GÂY DỰNG LẠI CƠ SỞ
Khi về đến căn cứ ở Kà Nâu, Kà Bưng Vân Canh, mấy anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Niềm vui chỉ loé lên trong chốc lát còn nỗi lo về tình hình ở cơ sở lại nặng trĩu. Cán bộ “ở lại” của Tuy Phước bị địch bắt gần hết, chỉ còn lại anh Bản, anh Đạo. Trên mới tăng cường cho Tuy Phước hai cán bộ. Còn Quy Nhơn, cán bộ “ở lại” bị địch bắt không còn một người.
Đêm đầu tiên ngủ ở Tuy Phước, nghe anh em nhắc đến một “vụ” phức tạp về trường hợp một cơ sở của ta bị lộ là một cô gái khá xinh đẹp. Địch bắt cô tra tấn rất dã man, nhưng chúng không khai thác được gì, đành phải thả cô. Cô trở về tiếp tục phục vụ cơ sở. Cô nắm bắt tình hình nhạy bén và hoạt động rất nhanh. Tuy nhiên địch cũng rất thâm độc. Tên cảnh sát rất mê cô vì là người đẹp mà lại có học vấn. Quá trình chúng thả cô ra nhưng vẫn ngầm theo dõi, tìm cách mua chuộc cô. Biết cô thích người đẹp trai, thích ca nhạc… chúng thường xuyên gần gũi, kè kè theo cô vui chơi ca hát rồi dần dần chuyển hoá cô; cô khai báo và mọi bí mật thế là bị lộ hết. Cô gái trở thành “kẻ phản bội” do bị địch dùng “nam nhân kế”, gây tai hoạ rất lớn cho cách mạng.
Cuối năm 1961, cơ sở cách mạng ở Tuy Phước vỡ tan tành. Đến năm sau mới phục hồi được một số cơ sở ở Phước An, Phước Long ( vùng Diêu Trì). Ở Quy Nhơn tình hình cũng hết sức căng thẳng, lúc bấy giờ không còn cơ sở cách mạng nào. Anh em phải tìm cách móc nối với một số người Quy Nhơn đi làm củi, lấy gỗ ở Phước Thành để tìm hiểu thông tin, mong gây dựng được phong trào.
Thời gian này, ngoài Ban cán sự có tôi là Bí thư Tuy Phước - Quy Nhơn, cùng anh Tánh và anh Thương người Tuy Phước, tỉnh cho về Qui Nhơn ba cán bộ; cho về Tuy Phước bốn cán bộ. Anh Tánh người Quy Nhơn (từng làm Bí thư Quy Nhơn thời chống Pháp) cùng tôi bàn cách “mở” dần ở Quy Nhơn, nhưng không chắc. Tôi nghĩ cần phải mở đột xuống sâu hơn, nghĩa là phải xuống nằm dưới núi Vũng Chua, sát thị xã mới có cơ tìm cách mở cơ sở liên lạc được… Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa tìm được phương án chắc.
Ban cán sự Khu Nam, mật danh là N4, đóng ở làng Kà Bưng, Vân Canh để chỉ đạo phong trào, dùng bàn đạp phía nam mở ra. Thay mặt tỉnh, anh Bày phụ trách An Nhơn, tôi phụ trách Tuy Phước, Quy Nhơn, còn anh Đặng Bắc (tức Ty) Bí thư Huyện ủy Vân Canh, phụ trách Vân Canh. Tôi nằm vùng rìa Hà Thanh xã Canh Hưng giáp xã Phước Thành, giáp ranh huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh. Vùng thấp Vân Canh cơ sở yếu, địch lập được chính quyền và đã thực hiện được việc dồn dân. Vùng Canh Vinh, Canh Hiển (Phước Thành) không có cơ sở. Trong thời gian này, Tuy Phước và Quy Nhơn vừa được tỉnh tăng cường một tiểu đội vũ trang để cùng đội công tác làm công tác vũ trang tuyên truyền và làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.
Làm sao mở được địa bàn Vân Canh để làm bàn đạp mở ra Khu Nam? Trong khi nỗi trăn trở lớn nhất này lúc nào cũng canh cánh ám ảnh tâm trí chúng tôi, thì hiện thời tình thế đang là hoạ vô đơn chí. Phong trào lâm vào thế bí, cơ sở không có và cũng chưa mở ra được, còn chúng tôi lại phải đối mặt với cái đói trầm trọng. “Kho” hầu như không có gạo, tính ra mỗi người chỉ có khoảng hai ki lô gam gạo trong một tháng.
Không có cơ sở cũng có nghĩa là không có ai tiếp tế gạo.Vì vậy lương thực chính của chúng tôi chỉ là củ mì do căn cứ Canh Liên tiếp tế và nấu cháo cầm hơi. Ăn mì (nhưng mì cũng có rất ít) và húp cháo loãng; mà chỉ trưa và chiều mới được húp cháo loãng, sáng phải nhịn… người lớn có thể chịu đựng được chứ đối với tuổi trẻ là một cực hình.
