ĐỒNG KHỞI KHU ĐÔNG (tiếp theo)
Đúng thời gian quy định, vào tối ngày 5 tháng 7 năm 1964, theo hiệu lệnh của ta, quần chúng ở thôn vùng sâu Long Hậu, Phú Giao, Trung Bính (Cát Thắng); Chánh Đạt (Chánh Định), Vân Triêm (Cát Chánh); Phương Bình, Khuông Bình, Lạc Điền (Phước Thắng), Tùng Giản (Phước Hòa)… đồng loạt nổi dậy đốt đuốc, phá ấp chiến lược, phá đến đââu đốt đến đó. Cùng với tiếng hô hét vang động của đồng bào, lửa cháy rừng rực sáng cả một góc trời là tiếng súng nổ dòn dã của lực lượng vũ trang hỗ trợ bà con nổi dậy. Đại đội 3 Tiểu đoàn 50 do đồng chí Tước, tiểu đoàn phó chỉ huy bất ngờ tập kích diệt gọn một trung đội dân vệ chốt Càng Rang, mở màn cho “Đồng khởi Khu Đông” giành thắng lợi. Nghe tiếng súng nổ, như được tiếp thêm sinh lực, khí thế của quần chúng nổi dậy càng mạnh mẽ hơn. Sáng ra, cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam được treo ở khắp nơi, phấp phới tung bay.
Tiếp sang ngày thứ hai, theo kế hoạch đã chuẩn bị, các nơi đều liên tục nổi dậy. Lúc đầu các thôn điểm, xã điểm nổ ra, sau đó lan nhanh đến các thôn xã khác và trở thành một phản ứng dây chuyền, quần chúng các thôn yếu cũng hăng hái nổi dậy. Các xã ở Tuy Phước, Phù Cát đồng loạt nổi dậy; đêm đêm tiếng trống mõ vang trời, bà con cùng nhau truy bắt tề điệp, ác ôn, tước súng “bọn thanh niên chiến đấu”… với khí thế hừng hực.
Như vậy đêm ngày 5 tháng 7 năm 1964, trên mười thôn của Phù Cát, Tuy Phước vùng sâu đã nổi dậy như ý định, chỉ trừ An Nhơn bị quá cô độc không nằm trong thế liên mảng nên quần chúng nổi dậy chỉ được sáu thôn.
Sáng ngày sau bọn địch phản kích. Chúng điều một tiểu đoàn lính cộng hoà và chín xe tăng và xe bọc thép đến mở cuộc phản kích vào Càng Rang,ï nhưng đều không thể qua sông được vì mắc bờ tre án ngữ, đúng như ta dự đoán. Khi tăng không qua được để yểm trợ thì bộ binh địch cũng không tiến được.. Bộ đội ta cũng đã chuẩn bị công sự và thế trận sẵn sàng, chiến đấu kiên cường, chặn các mũi phản kích của địch. Chúng ta cũng dự tính, nếu bọn lính ngoan cố lội qua sông, tiến vào làng thì dứt khoát chúng sẽ không thể thoát khỏi những tay súng bắn tỉa thiện nghệ của ta.
Thấy tăng địch nhiều, bà con lo lắng hỏi:
- Tăng địch xuống nhiều quá, làm sao anh?
Tôi nắm chắc tình hình nên cũng trả lời dứt khoát:
- Nó xuống rồi nó lại “dìa thâu” (về thôi) ! Bọn lính cũng không dám qua đâu, vì sợ ta phá cầu là tiêu mạng!
Lúng túng trước tình thế bất ngờ, tăng địch không có cách nào tiến vào thôn được, chúng xuống làng dưới hoạnh hoẹ:
- Tại sao bà con đốt khu dồn?
- Cách mạng phá. Họ ở đâu về đông lắm, họ phá, chúng tôi không làm gì được.
Nghe bà con trả lời thế, chẳng biết nghĩ sao, đến chiều chúng rút lui cả. Thấy vậy, một ông già mừng rỡ, khen :
- Chú nói sao giỏi quá!
