NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐÁNH MỸ
14:30', 19/4/ 2007 (GMT+7)

Khoảng tháng 3 năm 1965, tôi nhận được chỉ thị của Trung ương Cục do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo: “Địch hiện nay như gà mắc tóc, tinh thần của chúng ta là phát động quần chúng đấu tranh nổi dậy, giành chính quyền, cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam…”.

Chỉ thị của Trung ương Cục đã đề cập đến vấn đề giải phóng thị xã, và đã được chuyển đến cơ sở để học tập, quán triệt. Một khí thế tiến công mới được dấy lên và phát triển khắp tỉnh. Sau trận An Lão, và trận đánh lầu Việt Cường trong Đồng khởi Khu Đông, quân ta chiến thắng tiếp trận Gò Bồi… và thừa thắng xông lên giành thắng lợi trong chiến dịch xuân hè 1965. Tính đến tháng 6-1965, ta đã giải phóng và làm chủ một vùng rộng lớn liên mảng với ba phần tư dân số, khoảng gần năm trăm tám mươi ngàn dân, đến nỗi có tướng tá Mỹ phải thốt lên, xác nhận: “Tại Bình Định, Việt cộng treo cờ khắp nơi, trừ một vài quận lỵ và thị xã Quy Nhơn”.

Nhưng ngay sau đó tình hình lại có những chuyển biến khác.

Trước những đòn tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, chính quyền Sài Gòn, chỗ dựa về chính trị cho Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược đang suy yếu nghiêm trọng. Mỹ thấy rõ “chiến tranh đặc biệt có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn. Nhằm cứu vãn tình thế và hòng đẩy cuộc chiến tranh tới cùng, Mỹ đã “thay ngựa giữa dòng”, đưa ê kíp tay sai tướng lĩnh trẻ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ thay bọn Nguyễn Khánh - Trần Văn Hương; đồng thời tháng 8-1964 chúng gây nên “sự kiện vịnh Bắc bộ”, tạo cớ để vào năm 1965, chúng đưa quân ồ ạt nhảy vào miền Nam, tăng cường tiếp sức cho quân nguỵ.

Mỹ chuyển sang “chiến tranh cục bộ” hòng thắng ta nhanh bằng sức mạnh của đội quân viễn chinh. Với ba nội dung chính là “tảo thanh, đảm bảo an ninh, tìm và diệt”, kế hoạch chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ được thực hiện theo ba giai đoạn từ tháng 7-1965 đến giữa hoăïc cuối năm 1967.

Để thực hiện kế hoạch chiến lược này, Mỹ gấp rút xây dựng ở Nam Trung Bộ một loạt căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần. Ở Bình Định chúng giải tỏa bảy thôn ở Phù Cát để lập sân bay Gò Quánh (sân bay Phù Cát) là một trong bốn sân bay lớn ở miền Nam; tăng cường nạo vét, mở rộng cảng Quy Nhơn; đặt ống dẫn dầu từ Quy Nhơn đi Plây Cu.

Đứng trên Núi Bà nhìn về Quy Nhơn thấy điện sáng rực trời, tàu bè tấp nập sáng đêm, thật khác lạ với những năm tháng trước. Đúng là địch đang nạo vét, mở rộng cảng, chuẩn bị bàn đạp đưa quân Mỹ vào!  

Quả nhiên, sau mấy tháng cảng Quy Nhơn làm xong, sân bay Gò Quánh hoàn thành, và nống lấn nhiều vùng quanh sân bay, Mỹ bắt đầu đổ quân vào.