Đói triền miên. Đói không ngủ được, anh em phải đào củ, tìm cái ăn. Một lần đào được củ nần mà cứ tưởng là củ mài, đem về nấu ăn, bị say cả đám, nằm ngay đơ. Củ nần đắng, ăn mới biết là củ nần. Muốn ăn phải luộc thật lâu, và phải luộc đi luộc lại ít nhất là ba lần mới có thể ăn được.
Một lần khác tình cờ thấy một đám môn rất tốt, chắc mẩm ngon ăn, đào lên cắt củ nấu cháo. Không ngờ trúng môn dại, ăn vào anh nào anh nấy bị ngứa khắp mình mẩy, cào gãi điên cuồng rát cổ họng. Nhưng đói quá, tiếc, không bỏ được vì mùi thơm bốc lên hấp dẫn mấy cái dạ dày rỗng không. Vì tiếc mà không biết làm sao nên chúng tôi cứ nấu lên, nấu mãi cho đến khi củ nát như tương, thành một nồi bột đặc quánh, bốc hơi nghi ngút trông phát thèm. Chúng tôi lại ăn. May sao “cháo bột môn” này không còn ngứa nữa mà lại trở thành một món ăn tuyệt diệu. Chúng tôi ăn kiểu “cháo bột môn” như thế liền trong chừng bảy bữa thì đám môn cũng không còn một gốc.
Đói đầu gối phải bò. Chúng tôi nghĩ đến cách bắn voi ăn, và bố trí bắn được một chú, đem xẻ thịt, phơi trên đá, cứ thế ăn cả ngày. Thịt voi kiến không bu, ruồi không đậu, phơi trên đá gặp trời nắng mau khô, làm lương khô ăn dần…
Tuy nhiên, không thể chịu mãi tình cảnh này. Vì đói quá nên gạo, mì là yêu cầu rất bức xúc. Cán bộ chính trị chúng tôi có ba người cùng một tiểu đội do đồng chí Thống phụ trách, quyết định tổ chức vũ trang xuống vùng đồng bào Kinh để móc nối cơ sở và kiếm gạo bằng cách “thông qua công phiếu Mặt trận” huy động bà con nhân dân đóng góp, sau cách mạng thắng lợi sẽ trả lại.
Một đêm trời tối đen như mực, chúng tôi xuống vùng Canh Hiển, sau khi đã cảnh giới hai đầu, phóng loa alô kêu gọi mit tinh: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mời đồng bào đến dự họp…”. Thật bất ngờ! lúc đó lại có nhiều người la lên: “Cộng sản đến cướp lúa của tôi! Bà con ơi!”.
Nghe bà con la làng xóm làm náo động cả lên, chưa hiểu được lòng dân như thế nào, nên chúng tôi rút lui, vừa lo vừa cảm thấy đau lòng…
Thế là chuyến đi “mở màn” không thành công, chưa móc nối được dân. Công tác tuyên truyền và huy động công phiếu lâm vào thế bí.
Tôi băn khoăn suy nghĩ: nơi chúng tôi đến tuyên truyền cho bà con cách chỗ địch đóng quân đến năm cây số, không có dân vệ, nhưng không hiểu sao bà con kêu la, sợ hãi quá thế?.
Sau đó, tôi bàn với anh em, khi vào trong dân không lên tiếng mời gọi chung nữa mà phải đột nhập, tiếp cận từng nhà, bất chấp tiếng la ó ở bên ngoài; vào từng nhà có thể tình thế sẽ khác chăng? Vậy là chúng tôi thống nhất thực hiện chủ trương “đột vào từng nhà” tuyên truyền về Chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tuyên truyền về cách mạng và đưa công phiếu mua gạo, đường, mì; đặc biệt là chọn một số gia đình có người đi tập kết, trực tiếp gặp gỡ để biết rõ lòng họ như thế nào.
Tối hôm đó, vừa bước vào cổng một nhà, gặp bà già vừa thấy chúng tôi bà đã nằm lăn ra sân la lối om sòm: “Cộng sản ăn cướp… quốc gia ơi!”. Chúng tôi không nói gì với bà mà cứ đi thẳng vào trong; một cô gái lại mở cửa cho chúng tôi vào nhà. Chúng tôi nói, chúng tôi tuyên truyền, rồi đưa công phiếu kháng chiến cho cô, cô không nói gì mà đều nhận hết; rồi cô chỉ chỗ cho chúng tôi lấy gạo, mì, đường. Anh em chúng tôi bàn nhau, thấy sự tình có điều lạ như vậy mà lòng tràn ngập niềm tin tưởng, phấn khởi. Sau đó, chúng tôi đến tuyên truyền, đưa truyền đơn cho năm, bảy nhà nữa… rồi rút quân cùng với một bao gạo to, hai thùng đường, một bao mì, mỗi loại đến hàng chục ký lô. Công việc coi như thành công vì ta không những được gạo, mì, đường mà còn móc nối được ba cơ sở.
