KHU ĐÔNG DẬY SÓNG
9:17', 19/4/ 2007 (GMT+7)
NỖI NIỀM

Lúc vào Khu Nam tôi lấy tên là Nhơn. Khi chuyển xuống Khu Đông tên tôi là Nam. Bà con biết tôi về, truyền tin “có ông tỉnh xuống” và họ rủ nhau tìm đến thăm. Hàng trăm người đến thăm hỏi, tay bắt mặt mừng, nhà cửa rộn rịp người qua kẻ lại, đông vui như tết. Người cho vải vóc, áo quần, kẻ cho thuốc men, thuốc hút… Những món quà nặng tình nặng nghĩa của bà con, tôi chuyển hết cho anh em bộ đội.            

Thương nhất là mấy chị vợ cán bộ tập kết, tưởng tôi cũng tập kết về, rủ đến hỏi thăm. Có chị còn ngần ngại, hỏi gần, hỏi xa:

- Anh Nam tập kết về lúc nào? Có đông người về không?

Nhiều chị hỏi thẳng:

- Anh có thấy chồng, con chúng tôi không ?     

Nhiều chị ở vậy, chung thủy chờ chồng, nóng ruột mong đợi tin chồng nên đến hỏi thăm thường xuyên. Tôi thấu hiểu nghĩa tình sâu nặng của các chị, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, dù biết hay không biết về chồng con họ tôi đều phải vui vẻ trả lời: “Khoẻ hết thôi, không sao!”  

Và tôi cũng dặn mấy anh em tập kết ở miền Bắc về không được trả lời cụ thể cho các chị biết những trường hợp “có vấn đề”, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng, công tác của các chị.

Tôi thường đi công tác đến Cát Tài, qua Cát Hanh. Nhiều vùng giải phóng liên hoàn, nên việc đi lại dễ dàng, thuận lợi, thoải mái. Lần ấy, tôi về nghỉ ở thôn Thái Phú xã Cát Tài. Nhà của cơ sở là một cô gái có người anh trai vừa mới cưới vợ được mấy ngày là đi tập kết ngay. Người chị dâu tên N.T.T, hơn mười năm đằng đẵng chờ chồng, gặp tôi chị T. mừng quýnh, hỏi thăm tin chồng trong nước mắt. Lúc ấy tôi cũng không biết chồng chị là ai, nhưng để yên lòng người vợ nơi làng quê và cũng là để giữ “nguyên tắc” đề ra, tôi vẫn nói với chị là “ảnh(*) tốt thôi, hoạt động bình thường”.

Thật không may cho tôi, vì ông này đã có vợ khác. Do sau lần hỏi tôi, chị T. có gặp anh Độ- cán bộ tuyên huấn tập kết ngoài Bắc mới về và biết rõ chồng chị - anh nói: “Ổng (**) đã có vợ nữa rồi! ”. 

Hai tháng sau, trong một đợt công tác khác, tôi lại có dịp trở lại nơi ấy. Gặp tôi, chị T. trách: “Anh Độ nói là nhà tôi có vợ khác rồi, sao anh lại nói vậy?”.

Tôi biết chị hỏi dằn lại tôi như vậy chính là trách tôi nói sai, nhưng hình như trong thẳm sâu sự đau đớn, tan nát cõi lòng, chị vẫn muốn níu kéo và hy vọng ở tôi một lời khẳng định ngược lại. Nhưng lúc này tôi cảm thấy khổ tâm vô cùng, vì sự thật đã buộc tôi không thể nói dối chị. Tôi không thể giúp gì được cho người phụ nữ ấy khi nỗi đau khổ đè nặng lên trái tim chị. Với tình yêu, nỗi đau, sự thất vọng… chị tấm tức dồn lên cả ngọn bút với năm trang giấy dày đặc chữ của tờ đơn ly hôn. Người đàn bà ấy - tôi biết, chữ nghĩa không bao nhiêu, nhưng với năm trang giấy dày đặc chữ, tôi hiểu chị đã đau khổ biết nhường nào trứơc cái tin sét đánh. Chị làm đơn kể lể những nỗi đớn đau chị phải chịu đựng qua hơn mười năm chiến tranh ác liệt, cố gắng hoạt động, ngày đêm mong ngóng, chờ đợi ngày gặp gỡ, đoàn tụ… Chị trách chồng ra Bắc được gần đảng, gần Bác Hồ, sao không rèn luyện, tu dưỡng mà lại làm vậy… Rồi chị quyết định “vĩnh biệt, ly hôn luôn…”.

