VỀ ĐỒNG BẰNG
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (tháng 6-1960), tôi được bầu lại vào Tỉnh ủy. Đại hội này có một ý nghĩa rất quan trọng- là Đại hội kết thúc những năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ từ năm 1954 đến giữa năm 1960, đồng thời mở ra một giai đọan đấu tranh quyết liệt mới - kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, cùng quân dân toàn miền Nam chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Với quyết tâm đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở ở đồng bằng, nhất là các huyện phía nam, Tỉnh ủy đã lập Ban cán sự Khu Nam, gồm Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, do đồng chí Nguyễn Bày, ủy viên Thường vụ làm Bí thư. Lúc này tôi được phân công phụ trách Ban dân tộc của tỉnh.
Sau thời gian ngắn phụ trách Ban Dân tộc từ tháng 10- 1960 đến đầu năm 1961, tôi lại được tỉnh chuyển giữ nhiệm vụ Bí thư Ban cán sự Tuy Phước - Quy Nhơn thay anh Nguyễn Bác hy sinh. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là thực hiện chủ trương của Liên khu ủy V “Tiến mạnh xuống đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh phong trào đô thị”.
Anh Bác là người An Nhơn. Năm 1959 anh là Thường vụ Huyện ủy Bình Khê và là Tỉnh ủy viên. Năm 1960 Tỉnh ủy điều anh về làm Bí thư Ban cán sự Tuy Phước - Quy Nhơn. Trong một lần đi công tác, anh hy sinh do một đơn vị phát hiện tưởng địch đi càn, bắn lầm.
Khi tôi còn ở Ban dân tộc, vùng miền núi địch đã mở những cuộc càn quét. Tôi nhớ, trận đầu tiên đụng độ địch càn vào vùng Kon Klot, chỗ ở của Huyện ủy ở Kon Nak. Có tin tình báo cho biết địch càn ở Vĩnh Thạnh, chuẩn bị chống càn. Đi chống càn, nhưng anh em bộ đội, cả chỉ huy hầu hết là người mới đến, chưa rõ địa thế. Đại đội Tây Sơn mới thành lập đầu năm 1961, do đồng chí Trần Quang Giáo làm Đại đội trưởng. Đại đội Tây Sơn là tiền thân của Tiểu đoàn 50 sau này. Trong lúc đơn vị không có người dẫn đường, dù sao cũng biết địa hình hơn anh em nên tôi được “bổ sung” vào một cánh quân, trở thành người đưa bộ đội đi đánh giặc. Sau này nhớ lại trận đánh, tôi cứ nghĩ, đây như là những bước “thử thách chuyển tiếp” để tôi có thêm kinh nghiệm trước khi rời miền núi chuyển xuống đồng bằng.
Trong trận ấy, chuyện thật là oái oăm, địch đi một đàng ta phục một nẻo, không biết thế nào lại hoá ra địch vây ta. Ta có một trung đội, còn địch tôi thấy rất đông, lố nhố khắp nơi. Khi chúng cách ta khoảng năm, mười mét, anh em ta cứ nhả đạn thí xác. Tôi cũng bắn hết hai băng đạn col 12, may nhờ ta có một trung liên lên điểm cao kìm chế địch, giải vây; anh em rút lui, chạy tản mát. Cũng may, do ta phát hiện sớm, phản kích lại nhanh, địch chết nhiều, nhưng bộ đội không sao. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Tuy nhiên những vật “bất ly thân” của chúng tôi trong chiến tranh như ba lô, đài, võng, hăng gô đựng lương khô, đồng hồ…bị văng tứ tán, mất sạch.
Lúc về đến nơi trú quân, anh em mới thấy tim mình đập bình thường trở lại. Anh Giáo cười cười, như thấy mình là người có lỗi, nói với tôi:
- Cũng may, chứ lỡ anh có làm sao, tôi bị kiểm thảo chết!
- Thì cũng tại cả tôi nữa chứ! Biết đâu, chính từ trận này, nhờ anh mà tôi có được thêm kinh nghiệm thực tế về trận mạc, để không bị chúng “thịt”. Tôi nói vui để anh yên lòng, nhưng đó cũng là những ý nghĩ rất thật của mình. Vậy là vui vẻ, anh Giáo bớt phần áy náy.
Trận đầu chống càn là vậy, còn công tác tuyên truyền trong đồng bào cũng không dễ dàng gì. Chúng tôi như những người đi trong đường hầm đang mày mò tìm lối ra. Ta đang nóng lòng “mở ra”, nhưng lại rất thiếu thông tin. Và để mở ra, tất nhiên là không thể ngồi chờ đợi cơ may mơ hồ nào, mà chính chúng tôi quyết định phải vận động bằng một kế hoạch táo bạo là sẽ “vào tận trong thôn gặp dân, áp sát địch, chận chúng lại”để thực hiện việc tuyên truyền.