Núi Bà cách Quy Nhơn theo đường chim bay khoảng mười cây số. Đứng trên Núi Bà, tại chùa Linh Phong, nhìn qua ống nhòm thấy Quy Nhơn rất rõ. Đã bao ngày bao đêm, từ trên Núi Bà chúng tôi nhìn về Quy Nhơn với nỗi khát khao ngày giải phóng. Ban ngày thấy mặt biển xanh biếc, ban đêm lấp lánh ánh đèn đánh cá của ngư dân mà lòng xôn xao niềm mong ước… Giờ đây Mỹ đã biến Quy Nhơn thành bến cảng của những chiếc tàu há mồm đưa lính Mỹ và chư hầu vào. Tôi nhìn thấy, một chiếc tàu há mồm, hai chiếc, rồi ba, bốn chiếc…lừ lừ tiến vào cảng như những con cá mập khổng lồ. Khi chúng há cái mõm rộng ngoác ra thì từ bên trong bụng của nó túa ra những tên lính như cua bò lổm ngổm, đen ngòm mặt đất; rồi thì trên trời, máy bay trực thăng bay gầm gào làm náo loạn cả không gian…

Với vị trí chiến lược, và nhất là những thắng lợi lớn ta giành được trong chiến tranh đặc biệt, Bình Định trở thành mộït trong những địa bàn trọng điểm để Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” với kế hoạch “tìm diệt” chủ lực và đánh phá căn cứ kháng chiến của ta.

Nhằm mở những cuộc hành quân lớn “tìm diệt” chủ lực quân giải phóng, “bẻ gãy xương sống Việt Cộng”, “ bình định nông thôn” quét sạch cơ sở của ta, tính đến cuối năm 1965, Mỹ đã đưa vào Bình Định hơn hai mươi ngàn quân sừng sỏ, chiếm một phần sáu số quân Mỹ và chư hầu đưa vào khu Năm và bằng khoảng một phần mười số quân đưa vào toàn miền Nam. Đó là lực lượng chư hầu Nam Triều Tiên với sư đoàn Mãnh Hổ là đội quân hăng máu, mạnh mẽ, từng là đơn vị bảo vệ Hán Thành trong chiến tranh Trung- Triều trước đây. Lực lượng này án ngữ làm vành đai từ đường số 1, đường 19, bảo vệ Quy Nhơn. Đó là sư đòan Kỵ binh không vận số 1, còn gọi là binh đoàn cơ động đổ bộ bằng máy bay lên thẳng - niềm hy vọng lớn nhất của lục quân Mỹ, do Trung tướng Ha ri Kin-na chỉ huy.

Lực lượng trực thăng vận của địch, chỉ huy sở Sư đoàn đóng ở An Khê, được bố trí tập trung diệt chủ lực của ta. Chúng rải quân đóng ở Phù Cát, Bình Khê và Hoài Nhơn. Xe tăng của địch đi trên đường 19 nhiều như cua bò; máy bay trực thăng bay đen bầu trời như chuồn chuồn trước khi mưa, quần đảo suốt ngày. Chúng chốt đại bác ở khắp nơi, mỗi cụm có từ hai đến sáu khẩu pháo, có cả loại 155mm; có cả đạn pháo dũi, nổ với tốc độ nhanh; lúc máy bay ngớt là chúng thả bom, pháo bắn vang trời, dậy đất. Ở cách xa ba chục cây số, nghe tiếng nổ là đạn pháo đã tới đích rồi. Hằng ngày, ba thứ này gầm rú, xé nát không gian, uy hiếp tinh thần, hủy diệt cuộc sống của người dân…

Trong khi đó, phía ta, ngày 2-9-1965, tại khu rừng Bà Bơi, Bók Tới, Hoài Ân, lần đầu tiên Trung ương thành lập ở Bình Định một đơn vị quân chủ lực đó là sư đoàn 3 Sao vàng. Khung nòng cốt là cán bộ miền Bắc vào, tân binh là lực lượng thanh niên địa phương, do Đại tá Lư Giang làm Sư trưởng đầu tiên. Từ đây, sư đoàn 3 đã trở thành niềm tin và luôn gắn bó máu thịt với quân dân Bình Định cho đến hết cuộc chiến tranh.