Địch chưa chiếm lại được Càng Rang. Bộ đội ta trụ lại ở đây một ngày một đêm. Cờ Mặt trận bay phấp phới ở ấp, làm náo nức lòng dân. Tin “Việt cộng chiếm Càng Rang” lan truyền khắp Khu Đông, bọn nguỵ quyền cơ sở nhiều nơi sợ hãi, co cụm; đêm đến chúng kéo nhau vô quận ngủ, để tránh bị tiêu diệt…
Trong lúc đó các mũi khác của đội công tác cũng đã phát động nhân dân nhiều nơi nổi dậy dồn dập và mạnh mẽ để phá kẹp, đốt ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cơ sở. Nhiều nơi ở Tuy Phước, Phù Cát quần chúng kéo nhau hàng ngàn người đi đốt ấp chiến lược, khói lửa ngút trời; trụ sở địch ở xa, chúng nghe “cách mạng đến đánh” là hoảng sợ, bỏ chạy hết. Cả Khu Đông sáng rực, người tham gia đông như ngày hội trong khí thế náo nức chiến thắng.
Ở Phước Sơn (Tuy Phước) có nhà thờ Xuân Phương, và các nơi có nhà thờ ta chỉ đạo tránh không phá ấp chiến lược ở những nơi đó.
Lúc chúng tôi vô Phước Thắng, địch đã bỏ chạy khỏi trụ sở từ lúc nào. Thấy ta đốt hàng rào, lấy búa đập lô cốt, một sư thầy trong chùa bày:
- Đập chi cho phí sức, cứù nhổ hàng rào chất quanh lô cốt, đốt nóng rồi lấy nước đổ lên là lô cốt rã ra rất nhanh.
Bà con làm theo cách của vị sư nọ, rất có hiệu qủa.
Cứ thế, phong trào phá ấp chiến lược rất mạnh, ta làm ở Phước Hoà, qua sông làm luôn Phụng Sơn, Kỳ Sơn rồi tiến đến Phước Lý, và mở ra Phước Hải luôn. Chỉ trong một tháng, từ ngày 5 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 năm 1964, ta đã giải phóng một mảng khá liên hoàn trong vùng trọng điểm đông nam Phù Cát đến đông bắc Tuy phước - mảng sát biển dài trên hai mươi cây số gồm ba mươi tư thôn với trên một trăm ngàn dân. Đợt này, chỉ An Nhơn chưa làm được, vì lực lượng cán bộ yếu..
Trong mở ra lúc bấy giờ, ta giải phóng và làm chủ được nhiều thôn, xã nên khí thế chung rất phấn khởi.
Đặc biệt xã Phước Lý (nay là Nhơn Lý- Quy Nhơn ), tuy không phải là cơ sở điểm, ta không đặt yêu cầu cao nhưng phong trào nổi dậy cũng rất mạnh mẽ, vượt quá yêu cầu.
Khi nghe các nơi nổi dậy, ban đầu bọn địch một số nơi co cụm hoảng sợ nhưng sau đó chúng tìm cách phản kích dữ dội. Ở Phước Lý, chúng bắt bớ, đàn áp ngư dân và phá lưới, phá phương tiện hành nghề của bà con ngư dân Hưng Lương và Xương Lý. Trước tình hình này, ta kịp thời phát động bà con nổi dậy đấu tranh. Tức thì, hơn một nghìn người dân làm biển Phước Lý đã dùng thuyền, ca nô chở người bị thương và tang vật bị địch đàn áp, phá hoại vượt biển vào Quy Nhơn. Đoàn người khiêng người bị hại, rùng rùng kéo vô tỉnh đường đòi tỉnh trưởng cứu chữa, bồi thường nhân mạng và tài sản. Đây là đợt biểu tình, đấu tranh nhập thị đầu tiên của đồng bào toàn tỉnh, làm náo loạn cả thị xã Quy Nhơn, khiến Nguyễn Khánh phải tức tốc từ Sài Gòn bay ra dàn xếp, hứa giải quyết các yêu sách của dân.
Theo báo cáo của Khu uỷ V, đã đánh giá, đây là cuộc biểu tình mở đầu phong trào đấu tranh nhập thị của đồng bào nông thôn các tỉnh ở Liên khu V lúc bấy giờ; và toàn khu V cũng chỉ Bình Định mới có biểu tình nhập thị phối hợp cả hai đường thuỷ, bộ.