Lần đó tôi và anh Giáo tổ chức vũ trang tuyên truyền ở thôn Định Thành, gần đồn Định Quang địch đóng. Lúc vào thôn, đồng bào thấy chúng tôi mà như thấy những người từ hành tinh khác, họ tái mặt, xôn xao, sợ hãi khi nghe chúng tôi mời tới họp.
Gặp một bà già quen biết là người thuộc phía dòng họ Đặng, tôi gọi:
- Cô, cô ơi! Lại đây, chúng tôi là con cháu cả mà.
Bà già không dám lại, tôi phải nói rõ thêm:
- Cô nói với đồng bào có ông Tín, con Xã Trủng tới đây gặp đồng bào nói chuyện. Tôi còn sống!
Nghe thế, bà già ù té chạy, sợ quá, không dám ngoái đầu lại nữa.
Tôi đến gặïp một ông già:
- Bác có nhớ tôi là ai không? Tôi là Tín - con Xã Trủng đây, bác có biết không ?
- Ông là ông bộ đội! Ông già trả lời cụt ngủn và cũng không dám nhìn tôi.
Tuy nhiên, qua những lời trao đổi ngắn gọn vậây, đồng bào cũng biết được là “có bộ đội Việt Minh về!”.
Rồi cứ thế, chúng tôi rải và dán truyền đơn ở khắp nơi, không biết có ai đọc không? Truyền đơn chỉ rải và dán, chứ đưa cho người dân, không ai dám nhận. Nhưng mấy ngày sau, nghe mọi người rỉ tai như báo cho nhau một tin vui: “Có bộ đội Cụ Hồ về !”. Như vậy cũng có nghĩa là, dù bị địch khống chế, đàn áp nhưng lòng dân vẫn hướng về với cách mạng. Chúng tôi không những gỡ được mối lo mà càng cảm động hơn vì qua phong ba bão táp, tình cá nước vẫn vững bền.
Trong thời gian phụ trách Ban dân tộc, tôi và anh Trường cùng mấy anh dân tộc trong đó có anh Yuân, phát hành được tờ tin “Pơ ling”- chúng tôi thường gọi là tờ báo.“Pơ ling” tiếng dân tộc có nghĩa là vui vẻ, phấn khởi, sung sướng. Với tờ “báo” này, chúng tôi có thể chuyển tải được khá nhiều vấn đề như, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc về Nghị quyết của Đảng, vạch rõ những âm mưu của địch, biểu dương những việc làm tốt của đồng bào; nó còn có tác dụng hướng dẫn đồng bào học chữ, học hát bằng tiếng dân tộc…
Khi tôi vào Khu Nam, giao tờ tin này cho anh Trường phụ trách.
Năm 1960, trước khi Nghị quyết 15 được truyền đạt đến từng huyện, cán bộ các huyện đồng bằng hầu như không còn do quốc sách “tố cộng” tàn bạo nhằm “tiêu diệt cộng sản tận gốc”… của Mỹ Diệm mà với Luật 10/59 - Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam chính là một sự công khai hoá chính sách “chống cộng” triệt để của chúng. Chỉ tính từ tháng 5-1955 đến tháng 6-1956, ở Bình Định chúng đã bắt gần hai mươi ngàn người, giết hại và giam tại các nhà tù từ tỉnh đến xã, gây hàng loạt vụ thảm sát rất man rợ. Các huyện An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn cán bộ ở lại bị địch bắt gần hết: Tuy Phước có mười sáu cán bộ, bị bắt mười lăm; An Nhơn có mười hai, bị bắt mười một; riêng Quy Nhơn có sáu cán bộ, cả sáu người đều bị bắt. Bình Khê mười tám, chỉ còn lại hai. Huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ mỗi huyện trên hai chục người, bị bắt còn khoảng một phần tư; các huyện khác chỉ còn một vài cán bộ Huyện ủy. Cán bộ miền núi cơ bản còn, riêng Vĩnh Thạnh còn đủ.
Thực hiện Nghị quyết 15, từ năm 1960 trở đi miền Bắc bắt đầu chi viện cho miền Nam. Lúc này ở tỉnh có nhiều đồng chí tập kết ra Bắc được tăng cường về, một số cán bộ quân sự tiền thân Tiểu đoàn 50 có anh Lê Thành Văn về làm Trưởng ban cán sự Tỉnh đội, anh Xuân và Đinh Bá Lộc; cán bộ Dân - Đảng có anh Tô Đình Cơ, anh Lê Mai, anh Trường...