Với quân đông và ưu thế về hoả lực, địch đã gây cho ta những tổn thất lớn. Với chính sách “tam quang”: đánh phá sạch cả ba vùng miền núi, đồng bằng và ven biển, vừa đặt chân lên chiến trường Bình Định, quân Mỹ và Nam Triều Tiên đã mở ngay những cuộc càn quét, đánh phá, tiến hành hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu.

Hàng ngày, hàng tuần, những tin tức dồn dập về các trận đánh, cuộc càn quét của địch làm đau lòng anh em ta.

- Hôm qua, ngày 5-9-1965, tại thôn Vinh Quang, Phước Sơn, Tuy Phước, một tiểu đòan lính Mỹ mở cuộc càn quét, phun bốn mươi tám bình hơi độc xuống hầm tránh pháo của đồng bào, làm chết ba mươi lăm người, bị ngộ độc nặng mười chín người, trong đó có hai mươi sáu phụ nữ và bốn mươi tám trẻ em; có gia đình chết hết cả bảy người...

- Hôm qua, ngày15-10-1965, sư Mãnh Hổ đã càn quét Nhơn Mỹ, An Nhơn giết một lúc hơn ba mươi đồng bào rồi chôn chung một hố… giở trò hãm hiếp hai mươi phụ nữ…

- Hôm qua, 22 - 12- 1965, tại Tân Giảng, Phước Hoà (tuy Phước), bọn lính Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Mãnh Hổ đã sát hại một lúc năm mươi đồng bào; chị Hồng mới sinh con được hai ngày bị chúng hãm hiếp rồi bắn chết; chị Chút bị chúng đánh truỵ thai; chúng bắt một trẻ sơ sinh cắt đầu quăng vào bụi, thân em bé bị chúng xé làm hai mảnh … 

- Hôm qua, 31 tháng 12, cũng bọn lính Nam Triều Tiên dồn dân BìnhThành, Tây Sơn ra giữa sông Kôn rồi thi nhau nhả đạn, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông; sau đó chúng gọi máy bay đến ném bom, không cho đồng bào đến cứu…

- Hôm qua, 10-1-1966, tại Kim Tài, xã Nhơn Phong (An Nhơn), bọn lính Nam Triều Tiên lại gây tội ác. Bọn chúng dồn hàng chục đồng bào vào một ngôi nhà, ném lựu đạn giết chết rồi châm lửa đốt…

- Hôm qua, 5-2-1966, tại Thuận Đức, Nhơn Mỹ (An Nhơn), địch giết sạch hai gia đình mười hai người, làm nhục bảy phụ nữ rồi thiêu sống; có ba phụ nữ đi chợ gần sân bay Gò Quánh bị bọn lính sư Mãnh Hổ bắt, hãm hiếp rồi cắt đầu các chị cắm vào cọc phơi nắng…

- Cũng hôm qua, ở thôn Tư Cung, Phước Thắng (Tuy Phước), bọn lính Nam Triều Tiên đi càn, bắt năm gia đình tập trung, bắn chết không sót một người…

- Cũng vào hôm qua, tại Cát Thắng (Phù Cát), cũng bọn lính Nam Triều Tiên đã tàn sát tập thể một trăm chín mươi ba người, trong đó phần lớn cụ già, phụ nữ và trẻ em…

 - Tội ác chất chồng tội ác. Tại Bình An huyện Tây Sơn, trong các ngày 12- 12-1965, 26 và 28-2-1966 và 8-4-1966, bọn lính Nam Triều Tiên đã giết chết một ngàn, hai mươi tám đồng bào ta, trong đó ở xóm An Khánh và xóm Giữa chúng giết một lúc ba trăm năm mươi hai người; và tàn sát đẫm máu ở Gò Dài một lúc ba trăm tám mươi người…  

Hôm qua… rồi hôm qua nữa … Những tin tức như thế về tội ác đẫm máu của lính Mỹ và bọn chư hầu Nam Triều Tiên dồn dập hàng ngày khiến chúng tôi từ lãnh đạo tỉnh đến các ngành, đoàn thể không ai không đau lòng nóng ruột, vừa đau thương vừa căm thù, vừa suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với nhân dân và quê hương.

