KHU ĐÔNG DẬY SÓNG
16:58', 16/4/ 2007 (GMT+7)
ĐỒNG KHỞI KHU ĐÔNG

Đầu năm 1964, Nguyễn Khánh làm đảo chính, hạ bệ Dương Văn Minh. Khánh lên, triển khai kế hoạch MacNamara, tiếp tục chương trình ấp chiến lược, chúng phản kích trở lại, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp hơn. Chúng dùng xe bọc thép, và chiến thuật thiết xa vận lấn chiếm lại tám mươi nghìn dân; chúng dồn dân lại được và đánh bật lực lượng vũ trang của ta ra ngoài, ta còn lại chỉ mấy chục nghìn dân.

Khó khăn lớn này của phong trào cách mạng đã tác động trực tiếp đến công việc của tôi khi được điều về Tỉnh thay nhiệm vụ của đồâng chí Hoàng Đinh là “phát động quần chúng nhân dân nổi dậy”. 

Tình hình này làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi Diệm đổ, nội bộ địch mâu thuẫn, ta nhận định “thời cơ lớn của ta!”, thế nhưng tại sao khi Khánh lên, ta lại mất gần trăm nghìn dân? tại sao địch chiếm lại được những vùng ta đã giải phóng? phải chăng Khánh lên địch lại mạnh?…phải chăng thời cơ không còn nữa? Ta còn mở ra được nữa không?… Và nếu mở ra thì trọng điểm là chỗ nào? Cách mở ra sao?…

Những câu hỏi lớn đó, không ai trả lời ngay được, mà phải đến hai tháng sau, bằng phương pháp nghiên cứu thực tế trực tiếp, cụ thể chúng tôi mới giải đáp được.

Tôi tổ chức một đoàn cán bộ đi sâu xuống cơ sở để nghiên cứu tình hình, gồm đồng chí Tuấn - Bí thư Huyện ủy Phù Cát, đồng chí Tấn - Bí thư Huyện ủy Hoài Ân và một số anh chị em hoạt động phong trào, trong đó có các chị Ngô Thị Thành, Phạm Thị Lành, Trương Thị Hường, chị Nguyễn Thị Ái và chị Lê Thị Khanh… Chúng tôi xuống gặp anh chị em cơ sở, huyện ủy, xã ủy, bộ đội và nhân dân các vùng đã giải phóng rồi bị mất; gặp cán bộ và nhân dân những vùng địch đã chiếm lại…và đặt vấn đề với cơ sở: còn mở được nữa không? Còn thời cơ để mở không ? đồng thời kết hợp các nhân tố để đưa ra phương án quyết định.

Đoàn chúng tôi xuống các trong điểm mở ra như xã Ân Nghĩa, Ân Hữu huyện Hoài Ân; xã Cát Hiệp, Cát Sơn huyện Phù Cát để tìm hiểu kỹ tại sao thời cơ đảo chính Ngô Đình Diệm lại là thời cơ lớn, ta có điều kiện mở ra giành dân, thu được nhiều thắng lợi; nhưng khi Nguyễn Khánh lên, nhiều vùng của ta bị địch “líp” lại, chúng giành lại dân ở nhiều nơi? phải chăng địch đã mạnh lên? ta mất thời cơ mở ra?. Qua hai tháng nghiên cứu cụ thể, chúng tôi thấy rõ những nguyên nhân đã làm ta bị “mất”, như :

Trước hết, về phương châm, lúc bấy giờ của ta dùng vũ trang là chính, không phải phương thức dùng bên trong nổ bung lên. Yếu tố bên trong rất quan trọng nhưng ta lại chưa phát động đúng mức; dân có phần ỷ dựa vào lực lượng vũ trang, nên khi lực lượng vũ trang của ta bị tổn thất, bật ra, dân hoang mang.

Thứ nữa là phương thức quen thuộc của ta là cứ mở từ rìa núi mở xuống, dựa vào núi đẩy xuống đồng bằng mở ra, diễn đi diễn lại nhiều lần, địch biết điểm yếu của ta. Trong khi đó, thủ đoạn của Khánh rất gian ác; trang bị của chúng lại hiện đại hơn, có chiến thuật thiết xa vận áp đảo.