Hàng quyên được đem về, trước hết phát cho anh em bộ đội trẻ mỗi người ba lon gạo; có người nói đói quá, được phát bốn lon; và phát hẳn cho anh em nửa thùng đường. Nấu cơm ăn xong có anh em vẫn thấy chưa no, xin mỗi người ba lon nữa nấu ăn tiếp. Cuối cùng, tính ra bữa đó, mỗi người ăn hết ba lon gạo và cùng ăn hết bay hai chục ki lô gam đường.
Thời gian sau, chúng tôi đã có gạo ăn, và chấm dứt hẳn những ngày đói triền miên. Dần dần chúng tôi đã móc nối được với một số người dân, hiểu rõ lòng dân và đó chính là những bước đi đầu tiên để gây dựng cơ sở, phát triển được lực lượng ở thôn Quang Hiển xã Canh Hiển.
Qua tìm hiểu chúng tôi càng thấm thía tình cảm của người dân đối với cách mạng sâu sắc biết nhường nào. Người dân sống trong vòng kềm kẹp của địch nhưng ngày đêm vẫn mong đợi cách mạng về. Để tạo thế hợp pháp, một mặt người dân làm như vẫn chống cộng sản - khi gặp cán bộ cách mạng họ phải la lối ầm ĩ lên để che mắt địch và để chúng cũng không có cớ gì mà hoạnh hoẹ họ được; mặt khác bà con cứ lặng lẽ đón tiếp cán bộ, ủng hộ cách mạng những gì cách mạng cần. Nếu địch biết, bà con lại nói lý với chúng là “do cộng sản cướp, họ không chống lại được…”.
Trong tình thế ngặt nghèo mà đồng bào đã có cách xử lý thông minh như vậy thì quả đúng là “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hiểu được điều đó, chúng tôi càng khâm phục mưu trí của người dân, tin tưởng vào tấm lòng của bà con và tiếp tục bám sát dân hơn.
Cuối năm 1961, trên đưa xuống chi viện cho Vân Canh một tiểu đoàn cán bộ khung ngoài Bắc vào, đó là Tiểu đoàn 30. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Khu Nam, Tiểu đoàn 30 đã cùng với lực lựơng địa phương An Nhơn và Vân Canh tổ chức vũ trang đánh một trận đầu tiên, tập kích trụ sở nguỵ quyền xã Nhơn Lộc (An Nhơn) vào đêm 27-9-1961. Trận này đã tiêu diệt một trung đội dân vệ, lấy được một số vũ khí. Tuy nhiên, ý nghĩa to lớn của trận đánh vũ trang đầu tiên này là từ tiếng súng của quân Giải phóng gây được tiếng vang rất tốt và tạo niềm tin trong nhân dân về sự phát triển của lực lượng cách mạng, đặc biệt là đã kích động, cổ vũ, tạo thế chính trị trong lòng dân thúc đẩy phong trào quần chúng phát triển.
Từ sau đó, việc mở cơ sở đối với An Nhơn, Tuy Phước có phần thuận lợi hơn.
Trận đánh thứ hai tiếp theo là đánh bom đoàn tàu địch trên tuyến đường sắt qua Vân Canh, thường gọi là trận đánh Đá Huê. Sau khi Ban cán sự Khu Nam đã phân công tổ trinh sát xuống bám trụ làng Hóc Bà Rong (xã Canh Tân), theo dõi lịch trình tàu chạy, đúng 16 giờ ngày 6-10-1961 ta xuất quân. Tổ phụ trách đã bí mậït tháo ốc vít một số thanh ray, và buộc thanh ray nối với một loại dây rừng gọi là dây rùa dài hơn trăm thước, nằm nấp trong bụi rậm. Khi đoàn tàu đi qua, giựt dây lật đổ đoàn tàu vào lúc 23 giờ 30 phút. Tiếp đó bộ đội ta nổ súng, nhanh chóng chiếm lĩnh đoàn tàu quân sự. Trận này ta tiêu diệt khoảng một trăm tên địch, phá hủy ba toa tàu; chiến lợi phẩm thu được không nhiều và không có vũ khí, nhưng lần đầu tiên đã tiêu diệt một số sinh lực địch. Hôm sau, địch cay cú phản ứng, cho một tiểu đòan ba trăm tên có máy bay yểm trợ càn quét các xã và tàn phá nhiều hoa màu của nhân dân. Tuy nhiên trận đánh đã làm cho chúng hoang mang, dao động và têân quận trưởng đã bị cách chức; đồng thời đã gây được tiếng vang rộng lớn, tiếp tục tăng thêm thanh thế cho cách mạng và quần chúng phía Nam thêm tin tưởng, phấn khởi.
|