Chủ trương chống dồn của đồng bào các làng dân tộc được cơ sở là anh Nguyễn Trung Thành lãnh đạo đồng bào Kinh ở Bình Quang nhất trí ủng hộ; tiếp tế thêm nhiều gạo, muối, dao rựa. Địch bắt bà con dân tộc phải xuống nhận đất, rào làng trước thì anh Thành vận động bà con người Kinh sẵn sàng nhận “đi làm khu dồn” giúp, nhưng là làm giả, làm dối, làm lấy lệ cho có; như rào làng chỉ cột lạt bậy bạ, lỏng lẻo cho dễ đổ; trồng chuối làm vườn thì cắt gốc, bỏ lõi cho cây chết héo, chết khô…
Công việc chuẩn bị gần một năm trời và luôn luôn có sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện ủy trong từng tháng. Đến ngày 25 tháng chạp, trước ngày mở màn, Huyện ủy họp mở rộng tại Nước Trú, đầu suối Kà Sơm để ăn Tết trước và kiểm điểm mọi công tác sau một năm triển khai chống dồn. Đồng chí Mai Dương (Sáu Xuân) Bí thư Tỉnh ủy xuống dự và kiểm tra các phương án, diễn biến tình hình đấu tranh chống dồn của Vĩnh Thạnh.
Chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng báo cáo với anh Sáu Xuân một trăm phần trăm nhân dân nhất trí, quyết tâm cao chống dồn; quần chúng Vĩnh Thạnh đã một lòng “không một ai xuống dồn, không để địch cướp đi một người dân”, muối vải, rìu rựa và kho lúa, rẫy mì dự trữ cũng đủ ăn, đủ dùng vài năm; chông thò, tên ná với tự vệ và du kích cũng đã sẵn sàng chống địch đến cùng…
Anh Sáu Xuân truyền đạt chủ trương của Tỉnh ủy, khen ngợi phong trào của Vĩnh Thạnh nhưng cũng tỏ ý lo ngại, lưu ý : Khẩn trương vũ trang tự vệ, nhưng phải hết sức kín đáo, để giữ thế hợp pháp, nhằm tránh cho phong trào Vĩnh Thạnh rơi vào thế đột xuất bất lợi trong khi chưa có sự hỗ trợ trực tiếp của phong trào toàn tỉnh. Anh lo, liệu chúng tôi có giữ được phong trào không? Hay là có thể nhượng bộ địch, cho xuống dồn một vài làng, không nên để căng thẳng quá, địch sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho phong trào?…
Qua ý kiến của anh Sáu Xuân, chúng tôi suy nghĩ và thảo luận, thấy rằng đã có một vài huyện miền núi địch dồn được dân và đã có một bài học xương máu An Lão bị địch hủy diệt một thôn. Nếu để địch dồn được một làng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần các làng khác và tác hại đến phong trào chung. Chúng tôi quyết không thể nào nhượng bộ địch.
Tuy nhiên, trước ý kiến chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã soát xét lại, Tình hình các làng ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp đều vững vàng. Nếu phải nhượng bộ xuống dồn một làng, thì đó là làng Cải Đàng, vì địa thế làng này cô độc, tách biệt với các làng khác, rất khó chống chọi với địch.
Mặc dù suy nghĩ là vậy, nhưng trong thâm tâm, chúng tôi không thể “bỏ rơi” Cải Đàng được, và thấy cần phải kiểm tra ở đấy thật chu đáo.
Sau cuộc họp, tôi và anh Thành đi ngay xuống Cải Đàng. Thấy tôi, bà con rất mừng và nói rõ quyết tâm chống dồn của dân làng. Tôi trao đổi về địa thế xa cách của Cải Đàng với các làng, dễ bị địch bứng dân xuống dồn; nếu bà con kiên quyết chống dồn thì Cải Đàng cần chuyển đến nơi gần các làng khác để dựa vào nhau chống địch vững vàng hơn.
Qua ý kiến của tôi, từ chủ làng cho đến thanh niên, phụ nữ, ông già bà cả đều nhất trí dời làng đến nơi thuận lợi chống địch ; và điều hết sức bất ngờ là cả làng quyết tâm đi ngay hôm ấy. Cho hay là “ khó vạn lần dân liệu cũng xong!”.