Tôi mang nỗi niềm này nói lại với anh Độ.

- Sao ông nói cho bả(*) biết?

- Tôi ghét mấy cha ra Bắc có vợ nữa quá!- anh Độ bực tức “xổ” luôn - tôi nói cho bả biết kẻo bả tin tưởng, chờ đợi tội nghiệp; chờ đợi cái thằng không đáng mới tức chớ! Tôi có nghe anh dặn “không được nói cụ thể” nhưng tôi ghét lũ nó quá, tôi không kìm được! Ai đời vợ ở miền Nam chịu đựng muôn vàn gian khổ, ác liệt, vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa chung thủy chờ chồng; còn chồng làm đảng viên mà còn phản bội vợ… Mấy cha đó hư hỏng, tôi ghét quá!…  

Chuyện chị T và một số trường hợp tương tự khác cứ đeo đẳng, trĩu nặng trong lòng tôi. Tôi mong sao mau giải phóng được quê hương, đất nước mau thống nhất để bao gia đình chia ly được đoàn tụ, sum vầy… khỏi phải chịu đựng cảnh tan đàn, sẻ nghé đau thương …

Trong các chuyến công tác, đi về đến xã nào, làng nào cũng có các cháu nhỏ chạy ra đón trước, chúng còn kháo nhau là có ông Tỉnh Phó về làng!. Các cháu quây lấy tôi, tíu tít hỏi một cách ngây thơ:

- Ông là Tỉnh Phó, sao ông đi bộ zẩy? Tỉnh Phó quốc gia to lắm, thường đi ô tô, mà còn có nhiều lính bảo vệ nữa!  

Tôi rất vui nghe các cháu nói chuyện và xoa nhẹ vào những mái tóc cháy nắng của chúng:

- Lính bảo vệ chú là các cháu đây nè !

Bọn trẻ nghe tôi nói, cười reo lên rồi chạy theo rờ áo, rờ súng và thân mật nắm tay dắt vô nhà. Tôi hỏi chuyện, biết nhiều cháu đã lớn mà chưa được đi học, rất thương.

Cứ thế, trong các chuyến công tác cơ sở, thôn nào, xóm nào tôi cũng đi đến thăm hỏi, nắm tình hình và ở lại đó, nhiều là mười ngày, nửa tháng, ít cũng vài đêm. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tôi cũng đã tranh thủ về thăm lại được nhiều cơ sở, gặp được nhiều anh chị em, bà con cơ sở cũ, cùng nhau ôn lại những vui buồn, gian khó của “ngày xưa” với biết bao cảm xúc dạt dào.

Sau khi phong trào mở ra, nhất là trong năm 1964, đầu 1965, đời sống của chúng tôi khá hơn trước rất nhiều. Bộ đội năm, sáu trăm người, đóng quân ở đâu, muốn ăn gì có nấy. Muốn ăn thịt bò, dân cho bò; muốn ăn heo gà, dân cho heo gà. Còn cá thì vô thiên lủng… Tôi còn nhớ chuyến mười anh em trong đội công tác chúng tôi đi nghiên cứu tình hình cơ sở hồi đầu năm 1964. Khi qua sông Trường Thạnh thấy dân chặt đầu, đuôi cá tràu bỏ cả đống, chúng tôi tiếc quá hốt về nấu canh chua ăn; nhưng nhiều quá, hốt làm sao hết, cuối cùng đành bỏ. Nghĩ lại mấy hồi đói, khát cùng cực càng thấy thương mình quá đỗi.     