Tính từ khi mở ra, phong trào nổi dậy Khu Đông đã phát triển mạnh mẽ như triều dâng bão nổi, cuốn phăng đi hàng trăm khu dồn, ấp chiến lược, cuốn phăng sự kềm kẹp, áp bức của nguỵ quyền Sài Gòn trong một vùng Khu Đông rộng lớn. Anh em chúng tôi vui mừng khôn xiết vì chương trình, kế hoạch đề ra được thực hiện đúng như dự tính đã đưa phong trào loang rộng ra cả Khu Đông và trên đà chiến thắng mở luôn về phía Tây, mở ra phía Băéc. Ta đã làm chủ phần lớn vùng đồng bằng Khu Đông; thêm chín mươi thôn được giải phóng với trên một trăm mười ngàn dân…
Không thể nói hết nỗi lòng dạt dào của người dân khi được thở bầu không khí của tự do mà bấy lâu khao khát. Còn gì vui hơn khi mở ra đến đâu ta hình thành chính quyền ngay đến đó. Biến trụ sở của địch, súng địch thành của ta. Và trong khi ở từng địa phương khẩn trương xây dựng chính quyền xã, thôn; thành lập lực lượng dân quân tự vệ, thì lại được tỉnh đưa lực lượng vũ trang - tiểu đoàn 50 xuống hỗ trợ tiêu diệt hết các đại đội bảo an của địch; đánh, bao vây, buộc chúng rút và diệt sạch nếu chúng ngoan cố chống cự, để bảo vệ cuộc sống mới của đồng bào.
Lúc này ở địa bàn Tuy Phước ta đã giải phóng các xã Phước Hoà, Phước Thắng, Phước Sơn và chuẩn bị phương án đánh vào trụ sở nguỵ quyền xã Phước Hưng. Tháng 9 là tháng bắt đầu mưa lụt ở Bình Định. Mới đầu tháng mà nước lũ đã tràn ngập trắng xoá khắp Khu Đông. Tháng 9 -1964 lại là tháng lụt to nhất trong mấy chục năm qua. Muốn đánh Phước Hưng vào mùa này, ta phải điều quân đi bằng thuyền, nhưng do nước lớn quá, lại cuồn cuộn chảy xiết, trận này đành tạm hoãn. Chúng tôi cứ tiếc mãi.
Trong đợt đồng khởi này, ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn vùng ven biển. Từ Tam Quan (Hoài Nhơn), Phù Mỹ, Phù Cát đến Phước Lý (Tuy Phước). Giải phóng đến đâu ta động viên nhân tài vật lực đến đó và phát động quần chúng học tập các chính sách, chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng.
Giải phóng thôn, xã thực sự là ngày hội của nhân dân vì chính bà con ta là lực lượng chủ yếu đã nổi dậy giải phóng quê hương mình. Khắp thôn xóm dậy lên một không khí rộn ràng, náo nức. Bà con trở về làng cũ, cùng nhau cày xới, phục hoá ruộng đồng vườn tược qua bao mùa bị hoang hoá. Chính quyền cách mạng tiến hành chính sách cải tạo ruộng đất, lấy đất của bọn ác ôn bỏ chạy chia cho dân và số ruộng tạm vắng chủ cũng tạm chia cho bà con nông dân quản lý…
Những chủ trương kịp thời hợp lòng dân đã tạo nên một không khí thi đua sản xuất rộn ràng trên khắp một vùng giải phóng rộng lớn. Nhân dân hăng hái tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng và các đoàn thể. Hội nông dân giải phóng giúp nhau vòng đổi công sản xuất, trâu bò cày kéo… và nô nức đóng góp cho cách mạng hàng ngàn tấn gạo. Hội phụ nữ giải phóng giúp các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con, em bỏ hàng ngũ địch về nhà làm ăn; Hội phát động chị em tham gia vào đội quân tóc dài, làm cho lực lượng đấu tranh chính trị thêm đông, thêm mạnh. Hàng ngàn thanh niên tham gia vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, tích cực tham gia dân quân du kích, hăng hái tòng quân, nhập ngũ, được bổ sung vào quân số của Tiểu đoàn 50 và bộ đội chủ lực.
Tại khu căn cứ Núi Bà, tỉnh cũng đã kịp thời mở phân hiệu trường Đảng lấy tên là trường Lê Đình Giao, khẩn trương đào tạo cán bộ cho Khu Đông và mở trường huấn luyện tân binh...
Hồi này, vào cuối 1964 đầu 1965 các đoàn văn công Trung ương thường về biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào các vùng giải phóng. Đoàn Tuồng Liên khu V do nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa làm trưởng đoàn, đoàn ca kịch bài chòi do nghệ sĩ Phan Ngạn làm trưởng đoàn đã biểu diễn khắp các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn… Hằng đêm nhân dân say mê nô nức phấn khởi đi xem.