Dù là người đã có kinh nghiệm trong công tác vùng dân tộc, song khi được giao nhiệm vụ mới “xây dựng cơ sở và đẩy mạnh phong trào ở đồng bằng và đô thị”, tôi không khỏi trăn trở, suy nghĩ. Chỉ nói trong công việc bình thường của con người, dân gian cũng đã có câu “trăm hay không bằng tay quen”, huống hồ đây lại là nhiệm vụ quan trọng của người chỉ huy trong chiến tranh vô cùng ác liệt chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, lại ở vùng đồng bằng sông nước mênh mông, tình hình rất phức tạp.
Không kể tới việc từ khi sinh ra tôi đã là một chàng trai ở vùng miền núi Vĩnh Thạnh quê hương, lớn lên tôi còn có nhiều năm công tác ở miền núi và gắn bó cuộc sống của mình với đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi hiểu họ còn hơn họ hiểu về mình. Và, nếu tính cả thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi đã có thâm niên công tác ở các vùng miền núi các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum khoảng mười năm…
Nghĩ lại khoảng thời gian mười năm lăn lộn nơi chiến trường rừng núi ấy, tôi biết mình đã đi khá xa và trưởng thành hơn nhiều so với điểm xuất phát từ là một chàng thư sinh mười tám, đôi mươi chuyên chú học hành, trong một gia đình có ăn. Dù vậy tôi vẫn thấy trách nhiệm Đảng giao cho mình về đồng bằng kỳ này rất nặng nề, và khó khăn biết bao! Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chính là sự tin tưởng của Đảng đối với mình! Và đóù cũng chính là điều - không biết tự bao giờ tôi đã sẵn sàng và quyết tâm dấn thân cho sự nghiệp cách mạng mà không hề tính toán.
Tôi nhớ, những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám đã nói với mẹ: “Con đi theo cách mạng, phải lo đất nước thôi, không làm giàu được đâu!”. Mẹ tôi rất đồng tình : “Lũ bay muốn đi đâu thì đi!”
Sự khảng khái, ý chí kiên cường của người mẹ luôn chảy trong dòng máu của tôi và nâng bước tôi trong mọi khó khăn.
Từ năm 1958, mẹ tôi đã được anh em bố trí đưa lên căn cứ sau những lần bà bị địch bắt truy bức, đánh đập và chuyển xuống nhà lao Quy Nhơn tra tấn dã man. Suốt mấy tháng trời, không từ một thủ đọan đòn roi tra tấn và dụ dỗ, lừa mị nào, nhưng bọn địch cũng đành phải chịu thua bà. Không có chứng cớ bắt, chúng phải thả bà về quê, nhưng càng ráo riết cho tay chân theo dõi, khống chế và có kế hoạch thủ tiêu bà… Biết bà bị lộ nên đường dây đã bí mật đưa bà lên căn cứù.
Khi chuyển lên tỉnh công tác, tôi thường xuyên được ở gần mẹ, mẹ con tôi đã không phải dấu nhau những hoạt động bí mật của mình như trước nữa…
Có lần mẹ hỏi tôi: “Sao con ở lại mà không nói cho mẹ biết?”. Tôi cười và hỏi lại : “Thế mẹ hoạt động, mẹ có nói cho con biết đâu ?”. Thế là hai mẹ con cùng cười, coi như huề.
Lần này chia tay mẹ xuống đồng bằng, lòng tôi thấy yên tâm hơn. Còn mẹ thì cũng vui vì biết rõ hoạt động của con và có điều kiện thủ thỉ, bày vẽ thêm cho tôi những kinh nghiệm sống ở đồng bằng.
Trong những ngày chuẩn bị lên đường, tâm trí tôi bỗng hiện lên những kỷ niệm xa xưa, hiếm hoi về Tuy Phước và Quy Nhơn. Lúc ở chiến trường Kon Tum năm 1954, tôi nghe anh em nói trêu chọc: “Dân Bình Định đi lính nhiều nhưng đào ngũ cũng lắm, nhất là dân Tuy Phước, chắc là lũ đó sướng nên không chịu khổ được”(?!).