Dù sao cũng còn nhiều nỗi lo lắng, vì đây mới là màn mở đầu, mọi xung đột còn đang đợi chúng tôi và đồng bào Bah Nar Vĩnh Thạnh…
Sau khi Huyện ủy họp được mấy hôm, tên quận trưởng Thái Quới tổ chức họp đại diện và Kră các làng tại quận, cho họ ăn uống linh đình, tặng quà tết và nêu yêu cầu: “ Ăn Tết nguyên đán xong thì ngày 11-2 đồng bào hai xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo phải xuống khu dồn!”.
Địch đã bức ép, các Kră và “đại diện” không còn cách hoãn đãi được nữa. Tuy nhiên nhận thấy trong thời gian hoà hoãn trước nay ta đã có bước chuẩn bị chống dồn khá chu đáo, nên cuối cùng ta cũng chấp nhận. Giữa Thái Quới và ta đã có một hợp đồng “gút” với nhau: 11-2-1959 sau ăn Tết cốm mới xong, làng sẽ xuống dồn; và quốc gia sẽ lên đón dân xuống khu dồn.
Địch yên chí, đến ngày đó dân sẽ xuống dồn. Còn đối với ta, cũng ngày G đó sẽ chạy làng, chống dồn.
Trước ngày “gút” mấy ngày, anh em thanh niên làng Hà Ri xốc nổi, hăng hái chuẩn bị chống dồn thiếu kín đáo, bị lộ, nên một số dân chạy trước. Tên On Đinh báo cáo lên quận, địch bảo Bá Chua - đại diện làng là cơ sở của ta-đi kêu dân làng Hà Ri về. Bá Chua về hỏi tôi - Tôi dặn Bá Chua cứ giả vờ đi kêu dân làng về - để chúng khỏi nghi ngờ. Bá Chua phải làm theo ý quận trưởng cũng giả vờ đi kêu, nhưng sau đó ông về báo lại: “Lũ nó chạy, tôi kêu nó không về!”. Đúng ba ngày sau, dân làng Tơ Lok, Tơ Let đồng loạt nổi dậy theo kế hoạch.
Lúc này Bá Bang bàn với anh Đinh Treng và ban cán sự hai xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo cùng các già làng thống nhất khẩn trương dời làng trước khi địch lên. Đồng bào hai xã được huy động vào trận gấp rút hạ cây rấp đường, rấp làng. Bao nhiêu chông đã bí mật vót bây giờ đem ra cắm dày đặc với bẫy đá, hầm chông, mang cung trên các tuyến bố phòng. Đồng bào cũng đã nhanh chóng gùi gia sản, lương thực và đưa những người già, trẻ em vào các làng bí mật. Làng Tơ Lok là điểm nên chuẩn bị chu đáo từng nội dung: đầu làng ta bố trí lực lượng, nếu địch vào, kêu gọi chúng đừng vô, chết bỏ mạng; sau làng ta bố trí hầm chông, cạm bẫy, mang cung, chông dưới đất, chông cắm gốc cây…; nếu địch xông vào, buộc chúng chỉ phải đi theo suối là con đường duy nhất. Ở đây có ông Đinh Treng và một tiểu đội du kích được phân công giữ chân chúng tại Nước Ló…
Rừng núi như vẫn êm đềm với màu xanh đời đời nhưng đang che dấu những chuyển động của bão tố.
Đó là ngày 6-2-1959, ngày sôi sục khí thế cách mạng.
Nhân dân các làng Jơ Dri, Tơ Lok, Tơ Lek, và tám làng khác thuộc xã Vĩnh Hảo đã “chạy làng”. Lần “chạy làng” này là chạy cả vùng bắc nam sông Kôn trong một ngày, không phải chạy dài bằng tay không mà đã vũ trang, sẵn sàng đánh trả kẻ thù, quyết sanh tử để bảo vệ từng người dân, giữ từng gốc cây rừng.
Một trung đội lính bảo an lên khủng bố làng Jơ Đri do tên gián điệp On Đinh dẫn đường. Đi một đoạn, On Đinh lại gọi: “Ớ dân làng Jơ Đri đừng chạy nữa! Theo quốc gia không chết, theo cộng sản chết hết!”