Hôm ấy, nghe tin đoàn tuồng về biểu diễn ở Ân thạnh, Hoài Ân, anh chị em khu vực Tỉnh uỷ, chộn rộn suốt cả ngày, nhất là các cô gái trẻ. Địch ở xa mà ta lại khá gần nơi đoàn biểu diễn. Nghe tiếng có nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa sắm vai, ai cũng muốn được tận mắt thấy, tận tai nghe tiếng ca của người nghệ sĩ tài hoa của quê hương, nhiều anh chị em báo cáo và rủ nhau đi xem. Vui và thông cảm với niềm say mê của anh chị em, nhưng tôi vẫn phải dặn: “Đi đứng cho cẩn thận, dù có say mê đào, kép và tiếng trống chầu mấy đi nữa cũng phải về trước mười hai giờ đêm, kẻo bị địch tập kích…”
Nghe tôi dặn, mấy cô gái cù léc, trêu chọc nhau cười rúc rích.
Qua ngày sau mấy anh em nói lại:
- Tối đó đoàn tuồng diễn rất hay, dân Hoài Ân ghiền tuồng dữ lắm, người xem đông nghẹt sân bãi xã Ân Tường. Coi hát rồi không ai muốn về, nhưng chúng cháu nhớ lời chú dặn phải thực hiện đúng quy định, kẻo lần sau chú không cho đi coi nữa. Mà may thiệt chứ không cũng bị địch tập kích như nẫu.
- “Như nẫu” là sao? Tôi hỏi lại, anh em mới kể rõ:
- Nhiều người coi hát xong, say tuồng hát, say cả đào cả kép hát không muốn về. Bà con trong thôn xóm với lòng khát khao, hâm mộ quá, cứ kéo nài, mời mọc các nghệ sĩ. Ăn uống không bao nhiêu, nhưng do hàng chục năm mới được xem một buổi hát tuồng hay như thế nên bà con rất quyến luyến, người về không muốn, kẻ đi không đặng, cuộc trò chuyện cứ kéo dài, đến gần sáng thì bị địch tập kích.
Nghe tin nghệ sĩ tuồng Võ Sĩ Thừa bị địch bắt lần đó và bị chúng giam trong các nhà lao, bà con nhân dân thương nhớ không biết bao nhiêu mà kể…
Trong thời gian này, ở An Nhơn, bọn địch vẫn còn chiếm đóng và củng cố lực lượng; chúng treo đèn, cắm cọc, cố thủ ở đó mặc dù bên này là Phước Thắng vùng giải phóng của ta. Mãi đến tháng 10 năm 1964 ta mới mở ra được hai xã Nhơn Phong và Nhơn Hạnh của An Nhơn. Sau đó ta đánh tới Phước Hoà rồi bung mạnh xuống sát Cầu Đôi- Qui Nhơn. Khí thế tiến công của quần chúng như chẻ tre, chúng tôi cũng không lường hết sức mạnh của phong trào. Bà con còn tự vận động tiến đánh và mở luôn cả Nhơn Hải, trong khi lãnh đạo còn dè dặt chưa dám nghĩ đến, thì nhân dân đã kịp thời lợi dụng thời cơ, tự đứng lên giải phóng và giành được thắng lợi.
Hồi cuối tháng 10 năm 1964, quân ta đã tập trung sức, cả tiểu đoàn 50 được bổ sung đầy đủ quân số, cùng với đội công tác của các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Hưng …tấn công tập kích diệt đại đội bảo an đóng trụ ở Nhơn Phong… mở màn giải phóng toàn bộ các xã đông An Nhơn. Tôi về An Nhơn, đặc biệt là Nhơn Phong, ngoài niềm vui chung với đồng bào, nơi đây còn sống dậy trong tôi những tình cảm sâu đậm của tuổi ấu thơ. Đây là nơi mà sau khi ông nội tôi mất, bà nội Trần Thị Liên đã đi bước nữa cùng ông Văn Thí thường gọi là Bá Bốn Hòa Bình, bà nội đã đưa cha tôi với hai chú cùng hai cô của tôi về Nhơn Phong nuôi cho ăn học. Nên hàng năm, lúc đã lớn lên, tôi thường xuyên về thôn Hoà Bình, đó là quê hương thứ hai của gia đình tôi.