Chỉ tính trong tháng 8-10-1965, chúng đã mở trên năm trăm trận càn, giết và làm bị thương ba nghìn hai trăm đồng bào ta. Và tính trong thời gian 1965 - 1966 chúng đã giết hại hàng ngàn người, đốt cháy hàng chục ngàn nóc nhà, tiêu hủy hàng ngàn tấn lương thực của nhân dân. Hàng trăm cánh đồng đã bị chúng dội bom napan và rải chất độc hoá học hủy diệt; chúng lùa xúc dân vào các ấp chiến lược, khu dồn, lập vành đai trắng ở các huyện phía Nam

Đau thương và căm thù, trong nhân dân bấy giờ đã có câu thề sắc tựa nhát dao “thề cùng giặc Mỹ có tao, không mày!”

Tình hình này đã đặt chúng tôi vào thời kỳ thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Đầu óc chúng tôi luôn luôn căng thẳng với hàng trăm câu hỏi: đánh Mỹ nguỵ bằng cách nào? Phương châm hai chân ba mũi có còn dùng được không? Mỹ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, vũ khí rất hiện đại, ta làm sao đánh chúng?vv và vv…

Phía Mỹ, chúng lại rất chú trọng đến chiến tranh tâm lý. Một mặt chúng phô trương sức mạnh kinh tế, quân sự cùng lối sống Mỹ, gieo rắc tư tưởng sợ Mỹ, gờm Nam Triều Tiên; đồng thời tăng cường chiêu hồi, chiêu hàng các lực lượng ta, thực hiện ly gián giữa Đảng với nhân dân…

Tình thế này, có phải là ta đang trong thế “châu chấu đá xe?”…

Ngày đêm chúng tôi bàn bạc, nghiên cứu. Những khuôn mặt không còn lưu lại chút gì vẻ tươi tắn của những ngày mở ra, mà chỉ còn hằn sâu nét khắc khổ. Đêm trăn trở trên cánh võng, lòng tôi càng rối bời, canh cánh nỗi lo “Có phải là ta đang ở trong thế châu chấu đá xe?” Và rồi chính trong câu ca lại mở tiếp lời giải đáp cho tôi “Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!”

Ý nghĩ đó như ánh sáng loé lên trong đầu, làm tôi nhớ lại chỉ thị của trên nhận định “địch hiện nay như gà mắc tóc” và kêu gọi “ cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam!”.Tôi nghĩ, tuy chỉ thị đó ban ra trước lúc tình hình có những bước chuyển mới, phần nhận định không còn phù hợp nữa nhưng phần kêu gọi là sức mạnh. Và chuyện “xe nghiêng” trong lúc này vẫn là chuyện có thể !

Trước đòi hỏi bức bách của tình hình mới, đoàn cán bộ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu do đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu V đã kịp thời về Bình Định, truyền đạt chủ trương của Khu ủy, ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng và Bộ tư lệnh quân khu qua cuộc vận động “Nhà nhà đón thư Đảng bàn việc đánh Mỹ, cứu nước” và phát động phong trào “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đồng chí Tư lệnh đã cùng chúng tôi bàn kế hoạch đánh Mỹ và kịp thời giải đáp một số băn khoăn, lo lắng của cán bộ chiến sĩ. Ý kiến gợi mở của đồng chí rất hợp với chủ trương chỉ đạo của chúng tôi trong các vấn đề về phương án giữ vững vùng làm chủ, bám dân hoạt động, chiến thuật đánh trực thăng vận… 

Tỉnh ủy tổ chức liên tiếp hai cuộc họp mở rộng vào giữa và cuối năm 1965. Các cuộc họp này đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao đánh Mỹ, thực hiện Lời kêu gọi ngày 20-7-1965 của Hồ Chủ Tịch: “Dù phải chiến đấu năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!”, và Tỉnh ủy chủ trương “Ra sức tiến công địch bằng ba mũi giáp công ở ba vùng chiến lược, nhằm đập tan kế hoạch phản công của địch, kiên quyết giữ vững vùng giải phóng…”; đồng thời đối với lực lượng vũ trang phải phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”.

