “chỉ là vấn đề thời gian”, vì  qua ba lần bà con hai làng đấu tranh với nhiều lý lẽ về phong tục tập quán dân tộc nhưng địch kiên quyết không nhượng bộ mà còn hăm doạ: “Nếu không đi thì quốc gia sẽ dậm nát làng!”.

Để chống lại những âm mưu thâm độc mới của địch, chúng tôi cũng đã lường đến việc phải có kế hoạch tích cực chuẩn bị lực lượng tiến lên đấu tranh vũ trang khi  điều kiện, khả năng đấu tranh chính trị không còn thực hiện được nữa. 

Lúc này, một số anh em thanh niên thường hỏi chúng tôi: “Phải tính sao chứ địch làm dữ quá, chịu không nổi”. Rồi họ lại tự bảo: “Địch nói miệng thì ta nói miệng, địch bắn súng ta không có súng thì bắn ná, không có ná thì chém như Bá Đỡ chớ sợ gì nó!”

Bá Đỡ là cơ sở rất tốt của ta. Địch bắt xuống quận lỵ, Bá Đỡ thừa lúc lính kèm sơ hơ ûđã cướp cây rựa chém chết một tên, rồi chạy một mạch về tận núi mình. Có lẽ hành động dữ dội của Bók Tới, Bá Đỡ và sự căm phẫn quân thù của đồng bào đang bốc cao chính là tín hiệu giúp chúng tôi mở ra một giai đoạn mới, quyết liệt hơn, một mất một còn với quân giặc.

Trước tình hình căng thẳng, Huyện ủy họp lại. Vỏ quít dày có móng tay nhọn! Chúng tôi quyết định  phải tính đến kế hoà hoãn với địch là đồng ý với chúng sẽ xuống dồn nhưng xin hoãn lại sau mùa rẫy cuối năm 1958, tức là để sang năm 1959 mới xuống dồn. Và thống nhất phương hướng là: Một mặt vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp hợp pháp đấu tranh chính trị để trì hoãn hạn định xuống dồn; mặt khác khẩn trương chuẩn bị phương pháp vũ trang tự vệ, phải chuẩn bị chông thò, tên ná... sẵn sàng chống dồn. Nếu địch đàn áp, thì ta đấu tranh vũ trang bằng cách bất hợp tác: chạy làng!

Như đã nói, “Chạy làng”- là một cách đối phó, bất hợp tác của đồng bào dân tộc mỗi khi buôn làng gặp nguy biến. Nhưng kế hoạch của chúng tôi khi đã chạy làng, không phải chạy bằng tay không, mà là “chạy” có vũ trang.

Quyết định này được Đảng bộ nhất trí hoàn toàn nhưng chỉ đạo cũng rất phức tạp. Cấp trên có đồng ý hay không, chưa nói đến, nhưng còn dân, liệu đồng bào có hoàn toàn hưởng ứng? Nếu dân đồng ý, ta làm!.

Chúng tôi biết, nhân dân ở đây có tinh thần cách mạng rất cao. Trước đây chưa có Đảng, từ những năm đầu thế kỷ XX, đồng bào đã có truyền thống chống bọn cô-lông Pháp cướp đất, có trận đã diệt được tên cô- lông Pháp Odend’Hall. Trước năm 1945, đồng bào Bah Nar ở Vĩnh Thạnh đã có những cuộc nổi dậy chống Pháp kéo dài hàng chục năm; có lần nghĩa quân đã diệt tên quan ba Pháp Parist, đồn trưởng đồn Định Quang… Bây giờ có Đảng lãnh đạo lẽ nào không chống giặc được? Vả lại, địch có càn vào làng thì cũng chỉ có bộ binh, không thể đi xe pháo. Mà lính bộ thì vũ khí mang cung, tên ná có khả năng chọi được…             

Qua phân tích và thăm dò trong lực lượng nòng cốt, chúng tôi tin tưởng nhất định dân chống được và từ đó quyết định phát động dân chống dồn theo “kế sách” trên, nhằm giữ vài ba năm giằng giai với địch, chờ chủ trương mới của trên, chắc sau này tình hình sẽ khác đi chứ không khó khăn như hiện thời.  

