MỞ RA
Bước vào năm 1962, Mỹ - Diệm triển khai toàn diện kế hoạch Xtalay - Taylơ trên toàn miền Nam. Với kế hoạch này, chúng dự kiến trong vòng mười tám tháng sẽ dồn dân vào ấp chiến lược; đánh phá làm cho tê liệt các cơ sở cách mạng, cơ bản bình định xong miền Nam. Chúng nâng việc dồn dân vào ấp chiến lược thành “quốc sách”; coi hệ thống ấp chiến lược là “xương sống” của chiến tranh đặc biệt, là liều thuốc “thần diệu”… Và chúng đã dùng máy bay trực thăng đổ quân kết hợp bộ binh đánh phá dài ngày các trung tâm căn cứ của ta ở miền núi, càn quét và gom dân lập ấp chiến lược ở vùng đồng bằng tiếp giáp miền núi.
Bình Định là một trong bảy tỉnh trọng điểm thuộc vùng “ưu tiên quốc gia” của kế hoạch lập ấp chiến lược của chúng. Và mục tiêu, trong năm 1962, chúng phải thành lập ở Bình Định cho được hai trăm ấp!
Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ Diệm ráo riết mở những cuộc hành quân càn quét, đàn áp, cưỡng bức gom dân, lập ấp chiến lược. Dồn dân đến đâu chúng lập ấp chiến lược đến đó theo phương châm “càn quét để lập ấp chiến lược và dùng ấp chiến lược làm bàn đạp để càn quét”…
“Ấp chiến lược” thực chất là trại giam khổng lồ, chung quanh làm đến ba lần rào cao xen kẽ hai lần hào sâu, với chông mìn, lựu đạn gài cắm bên ngoài, chúng gọi là “hai sông ba núi”. Người dân bị dồn vào ấp chỉ được phép ra vào một cửa, theo giờ quy định; chúng bắt những gia đình đảng viên, gia đình tập kết hằng đêm phải thắp đèn…mục đích của chúng là tách dân ra khỏi cách mạng, tát cạn nước để bắt cá.
Vỏ quít dày có móng tay nhọn. Cuối tháng 1- 1962, quân dân Bình Định đã tổ chức đợt hoạt động đầu năm theo kế hoạch của Thường vụ Tỉnh ủy “Tập trung phát động quần chúng nổi dậy, diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ xã, thôn, chống địch càn quét gom dân, lập ấp chiến lược…”
Ở Khu Nam, phát huy những thắng lợi bước đầu từ cuối năm 1961, sang năm 1962, chúng tôi tiếp tục khôi phục cơ sở ở Tuy Phước. Mở được cơ sở ở Phước An, Phước Thành, Phước Nghĩa và Phước Long. Cơ sở Phước Long làm bàn đạp vững chắc để ta đánh xuống Quy Nhơn sau này. Tại Phước Long ta liên lạc được với ông Khiết làm công nhân hoả xa. Nhờ ông Nguyễn Khiết, chúng tôi mở được nhiều cơ sở khác và mở được sâu vào bên trong nộïi thị. Địa điểm gần Ủy ban nhân dân phường Đốùng Đa hiện nay là nhà của chị Trương Thị Hường, một cơ sở được ông Tánh gây dựng ở Quy Nhơn
Thời gian này, Chỉ thị của Ban cán sự Khu Nam quyết định là “phải làm suy yếu bộ máy kềm kẹp dân tộc ở xã của địch đó là mạng lưới phòng vệ dân sự ở xã, phải làm cho chính quyền xã tê liệt…” để mở rộng bàn đạp phát triển đồng bằng.
Ở huyện Vân Canh, tháng 5-1962, bọn địch lập ấp chiến lược thí điểm tại xã Canh Hà, và đã thực hiện kềm kẹp, kiểm soát quần chúng rất gắt gao.