Yếu tố thứ ba là, khi Khánh lên, địch được tăng thêm lực lượng, và âm mưu quyết liệt hơn trong việc dồn dân vào ấp chiến lược. Thời Diệm - Minh, ấp chiến lược chỉ có một hàng rào, nhưng thời Khánh áp dụng phương châm “hai sông ba núi” nghĩa là phải có hai hào và ba hàng rào thép gai bao bọc ở ngoài… gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở của ta…

Về tương quan lực lượng, địch có xe bọc thép, ta chỉ có CKC, chưa có liên thanh, không có đạn chống tăng. Khi đi càn ở các vùng nông thôn, địch dùng xe tăng bọc thép đi trước, gặp lực lượng ta chúng “chà”- hủy diệt luôn. Trong tình thế này, do vũ trang yếu, buộc ta phải bỏ chạy; và vì vậy dân hoang mang dao động, mất lòng tin ở lực lượng cách mạng. Dân thấy địch mạnh quá, một số chạy lên vùng căn cứ cách mạng, còn phần lớn chạy xuống đồng bằng, địch vây, lực lượng cách mạng thất thế.

Thử hỏi, truớc tình hình như vậy, ta có còn thời cơ chiến lược để đánh bại âm mưu của địch giành lại nông thôn, đồng bằng không?

Thực tế biểu hiện bên ngoài là như vậy. Nhưng cũng qua đợt nghiên cứu này, chúng tôi phân tích và hiểu rõ một vấn đề sâu xa hơn, đó là lòng dân. Địch càng tàn ác càng làm bốc cao hơn ngọn lửa căm thù trong nhân dân ta !

Điều ta biết rõ trước hết là, vào những năm 1954 -1960, chế độ Mỹ - Diệm hà khắc, tàn bạo; Bình Định trong thời chống Pháp là vùng tự do, người dân có tinh thần cách mạng cao nên dù khi Diệm lê máy chém đi khắp nơi để “diệt cộng”, ác ôn nổi dậy trả thù người kháng chiến cũ đê hèn, độc ác, cảnh đầu rơi máu chảy, chết chóc thảm khốc khắp xóm thôn, nhưng người dân vẫn một lòng tin và chờ đợi cách mạng.

Thời gian này, trong lúc phía Bắc sau khi ta mở ra giải phóng, địch càn quét, líp lại, quần chúng thất thế, giao động, chạy dạt vào vùng địch thì quần chúng các vùng sâu phụ cận như đông Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn dù chưa có lực lượng cách mạng hướng dẫn, bà con đã tự động phá ấp chiến lược, tự động diệt ác ôn; đẩy nguỵ quân, nguỵ quyền cơ sở hoang mang, rệu rã.

Chúng tôi xuống xã Cát Hiệp, nghiên cứu từ ấp Đại Khoan. Đây là một trong những nơi ta và địch tranh chấp nhau căng thẳng nhất. Địch chiếm lập khu dồn, ban ngày địch làm chủ, nhưng đến đêm ta xuống phá khu dồn, làm chủ. Rồi ban ngày địch lại líp lại, đêm ta lại phá… cứ như thế hàng chục lầøn… Dân ở ấp Đại Khoan rất đông. Mặc dù việc ta và địch giành đi giật lại làm cho cuộc sống của người dân cực khổ, xác xơ nhưng bà con rất kiên cường, chịu đựng, không bỏ chạy. Lúc chúng tôi xuống, anh Tuấn, bí thư Phù Cát, gặp tôi anh “rên”:

- Chu cha, nó mệt quá anh ơi! không biết làm sao bây giờ?          

Tôi rất thông cảm với nỗi khó khăn của anh trong công tác lãnh đạo, nhưng chính từ sự kiên cường của người dân ấp Đại khoan đã cho chúng tôi một sự cảm phục, một niềm tin.

Đó chính là cơ sở để chúng tôi có thể tin tưởng và khẳng định một cách chắc chắn rằng “Ta vẫn còn thời cơ chiến lược! Ta sẽ giành lại được vùng nông thôn, đồng bằng!” nếu biết rút kinh nghiệm việc chỉ đạo mở ra các đợt vừa qua.

Từ thực tế đã nghiên cứu và qua hiểu rõ quần chúng, chúng tôi khẩn trương lập phương án mở ra, nhưng phương thức mở và cách mở có nhiều thay đổi so với trước, nghĩa là phải áp dụng phương thức ba mũi giáp công. Trước, mở từ phía tây xuống các vùng đông dân; nay ngược lại, mở từ vùng đông dân nhất vùng sâu trong lòng địch mở đi; và không dùng phương thức vũ trang là chính như trước, sẽ dễ bị tổn thất, mà phải phát động để lực lượng quần chúng từ bên trong nổi dậy là chính, tạo được phong trào mạnh mẽ, đồng thời có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang….