Lúc mở ra Nhơn Phong, tôi gặp được ông chú út Nguyễn Trung Thiệu đã bặt tin hơn mười năm. Chú cháu gặp nhau mừng quá, cứ nắm chặt tay mà nghẹn ngào không nói nên lời. Ban đầu chú không nhận ra tôi vì chú không ngờ thằng cháu mình đã dạn dày sương gió, mới bốn mươi mà đã như người luống tuổi. Còn tôi nhận ra chú ngay mặc dù tóc chú đã bạc quá nửa. Lúc đó chú đã hơn sáu mươi tuổi, nhưng vẫn tích cực làm nông hội xã. Sau này, vào tháng 5 năm 1965, khi xã bị địch líp lại, chú tôi thoát ly lên căn cứ và ông đã hy sinh vào năm 1970.
Ta mở ra đông An Nhơn vào cuối năm 1964, chưa kịp xây dựng bao nhiêu thì gặp thời gian địch tăng cường phản kích, càn quét ác liệt. Số đồng chí ở đây hy sinh không ít, kể cả các đồng chí Bí thư Huyện ủy; trong đó có đồng chí Minh mới hai mươi lăm tuổi, là người Bí thư Huyện ủy trẻ nhất của tỉnh. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cho người mẹ già cô đơn đã mất đi hòn máu duy nhất của mình.Tỉnh phải rút một số cán bộ Phù Mỹ, Hoài Nhơn tăng cường cho An Nhơn và tăng cường trực tiếp Huyện ủy, chỉ đạo An Nhơn.
Khoảng tháng 2 năm 1965, một đoàn cán bộ của tỉnh có tôi, cô Trình Thị Hiệu, cô Trương Thị Hường cùng đồng chí Mẫn - Phó Bí thư Tuy Phước đến công tác An Nhơn, gặp lúc địch tập trung lực lượng chủ lực và bảo an có xe bọc thép yểm trợ càn quét lớn vào các xã đông An Nhơn. Lực lượng tiểu đoàn 50 của tỉnh có mặt lúc đó đã cùng anh em cán bộ các xã khẩn trương triển khai chống càn.
Tiểu đoàn 50 lúc bấy giờ do đồng chí Trần Quang Giáo làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Đinh Bá Lộc làm Chính trị viên. Tôi rất tin năng lực của đồng chí Giáo qua việc đánh địch, chống càn ở căn cứ, triển khai các cuộc vũ trang tuyên truyền có tôi cùng đi. Anh Giáo là người nhanh nhẹn, dứt khoát, gan dạ, được anh em thương mến.
Các phương án chống càn lúc đó của các đồng chí có tính thuyết phục cao, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Sau khi anh Giáo lên được xong phương án, anh L. xin xuống Núi Bà có việc cần; nói rồi L. đứng dậy đi ngay. Lúc đó tôi và anh chị em đoàn cán bộ của tỉnh bất giác cùng đưa mắt nhìn nhau, không nói ra nhưng ai cũng nghĩ, tại sao tiểu đoàn trực tiếp chống càn mà Chính trị viên lại bỏ đi? Phải chăng đồng chí Chính trị viên có việc gì lớn hơn, quan trọng hơn trong lúc này? Đối với tôi, đó là một việc làm bất bình thường, mà với tư cách là một cán bộ chính trị, anh không thể có hành động bỏ mặc đơn vị như thế.