Bọn địch tiến vào nhặt được những tờ truyền đơn rải khắp nơi với nội dung: Chúng tôi chạy làng không phải chống quốc gia, mà do sợ quốc gia dồn dân. Quốc gia không bắt chúng tôi xuống dồn chúng tôi sẽ ra... Chúng lại còn nghe thanh niên trong làng dùng loa giải thích: “Dân làng không theo ai, cũng không xuống khu dồn, quốc gia về đi, ai vào bị sập hầm chông, mắc mang cung chết!.”
Bọn giặc ngoan cố vẫn cứ tiến, bị du kích mai phục bắn ná. Tên On Đinh bị một mũi tên phập vào trán, mấy tên khác cũng bị thương kêu la ầm ĩ. Sau đó, bọn địch cũng hành quân đánh phá làng Tơ Lok. Cũng như các làng khác, Tơ Lok đã sẵn sàng chiến đấu. Theo kế hoạch, anh Đinh Treng bố trí mười hai người phục ở làng cũ, còn hai mươi người nữa phục trên đường vào làng.
Khi bọn địch vừa tới đầu làng, tiếng loa của chị em đã vang lên:
- Quốc gia về đi! Làng có mang cung, đừng vào làng chết bỏ vợ, bỏ con!
- Chúng tôi sợ quốc gia dồn dân, chúng tôi chạy. Chúng tôi không chống quốc gia. Quốc gia về, chúng tôi sẽ ra!
Bọn địch không những không về mà còn tiến sâu theo đường suối Nước Ló. Đến tại một vực sâu của con suối, đó là gộp Nước Ló, địch không đi được nữa, bị chặn lại. đến Nước Ló là lọt vào ổ phục kích của ta. Trận đánh địch tại gộp Nước Ló cùng với trận đánh của làng Hà Ri là hai điểm phát hỏa của cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
Chúng đi một trung đội nhưng lọt vào con đường chỉ một số ít vì đường nhỏ, phải đi hàng dọc, không tiến theo đội hình hàng ngang được. Tên đi đầu chỉ còn chừøng năm mét đã bị mũi tên thuốc độc cắm giữõa bụng và gục xuống. Bốn tên sau bị thương kêu la ôi ối. Bọn còn lại sợ bị tên thuốc tản ra liền bị chông, mang cung, bẫy đá bố trí liên hoàn bên đường làm cho bị thương. Anh em ta vẫn giữ được vị trí chiến đấu bố trí theo ba tổ: một tổ chính diện, một tổ bên phải và tổ còn lại phục bên trái. Khi địch xông lên, ta bật hết mang cung ra. Từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều, dân Tơ Lok đã chiến đấu với bốn đợt tiến công của địch, làm địch bị thương hàng chục tên, có hai tên chết…
Địch bị thương nhiều nên chúng phải dừng lại; và do bị chống lại quá bất ngờ, chúng hoảng hốt rút lui…
Cánh rừng này rung chuyển qua một ngày đụng độ giữa một phía vài ba chục người Bah Nar chỉ có trong tay cây ná và tên tre với một phía hơn trăm quân bảo an có súng đạn đầy đủ ; cánh rừng này đã giúp cho người Bah Nar với số ít và vũ khí thô sơ chiến thắng quân địch đông, trang bị khá hiện đại và đây cũng là bài học đầu tiên về chiến tranh du kích của chúng tôi để phát huy tích cực sau này.
Sau khi Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo của Vĩnh Thạnh nổi dậy, đồâng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, anh em thường gọi là anh Tám Tâm, Thường vụ Khu ủy, Bí thư liên tỉnh Gia Lai - Phú Yên - Bình Định kêu tôi lên trao đổi, anh hồ hởi nói:
- Các anh làm phải quá! Các anh chống triệt để như thế là rất tốt.
Rồi sau một hồi đắn đo suy nghĩ, anh Tám Tâm nắm chặt tay tôi vừøa cảm thông, chia sẻ vừa nêu ý kiến chỉ đạo:
- Cuộc nổi dậy như thế là rất thắng lợi. Tuy nhiên, thực lực của chúng ta còn khó nhiều... các nơi chưa có nơi nào chống quyết liệt như thế. Vân Canh và An Lão địch đã dồn được mấy làng, vì vậy cần phải tạo quan hệ bình thường lại, đừng làm căng thẳng tình hình, nên cố tạo được sự “êm dịu” trong khi còn có thể...để kéo dài thời gian, tránh bị cô độc, địch đánh mạnh sẽ bị tổn thất…
Sau đó, từ thực tế tình hình, Huyện ủy đã đề ra một số chủ trương mới có những bước đi uyển chuyển cho phù hợp. Đối với hai xã nổi dậy, vừa tăng cường công tác bố phòng địch, vừa nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở của dân làng bí mật, đồng thời chú ý bảo vệ sản xuất, chống địch phá hoại hoa màu. Đối với các xã khác vẫn cảnh giác, một mặt sẵn sàng trong tư thế chống địch càn quét nhưng mặt khác phải giữ thế hợp pháp...