Lòng chúng tôi sục sôi với tinh thần bất kỳ khó khăn nào cũng vượt qua, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cấp bách trước mắt, bất di bất dịch là “giữ vững vùng giải phóng!”

Tôi còn nhớ hôm đồng chí Thượng tướng Chu Huy Mân xuống thăm tiểu đoàn 50, trong cuộc gặp gỡ thân tình, nhiều anh em rất vui khi được đến chào và bắt tay đồng chí Tư lệnh quân khu. Trong lúc vui vẻ, anh Chu Huy Mân cười cười ghé tai nói nhỏ với anh Dũng: “Tư lệnh gì mà cứ củ sắn với mắm cái ăn miết”.

Câu nói đùa của anh có ý “tự giễu” mình cho vui với anh em, khiến tôi càng nghĩ càng thương anh và anh em bộ đội quân khu bám hết chiến trường này sang chiến trường nọ, hết trận đánh này sang trận đánh khác, cuộc sống gian khổ và ác liệt vô cùng. Lần đó, tôi bàn với anh Khanh, bí thư Tỉnh ủy, vận động từ các nguồn gửi ra, hỗ trợ cho quân khu được ba tấn gạo.

Trong khi tinh thần quyết tâm đánh Mỹ của anh em lên rất cao thì thực tế lại có những vấn đề mới nảy sinh, đó là trường hợp phải đối phó với lính Nam Triều Tiên.

Khi bọn chúng càn quét, nống lấn vùng giải phóng, ta phát động đồng bào đấu tranh, chúng đã tàn sát người dân rất thảm khốc. Lực lượng vũ trang của ta đánh, tiêu diệt bọn lính Nam Triều Tiên. Sau khi ta rút đi chúng lại mở tiếp các cuộc càn quét, lùng sục, giết hại người dân dã man hơn, tàn bạo hơn. Cách giết người của chúng rất dã man như dùng lưỡi lê mổ bụng, moi gan, bắn hàng loạt, cắt cổ phơi đầu giữa chợ…

Một lần, quân Nam Triều Tiên càn quét vùng Tân Giảng (Phước Hoà, Tuy Phước), lực lượng ta đánh chúng rồi rút, trong làng còn sáu mươi người dân, bọn địch tấn công trở lại, xả súng và lựu đạn tàn sát hết số người còn lại, chỉ còn sót một cháu nhỏ ba tuổi đang nằm trên bụng mẹ.   

Đây là lần đầu tiên sư Mãnh Hổ tàn sát dân Tân Giảng, ta đã tố cáo vụ này với thế giới. Cách của chúng là cứ giết hết dân, làm cho ta thật đau đầu và nan giải. Còn dân, sau khi bị tàn sát, bà con càng hoảng sợ, chạy dạt hết vào vùng địch, bỏ lại xóm làng hoang vắng, ta mất cơ sở. Tình thế này biết làm sao? Chẳng lẽø phương châm ba mũi giáp công bị bế tắc?

Chúng tôi đã phải cân nhắc giữa việc sử dụng vũ trang và đấu tranh chính trị. Đã có những ý kiến nêu:

- Hay là lựïc lượng vũ trang đừng đánh nữa, chỉ đấu tranh chính trị thôi; ta chỉ diệt ác ôn, để giữ dân?

- Có thể làm thế được không? Nếu địch đến càn quét, giết hại dân lành mà ta không đánh chúng để bảo vệ dân, thì còn gì là lực lượng cách mạng?