Khi L. đi rồi, đoàn cán bộ tỉnh vẫn còn ngồi đó. Anh Giáo cho anh em liên hệ với xã tìm hầm bí mật cho chúng tôi; đến hai giờ sáng, nghe báo cáo chỉ tìm được hai hầm cho tôi và một đồng chí nữa. Chúng tôi rất băn khoăn, thương đồng chí tiểu đoàn trưởng vất vả, vừa lo triển khai các mũi chống càn vừa lo bảo vệ an toàn đoàn cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy. Trong lúc tình hình đang căng thẳng, tôi thấy mình ở lại đây không thể giúp được gì cho các anh mà hình như còn làm bận rộn thêm cho người chỉ huy và lực lượng anh em bảo vệ, nên bốn giờ sáng chúng tôi rời Nhơn Phong xuống Phù Cát. Trên đường đi khoảng nửa giờ đồng hồ thì các mũi tiến công của địch có xe tăng bọc thép yểm trợ bắn trọng liên xả về hướng đông cách chúng tôi hơn hai ki lô mét đường chim bay. Tuy vậy chúng tôi vẫn phải chạy khỏi tầm đạn địch, vượt qua sông Cát Thắng sang bến đò Giăng Giây. Lúc vượt sông, anh em nam giới đều cởi quần, khi sang đến nơi, tập trung lại, có anh M. vội vàng quên mặc lại quần mà không biết. Đạn pháo địch bắn dày quá, sáng cả góc trời, khiến chúng tôi giật mình quay nhìn lại tìm nhau. Thì hỡi ơi, mọi người đều thấy anh M. không mặc quần, cứ đứng tồng ngồng mà chỉ chỏ… một cách vô tư. Cảnh tượng làm chúng tôi đang lúc lo lắng lại chuyển thành một trận cười bể cả bụng…
Cuối tháng 10 năm 1964 lần đầu tiên tàu của Hải quân Việt Nam tiếp tế vũ khí cho Bình Định cập bến Lộ Diêu, Hoài Nhơn. Đêm đó, bão nổi, sấm chớp ầm ầm. Thời tiết rất nguy hiểm cho tàu thuyền đánh cá, nhưng lúc này đối với ta hình như lại rất thích hợp. Khi tàu đến bãi ngoài, ta huy động ghe thuyền và bà con trong vùng Lộ Diêu xã Hoài Mỹ ra chuyển vũ khí vào mặc mưa xối tầm tã, gió rít quất ràn rạt vào người. Khi chuyển hết vũ khí và dìm tàu, xoá sạch mọi dấu vết thì trời vừa tang tảng sáng và gió mưa cũng lặng dần.
Chuyến tàu số 401 của đoàn 759 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân chở vũ khí đầu tiên cùng với vị thuyền trưởng người Ân Hữu, Hoài Ân và anh em chiến sĩ dũng cảm đem đến cho Bình Định nguồn động viên mới, làm tôi nhớ mãi.
Trên ba mươi tấn vũ khí chúng tôi nhận được hầu hết là CKC và lựu đạn, chỉ có một ít trung liên. Những loại vũ khí mà chúng tôi mong mỏi, ao ước là súng DKZ và súng chống tăng không có. Tuy nhiên, được như vậy cũng sướng rồi vì ít nhất lực lượng vũ trang tỉnh cũng được trang bị vũ khí khá hơn, chứ lâu nay số dân quân chỉ được “trang bị” súng CKD của địch. Được trên chi viện vũ khí, tinh thần quân dân vô cùng phấn chấn.
Lúc này, khắp các vùng giải phóng anh em thanh niên nô nức tòng quân, nhập ngũ nên ta đã có được thêm mấy ngàn quân bổ sung cho tiểu đoàn 50 và tiểu đoàn 52; mỗi huyện có được một đại đội, mỗi xã có một trung đội dân quân, và còn bổ sung cho lực lượng trên.
Đến giữa tháng 11 năm 1964, các mặt công tác của tỉnh đều có những bước phát triển vượt bậc. Đây là thời diểm thuận lợi để ta có thể tiến đến những quyết định mạnh mẽ hơn.
Hồi này, có một số anh em cán bộ và nhân dân Quy Nhơn đến tìm tôi bày tỏ quyết tâm, đề nghị “cho giải phóng Quy Nhơn luôn đi anh!”, anh em nói:
- Lòng dân và anh em chúng tôi nao nức chờ cách mạng. Khi ta treo cờ và đánh trống báo hiệu tại Cầu Đôi, nhìn thấy cờ Mặt trận tung bay phần phật ai nấy như được tiếp thêm sức mạnh. Chúng tôi muốn giải phóng Quy Nhơn ngay như các vùng khác!
Là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thị ủy Quy Nhơn, tôi nắm rất kỹ và biết rất rõ hiện phong trào Quy Nhơn phát triển mạnh hơn bao giờ hết và phát triển ngoài sức tưởng tượng. Nhưng dẫu như thế và có muốn giải phóng Quy Nhơn ngay lúc này cũng chưa thể được vì so sánh lực lượng ta và địch còn khá chênh lệch; lực lượng vũ trang của ta còn nhỏ, chỉ mới có hai tiểu đòan. Muốn đánh Quy Nhơn, phải có ít nhất vài trung đoàn mới có thể nghĩ đến, mặc dù lúc này nội bộ địch đang hoang mang trước khí thế, phong trào đấu tranh của quần chúng.