Quan điểm và phương án “phát động nổi dậy” của tôi đưa ra được anh em tán thành và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt về binh vận là đồng chí Tô Đình Cơ và người lãnh đạo về quân sự là đồng chí Lê Thành Văn đều công nhận là sáng tạo, xông xáo. Hai đồng chí ủng hộ triệt để, và thống nhất phương án nói một cách ngắn gọn là “từ đông mở sang tây, cuộn từ dưới lên, rồi tây cùng đông nổi dậy”.

Tôi nhanh chóng viết báo cáo đầy đủ, chu đáo toàn bộ phương án để trình trước Tỉnh ủy. 

Tỉnh ủy họp tháng 4 năm 1964 kiểm điểm rút kinh nghiệm việc “để mất tám mươi nghìn dân”, đây là trách nhiệm của Tỉnh ủy.

Đa số các đồng chí trong Tỉnh ủy khẳng định: “Bí thư, Thường vụ không thể tránh né trách nhiệm chỉ đạo trong việc để mất dân ! Phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo kịp thời…”

Sau khi quyết định chấp thuận phương án của tôi đề ra nhằm giành lại dân và phát triển phong trào, Hội nghị Tỉnh ủy chủ trương mở chiến dịch “Đồng khởi khu Đông” và lập Ban chỉ đạo chiến dịch do tôi trực tiếp phụ trách. Thời gian này, ban chỉ đạo Khu Nam không còn phù hợp, đã chuyển sang Khu Đông và Khu Nam giao lại cho lực lượng địa phương.

Lúc này, có chuyến công tác của đồng chí Võ Chí Công, Phó bí thư Trung ương Cục chuyển ra giữ chức Bí thư Khu ủy khu V. Đồng chí Võ Chí Công về Bình Định để phổ biến một số công tác của Trung ương. Đồng chí cho biết, thời kỳ này, phong trào Khu V mở ra không mạnh bằng các tỉnh Nam bộ và đồng chí phổ biến cho chúng tôi kinh nghiệm đánh địch của Ấp Bắc (Tiền Giang), kinh nghiệm nhân dân đánh trực thăng vận của Mỹ…

 Chúng tôi nghiên cứu và liên hệ, thấy rõ trình độï của Bình Định chưa bằng các nơi, lúc bấy giờ ta chỉ làm chủ vùng giải phóng. Chúng tôi cũng báo cáo với anh Năm - (tên thân mật gọi đồng chí Võ Chí Công) việc Bình Định đang thực hiện phương án mở Khu Đông; nhưng nơi còn nhiều băn khoăn là các vùng có bà con giáo dân, nên xin ý kiến chỉ đạo của anh.

Với niềm tin vững chắc ở lực lượng quần chúng, anh đã mở ra cho chúng tôi một cách nhẹ nhàng từ những nguyên tắc hết sức cơ bản. Anh nói:

- Đối tượng cầm đầu công giáo đã bị Mỹ Diệm chi phối nặng. Thời kỳ Mỹ Diệm biến nhà thờ thành phòng tra tấn, chỉ tầng lớp trên công giáo hạn chế phát triển, làm khó cho ta. Còn người công giáo nghèo khổ vẫn bị áp bức, thần quyền khống chế họ, cuộc sống của họ cũng như người lương. Lực lượng quần chúng cơ bản trong công giáo cũng là những người tốt. Nếu ta giải phóng ở nơi nào có nhà thờ, đền, chùa đều phải chấp hành tốt chính sách tôn giáo, bảo vệ nhà thờ, chùa chiền và tôn trọng giáo dân, họ cũng là anh em của ta. Các vị linh mục, họ cũng vì nhân dân, vì dân tộc, chỉ có một số người chống phá cách mạng, nên ta không thể vơ đũa cả nắm…

Những lời nói nhỏ nhẹ của anh thật thấm thía, đã giải toả hết những băn khoăn của chúng tôi. Chính vì vậy, mà sau này công tác mở ra ở Phước sơn được thực hiện thận trọng và chắc chắn.