- Nếu không đánh địch, thủ tiêu đấu tranh thì quần chúng sẽ mất niềm tin vào cách mạng! vậy thì làm sao?…

Cuối năm 1965, đầu năm 1966, tình hình rất gay go. Bộ binh địch liên tục lấn chiếm các vùng giải phóng. Chúng phân tán lực lượng chủ lực, đi sâu càn quét tiêu diệt du kích của ta, duỗi dân ra, lấn dần rồi nống ép ta; chúng tàn sát dân, dân bỏ chạy, làm cách mạng mất chỗ dựa. Với thủ đoạn thâm độc đó, chúng xúc tát dân, chiếm lần hồi hết các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh (An Nhơn) rồi Phước Thắng, Phước Hoà (Tuy Phước) các xã Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát)…

Chúng đánh, ta mất hai trăm năm mươi ngàn dân các vùng giải phóng, gây cho ta những tổn thất nặng nề. Bà con nhân dân hoảng sợ, kẻ chết, người còn bỏ nhà cửa, ruộng vườn chạy tứ tán. Các xã Phước Hoà, Phước Thắng, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Cát Chánh, Cát Thắng trở thành những vùng trắng dân. Trong khi quần chúng giãn thì chính quyền, du kích làng, xã một số hoang mang, chiêu hồi… Tình hình thật nan giải, thực tế bị đảo ngược - ta lúc bấy giờ lại “như gà mắc tóc” (!?)

Trong cuộc họp Tỉnh ủy, không khí chung nặng nề, bao trùm là sự lo lắng, nhưng “chỉ đạo phong trào làm sao?” thì lại rất bí. Các ý kiến phát biểu cũng chỉ nói chung chung, chưa nêu ra được hành động cụ thể. Tuy nhiên qua bàn thảo, Tỉnh ủy đã có hướng chỉ đạo được một số điểm, như đối với vùng bàn đạp quan trọng của tỉnh, xã Cát Hanh… ta không dùng vũ trang; du kích không đánh trong làng, mà chỉ đánh địch nơi xa dân; tránh đánh chúng trong làng vì sợ địch lấy cớ trả thù, trở lại càn quét, giết dân. Vì vậy phương thức đấu tranh thích hợp lúc này chính là phát huy sức mạnh của quần chúng, tiến công chính trị và binh vận đối với quân Mỹ và Nam Triều Tiên để giữ quyền đấu tranh hợp pháp lâu dài của dân...

Đối với thôn Hưng Thạnh là vùng bàn đạp lõm của ta, chỉ đạo của tỉnh là bằng bất cứ giá nào ta cũng phải trụ lại, dù chưa thể đánh Quy Nhơn. Để bảo vệ căn cứ, ta không đánh địch ở vùng này, chủ yếu lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị, diệt ác ôn, giữ dân làm chủ địa bàn...

Qua hướng chỉ đạo trên, thực tế ở Cát Hanh, ta đã dùng đấu tranh chính trị đạt thắng lợi. Khi quân Nam Triều Tiên đi càn, lực lượng vũ trang ta “chịu lùi một bước” không đánh chúng trong làng. Nhưng ta phát động quần chúng đấu tranh chính trị. Những cuộc đấu tranh chính trị với hàng trăm, hàng ngàn đồng bào chống càn quét, cướp bóc, chống hãm hiếp phụ nữ nổ ra rầm rộ.

Có lần trước tội ác của bọn lính Nam Triềâu Tiên hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết, nhiều phụ nữ uất ức quá, có mấy chị chủ ý mặc áo dài nhưng không mặc quần, nhập vào đoàn người đưa người bị hại ra đấu tranh, đòi bồi thường nhân mạng... Bọn lính Nam Triều Tiên hùng hùng hổ hổ, nhưng trước làn sóng căm thù của nhân dân và hình thức “đấu tranh quyết liệt” có một không hai này của Phụ nữ Cát Hanh, chúng bị vạch mặt, nhiều tên phải cúi mặt, xấu hổ. Cuối cùng tên chỉ huy phải sợ, xuống nước:

- Các bà mặc quần vô nói chuyện, ở truồng không nói chuyện được.