Có những chuyện thấy quân mình ngây ngô, buồn cười mà nhớ mãi. Trong lực lượng cán bộ tăng cường cho Khu Đông có cô N.T.Th. cán bộ phụ nữ, người Tây Sơn, còn trẻ nhưng rất hăng hái tham gia xây dựng phong trào cơ sở. Một lần chúng tôi đi ngang qua đường sắt, cô không biết, hỏi đường gì, tôi nói đùa là đường lên trời, vậy mà cô cứ ngờ ngợ. Sau đó anh em cứ giả hỏi lại “chị có biết đường gì không?” rồi mọi người cùng cười, trêu chọc miết.

Có đêm nằm ven đầm Thị Nại, Phước Hoà, từ xa thấy đèn làm tôm sáng mặt sông, cô Th. lại hỏi: “Gì mà sáng dữ zậäy?”. Anh em trả lời “ấáp chiến lược”, cô cũng tin. Nghĩ mà thương. Cũng là cán bộ phong trào, đi cơ sở nhiều nhưng cũng chỉ là một cô gái trẻ từ trong làng xóm ở vùng đầu nguồn sông Kôn mới “bước ra”, làøm sao biết hết được muôn mặt của cuộc sống, nên khi tự do đi trong vùng giải phóng mới lại thấy mình “lạc hậu” quá chừøng.

Nói là “tự do” nhưng không phải lúc nào cũng yên ổn vì có những vùng giáp ranh, tình thế cũng nguy hiểm vô cùng. Một lần chúng tôi về các vùng mở ra để phát động phong trào. Anh em mới đến Cát Thắng kế sát vùng địch đóng, là bọn địch đã đánh hơi được liền. Ngay sau đó một đại đội bảo an của trụ sở Cát Thắng đã tập kích vô khu vực cơ quan đóng. Chúng hùng hổ kéo quân vô làng thì chạm trán anh em canh gác. Nghe ám hiệu, mặc dù chúng tôi đứng cách đó chỉ ba trăm mét nhưng cũng đã kịp rút êm được.

Một lần ở Cát Chánh, chúng tôi tổ chức họp vào ban ngày. Ba giờ chiều bị địch bọc sau lưng bất ngờ tập kích. Chúng chắc mẩm một trăm phần trăm phen này “báo công lãnh thưởng”, ai dè chúng tôi cũng đã lường trước cả. Địa điểm họp được bố trí gần sông, mà chúng tôi ai cũng như những chú rái cá, nghe động là xuống sông lặn tuốt một hơi thoát vào vùng dân. Bọn địch như những con thú mất mồi, tức ói máu.

Tuy nhiên, trong thời gian này, bộ phận anh em cán bộ lãnh đạo của ta cũng bị tổn thất hai người. Một là anh Trần Hoài An, người Tuy Phước. Anh lãnh đạo phong trào Phước Thắng mở ra rất tốt, phá được mạng lưới tề điệp, làm tan rã lực lượng dân vệ… Nhưng khi làm chủ được dân rồi lại có tư tưởng nôn nóng, tổ chức đào hào, làm làng chiến đấu ngay. Hăng hái quá thành coi thường địch. Trong lúc vừa đào năm trăm mét giao thông hào làm làng chiến đấu đã thiếu cẩn mật; không thực hiện đúng phương thức hoạt động, nên làm lộ lực lượng. Địch phát hiện, chúng càn vô làng, khui hầm bí mật, anh bị hy sinh.

Người thứ hai là anh Thừa, lúc đi đường núi, chủ quan, mất cảnh giác, bị bọn bảo an phát hiện, bắn chết.

Các đồng chí hy sinh thật đau lòng, chúng tôi mất đi những người anh em đồng chí chiến đấu trung kiên, dũng cảm. Nhưng qua đó chúng tôi cũng rút ra bài học là không bao giờ được chủ quan, mất cảnh giác với kẻ thù, nhất là khi ta đang nắm phần thắng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (16/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (12/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (10/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (08/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (05/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (04/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (02/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (29/03/2007)
Cùng bạn đọc   (28/03/2007)