Phương thức mới giành lại dân của ta là “phát độäng quần chúng, tạo sức mạnh quần chúng nổi dậy bên trong là chính, có lực lượng vũ trang hỗ trợ nhỏ”. Với phương thức này, trong sáu tháng còn lại của năm 1964 ta phải giành mộït trăm tám chục nghìn dân ở mười sáu xã thưộc đông An Nhơn, Tuy Phước và Phù Cát.

Thực hiện phương thức này là ta mở vào vùng sâu, sát tỉnh lỵ, đông dân, giàu có nhất của tỉnh, cũng là vùng địch sơ hở, quần chúng đang nóng lòng trông chờ cách mạng; nguỵ quyền đang rệu rã ở cơ sở, song địch đã tăng cường các xã thành các chốt bảo an ở ba xã Cát Chánh, Cát Thắng và Cát Nhơn. Do đặc điểm tình hình như thế nên mở ra phải làm hai bước. Bước một,dùng quần chúng bên trong nổi dậy diệt ác phá kềm, phá ấp chiến lược, giành dân, làm chủ.

Bước hai, dùng ba mũi giáp công mạnh mẽ có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, bao vây bức rút hoặc diệt các chốt còn lại để giải phóng toàn diện vùng giải phóng…    

Để tổ chức đảm nhiệm được vấn đề này, về quân đội, khi họp riêng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Trần Quang Khanh hỏi tôi:

- Ý anh dùng lực lượng vũ trang hỗ trợ, vậy dùng một tiểu đoàn đủ chưa?

- Tôi chỉ cần lúc đầu một đại đội, chứ một tiểu đoàn quá nhiều, dễ bị lộ; mất yếu tố bất ngờ; và nếu địch tập trung đối phó thì ta thất thế. Tôi thành thật nói.

Sau khi Thường vụ quyết nhất trí với phương án của tôi, liền đó, tôi tuyển chọn một đội công tác với mười cán bộ phong trào xông xáo, có trình độ và kinh nghiệm gây dựng cơ sở, gồm sáu cán bộ của tỉnh là chị Trình Thị Hiệu, cán bộ phụ nữ; anh Thừa, Phó ban tổ chức Tỉnh ủy; anh Trường, phó ban dân tộc miền núi; anh An, Bí thư ban cán sự khu Đông; anh Bạch, cán bộ ban tôn giáo, cùng một cán bộ công an tỉnh và một số anh là Bí thư Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Bí thư ban cán sự Quy Nhơn.

Anh chị em trong đội công tác đã được chuẩn bị về tổ chức và bàn bạc kỹ phương thức chỉ đạo cơ sở: phải mở từ thôn trước và phải hình thành thôn điểm, xã điểm. Mỗi người trong đội được phân công: cán bộ tỉnh xuống “làm” xã, cán bộ xã xuống “làm” thôn, và tự mình phải lập phương án chuẩn bị tổ chức quần chúng, xuống cơ sở nắm kỹ các loại đối tượng : già, trẻ, gái, trai … và các cơ sở của địch một cách cụ thể…

Tháng 5 năm 1964, toàn bộ lực lượng kéo xuống trụ ở Núi Bà, vùng Khánh Lộc, Cát Thắng (Phù Cát), sau chuyển xuống khu vực đồi núi chùa Linh Phong, Cát Chánh. Tại đây anh chị em được chuẩn bị bồi dưỡng một cách bài bản về công tác “mở ra” cụ thể ở từng xã, từng thôn, ở vùng ven và vùng sâu. Đợt bồi dưỡng thực hiện trong thời gian hai tháng. Lúc này lực lượng bộ đội khẩn trương chuẩn bị chiến trường.

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng rất phong phú và chu đáo đến từng chi tiết. Đặc biệt chú trọng công tác phát động tư tưởng quần chúng.

Lúc này quần chúng ở cơ sở đang trông chờ cách mạng, họ sục sôi đấu tranh chống lại kẻ thù, đó là điều kiện rất phù hợp và thuận lợi cho công tác mở ra của ta. Trong chỉ đạo, phải tạo cho quần chúng ý thức: không ỷ lại, trông chờ mà phải có tư tưởng tự phát động nổi dậy; khi quần chúng nổi dậy, cách mạng sẵn sàng về với dân, hỗ trợ đồng bào. 