Vùng đồng bào dân tộc, phong trào những năm 1958, 1959, 1960 - từng lúc có những làng đứng lên chống địch rất mạnh như ở huyện Vĩnh Thạnh, huyện An Lão. Đó cũng chính là niềm tin để ta tính đến việc mở sâu cơ sở ở huyện Vân Canh.
Nhưng “mở ra” bằng cách nào?. “Mở ra” là từ chúng tôi thường dùng để chỉ việc giải phóng dân khỏi sự kềm kẹp của chính quyềân nguỵ. Làm sao mở ra được ở Vân Canh? Đó là việc phải cần tính toán suy nghĩ nhiều vì, tuy Vân Canh cũng là vùng miền núi, nhưng không thể áp dụng như đối với Vĩnh Thạnh vì địa thế ở đây khác hẳn Vĩnh Thạnh. Ở vùng thấp Vân Canh, nơi đóng quân của địch nằm trên trục đường xe lửa chạy qua. Hơn nữa, người dân chủ yếu sống bám vào đất thổ, lệ thuộc vào vùng đất bằng dọc sông Hà Thanh, họ cày, bừa chủ yếu định canh, làm đất thổ. Bọn địch đã đưa dân vào các khu dồn, ấp chiến lược và đề ra các biện pháp kềm kẹp khắc nghiệt...
Vì vậy, nếu áp dụng phương pháp phát động quần chúng nổi dậy, bất hợp tác, dời làng, khởi nghĩa như Vĩnh Thạnh thì hoàn toàn không thể được. Để “ mở ra” được ở Vân Canh, từ nghiên cứu thực tế, chúng tôi đặt ra phương châm là “phải phá khu dồn, phá từng bước”, nghĩa là phải phá việc địch cấm đoán dân đi làm ăn xa, phải đấu tranh dãn dân, kết hợp binh vận tranh thủ bọn dân vệ, vô hiệu hoá lực lượng dân vệ; giữ thế hợp pháp, giành dân, làm chủ từng làng.
Trên phương châm đó, chúng tôi mở đợt hoạt động xuân 1962, kết hợp quần chúng bên trong đấu tranh, có vũ trang bên ngoài hỗ trợ. Theo hướng dẫn của cơ sở, dân trong các khu dồn đấu tranh đòi được tự do ra bên ngoài làm ăn được anh em dân vệ đồng tình cùng đấu tranh: “Chúng tôi không giữ được khu dồn, không đi dân vệ nữa; quốc gia giữ được thì giữ, chúng tôi không giữ được, để chúng tôi đi sản xuất nuôi vợ, nuôi con…”.
Sau mấy tháng đấu tranh tuyên truyền, ta đã vận động được số dân vệ người Chăm bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, làm tan rã tổ chức dân vệ của địch,vô hiệu hoá chính quyền cơ sở của chúng; ta vẫn giữ được thế hợp pháp, giành và nắm hàng nghìn dân ở bảy xã vùng ven sông Hà Thanh. Đồng thời, lựïc lượng thanh niên được tập hợp, nổi lên phong trào đấu tranh chống bắt lính; một số thanh niên theo cách mạng, thoát ly lên căn cứ.
Trong thời gian này, lực lượng bộ đội địa phương Vân Canh được thành lập cùng với tổ chức du kích được hình thành khắp các xã, thôn…Các đội vũ trang công tác Vân Canh, Tuy Phước mở một số cuộc vũ trang tuyên truyền ở các xã Phước Thành, Phước An, Phước Long và chặn các đoàn tàu khách đoạn Diêu Trì - Vân Canh để tuyên truyền, giải thích chính sách của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam…
Trước tình hình này,bọn địch bắt đầu lo sợ, hoang mang, quận trưởng Tuy Phước và Vân Canh đã xin từ chức…
Qua những kết quả bước đầu trong lãnh đạo phong trào đấu tranh ở Vân Canh cho thấy, cùng là vùng dân tộc nhưng tuỳ điều kiện thực tế mỗi nơi mà có phương pháp thích hợp, và vận dụng khác nhau. Khác với Vĩnh Thạnh- ở Vân Canh tính chất đối phó với địch phức tạp hơn.