“Quyết định Kon Klot” được triển khai một cách khẩn trương, rất công phu đến từng bếp, từng người dân và đã dấy lên không khí chuẩn bị sôi động. Ban cán sự hai xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo gấp rút chuẩn bị một số lý lẽ và cử già làng với “đại diện” xuống quận xin hoãn thời gian, hết mùa rẫy năm 1958 sẽ xuống khu dồn và đưa ra các yêu sách:

- Đang mùa rẫy, phải để cho dân thu hoạch xong đã. Chúng tôi sẽ đi, nhưng sau tết mới dời làng.

- Phải để dân đi lại làm ăn, thăm viếng, xuống vùng Kinh mua bán, đổi chác.

- Phải trả lại những người đã bị bắt và không được bắt một người dân nào nữa…

Quận trưởng Thái Quới hy vọng có thể dồn dân bằng các biện pháp, nên cuối cùng, có nhượng bộ, đồng ý sang năm 1959, dân hai xã phải xuống dồn. Tuy nhiên, hắn cũng tìm cách “nắm đằng chuôi”, ra điều kiện: cuối năm 1958 đồng bào chưa xuống dồn, nhưng phải xuống nhận chỗ trước; rồi phải lập vườn, rào làng… và còn định rõ: sau Tết cốm mới, dân phải xuống dồn!

Đại biểu nhân dân hai xã chấp nhận điều kiện nêu ra của địch.

Như vậy là ta đã thắng lợi một bước, địch bị lừa về mưu kế của ta.Ta có thời gian để chuẩn bị lực lượng cho nhân dân nổi dậy không phải là đấu tranh chính trị mà phải vũ trang tự vệ để chống cho được âm mưu dồn dân của địch.

Chúng tôi không chỉ phát động hai xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo mà phát động toàn huyện nổi dậy khởi nghĩa. Vì phải đấu tranh lâu dài, chuyển cuộc đấu tranh vào giai đọan mới nên chuẩn bị tư tưởng cho quần chúng thật là chu đáo, tạo sự nhất trí cao trong mọi người bất chấp mọi gian khó ác liệt.

Rất khẩn trương và bí mật, chúng tôi vận động đồng bào, người thì ngày đêm chuẩn bị giáo mác, vót chông, vót lưỡi mang cung, làm thêm ná lớn và luyện thuốc độc gắn đầu mũi tên có ngạnh; kẻ thì xuống miền xuôi đổi lâm thổ sản lấy muối, rìu rựa, thuốc vải để có dùng và dự trữ; đồng thời cử người đi chọn địa điểm làng bí mật và nơi cất dấu tài sản.

Chỉ vài tháng sau cả huyện đã dự trữ khá nhiều muối và nông cụ đủ dùng hàng mấy năm. Đặïc biệt, ta hết sức tranh thủ xây dựng lực lượng tự vệ mật, phát triển vũ khí thô sơ, nhất là tên thuốc độc. Riêng hai xã điểm Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo, nhất là Vĩnh Hiệp, chúng tôi chuẩn bị chu đáo hơn cả về phương án chiến đấu, kế hoạch bố phòng, quyết chiến đấu với lực lượng tác chiến và đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận cho tình huống nổ ra…Trai tráng hăng hái vào đội tự vệ, mỗi làng xây dựng hai tổ chiến đấu, một tiểu đội tự vệ mật. Các lối đi vào làng đều bố trí chông thò và dự kiến những nơi hiểm yếu có thể đánh nhau phải làm thêm bẫy đá, hầm chông…

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (02/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (29/03/2007)
Cùng bạn đọc   (28/03/2007)