Những đồng chí được phân công phụ trách ở thôn nào là phải có trách nhiệm chỉ đạo nơi ấy nổi dậy cho được, và phương cách đắc sách nhất vẫn là “rỉ tai, bấm nhỏ”: Cách mạng nay mai sẽ xuống, muốn cách mạng ở đây bà con phải nổi dậy phá khu dồn, phá ấp chiến lược; có tôi hướng dẫn, bà con cứ làm, không chờ lực lượng vũ trang…”

Người dân, một khi đã nhận thức ra vấn đề, với lòng căm thù địch sâu sắc và trông chờ cách mạng, chỉ cần “rỉ tai” là chuyển ngay, không cần hô hào nói nhiều.

Kế hoạch trong đợt này, chúng tôi quyết tâm phải mở được chín thôn (ba xã của ba huyện) ở vùng sâu Phù Cát. đông dân.

Theo kế hoạch này, anh em lực lượng vũ trang thấy rất “nóng máy”, hỏi:

- Còn lực lượng vũ trang, anh chỉ đạo thế nào?

Tôi biết tâm lý của anh em chỉ “ hăm” đánh vào các trụ sở của địch, nên tôi nói thử:

- Chưa biết đánh đâu, các anh cứ đi “mò” xem thế nào!

Khi các anh đi dòø các trụ sở địch, mọi người đều lắc đầu, mới biết rõ quả thật là cũng khó “chơi”, vì các trụ sở của địch đều có lô cốt với lại “hai hào, ba rào” án ngư,õ bên trong là một đại đội; muốn đánh được trụ sở của chúng ít nhất ta cũng phải có một tiểu đoàn thiếu… và nếu ta diệt trụ sở của chúng, nơi ấy bị cộm lên, lực lượng ta sẽ bị lộ, khó an toàn. Chi bằng ta cứ mở ra dân, khoét sâu bên trong, chúng sẽ bị cô lập.

Cuối cùng, tôi đề nghị :

- Các anh đi “mò” các trụ sở, các chốt thôn dân vệ của địch trong các thôn điểm, thôn nào cũng được, có thể Cát Chánh hoặc Cát Thắng… cứ đánh, tiêu diệt một nửa hoặc một phần ba lực lượng chúng, đánh bật nó ra rồi treo cờ cách mạng lên. Những điểm này, đánh xong ta có thể chốt lại đó một ngày chống càn, với điều kiện xe tăng địch đến cũng không vào được…  

Trong khi lực lượng vũ trang tìm điểm, một mặt chúng tôi tổ chức phân công lực lượng chu đáo đến từng xã và bố trí từng người trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ : đốt ấp chiến lược, diệt ác ôn, phá tổ chức xã, vận động biến lực lượng phòng vệ dân sự địch thành của ta, đưa họ đi cùng cách mạng để nổi dậy… Mặt khác soạn thảo các loại văn bản kêu gọi các đối tượng về với nhân dân, với cách mạng; chuẩn bị các loại khẩu hiệu và đuốc để đồng bào phá ấp chiến lược trong đêm.

Mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ đều có sự phân công, tính toán chặt chẽ bao nhiêu người, diễn biến trong thời gian bao lâu; mỗi nơi đều xây dựng lực lượng nòng cốt mạnh, đi sâu hướng dẫn bà con “hành động theo động tác”, ứng xử linh hoạt các tình huống xảy ra như: nếu thấy địch đến, người dân phải giả hoảng sợ, kêu lên: “Chu cha! Cách mạng họ xuống nhiều quá! Họ ở đâu đến nhiều quá!” hoặc “cách mạng họ bắt chúng tôi làm, nếu không làm họ đánh, chúng tôi sợ quá!”… Nếu địch vũ trang đàn áp, bà con phải cùng nhau kéo đi đấu tranh chống đàn áp...

Sau khi đã nghiên cứu chốt điểm mở màn là ấp Càng Rang và các phương án đã được chuẩn bị xong một cách bài bản, chu đáo… Giờ G tiến công nổi dậy mở ra được ấn định.

Thôn Càng Rang thuộc xã Cát Thắng huyện Phù Cát. Địa hình ở đây trừ phía đông giáp Núi Bà, còn lại là đồng ruộng trống; hai bên từ phía bắc đến phía tây và tây nam có dòng sông Kôn chảy qua, thuận lợi cho ta bố trí lực lượng đánh địch phản kích; nếu địch có đưa xe tăng đến thì chúng cũng sẽ “chịu thua” trước những lùm tre xanh um tùm án ngữ, không thể vô làng mà chà bộ đội, cách mạng được… 

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (12/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (10/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (08/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (05/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (04/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (02/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (29/03/2007)
Cùng bạn đọc   (28/03/2007)