Sau chúng phải chấp nhận thực hiện các yêu cầu của đoàn biểu tình đưa ra “không được dồn dân và đuổi dân ra khỏi xóm; không được bắn pháo, lùng sục vào ban đêm và phải bồi thường nhân mạng”; đồng thời hứa kỷ luật bọn lính gây tội ác.

Nhiều cuộc đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài và nhân dân ta đạt hiệu quả rõ rệt. Qua đó ta rút ra một điều là: đấu tranh chính trị có khả năng ngăn chặn được phần nào đối với lực lượng Nam Triều Tiên.

Từ đó, hễ cứ thấy bọn địch càn ở đâu là bà con, chị em phụ nữ lại nhanh chóng tập hợp, hàng đoàn người kéo đến hô khẩu hiệu, đấu tranh; quần chúng tố giác lính quốc gia, lính Nam Triều Tiên hiếp dâm, càn quét tàn phá xóm làng, phá hoại cuộc sống của người dân…

Nhờ đó, ta giữ vững địa bàn, làm chủ được xã Cát Hanh, giữ được cơ sở làm bàn đạp của cách mạng lâu dài. Nhiều nơi khác, học tập kinh nghiệm đấu tranh chính trị của Cát Hanh, cũng đã có thêm nhiều sáng tạo đã làm cho phương thức đấu tranh chính trị trở thành một vũ khí ngày càng sắc bén.

Khi vừa đặt chân lên chiến trường Bình Định, bọn viễn chinh Mỹ cũng đã hùng hổ ra quân “tìm diệt” chủ lực của ta. Nhưng với tinh thần “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân dân ta đã sẵn sàng giáng trả chúng những đòn đích đáng.

Hai trận khá tiêu biểu trong giai đoạn đầu chống Mỹ, đó là trận thôn Thuận Ninh ở Bình Khê (tháng 9-1965) và trận thôn Hội Sơn ở Phù Cát (tháng 10 - 1965). Chúng đã sử dụng trong mỗi trận sáu, bảy chục máy bay lên thẳng, thả hàng ngàn quân càn quét hòng ăn tươi nuốt sống chủ lực ta, nhưng với thế trận chiến tranh nhân dân, các cuộc hành quân này của địch đều bị quân dân ta bẻ gãy, hàng trăm tên Mỹ bị diệt, hàng chục máy bay bị bắn rơi…

Những tin thắng trận đó đã góp phần cổ vũ tinh thần của quân và dân ta quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là bằng chứng hùng hồn trả lời cho những băn khoăn của phong trào cách mạng, chứùng tỏ với thế trận chiến tranh nhân dân, ta có khả đánh bại quân Mỹ mặc dù chúng hơn hẳn ta, chiếm ưu thế về quân số và hoả lực; càng củng cố thêm quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của chúng tôi…

Và từ đó quân và dân ta đã liên tiếp kiên cường đương đầu với cuộc chiến tranh cục bộ tàn bạo, ác liệt của Mỹ-nguỵ, trong đó có trận đánh dài ngày đầu tiên vào cuối tháng 1- 1966.

Mùa khô 1965-1966, Mỹ nguỵ mở cuộc phản công chiến lược lớn nhất từ trước đến giờ nhằm “tìm diệt” quân chủ lực của ta và giành thế mạnh trên chiến trường. Cuộc phản công chiến lược này mang cái tên “chiến dịch năm mũi tên” do tướng Ha ri Ki-na, sư trưởng sư đoàn kỵ binh không vận số 1 trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân này.

Cuối tháng 1 năm 1966, tại phía Bắc Bình Định chúng mở liên tiếp ba cuộc hành quân vào các huyện Hoài Nhơn, An Lão và Hoài Aân với cái tên cuộc hành quân “Kẻ nghiền nát”, cái tên mà những người yếu bóng vía mới nghe qua cũng phát khiếp. Với hai vạn quân trong hai mươi mốt tiểu đoàn, gồm sư đoàn không vận số 1 Mỹ, sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, hai chiến đoàn nhảy dù nguỵ, mở cuộc hành quân nhằm tiêu diệt sư đoàn 3 và “bình định” cho được khu vực phía Bắc Bình Định. Trong hơn mười ngày đêm liên tục chiến đấu, với thế trận chiến tranh nhân dân, quân và dân ta ở phía bắc tỉnh sát cánh cùng bộ đội chủ lực sư đoàn 3 đã kiên cường giết chết và làm bị thương hàng ngàn lính Mỹ, nguỵ; bắn rơi, phá hủy, phá hỏng cả trăm máy bay lên thẳng…