Ở Tuy Phước có bà Thu ở Phước Thắng tốt, là cơ sở của anh Huỳnh Trịnh, Bí thư Bình Khê, nên qua đó móc nối được các cơ sở và mở nhanh xuống mảng đông Tuy Phước.
Trong khi đó, ở các huyện phía Bắc tỉnh, vào cuối năm 1961, năm 1962 đến đầu năm 1963, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hoạt động vũ trang, lần đầu tiên ta đã mở được chín thôn ở Hoài Ân thuộc hai xã Ân Hòa và Ân Hảo, lập chính quyền tự quản, phá hàng chục mét rào, hàng trăm ngàn chông rào, cắm ở các khu dồn… Đặc biệt lần đầu tiên quân dân Bình Định đã kết hợp hoạt động vũ trang với tiến công chính trị, nới lỏng và phá thế kềm kẹp của địch ở một số vùng giáp ranh từ bắc vào nam tỉnh; giải phóng mười bảy thôn với hơn ba nghìn dân.…
Cuối năm 1962, tỉnh rút đồng chí Bày từ Khu Nam về nhận nhiệm vụ Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy; và cử tôi làm Bí thư Ban cán sự Khu Nam thay anh Bày. Sang năm 1963, đồng chí Hoàng Đinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy bị đau gan, ra Bắc chữa bệnh. Tháng 10 năm 1963, Tỉnh ủy đề bạt tôi vào Thường vụ Tỉnh ủy và rút tôi về tỉnh phụ trách khâu “phát động quần chúng nổi đậy” trên toàn tỉnh thay anh Đinh.
Trong lúc phong trào đang lên, có nhiều chuyển biến thuận lợi thì “gặp dịp” chính quyền Diệm bị lật đổ. Tình hình địch có nhiều diễn biến, khủng hoảng; Phật giáo nổi lên chống Diệm; nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn suy yếu trầm trọng qua đấu tranh của Phật giáo và nổi dậy của quần chúng. Nội bộ địch mâu thuẫn, phân hóa. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Mỹ thay ngựa giữa dòng, cho nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh làm đảo chính lật đổ Diệm.
Lúc Diệm đổ, tình hình địch khủng hoảng, rối ren, ta đi lại thuận lợi. Trên đường đi từ Khu Nam về tỉnh tôi có ghé Bình Quang. Suốt đoạn đường từ Bình Tường qua Hữu Giang, qua Soi Nổ, Núi Một, chân tôi rảo những bước dài hăm hở trên con đường quen thuộc; nhìn thấy những rặng tre, những cánh đồng từ xa mà lòng tôi ấm áp lạ thường. Niềm vui cứ lâng lâng..Nhất là đoạn từ xã Bình Quang đã được ta mở ra đi lên Vĩnh Phúc, nhìn con đường uốn lượn theo triền sông, cây cối đang xanh tươi lại, trong tôi dậy lên cảm giác xôn xao lạ thường. Trước mắt tôi dòng sông đang cuồn cuộn chảy, những tảng đá nhấp nhô làm bọt tung trắng xoá như nhảy nhót reo vui đón tôi về. Tôi muốn chạy ào xuống sông như đứa trẻ ùa vào lòng mẹ, cho thoả nỗi khát khao, mong nhớ. Trên đường về, đi đến đâu tôi cũng gặp được bà con, mừng vui khôn xiết.