Trong khi hiểu biết về Tuy Phước còn quá mơ hồ thì Quy Nhơn lại hiện về trong tôi những kỷ niệm gắn bó một thời khá đậm nét. Bạn bè của tôi lúc đi học ở Colegiơ Qui Nhơn cũng nhiều, một số đã ra Bắc tập kết, cũng có một số theo địch… Tôi và nhóm bạn thân đã từng đi đầu dầu lội khắp nơi không thiếu chỗ nào trên những con đường, hẻm phố bé nhỏ ở Quy Nhơn…
Niềm tự hào của những năm tháng trải nghiệm công tác ở miền núi không làm tôi yên tâm được khi xuống đồng bằng, vì sự khác nhau quá nhiều về địa thế, về cách sống, về lòng người và đặc biệt đó là những vùng địch đã chiếm đóng, rất phức tạp…
Kinh nghiệm lãnh đạo trong chiến tranh luôn luôn giúp tôi thận trọng và mách bảo bí quyết thành công là không được chủ quan, phải tìm hiểu sâu mọi vấn đề, tự vạch phương án tác chiến và công tác vận động …
Đường vào Tuy Phước và Quy Nhơn thật gian nan, anh Tâm liên lạc của tỉnh và tôi phải xé đường để đi.
Đường 19 là con đường huyết mạch xuyên suốt từ Gia Lai xuống Bình Định, nhưng không thể xuống bằng con đường này vì địch rải quân và công nhân án ngữ đầy đường để xây dựng lại. Ban đầu chúng tôi tính đi từ Đồng Phó- ngã ba Vườn Xoài rồi Núi Một đi qua; nhưng cũng không thể đi được. Sau phải tính lên Gia Lai rồi lội ngược lại, nhưng cũng tắc. Địch giăng dày quá. Cuối cùng tôi phải trở lại Vĩnh Thạnh, tìm đường giáp ranh Bình Khê - An Khê, đi từ giữa đèo An Khê đi qua. Chỉ có cách luồn rừng, tự xé đường mới để đi là đắc sách nhất trong lúc này. Tuy cách này rất khó nhưng bí mật hơn cả. Và “xé đường mới để đi” là phương án cuối cùng của chúng tôi.
Để chuẩn bị cho chuyến đi gian nan và chắc là dài ngày này, tôi nấu cơm nếp, vắt nhuyễn để ăn vài ngày đầu và nấu bánh tét dự trữ ăn trong những ngày sau.
Buổi đầu, xé đường trên đồi núi để đi, đi một đêm, nhưng không “thủng”. Hôm sau dậy đi từ tờ mờ khoảng bốn giờ, đến sáu giờ sáng là phải nghỉ. Lúc này nhiều người dân vùng Định Quang, Tiên Thuận lên Tú Thủy, Cửu An, lên rừng khai thác củi và mây, nên chúng tôi phải tìm chỗ trốn cho đến bốn giờ chiều, ngớt dân mới có thể lại đi được.
Chiều tối, trên núi cao nhìn xuống phía đường cái, thấy toàn “Tây” không. Sau mới biết Mỹ làm đường 19 nhưng Tân Tây Lan nhận thầu. “Tây” nhìn thấy đó là những người Tân Tây Lan.
Sáu giờ tối, nắng quái còn hừng lên những tia sáng loé cuối cùng giúp chúng tôi quan sát kỹ đường cái, nhận biết được chỗ Hang Dơi cách nơi chúng tôi trốn chừng hai ba trăm mét. Thế là may, chúng tôi quyết tâm bám suối đi để qua suối cầu Hang Dơi. Đoạn sắp qua cầu, dốc đứng, hiểm trở, tôi phải nằm ngửa lấy thế để đi; hai chân đi trước, hai cùi chỏ chống xuống đất “đi” sau. Người hạ thật thấp xuống mới dễ đi. Đến đoạn chui qua cầu, phải chờ trời tối hẳn, lợi dụng lúc “bọn Tây” nghỉ ăn cơm mới có thể đi qua được. Ngặt nỗi không biết khúc này sâu bao nhiêu. Do nắm được đường nên đoạn đi ngửa không lo mấy; còn đường chui qua cầu như thế nào, tôi không hình dung ra được, trong khi trời lại tối đen như mực. Vì vậy chúng tôi vẫn vừa phải tiếp tục áp dụng cách đi ngửa vừa phải dò dẫm từng bước một. Kiểu đi “bốn chân” ngửa này qủa là vô cùng cực nhọc. Trong khi mặt ngửa lên trời, lúc thì chống hai cùi chỏ, lúc thì hai tay níu chặt vào một thân cây hoặc bám một mỏm đáù, còn tâm trí thì lại dồn vào đôi bàn chân, lúc huơ chân này, lúc huơ chân kia dò dẫm từng tấc đất… Và rồi, cuối cùng chúng tôi cũng thở phào được vì đã qua khỏi cầu Hang Dơi. Nghĩ lại, chỉ một đoạn đường ngắn từ dưới đèo An Khê- đoạn đầu huyện An Khê qua Đắc Pơ rồi trở lại đi cho đến khi qua khỏi cầu Hang Dơi, đã phải mất năm ngày… |