Sau thất bại này ở Bắc Bình Định, tướng Hari Ki-na, tư lệnh cuộc hành quân đã bị cách chức.

Phối hợp với cuộc chiến đấu ởù phía Bắc, du kích và bộ đội địa phương các huyện phía Nam tiến công các căn cứ, trận địa pháo, sân bay lên thẳng ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, phục kích các đoàn xe tiếp tế của quân Mỹ trên đường số 1….

Với hơn bốn mươi ngày đêm chiến đấu, quân và dân Bình Định đã tiêu diệt gần bảy ngàn tên địch trong đó có năm ngàn lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên, góp phần cùng quân dân toàn khu V phá tan kế hoạch “tìm, diệt” của Mỹ nguỵ.

Bị thiệt hại nặng, Mỹ phải chấm dứt cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất sớm hơn dự định.

Ngay sau đó, ngày 22 tháng 3-1966, Tỉnh ủy đã họp mở rộng kịp thời phát huy thắng lợi, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh ba mũi giáp công và coi nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn đảng bộ là “chống càn quét, lấn chiếm”.

Trong đông -xuân 1966-1967, lực lượng ta phải liên tục chiến đấu chống lại trêân một trăm cuộc càn quét của địch, trong đó có hai trận càn trên một sư đoàn. Điển hình là cuộc hành quân “đại bàng 180”, chúng huy động lực lượng gồm sư đoàn Mãnh Hổ, lữ đoàn Rồng Xanh Nam Triều Tiên cùng với lực lượng của sư 22 nguỵ và sư đoàn Không vận số 1 Mỹ đánh phá kéo dài một tháng vùng đồng bằng Khu Đông, bao vây lực lượng ta ở Núi Bà, lùng sục khắp nơi để “lật đá bắt cộng sản”.

Tôi vàø hàng trăm anh em cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 50, một đại đội đặc công và một bộ phận trợ chiến cũng bị chúng vây trong cuộc càn dài ngày và ác liệt này. Sau mười hai ngày phải mưu trí đánh địch, luồn lách qua mạng lưới đóng quân bao vây dày đặc của chúng, vừa phải chống chọi với cái đói, khát, cùng bom đạn địch chực cướp đi sinh mạng của mình bất cứ lúc nào, anh em chúng tôi mới thoát được vòng vây của địch; đi mười mấy còn về được hai, ba.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một trong những địa phương bị tổn thất nhiều nhất của Bình Định là huyện An Lão. Năm 1961, chúng đã tàn sát đẫm máu cả làng Đá Bàn. Trong thời kỳ 1965-1966 An Lão bị tổn thất do các cuộc càn quét, do chất độïc hoá học huỷ diệt, người dân chết đói vô số kể; chúng tôi phải đưa lên Vĩnh Thạnh nuôi dưỡng cả trăm em bé mồ côi… Dân An Lão từ năm nghìn người sau chỉ còn trên hai nghìn, mất đến nửa số dân.

Đánh Mỹ! - đây là một cuộc chiến đấu không cân sức!

Anh em cán bộ, chiến sĩ ta đã phải chịu đựng biết bao gian khổ, đau thương, mất mát; luôn luôn phải đối diện với cái chết nhưng vẫn một lòng kiên cường, dũng cảm chiến đấu dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng với quyết tâm “Đánh Mỹ! Thắng Mỹ!”… để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (16/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (12/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (10/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (08/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (05/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (04/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (02/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (29/03/2007)
Cùng bạn đọc   (28/03/2007)