Tôi phân tích kỹ và cuối cùng nói rõ với anh em:
- Tôi rất cảm thông với quyết tâm của anh em, và chính tôi cũng cháy bỏng niềm mong muốn đó. Nhưng làm cách mạng không thể duy ý chí được. Thực lực ta còn yếu nên chưa có thể ra nghị quyết được. Chúng ta lấy đó làm mục tiêu quyết tâm, cùng nhau gây dựng phong trào, phát triển lực lượng mạnh hơn nữa, chớp thời cơ chín muồi để giải phóng Quy Nhơn chừng nào có thể…
Lúc này tôi mới hiểu hết ý nghĩa nắm bắt và chớp thời cơ có tầm quan trọng đến mức nào! Và muốn nắm được thời cơ phải có quyết tâm cao độ, nghị lực phi thường; nắm được thời cơ, quyết tâm chớp thời cơ chưa đủ mà phải có thực lực phương thức phát động lực lượng quần chúng, sử dụng ba mũi giáp công phù hợp và điều kiện chín muồi để tiến công địch, chuyển thế, làm thay đổi nhanh chóng tương quan lực lượng giữa ta và địch trong thời gian ngắn nhất.
Việc nổi dậy giải phóng một vùng rộng lớn nông thôn Khu Đông như ngọn lửa trước cơn gió lớn, bốc cao, loang rộng, thúc đẩy phong trào nhân dân toàn tỉnh nổi dậy giải phóng nông thôn phát triển như thế chẻ tre, và đã tiến lên áp sát tỉnh lỵ đó là điều mà chúng tôi không lường được. Đáng lẽ lúc đó nếu ta có dự báo đầy đủ, với điều kiện tình huống thuận lợi nhất lúc bấy giờ, và có chuẩn bị phương án trước thì ta có thể sẽ đẩy được Quy Nhơn phát triển cao hơn.
Để đáp ứng những yêu cầu khẩn trương của phong trào, cuối tháng 11 năm 1964, Đảng bộ tổ chức Đại hội đại biểu tại thôn Nghĩa Nhơn (Ân Nghĩa- Hoài Ân), kiểm điểm tình hình phong trào trong nhiệm kỳ từ 1960 đến 1964. Đại hội đặc biệt nêu bật phát huy những thắng lợi to lớn và toàn diện ta đã giành được từ phong trào đồng khởi Khu Đông trong nửa cuối năm 1964 và đề ra Nghị quyết “động viên toàn tỉnh xốc tới, cùng quân dân toàn miền đánh thắng chiến tranh đặc biệt của địch”. Nghị quyết đại hội lần này cũng chưa có nội dung giải phóng Quy Nhơn, nhưng nêu rõ quyết tâm: tiếp tục đẩy mạnh phong trào mở ra và củng cố các vùng giải phóng, giải phóng tiếp các vùng ven quận lỵ, phát triển lực lượng, tạo thế chuẩn bị giải phóng Quy Nhơn.
Với tinh thần xốc tới, mở màn chiến dịch Đông- Xuân năm 1964 - 1965, đầu tháng 12-1964 quân và dân ta đã tiến công chi khu quận lỵ An Lão, loại ngót bảy trăm tên địch, giải phóng quận lỵ và toàn bộ thung lũng An Lão với trên mười một ngàn dân.Thắng lợi đã làm nức lòng quân dân đồng thời đã đánh dấu một bước phát triển mạnh của ta vì lần đầu tiên ở Khu V, bằng tiến công và nổi dậy, ta đã giải phóng một huyện, phá vỡ một khu vực phòng thủ của địch ở tuyến giáp ranh.
Nhìn lại trước đây, trong thời kỳ chống Pháp, so sánh trong ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, thì Bình Định là tỉnh có nhân tài vật lực, nhưng phong trào chưa nổi. Trong thời kỳ mở ra này, lực lượng Bình Định đã có những bước phát triển khá vững chắc, cho thấy tinh thần chiến đấu, phong trào đấu tranh của quân và dân Bình Định đã phát triển một bước cao cùng Quảng Nam, Quảng Ngãi góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy.
Lúc này những vùng ta giải phóng, địch tiến hành phản kích, liên tiếp mở những cuộc càn quét. Nhưng với tinh thần kiên quyết giữ vững vùng giải phóng, ta tập trung mở những đợt đấu tranh chính trị quyết liệt; đồng thời chủ trương đánh mạnh, vừa chống càn vừa kết hợp quét sạch bọn nguỵ quân nguỵ quyền. Trên thực tế ta giải phóng một vùng rộng lớn, nhưng địch lại không biết được ta đóng quân ở đâu; chúng muốn đánh vào các tiểu đoàn đơn vị chủ lực của ta nhưng không biết đánh vào địa điểm nào. Nếu chúng mở các cuộc càn lớn, dân chống càn bằng đấu tranh chính trị là chính, nên trong các vùng giải phóng không có những trận đánh lớn xảy ra. Ngoài các trận ta tập kích bao vây diệt các chốt bảo an Phước Hưng, Gò Bồi.