Trong lãnh đạo, chúng tôi vẫn phải hướng đồng bào tìm cách không làm căng thẳng quá với địch. Một mặt, cho quần chúng ra đưa thư cho chúng, với nội dung “Chúng tôi bắn Quốc gia vì sợ quốc gia quá; Quốc gia phải tha thứ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ ra”. Mặt khác, cho người Kinh bắn tin: “Quốc gia tha, họ ra liền..” làm cho chúng hy vọng. Cuối cùng, địch cũng đồng ý “tha” bằng cách tổ chức hai bên gặp mặt thương lượng, và địch cũng cho đồng bào ra với âm mưu lừa mị.
Hai bên “hiệp thương”, địch cho dân làng ra mua bán với người Kinh, nhưng lợi dụng tình hình hòa hoãn này đồng bào tranh thủ mua thêm muối, rựa. Ở Vĩnh Hảo ta cũng đưa vài làng chuyển ra hợp pháp, cho gỡ mang cung, đường vào làng chiến đấu và cho dân tiếp tục xuống vùng người Kinh mua bán bình thừơng; đồng thời cho người ra tiếp xúc với địch đưa yêu sách đấu tranh. Tên Quận trưởng Thái Quới tưởng bà con đã “chịu thua” nên tổ chức lễ đâm trâu tại quận linh đình và buộc các làng chọn người đi học tập khu dồn ở Vân Canh. Ta cũng lãnh đạo bà con đồng ý với địch đưa người đi tham quan nhưng thực chất chỉ là để “làm dịu” tình hình. Đại diện và một số dân cũng đi tham quan nhưng đồng bào vẫn ở trong khu bí mật, chúng tranh thủ mua bán, kêu dụ nhiều mới ra, nhưng bà con luôn luôn tìm cách hoãn đãi.
Giằng co mãi, địch không thể thực hiện mưu đồ dồn dân, nên vào tháng 6, tháng7 năm 1959 chúng lại liên tục cho lính đi càn, có máy bay yểm trợ, phá rẫy, đốt lúa, đốt chòi của dân làng Tơ Lok, Tơ Lek xã Vĩnh Hiệp. Tuy nhiên chúng cũng không bắt được ai, cũng không cướp được gì. Một vài đại đội đi càn, chứ một tiểu đoàn, hay cả trung đoàn cũng không làm gì được, vì rừng núi mênh mông, thăm thẳm, bà con lại ở tản mát; mà mang cung, tên độc, bẫy đá gài khắp nơi, nghĩ đến chúng đã phải ớn lạnh…
Lúc bấy giờ, chúng tôi cũng không còn có thể kiên trì được nữa nên đã chuyển sang thế đấu tranh vũ trang. Và tiếp sức cho chúng tôi là vào tháng 8-1959 Nghị quyết 15 của Trung ương đã được truyền đạt đến.
Sau thời gian kiên trì đấu tranh chống địch dồn dân và mấy trận đánh của đồng bào và du kích xãø Vĩnh Hiệp thắng lợi, Bá Bang lên tìm tôi. Hai anh em ôm nhau không nói nên lời. Đứa nào cũng ốm xọp, má hóp, mắt sâu, chưa đến bốn mươi mà tóc đã điểm bạc. Nhìn Bá Bang gầy yếu, tôi bỗng nhớ những ngày còn thơ. Tôi và Thọ (tức Bá Bang), anh em chúng tôi cùng lớn lên trong ngôi nhà thanh bạch và ấm áp, như một đôi bạn hôm sớm với cánh đồng, với dòng sông Kôn xanh xanh bóng cây đôi bờ... Có phải là duyên số đã đưa chúng tôi gắn bó với dòng sông Kôn, xưa cùng bơi lặn, nay cùng uống đầu nguồn với bao đồng chí và đồng bào Bah Nar như ruột thịt. Qua những giây phút nghẹn ngào, Bá Bang lại cười vui. Anh là một chàng trai dí dỏm và rất có duyên kể chuyện cười, chọc cho người ta cười lăn cười bò mà mặt anh vẫn tỉnh như không.