Tôi tìm thăm chị Hai nhưng không gặp được. Nhớ chị làm sao với cái dáng cao cao và giọng nói rổn rảng rất thu hút người nghe. Mẹ tôi kể, hồi mẹ còn hoạt động hợp pháp, chị đã giúp mẹ rất nhiều trong việc đóng góp tiền của, vải vóc, quần áo, thuốc men… cho cách mạng; chị làm cũng vì em “để cho cậu Ba và anh em có hậu phương vững chắc, yên tâm làm cách mạng”.
Đứng bên bờ sông Kôn quê nhà sau gần mười năm xa cách, lăn lộn với phong trào khắp nơi, giờ đây tôi mới có được những giây phút tĩnh lặng cùng quê hương. Nhìn hàng dừa vươn cao, có những cây bị đạn pháo phạt cụt, ngọn chĩa lên trời như những mũi chông nhọn hoắt; gốc cây gân guốc trồi lên khỏi mặt đất; nhiều mảng bờ lồi lõm do nước lũ “ăn” lở triền sông… lòng tôi tràn ngập niềm thương cảm. Con dốc lởm chởm sỏi đá này, là lối bà con xóm tôi thường xuống sông gánh nước; thấp thoáng bên những gốc me già ven sông, hình như bóng mẹ, bóng vợ tôi đâu đây vẫn còn đổ dài theo ánh nắng quái chiều hôm…
May sao, tôi gặp được cháu Hứa Thị Nữ, con gái đầu của chị Hai. Cháu lớn nhanh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cháu cũng theo gương bà ngoại và mẹ đã trở thànhø cơ sở tin cậy của cách mạng. Tôi thấy yên lòng và thương cháu vô cùng.
Gặp được một số anh em cán bộ xã và nhiều bà con, tôi nắm được tình hình Bình Quang mở ra với không khí rất sôi nổi. Ta đã làm chủ được cả các thôn đông sông Kôn và chuẩn bị tinh thần để giải phóng hoàn toàn Bình Quang. Bà con lối xóm đến quây quần kể chuyện làm ăn, nói cười vui vẻ. Nghe tôi về, anh em bộ đội đóng quân trong các gia đình xung quanh cũng tới thăm hỏi; sống trong lòng dân, anh em được bà con yêu thương, tình quân dân thắm thiết, ấm áp như trong một gia đình. Không những Bình Quang mà các xã Bình Giang, Bình Thành, dân cũng nổi dậy như nước vỡ bờ phá tan các ấp chiến lược, diệt ác ôn, phá kèm, chống càn giành quyền làm chủ. Không bỏ lỡ dịp may, phần lớn nam nữ thanh niên phía đông sông Kôn đã hăng hái thoát ly lên tỉnh tham gia kháng chiến với niềm vui phơi phới.
Thời kỳ Diệm đổ, nội bộ địch mâu thuẫn trầm trọng. Chớp thời cơ, quân và dân ta vùng dậy tiến công quyết liệt, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, binh vận, phá ấp chiến lược, phá bộ máy kềm kẹp, giành quyền làm chủ, mở ra phong trào rất nhanh. Chỉ hai tháng 11 và 12 năm 1963 ta đã đánh tám mươi tư trận; các tổ binh vận tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh giải thích tình hình, thời cơ và kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với cách mạng; nhân dân bung ra diệt ác, phá kềm, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Trong đó giải phóng hoàn toàn bảy mươi ba thôn với trên bảy mươi lăm ngàn dân, cao nhất liên khu Năm lúc bấy giờ. Các nơi được giải phóng phần lớn như xã Bình Quang, Bình Giang (Bình Khê); Cát Sơn, Cát Hiệp (Phù Cát); Ân Tín, Ân Hoà (Hoài Ân); Hoài Sơn, Hoài Châu, Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn); Mỹ Đức, Mỹ Thọ, Mỹ Thành (Phù Mỹ) …
Cuối 1963 ta làm chủ một trăm lẻ tám thôn với trên một trăm mười ngàn dân. Ta đã hình thành được những vùng giải phóng liên hoàn giữa các huyện đồng bằng và miền núi.
|