Giai đoạn cuối năm 1964, lực lượng ta khá mạnh. Sau chiến thắng An Lão, chiến thắng Đèo Nhong, ta dồn dập tiến quân địch ở nhiều nơi, thắng lợi vượt quá mức dự tính. Đầu năm 1965 ta chủ trương đánh lầu Việt Cường trong nội thị Quy Nhơn, ở đây đang có nhiều chuyên gia kỹ thuật Mỹ đóng. Cách đánh của ta là sử dụng lực lượng biệt động hợp pháp đánh vào với hình thức cảm tử. Ta dùng hai tổ đặc công tỉnh cùng với cơ sở nội thị hoạt động hợp pháp cải trang, đột nhập đưa bom vào đánh khách sạn Việt Cường. Các tầng lầu của khách sạn bị sập , loại hơn năm chục sĩ quan Mỹ. Tướng Mỹ Oetmôlơn phải thú nhận: một vụ nổ đã phá huỷ một khách sạn đổ sập, chết hai mươi ba người, bị thương hai mươi mốt người và một số bị kẹt trong đống đổ nát. Đây là số thương vong nhiều nhất xảy ra trong riêng một sự kiện.
Sáng đó, đồng thời ta tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị lớn tiến vào Quy Nhơn với các yêu sách “không được cào, phá làng xóm”, “để cho dân yên ổn làm ăn”… Cùng với mũi đấu tranh đi đường bộ, ta huy động lực lượng bằng đường thủy với trên ba trăm chiếc thuyền chở hàng ngàn dân đi đấu tranh, tiến vào Quy Nhơn theo hai mũi, một mũi tiến thẳng vào đầm Thị Nại, một mũi từ Phước Lý đi qua.
Khi ta đánh lầu Việt Cường, làm sập các tầng lầu, sĩ quan kỹ thuật Mỹ bị chết, bọn nguỵ xoay ra điên cuồng đàn áp thẳng tay các đoàn thuyền đấu tranh. Chúng dùng đại liên, trung liên nã tàn sát bà con mũi đi vào Thị Nại, giết hại hàng chục người. Cùng lúc, chúng cho phản lực từ Hạm đội 7 xuất hiện gầm rú, quần đảo trên bầu trời uy hiếp tinh thần bà con. Chúng đàn áp đẫm máu đoàn người đấu tranh, súng sả từ trong bờ bắn ra, không cho người lên bờ. Máu đồng bào ta loang đỏ mặt đầm Thị Nại, càng làm bốc cao ngọn lửa căm thù và hừng hực khí thế đấu tranh của đồng bào ta. Trong khi đó, các mũi đấu tranh đi bằng đường bộ tiến vô, bà con mang khẩu hiệu, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng bị chúng chận lại, bà con vẫn ào ào xông tới…
Thấy địch đàn áp mạnh quá và ta cũng bị tổn thất nhiều, bộ phận lãnh đạo đâm lúng túng. Nhiều đồng chí băn khoăn, lo lắng chưa biết làm cách nào thì thực tế phong trào đã giải đáp ngay câu hỏi khó đó. Mặc dù địch đàn áp rất dã man, nhưng bà con ta quyết không chùn bước, người trước ngã, người sau tiến lên đấu tranh trực diện với địch như muôn lớp sóng trào. Tiếp sức với bà con, mà nói đúng ra là phong trào đấu tranh của quần chúng đã tăng cho chúng tôi thêm niềm tin và sức mạnh vững tay chèo chống; chúng tôi chỉ đạo động viên tinh thần đoàøn kết xốc tới, tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, vạch trần bộ mặt gian ác của địch, đòi bồi thường thiệt hại, quyết không lùi bước…
Có thể nói trận đánh lầu Việt Cường là một cái mốc thắng lợi kết thúc phong trào Đồâng khởi Khu Đông của ta, đã góp phần cùng quân dân toàn miền đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ nguỵ, phát triển thực lực chính trị, vũ trang của ta lớn mạnh...
|