Chúng tôi bàn tính báo cáo tình hình lên Tỉnh ủy, đồng thời chỉ thị toàn huyện phát huy thắng lợi Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, đẩy mạnh hơn nữa tự vệ vũ trang, huy động quần chúng bố phòng chiến đấu, tiếp tục tổ chức các đợt đấu tranh chính trị hợp pháp, tích cực tham gia sản xuất, nhất là trồng mỳ- đó là loại lương thực chiến lược chống địch bao vây kinh tế và ta phải chuẩn bị kỹ về mọi mặt để có thể đánh lâu dài hơn, nhất định phải chiến thắng vẻ vang.
Chúng tôi cũng không ngờ rằng những điều mình làm được trong quá trình tiến tới khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã rất phù hợp với Nghị quyết 15 của Trung ương, mà đến tháng 8 -1959 chúng tôi mới được nghe truyền đạt tinh thần nội dung : “Nhiệm vụ cơ bản của miền Nam là giải phóng miền Nam, nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và dự kiến khả năng cách mạng miền Nam có thể phát triển thành một cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ”.
Nghị quyết 15 như một luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng miền Nam nói chung, Bình Định nói riêng, với khí thế khởi nghĩa đã giải phóng toàn huyện của huyện Vĩnh Thạnh chuyển lên đấu tranh vũ trang càng tạo thế, tạo lực cho cách mạng, động viên cổ vũ cho đồng bào trong tỉnh vùng lên chống lại Mỹ Diệm, phát triển mạnh mẽ xuống đồng bằng.
Giữa năm 1960, tôi được tổ chức điều động về Tỉnh ủy. Bá Bang thay tôi làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh.
Nào có phải đi xa vì Tỉnh ủy vẫn đóng ở núi rừng Vĩnh Thạnh, thế mà sao ngày chia tay với anh em Huyện ủy, tôi vẫn bùi ngùi lạ lùng. Chúng tôi đã chia cho nhau từng miếng mì lùi, dành cho nhau từng viên thuốc đắng, biết vá aó cho nhau và biết nhận nhiệm vụ nặng nề về mình dù biết rằng sẽ khốc liệt, có thể hy sinh. Chắc tôi còn gặp đồng bào nữa chứ, sao bà con âm thầm rủ nhau tiễn đưa, ai cũng lưu luyến, bịn rịn, nhắc nhở hẹn hò như thể tôi sắp đi đến một chiến trường xa…
Tôi làm sao quên được những ngọn núi có tên và không tên mình đã sống thành kỷ niệm- những ngọn núi đứng liền nhau và kéo dài như hai bức trường thành nghiêng những con nước lớn, nhỏ đổ vào dòng sông Kôn mà người Bah Nar gọi là Krông Bung, một dòng sông đẹp hùng vĩ tượng trưng cho dân tộc họ. Một dân tộc như những bản anh hùng ca qua những bài hơamon nói về tổ tiên với những dũng sĩ thần thoại và những ước mơ kỳ diệu, một dân tộc có truyền thống bất khuất chống giăc Pháp ngày trước và chống Mỹ Diệm hôm nay mà ngày 6- 2-1959, từ Tơ Lok, Tơ Lek, Hà Ri cùng các làng cả huyện làm rung chuyển núi rừng, làm kẻ thù chịu thất bại ngay những ngày đầu của cuộc chiến tranh.
Một mái nhà sàn, một hang đá, một con suối, một dốc cao hay một bóng cây nơi hội họp trao đổi, luận bàn đều nhóm dậy trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt với những khuôn mặt thân thuộc vừa khắc khổ, hào phóng, vừa thật thà, dễ thương, vừa rắn rỏi, gan dạ… tất cả đều biểu hiện lòng trung thành với cách mạng, sống mái với quân thù… Tất cả, tất cả đã nuôi tôi, bồi dưỡng chúng tôi đứng vững trên mảnh đất này.
Dù ở đâu, đi đâu hay dù làm gì, trong suốt cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng, tôi cũng nhớ và biết ơn người Bah Nar Vĩnh Thạnh, biết ơn núi rừng và dòng sông quê mẹ thân thương đã rèn luyện tôi qua một thời trai trẻ nên người.